Trong cái khó ló cái khôn

Sau 6 năm là cán bộ giảng dạy tại Khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Đình Anh được cử sang Liên Xô để làm thực tập sinh về điều khiển tự động – một chuyên ngành hoàn toàn mới mẻ với ông. Ông được trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (MEI, Liên Xô) nhận vào học, nhưng chỉ nhận đào tạo nghiên cứu sinh, không nhận thực tập sinh. Ông “đánh liều” đi làm nghiên cứu sinh ở một trường đại học lớn của Liên Xô, với vốn tiếng Nga ít ỏi học trong nước và vốn kiến thức về chuyên ngành gần bằng không. Nhớ lại tâm trạng khi nhận nhiệm vụ, ông nói: “Lúc đó trong lòng tôi rất lo lắng vì nghe nói các giáo sư của trường Năng lượng Mátxcơva rất nghiêm khắc với nghiên cứu sinh, và đã có nhiều nghiên cứu sinh phải gia hạn hoặc phải về nước mà không bảo vệ được luận án”.

Tuy vậy, với ý chí quyết tâm cao, Lê Đình Anh hi vọng nếu không làm được nghiên cứu sinh thì cũng cố gắng tìm hiểu được về Điều khiển tự động trước khi về nước. Do đó ông đã nỗ lực học tiếng Nga (xung phong làm Đơn vị trưởng Đơn vị lưu học sinh Việt Nam ở trường MEI để có điều kiện trau dồi tiếng Nga qua công tác đối ngoại), đồng thời cố gắng học tập nghiên cứu theo gợi ý của thầy hướng dẫn. Và trong hoàn cảnh bí bách ấy, trong cái khó ló cái khôn, ông đã viết được một bài báo về Điều khiển tự động, được đăng ở tạp chí “Abtomatika i Telemechanika” của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ý tưởng và nội dung bài báo này đã giúp ông hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ đúng thời hạn và học thêm nhiều kiến thức về điều khiển tự động hữu ích.

Ngay trong buổi làm việc đầu tiên với chúng tôi, PGS.TS Lê Đình Anh tặng lại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam bài báo làm nên bước ngoặt  trong đời ông cùng bức ảnh ông đang nghiên cứu tại Liên Xô và cả tập giáo án viết tay về ngôn ngữ lập trình và hệ thống điều khiển thông minh ông đã sử dụng trong thời gian qua.

 
Nghiên cứu sinh Lê Đình Anh tại Trung tâm máy tính của trường MEI, 1971

 Một trang trong tập giáo án về Hệ thống điều khiển thông minh

Hiện nay, PGS.TS Lê Đình Anh đã nghỉ giảng dạy nhưng ông vẫn say sưa nói về công việc dạy học. Theo ông, trong nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ rất quan trọng, thầy giáo các ngành kỹ thuật không thể thiếu: thứ nhất ngoại ngữ tiếng Anh, thứ hai là ngôn ngữ lập trình để giao tiếp với máy tính.

PGS.TS Lê Đình Anh sinh năm 1939, quê Nam Định. Ông từng là cán bộ giảng dạy bộ môn Điện khí hóa và bộ môn Điều khiển tự động, trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Chủ nhiệm bộ môn Điều khiển tự động, Khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trần Bích Hạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam