Ba điều ước của Trung tướng Trương Khánh Châu

Trung tướng Trương Khánh Châu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và là nhà khoa học từng có 60 năm gắn bó với ngành kỹ thuật quân đội. Từ một người lính thợ quân giới, với lòng đam mê nghiên cứu, tìm tòi, ông đã có nhiều công trình, sáng kiến phục vụ đất nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1973), được Viện hàn lâm khoa học Hàng không và Vũ trụ Liên bang Nga phong danh hiệu Viện sĩ (năm 2002).

Chàng “nhạc công” và ba điều ước

Là người con được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê bên sông Hậu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), Trương Khánh Châu tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi và công tác trong Tỉnh đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Long Châu Hậu. Một năm sau, ông tham gia chiến đấu ở địa phương rồi về công tác ở Tỉnh đội Hà Tiên. Đầu năm 1952, Trường Kỹ thuật Nam Bộ có đợt chiêu sinh học viên vào học, vốn đam mê kỹ thuật nên ông đã xin đi thi “để làm thợ phục vụ kháng chiến” như có lần ông bày tỏ với Chỉ huy Tỉnh đội Tám Lăng.

Ra trường, ông trở thành thợ nguội của Binh công xưởng A41 miền Tây Nam Bộ. Trong thời gian hơn hai năm ở đây, ngoài công việc rèn, tiện, sửa chữa những khẩu súng gãy báng, hỏng cò… chàng lính thợ Trương Khánh Châu còn có thêm một “biệt tài” khác là chơi kèn cla-ri-nét. Chuyện là, vào một buổi chiều, ông và đồng đội trong xưởng được giao nhiệm vụ vào rừng kiếm củi. Đi sâu vào rừng, mọi người chợt phát hiện tại một kho khí tài có chứa rất nhiều nhạc cụ. Qua tìm hiểu, được biết đó là những nhạc cụ do ta thu được của Pháp. Thế là mỗi người chọn một loại nhạc cụ về chơi, ông cũng lựa lấy một chiếc kèn cla-ri-nét. Lúc rảnh rỗi, ông lặn lội bơi thuyền sang vùng quê cách đó mấy làng tìm người dạy, để rồi sau một tuần, ông đã biết sử dụng loại kèn này. Ông bảo, chính vì những lần thổi kèn ấy mà sau này ông đã trở thành nhạc công của Đoàn văn công Quân giới miền Tây.

Trung tướng Trương Khánh Châu phát biểu tại Hội thảo “Lịch sử ngành kỹ thuật QĐND Việt Nam 1975-2005” (tháng 2-2011). Ảnh tư liệu.

Một hôm, khi biết tin cậu con trai chuẩn bị ra Bắc tập kết, má ông đã lặn lội từ Châu Đốc xuống Bạc Liêu thăm con. Dọc vùng sông nước, má ông nghe bài “Hồn tử sĩ” từ chiếc kèn cla-ri-nét, lại gần, bà mới hay con trai mình chính là người thổi những giai điệu gai người ấy. Đợi cho Hai Châu thổi hết bài, bà mới gọi lại, hỏi: “Nè, ba má tưởng con đi kháng chiến làm việc gì, hóa ra là đi… thổi kèn hả?”, rồi bà bảo: “Ra Bắc, con làm gì thì làm, nhất định là không được thổi kèn, sức con yếu lắm, đâu có hơi mà thổi!”.

Nghe lời má dặn, ông tự hứa với mình là khi ra Bắc sẽ cố gắng đạt ba điều ước: Được gặp Bác Hồ, được học văn hóa và phấn đấu trở thành thợ bậc cao để phục vụ đất nước. Chính vì những điều ước ấy mà năm 1955, khi ra Bắc và trở thành thợ đặc thiết ở Sân bay Gia Lâm, biết “tiếng tăm” về tài thổi kèn của ông, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã cho người tới mời ông về làm nhạc công, lần ấy, ông phải từ chối mãi…

Thời gian công tác ở Sân bay Gia Lâm, ông vừa tranh thủ học bổ túc văn hóa, vừa đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến phục vụ chiến đấu và huấn luyện. Ông kể rằng, sáng kiến cải tiến hệ thống phanh cho máy bay AN-2 chính là thành công bước đầu của mình. Ông kể: “Khi đó, tôi thấy AN-2 có bất hợp lý là làm máy bay huấn luyện thì chỉ có cần phanh bên vị trí của phi công chính, tôi đã mày mò thử nghiệm rồi trong 7 ngày hoàn thành việc cải tiến hệ thống phanh, giúp cho cả hai phi công đều có thể sử dụng được”.

Từ sáng kiến đó, ông được đi báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua của Cục Không quân. Lần này, ông đã vinh dự đạt được những điều ước mà bấy lâu từng ấp ủ. Hôm ấy, sau khi nghe báo cáo, Cục trưởng Đặng Tính hỏi ông:

– Cậu tính toán thế nào mà có được cải tiến như vậy?

– Báo cáo thủ trưởng, em chỉ làm theo kinh nghiệm-ông thật thà bộc bạch.

– Cậu học hết lớp mấy rồi?

– Dạ, trước khi tập kết em mới có trình độ lớp 5, ra Bắc, em tranh thủ học bổ túc buổi tối nên đã đạt trình độ lớp 7.

Bác Hồ nghe chuyện, bảo: “Cháu này ở miền Nam mà cần cù, ham học như vậy là tốt, các chú nên tạo điều kiện cho cháu nó được đi học tiếp”.

Sau đó, ông được Cục Không quân gửi lên Lạng Sơn học tại Trường Văn hóa của Quân đội, rồi được cử sang Liên Xô học tại Đại học Hàng không Ki-ép.

Hai điều trăn trở trong đời làm khoa học

Về nước vào thời điểm không quân Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, kỹ sư Trương Khánh Châu được cử làm Phó phòng Máy bay-Động cơ, thuộc Cục Kỹ thuật không quân. Một lần, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân Lê Văn Tri gọi ông lên, bảo: “Địch đang sử dụng C-130 đánh phá tuyến vận tải vào Nam của ta, cậu thử nghiên cứu cải tiến xem có loại máy bay nào bay được xa để đối phó với không quân địch”. Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, kỹ sư Trương Khánh Châu đã mày mò nghiên cứu và sau một tuần, ông cùng đồng đội đã tiến hành lấy giá rốc-két của máy bay MIG-19 lắp sang máy bay L-29, một loại máy bay có hai buồng lái do Tiệp Khắc viện trợ. Mỗi bên cánh của chiếc L-29 được lắp thêm 2 quả tên lửa. Ông cho biết: “Sau khi thử nghiệm, hai chiếc L-29 được cải tiến thành công và đưa vào phục kích ở Sân bay Đồng Hới làm nhiệm vụ truy đuổi C-130 của không quân Mỹ. Địch rất bất ngờ, không hiểu chúng đang phải đối phó với loại máy bay gì, và một thời gian dài sau đó, miền Bắc cũng tranh thủ vận chuyển được nhiều vũ khí, hàng hóa vào chi viện cho chiến trường miền Nam”.

Không chỉ có nhiều sáng kiến cải tiến phục vụ huấn luyện và chiến đấu, kỹ sư Trương Khánh Châu còn mở các lớp kỹ thuật để giảng dạy và trực tiếp biên soạn nhiều tài liệu liên quan đến quy trình sửa chữa, chế tạo máy bay… Với những đóng góp, sáng tạo của mình, ông liên tiếp nhận được những tin vui: Được tiếp tục đi học và làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 31-3-1973.

Trung tướng Trương Khánh Châu bảo rằng, trong cuộc đời làm khoa học của mình, ông luôn trăn trở hai điều: Một là làm gì cũng phải có điều lệ, hai là phải luôn chú trọng tới công nghệ, bởi nhiều nhà khoa học thường chỉ chú trọng vào nghiên cứu lý thuyết mà không chú trọng tới công nghệ để làm ra sản phẩm. Chính vì thế mà năm 1990, khi về nhận nhiệm vụ Phó chủ nhiệm thứ nhất Tổng cục Kỹ thuật, ông nhận thấy ngành mình chưa xây dựng được Điều lệ công tác kỹ thuật để đưa hoạt động công tác kỹ thuật vào nền nếp chính quy, thống nhất ở mọi cấp. “Tôi đặt vấn đề nghiên cứu xây dựng Điều lệ công tác kỹ thuật với Chủ nhiệm Tổng cục Đào Đình Luyện. Đồng chí Đào Đình Luyện bảo tôi: “Anh làm công tác kỹ thuật thì viết điều lệ sao được”. Tôi cười, bảo: “Khi ở không quân, tôi đã từng viết Điều lệ công tác kỹ thuật rồi, anh không lo”. Thế là chúng tôi thống nhất chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn điều lệ và tháng 3-1996, Bộ trưởng Đoàn Khuê đã ký Quyết định ban hành Điều lệ công tác kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của ngành kỹ thuật quân đội”, Trung tướng Trương Khánh Châu kể.

Thành công nhờ “hậu phương” vững chắc

Kể từ lúc là lính thợ quân giới cho tới khi gia nhập lực lượng không quân, do bận công tác mà mãi tới năm 1966, khi đã ngoài 30 tuổi, ông Trương Khánh Châu mới lập gia đình với một cô gái Hà Nội là công nhân của Nhà máy Chế tạo biến thế. Nhớ lại những tháng năm gian khó ấy, bà Nguyễn Thúy Lan-phu nhân của Trung tướng Trương Khánh Châu-chia sẻ: “Là người say mê khoa học nên chồng tôi có rất ít thời gian dành cho gia đình, vợ con. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, việc chăm sóc, nuôi dạy con cái rất khó khăn, vất vả, nhưng mãi rồi tôi cũng thấy quen”. Theo bà, giai đoạn vất vả nhất là khi bà mới sinh cô con gái đầu Trương Lan Phương. Ngày đó, gia đình chủ yếu dựa vào tháng lương của chồng, về nhà, bà phải tranh thủ làm thêm  nghề đan len.

Trung tướng Trương Khánh Châu và phu nhân. Ảnh do gia đình cung cấp.

Năm 1973, khi Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức trao danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho anh Châu, tôi chính là người lên… nhận thay anh ấy!”. Bà Lan xúc động nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 40 năm, khi chồng bà đang học ở Liên Xô nên không có mặt để nhận danh hiệu cao quý ấy. Đó là một ngày đầu tháng 4-1973, sau thời gian vất vả làm việc ở Nhà máy Chế tạo biến thế, cô công nhân Nguyễn Thúy Lan bất ngờ được xe ô tô của Quân chủng Phòng không-Không quân đón về cơ quan Bộ tư lệnh ở Bạch Mai. Một nách hai con thơ, bà Lan đành vội gửi cậu con trai thứ hai cho bà ngoại rồi bế cô con gái 5 tuổi đi cùng. “Từ phố Nguyễn Trường Tộ lên Bạch Mai, mẹ con tôi phải ngủ lại từ đêm trước để sáng hôm sau dự lễ đón. Hôm đó, nhà tôi chỉ có hai mẹ con đến nhận danh hiệu Anh hùng cho anh Châu, trong khi người thân của các gia đình khác đến quây quần rất đông. Tôi nhớ ngoài tấm bằng Anh hùng còn kèm theo gói quà là một chiếc chăn đơn màu cỏ úa, một hộp kẹo, một chiếc đồng hồ POLJOT”. Khi ấy, ở Liên Xô, chàng học viên Trương Khánh Châu cũng không khỏi ngỡ ngàng khi biết tin mình được phong danh hiệu Anh hùng. Niềm vui ấy được một người bạn Nga thông báo tới ông sau khi đọc tin trên tờ Sự thật của Liên Xô.

Ngồi ôn lại chuyện cũ, bà Lan bộc bạch, đằng sau nỗi vất vả phải chu toàn công việc gia đình và chăm sóc, dạy dỗ các con, bù lại, bà được tận hưởng niềm vui, niềm tự hào mà không phải người vợ nào cũng vinh dự có được. Nghe những lời tâm sự chân thành ấy, Trung tướng Trương Khánh Châu liền mỉm cười và bảo rằng, ông có được thành công trong sự nghiệp chính là nhờ người bạn đời, một “hậu phương” vững chắc, để ông có những bước trưởng thành từ một người lính thợ quân giới tới danh hiệu Viện sĩ hàn lâm hàng không vũ trụ Liên bang Nga.

Bùi Vũ Minh
Nguồn: www.sknc.qdnd.vn