Cuộc trò chuyện giữa GS Mai Quốc Liên và TS Sophie Quinn-Judge

Tiến sĩ Sophie Quinn-Judge thông thạo nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Việt. Bà đã trải qua hai năm làm việc với một cơ quan y tế tự nguyện và sau đó thường xuyên đến Việt Nam. Bà từng là phóng viên về vấn đề Xô – Á cho Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông (Far Eastern Economic Review) và cộng tác cho ấn phẩm Guardian (London); từng là Điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chiến tranh Lạnh trong Lịch sử Quốc tế Vụ tại Trường Kinh tế London.

Giáo sư Mai Quốc Liên, người đã thăm Đại học Temple vào năm 2007 và đã gặp bà Sophie Quinn-Judge ở đó, cũng như trong Hội thảo châu Á ở Boston (Mỹ), đã có cuộc trò chuyện thân mật với bà Sophie Quinn-Judge tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân dịp bà trở lại Việt Nam.

– GS Mai Quốc Liên: Chào chị Sophie. Tôi rất nhớ cuộc Hội thảo ở Boston và cuộc đi thăm Đại học Temple của chị, cùng với Tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn. Vợ chồng Giáo sư Alperson có được khỏe không? Tiến sĩ Nhàn lâu nay làm gì, không nghe tin tức? Còn chị, sau khi làm được nhà năm ấy, chắc giờ mới rỗi rãi đi nghiên cứu ở Việt Nam?

– TS Sophie Quinn-Judge: Cảm ơn anh, ông bà Giáo sư Alperson rất khỏe. Năm ngoái, ông dẫn đầu một đoàn Giáo sư giảng dạy về triết học phương Tây sang Hà Nội và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp kiến. Tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn đang dạy học ở New York và đang giám sát một dự án tại Hà Nội nhằm số hóa các tài liệu chữ Nôm. Ông mong muốn mở một cuộc Hội thảo về chữ Nôm nữa ở Việt Nam.

Còn tôi, nhận được một học bổng để nghiên cứu chủ đề “Lực lượng thứ 3 ở miền Nam Việt Nam” (trong chiến tranh trước năm 1975 ở Sài Gòn).

– GS Mai Quốc Liên: Thế chị đã gặp những ai, những nhân chứng ấy? Và tìm tài liệu ở đâu?

– TS Sophie Quinn-Judge: Tôi đã gặp ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Nguyễn Hữu Thái, ông Thích Đồng Bổn, nhà báo Trầm Hương. Còn tài liệu thì tôi đọc ở Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia II. Ở đây có lưu trữ rất nhiều tư liệu quý. Ngoài ra, tôi còn đọc báo ở Thư viện Khoa Học Tổng Hợp.

– GS Mai Quốc Liên: Chị định hoàn thành công trình này trong bao lâu?

– TS Sophie Quinn-Judge: Tôi hi vọng trong năm tới.

– GS Mai Quốc Liên: Lần này chị qua Việt Nam vào dịp Tết, chị có ấn tượng gì?

– TS Sophie Quinn-Judge: Lần này trở lại Việt Nam tôi rất vui. Tôi thấy nhiều hoa lắm, cây cối ven đường phố dường như lớn hơn, xanh hơn; mọc thêm nhiều tòa nhà cao tầng. Tôi vui mừng vì được đón Tết cổ truyền của Việt Nam với chính các bạn Việt Nam ở thủ đô Hà Nội, được ăn các món ăn ngày Tết. Đặc biệt, tôi còn được đi đến Hội An, nơi mà em gái tôi đang ở đó. Cùng với em ngắm biển Hội An. Biển đẹp làm cho tôi lưu luyến không muốn rời.

Khi vào Thành phố Hồ Chí Minh điều làm tôi vui mừng là được gặp lại những người bạn cũ, nhất là được cụ Nguyễn Quảng Tuân đưa đi thăm các chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy đất nước và con người Việt Nam rất đẹp. Tuy nhiên, có một điều làm tôi hơi ái ngại là giao thông ở đây không thuận lợi cho lắm, tình trạng kẹt xe khiến cho tôi ngán ngẩm mỗi khi ra đường. Theo tôi nghĩ, kẹt xe một phần cũng là do người dân tham gia giao thông không hiểu được rằng, người đi bộ có quyền băng qua đường khi có đèn xanh. Tuy nhiên, đường sá thì rất sạch sẽ.

Tôi ở một khách sạn ở đường Lê Thánh Tôn để ngày ngày có thể đi bộ qua Trung tâm Lưu Trữ Quốc Gia II và Thư viện Khoa học Tổng Hợp để tra cứu tài liệu. Đi bộ cũng là cách giúp cho tôi rèn luyện sức khỏe.

– GS Mai Quốc Liên: Tôi thấy ngày càng ít người Mỹ quan tâm đến Việt Nam học. Chiến tranh đã đi qua. Là Phó Giám đốc của Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Temple, chị thấy có triển vọng gì trong việc nghiên cứu Việt Nam? Có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh quan tâm đến Việt Nam không?

– TS Sophie Quinn-Judge: Năm 1992, Việt Nam học được mở rộng ở Mỹ, lúc đó sinh viên Mỹ qua Việt Nam nghiên cứu khá đông nhưng bây giờ chỉ có một số ít sinh viên thôi. Đại học Temple là một trong những nơi nghiên cứu về Việt Nam. Có một số người làm luận án tiến sĩ về chiến tranh Việt – Mỹ, một số quan tâm đến văn hóa Việt Nam… và tôi luôn mong rằng, trong tương lai sẽ có nhiều sinh viên Mỹ nghiên cứu về Việt Nam.

– GS Mai Quốc Liên: Sinh viên Mỹ nghiên cứu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… khá nhiều, trong khi nghiên cứu Việt Nam quá ít, theo chị thì vì sao?

– TS Sophie Quinn-Judge: Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn với một lịch sử lâu dài, nơi đó cung cấp cho sinh viên nhiều lựa chọn trong lĩnh vực nghiên cứu. Nhật bản từ lâu đã là một quốc gia hấp dẫn về học thuật đối với người Mỹ. Cũng có một truyền thống lâu đời của đề tài nghiên cứu Nhật Bản. Hàn Quốc hấp dẫn vì nhiều lý do – nhất là hiện nay có rất nhiều người Mỹ gốc Hàn muốn học ngôn ngữ mẹ đẻ. Một lý do khác nữa được đúc kết từ những sinh viên khoa quan hệ quốc tế đó là Hàn Quốc vẫn còn là một đất nước bị chia cắt, có nhiều rắc rối xảy ra. Cuối cùng, điều chúng ta cần phải nhớ về cách các sinh viên lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu của học là họ muốn tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

– GS Mai Quốc Liên: Vâng. Thời nào cũng thế, sinh viên luôn luôn nghĩ đến công việc sau khi tốt nghiệp. Chị từng nghiên cứu về Hồ Chí Minh…

– TS Sophie Quinn-Judge: Thế hệ của chúng tôi là thế hệ chiến tranh. Trong những năm 60-70, danh của Hồ Chí Minh đã được cả thế giới biết đến. Thế nên, cuộc đời, quan điểm… của Hồ Chí Minh thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, giai đoạn Hồ Chí Minh ở Liên Xô chưa được nhiều người biết đến.

Tôi có may mắn là đã được học tiếng Nga từ thời Trung học và Đại học tại Mỹ. Sau đó, tôi lại sống một thời gian dài ở Moskva từ năm 1986 đến năm 1992 nên có điều kiện nghiên cứu Quốc tế Cộng sản và hoạt động của Hồ Chí Minh khi ông ta ở đó. Kết quả là tôi cho ra đời công trình Hồ Chí Minh: The Missing Years (1919-1941), được dịch qua tiếng Việt là Hồ Chí Minh: những năm chưa biết đến (1919-1941).


GS Mai Quốc Liên và TS Sophie Quinn-Judge tại TP.HCM. Ảnh: HV.

– GS Mai Quốc Liên: Theo chị thì Hồ Chí Minh đã đến Mỹ mấy lần?

– TS Sophie Quinn-Judge: Vấn đề này còn chưa ngã ngũ, rất phức tạp. Những người viết sử trước đây thì cho rằng Hồ Chí Minh đã từng đến Mỹ năm 1912. Nhưng theo tôi được biết khi tra cứu tài liệu của Quốc tế Cộng sản thì Hồ Chí Minh có đến Mỹ thêm một lần nữa là năm 1917. Ông làm việc trong một gia đình người Mỹ ở New York.

– GS Mai Quốc Liên: Chị có thấy tiếc vì trước đây đã xảy ra chiến tranh giữa hai nước?

– TS Sophie Quinn-Judge: Tiếc lắm và buồn lắm!

– GS Mai Quốc Liên: Đó dường như là số phận lịch sử nhưng phần thiệt thòi là thuộc về chúng tôi. Thực sự, Mỹ không hiểu Việt Nam. Nếu hiểu lịch sử Việt Nam thì họ đã không phạm sai lầm đáng tiếc như vậy. Gần đây, tôi có đọc cuốn sách của Giáo sư Keith Taylor về cổ sử Việt Nam. Phải đi từ cội nguồn của lòng yêu nước Việt Nam từ thời xa xưa qua các thế kỷ để hiểu Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đang sa lầy ở Iraq và Afghanistan. Theo tôi thì Mỹ khó thắng trong cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan. Như chị biết đấy, Liên Xô ở gần Afghanistan như thế mà cũng rút đi…

– TS Sophie Quinn-Judge: Trước đó, Hội thảo hòa bình nếu thành công thì nhiều thứ đáng tiếc đã không diễn ra.

Tôi đồng ý rằng, cuộc chiến ở Iraq là một sai lầm lớn của chính quyền trước đây, dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm. Tôi nghĩ, cuộc chiến ở Afghanistan là một tình huống khác nữa – đây là kết quả của việc can thiệp bên ngoài tại Afghanistan trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX. Sau cuộc rút quân của Liên Xô vào năm 1989 đã có Liên Hiệp quốc bảo trợ cho tiến trình hòa bình, nhưng điều này đã không còn nữa kể từ sau năm 1992. Tôi nghĩ rằng, cộng đồng quốc tế vẫn có trách nhiệm để giúp đỡ Afghanistan khôi phục lại cuộc sống yên bình cho người dân – vấn đề được đặt ra là thực hiện việc này như thế nào để đừng bỏ qua các quyền của phụ nữ và quyền của các nhóm thiểu số.

– GS Mai Quốc Liên: Chị đã tận mắt chứng kiến sự suy thoái của kinh tế Mỹ, chị có cảm nghĩ như thế nào?

– TS Sophie Quinn-Judge: Một trong những hậu quả lâu dài đó là vấn đề thất nghiệp. Thất nghiệp sẽ ảnh hưởng lâu dài và không biết bao lâu sẽ chấm dứt vấn đề này. Rất nhiều công ty phải cắt giảm nhân viên; nhiều người trên 50 tuổi sẽ không có chỗ làm mới.

– GS Mai Quốc Liên: Vậy lương bổng của giáo sư ở Mỹ có bị ảnh hưởng nhiều không?

– TS Sophie Quinn-Judge: Một số trường đại học có giảm. Tùy theo môn học, Kinh tế, Luật, Y thì thu nhập cao còn những ngành như Lịch sử, Văn học, tiếng Pháp… thì ít hơn nhiều.

– GS Mai Quốc Liên: Thuế thu nhập cũng rất cao?

TS Sophie Quinn-Judge: Vâng, chúng tôi phải nộp thuế cho thành phố, cho tiểu bang, cho chính quyền liên bang tại Washington DC… nhiều thứ thuế lắm. Nhưng phải đóng thuế để có tiền mà xây dựng trường học, bệnh viện, đường sá…

– GS Mai Quốc Liên: Đất nước các bạn thì giàu có còn dân tộc tôi thì còn nghèo. Người dân chúng tôi rất hiền và luôn mong hòa bình, luôn mong không có chiến tranh. Chúng tôi sống theo tinh thần của đạo Phật là từ bi – hỷ xả… Chúng tôi luôn mong làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

– TS Sophie Quinn-Judge: Bây giờ người Mỹ qua đây nhiều với mong muốn một sự hòa bình, hòa hợp thật sự.

– GS Mai Quốc Liên: Chúng tôi cũng mong ngày càng có nhiều người Mỹ qua Việt Nam để thấy Việt Nam thực sự hồi sinh sau chiến tranh. Trung Quốc bây giờ đang trỗi dậy, chị có nhận thấy điều đó không?

– TS Sophie Quinn-Judge: Đúng thế, cách đây 15 năm, chúng tôi luôn nghĩ mình là superpower, number one… nhưng bây giờ nhiều thứ đã thay đổi.

– GS Mai Quốc Liên: Trung Quốc bây giờ đang vươn lên, trỗi dậy. Trung Quốc đang xuất siêu sang Mỹ và đang là chủ nợ của Mỹ.

– TS Sophie Quinn-Judge: Đúng là Trung Quốc đang trỗi dậy. Người Mỹ chúng tôi đã bị hàng hóa Trung Quốc làm cho “hư hỏng”, bởi “nghiện” hàng Trung Quốc vừa đẹp lại vừa rẻ.
Tôi xin hỏi một câu. Có phải thanh niên Việt Nam hiện nay chủ yếu nghĩ đến đời sống vật chất, như luôn quan tâm đến lương cao hay thấp. Còn đạo đức, lý tưởng thì sao? Nó được hình thành như thế nào trong thời đại ngày nay?

– GS Mai Quốc Liên: Thanh niên chúng tôi nhìn bề ngoài có thể chủ yếu là lo nghĩ đến vật chất vì đời sống của đa số người dân Việt Nam còn nghèo. Ở thành thị đời sống khá hơn, nhưng ở nông thôn nhiều nơi còn nghèo lắm. Bên cạnh đó, có một bộ phận thanh niên chỉ lo hưởng lạc, do họ được sinh ra trong gia đình quá giàu có mà phần lớn là nhờ tham nhũng hoặc làm ăn phi pháp. Nhưng đó chỉ là số ít, còn phần lớn thì thanh niên Việt Nam có tinh thần yêu nước rất cao, có những suy nghĩ, việc làm lành mạnh.

Khi có ngoại xâm, thanh niên chúng tôi có thể bỏ tất cả lợi ích cá nhân để bảo vệ đất nước, lý tưởng chung của dân tộc. Và điều này đã được chứng minh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc chúng tôi. Cũng xin nói thêm, vấn đề kinh tế thị trường làm cho xã hội sống động nhưng cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Văn hóa, đạo đức… xuống cấp, mà đáng lo nhất là trong tầng lớp thanh niên như chị nhận xét. Đây thật sự đang là nỗi lo của chúng tôi.

Bích Đào – Thiên Thanh

Nguồn: honvietquochoc.com.vn/Nhan-vat/Cuoc-tro-chuyen-giua-GS-Mai-Quoc-Lien-va-TS-Sophie.aspx