Ước muốn nghìn năm Thăng Long
Phóng viên: Là một nhà nghiên cứu kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, giáo sư muốn lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sẽ diễn ra thế nào?
Giáo sư Hoàng Đạo Kính: Tôi cho không phải thuần túy là lễ hội văn hóa, lịch sử theo kiểu kỷ niệm danh nhân ngày sinh ngày mất. Cái để lại không chỉ là lòng người, phim ảnh, sách vở mà phải để lại dấu ấn trên cơ thể thành phố.
Thưa, cụ thể là gì ạ?
Chúng ta chưa có thói quen kỷ niệm ngày sinh chẵn của đô thị. Sài Gòn – TPHCM 300 năm làm tốt, trong khi 1.000 năm Thăng Long đến nơi, quỹ kiến trúc đô thị, thể chế đơn sơ nghèo nàn. Kiến trúc đô thị lẽ ra phải có những bước đi mạnh mẽ, cơ ngơi đô thị ra sao để sau này người ta nghĩ 1.000 năm có dấu ấn kiến trúc nào chứ không phải chỉ lễ hội. Phải nhìn trên đô thị Hà Nội có dấu ấn một thời.
Nhưng có lẽ ta không đủ thời gian để làm được như vậy?
Rất tiếc là cách đây 10 năm đã nghĩ đến chuẩn bị, nhưng không có sự xác định chính xác đúng hướng, lẽ ra phải có đủ thời gian. Tất cả bị dồn vào thời gian cuối. Mãi tới năm 2009 mới ký được các hạng mục công trình. Lẽ ra phải làm từ 1990-2010. Mỗi thành phố lớn đều có đại lộ. Hà Nội không có đại lộ, chỉ có những con phố.
Những việc như làm vỉa hè, quét vôi, sửa sang phố xá cũng đang tiến hành ráo riết đấy chứ ạ?
Đó là những hoạt động thường nhật của một thành phố, không gắn vào kỷ niệm được. Làm những chậu hoa con con. Quá khiêm tốn. Mà chúng ta dư sức để làm con đường đàng hoàng. Con đường Vành đai 3 đã quy hoạch hàng chục năm rồi. Như Mạc Tư Khoa chỉ 3 năm sau cuộc chiến tranh đã xây dựng những đại lộ tận bây giờ vẫn chưa lạc hậu. Còn ít thời gian quá – làm những cuốn sách dày nặng tới 5-7 ký, bao người được đọc? Chắc nỗ lực truyền thông là chính.
Giáo sư đánh giá thế nào về phim ảnh?
Phim ảnh có đầu tư. Nhưng 3D hóa – lịch sử thực hiện qua thần thoại 3D. Giới thiệu danh nhân toàn bằng 3D. Bố tôi hướng đạo mà trêu tivi mũ calô như vệ quốc đoàn (cụ Hoàng Đạo Thúy là thủ lĩnh hướng đạo Bắc kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 – PV).
Phối cảnh phim trường dễ nhầm lẫn. Tóm lại là có nhiều nỗ lực cho 1.000 năm nhưng hiện hữu Hà Nội bằng kiến trúc đô thị, công trình ánh sáng không có. Xây dựng điêu khắc may quá có tượng Lý Thái Tổ. Tôi nói giọng như chê trách, nhưng thật buồn lo. Mười năm trước chúng tôi đề xuất điều tra, đánh giá gia tài hiện hữu của thủ đô. Tài nguyên thiên nhiên, dân cư học vấn, mức độ đô thị hóa…
Vậy theo ý kiến giáo sư, ta nên làm tiếp những gì?
Thí dụ làm tượng, một vườn hoa danh nhân người Hà Nội. Những dấu vết khảo cổ đích thực Thăng Long cho người ta xem đi, đừng đem cất vào kho. Lẽ ra lên phim, chiếu cho công chúng xem được cái thật. Hoa văn chi tiết thành Hà Nội rất hàn lâm. Anh em trẻ đề xuất tôn tạo một đoạn đê La Thành. Trong Sài Gòn có đơn vị đề xuất làm biểu tượng Hồ Gươm…
Đô thị Việt Nam bí hiểm khó hiểu…
Thưa giáo sư, ông viết sách và nghiên cứu nhiều về đô thị. Đô thị đóng góp gì cho văn hóa dân tộc hay chỉ có đóng góp của văn hóa làng xã?
-Xã hội Việt Nam được cho là cái làng có thiết chế cộng cư hoàn chỉnh nhất. Văn minh kiến tạo xã hội cộng đồng, kiến trúc cộng cư, tự hào cái làng. 70% dân số nông thôn, 30% ở đô thị (nhưng không đến 10% người thành thị), ¾ dân vẫn là nông thôn. Sự chuyển tiếp kéo dài rất ảnh hưởng đến những lò tinh hoa văn hóa đô thị. Thành thị thiết chế cộng cư thúc đẩy nhanh nhất sự phát triển. Nó hút tinh hoa vào mạnh nhất và sức lan tỏa ra cũng mạnh nhất.
Nhưng người ta bảo đang có sự “nông thôn hóa thành thị”?
Do ta xây dựng đô thị nham nhở. Chuyện đáng ngại là vai trò đi trước. Văn hóa dân trí đang lu mờ dần do phát triển quá nhanh địa giới hành chính. Thành thị hóa dân cư phải mất thời gian lâu hơn rất nhiều. Xưa Hà Nội dân ít nhưng tỏa sáng, mẫu mực (ăn mặc như Hà Nội…). Nay thì học Sài Gòn nhiều hơn. Các đô thị mà phát triển ồ ạt khu công nghiệp không tạo văn hiến được. Văn hiến là sản phẩm lịch sử, không “làm ra” được.
Vậy theo giáo sư, đô thị hóa kiểu của ta gây ra điều gì đáng lo ngại?
Đáng lo ngại là xáo trộn dân cư, gây hậu quả lớn về thiên nhiên, không có thâm canh, văn minh đô thị sẽ tan hoang. Lõi đô thị không còn hoặc rất yếu. Hàng triệu người không còn đất, không chuyển nghiệp được, không biến thành người thành thị được. Vì thế, thành một cộng đồng cội rễ trơ ra, không còn gì kìm giữ người ta nữa thì rất nguy hiểm. Đây tôi đọc chị nghe một người Pháp viết thế này: “Ở Việt Nam đô thị hóa được xác định và tạo dựng trên các đơn vị lãnh thổ, trong đó bối cảnh và thói quen đặc thù địa phương tồn tại với một sức sống mãnh liệt”. Và đây nữa: “Nhiều ý thức xa rời các tiêu chí và chuẩn mực quốc tế”. Chỉ là làng mở rộng… Đô thị Việt Nam bí hiểm khó hiểu không chắc chắn, hay thay đổi, vừa trật tự vừa vô kỷ luật…
Giáo sư có nhận xét rằng: cây ở đô thị khôn hơn cây ở làng?
Cây ở Hà Nội nhìn mà xem, nó phải chen lấn mới sống nổi. Nhà lấn ra, cọ xát, người chặt, muốn sinh tồn phải xù xì gồ ghề cố ngoi lên. Cây rừng to tướng ngô nghê. Ngay người đô thị mặt nó khôn hơn nhiều, lo âu bon chen. Chị ra Ngõ Gạch mà xem cây đa đẹp lắm nhưng mặt nó đô thị rồi.
Thuở nhỏ giáo sư có lần đi đếm còn bao cây đa ở phố để về mách cha. Giáo sư gắn bó với Hà Nội lắm?
Bố tôi xưa thuộc từng ngôi nhà. Ông viết 5 quyển sách chỉ bằng trí nhớ, không phải tra cứu. Ông nội tôi là Hoàng Đạo Thành, có tên đặt cho đường phố. Tôi cũng hay lang thang với cha, biết cây đa Cột Cờ là do Tây mang vào. Chỉ có Hà Nội có nhiều cây đa do Tây mang vào trồng. Rễ nó quằn quại.
Xin giáo sư tả vài nét về Hà Nội.
Người Hà Nội thời Lý Trần Lê là không còn mấy. Người hiện hữu là thời kỳ cận đại. Hà Nội không là thành phố vua quan như Huế với hàm phẩm. Hà Nội hôm nay của ai? Một phức hợp những con phố bao gồm những phường nghề tinh túy nhất, làm ra sản phẩm (các phố Hàng). Ở nông thôn ra nên hay xây cái đình. Buôn bán trong nhà ống. Gom lại thành phần quan trọng là những ông giáo học gốc Nho từ nông thôn ra. Văn hóa phố tạo ra bản sắc riêng. Hà Nội 1930 chỉ rộng 18km2, tức là to hơn phố cổ vài lần. Sau 1954, còn 15 vạn dân. Người ở nông thôn, di cư, bộ đội ra thành cán bộ. Quỹ nhà không tăng. Các biệt thự chia sẻ, bị cấy vào là người các tỉnh. Xáo trộn dân cư, sở hữu. Chém nhau vì một cái cửa nhà vệ sinh. Đố ai gỡ được cái này. Sự xáo trộn đó làm thay đổi gốc rễ. Vila chỉ xây bằng gạch. Nó có giá trị vị trí. Có khi tới 15 hộ trong một nhà, không dời đi được. Người Hà Nội vì thế hay cáu gắt. Không phải không lịch sự. Có tới 1/3 người Hà Nội nói ngọng.
Có lần giáo sư nói rằng: đừng sợ mất bản sắc dân tộc, cuối cùng ta vẫn là ta. Câu này có ý gì ạ?
(Cười) Bản sắc không phải chỉ ăn mặc, mà nó trong con người. Ăn đã khó. Kiểu nghĩ cũng khác. Tiểu nông, tiểu thương, tiểu chủ. Ba cái đó cộng lại trong người Việt Nam. Phát triển tự phát, tạo ra đặc tính mới: luật riêng rất mạnh, phung phí ghê gớm. Xem người Ấn, người Đức ăn uống có thừa gì không? Người Nhật không uống 2 lon bia. Sức sống kỳ lạ mềm mại ứng phó giỏi nên coi thường cái lớn. Liều mạng vượt đèn đỏ chỉ để qua quán ngồi nói xấu lãnh đạo, nói xấu vợ, xấu mình, tào lao… Tạm bợ thành một cái đạo…
Theo Người Đô Thị, 9-2010
Nguồn:viet-studies.info/NguyenThiNgocHai_HoangDaoKinh.htm