Tiến sĩ không được giảng dạy vì…dám tranh luận

Tôi chưa dám gọi những người mà tôi từng quen biết là nhân tài, nhưng họ là những người có khả năng – khả năng đã được thừa nhận nhưng không được cơ quan nhà nước sử dụng.

Những đóng góp, tranh luận của người có tài là điều rất cần thiết. (ảnh mang tính chất minh họa)

Tôi có may mắn được quen biết khá nhiều người trong số này. Hành trình của họ sau khi được giải thưởng là ra nước ngoài học tập. Thông thường họ học một mạch cho đến khi có bằng tiến sĩ. Phạm Hữu Tiệp được Giải nhì Toán quốc tế, sang học ở trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov và nhận được bằng tiến sĩ (sau khi đã có bằng phó tiến sĩ) khi anh mới 27 tuổi. Anh là người học giỏi và rèn luyện tốt (cả về thể lực): từ một cậu bé loắt choắt, còm nhom thành một người đàn ông cao trên 1,7m, một đảng viên…

Tốt nghiệp xong, anh về nước ngay, nhưng ba tháng sau anh quay lại Matxcơva và buồn bã kể: “Em về nước, hăm hở vác hồ sơ đi xin việc. Đến một cơ quan khoa học thuộc chuyên ngành của mình tới ba lần, nhưng lần nào cũng chỉ gặp được ông bảo vệ…”.

Biết được hoàn cảnh của Tiệp, trường Lomonosov gọi sang làm công tác khoa học. Sau đó anh sang Đức, rồi sang Mỹ làm việc. Những người được Giải nhất như Lê Tự Quốc Thắng, Đàm Thanh Sơn… cũng có cuộc hành trình từ Nga sang Mỹ. Theo tính toán sơ bộ của tôi, có quá nửa những người được giải toán quốc tế của ta hiện đang làm việc ở châu Âu và ở Mỹ! Mà họ không đi một mình đâu nhé, họ mang theo những người vợ VN, thường cũng là tiến sĩ.

Tôi chỉ thấy một người trở về nước được làm cái việc mình thích là dạy toán. Đó là anh Lê Bá Khánh Trình hiện công tác tại Khoa Toán của một trường  Đại học ở TP.HCM. Người Việt Nam hay nói “người có tài thường có tật”. Theo tôi, chưa hẳn như vậy, nhưng người có tài thường tự tin, có lòng tự trọng và có bản lĩnh. Những người có tài đi xin việc thường đến thẳng cơ quan nộp hồ sơ và chờ đợi. Kết quả không mấy khả quan.

Một tiến sĩ được một Trưởng khoa của một trường Đại học ở Hà Nội ngỏ ý mời về giảng dạy. Sau vài lần gặp gỡ, anh đồng ý viết đơn ngay tại phòng làm việc của Trưởng khoa. Vậy mà một tháng sau anh nhận đuợc lời từ chối với lý do: “Hình như trước đây đã có lần cậu tranh luận với một học sinh cũ của trường, nay là một cán bộ cao cấp”. Anh không nói gì thêm và cũng không làm gì thêm. Anh cho rằng làm đến Trưởng khoa mà chỉ mới nghe nói như thế đã vội từ chối thì rõ ràng không có bản lĩnh. Người như thế rất khó cộng tác. Biết chuyện, có người cho rằng có thể nguyên nhân đích thực là việc anh chẳng đến nhà Trưởng khoa, chẳng quà cáp gì…

Theo tôi được biết, những người có khả năng đi xin việc thường không kèm theo quà cáp, phong bì. Không phải họ không có tiền hay tiếc tiền, mà đơn giản họ cho rằng làm như vậy thì lòng tự trọng ít nhiều bị tổn thương. Hơn nữa, họ sợ xúc phạm người được biếu.

Một trong những người có khả năng, đi xin việc không được, nói với tôi: “Thời bao cấp, nếu không được làm việc trong các cơ quan đoàn thể nhà nước hay cơ sở tập thể thì chỉ có việc về đẩy xe thồ hoặc đạp xích lô. Nay không thế, tôi có thể đi làm cho công ty liên doanh, công ty nước ngoài, hoặc tôi mở công ty riêng”.

Thật vậy, anh đã thành lập công ty và làm ăn khá phát đạt. Cũng không ít trường hợp những người có khả năng đã làm việc ở cơ quan nhà nước, nhưng vì không được trọng dụng, lại bị trù úm nên họ ra đi. Tôi có quen một người tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô, làm hơn mười năm ở một Bộ. Ở đó ai cũng công nhận năng lực trí tuệ của anh, nhưng lại cho là anh “hâm”, anh lập dị, thậm chí người ta ghép từ “điên” vào sau tên anh.

Nguyên nhân hết sức đơn giản: anh thẳng thắn, trong sáng và yêu cầu rất cao trong công việc. Một lần anh tới dự một buổi bảo vệ luận án thạc sĩ. Người của ban tổ chức trao phong bì cho anh và nói: “Đây là tiền ăn trưa của anh”. Anh trả lại phong bì và nói: “Cảm ơn! Tôi không bao giờ ăn trưa ở cơ quan”. Người của ban tổ chức cuống quít hỏi tôi: “Liệu anh ta có phật ý gì không?”. Nhưng không có gì xảy ra. Anh nhận xét tốt về buổi bảo vệ và vui vẻ ra về. Anh bị cô lập, không được trọng dụng và thu nhập rất thấp.

Nhân đọc báo thấy một cơ quan của Liên hiệp quốc tuyển trợ lý Trưởng đại diện, anh đã dự thi và trúng tuyển. Dù thu nhập ở chỗ làm mới cao hơn 15 lần nhưng anh vẫn luyến tiếc công việc của mình ở Bộ đó. Phát hiện, đào tạo được nhân tài là quan trọng, nhưng sử dụng được họ còn quan trọng hơn. Để sử dụng được họ thật ra cũng không khó, chỉ cần cán bộ tổ chức, thủ trưởng cơ quan đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

Lê Trọng Thi

Nguồn: sgtt.vn/Ban-doc/129379/Tien-si-khong-duoc-giang-day-vi%E2%80%A6dam-tranh-luan.html