Đam mê từ thuở thiếu thời
Rất nhiều phóng viên báo chí, bạn bè đã đặt cho Giáo sư Võ Quý câu hỏi: “Tại sao ông lại quyết định chọn loài chim để nghiên cứu chứ không phải một loài vật khác?”. Và ông luôn mỉm cười khi trả lời: “Đó là đam mê của tôi từ thuở thiếu thời”.
Giáo sư Võ Quý cho biết, từ khi lên 5, 6 tuổi, ông đã có thể ngồi hàng giờ để quan sát các loài chim ở quê mình. Chính vì vậy, dần dần, ông “thuộc mặt biết tên” tất cả các loài chim trong vùng, biết thói quen của từng loài như thức dậy lúc mấy giờ, bay về tổ lúc nào, ăn quả cây gì, sinh sản ra sao… Chính nhờ niềm đam mê quan sát, nghiên cứu các loài chim mà sau này, Giáo sư Võ Quý có thể lăn lội nhiều ngày trong rừng để theo dấu những loài chim mà ông đang trong quá trình nghiên cứu. Và cũng nhờ đó, ông đã phát hiện ra một loài Trĩ mới cho khoa học ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từ năm 1966. Sau 20 năm khảo sát, nghiên cứu, kiểm chứng, cộng đồng nghiên cứu chim quốc tế đã công nhận nghiên cứu của Giáo sư và đặt tên tiếng Anh cho loài chim này là Vo Quy Pheasant (Chim Trĩ Võ Quý). Đối với một người làm khoa học, đây là niềm hạnh phúc lớn nhất khi thành quả nghiên cứu của mình được ghi nhận.
Giáo sư Võ Quý
Từ đam mê đến nghiệp “phấn trắng bảng đen”
Đến tận khi vào học tại Trường Quốc học Huế (năm 1946), Giáo sư Võ Quý vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành thầy giáo, bởi như ông tâm sự: “Lúc đầu tôi rất thích ngành y. Thậm chí tôi đã từng vài lần toan từ bỏ nghề “gõ đầu trẻ” nhưng không thành”. Thế nhưng, cũng chính tình yêu thiên nhiên, thích quan sát các loài chim từ thời thơ ấu nên khi học lên trung học, bắt đầu học phân ban, ông quyết định chọn chuyên ngành Sinh học và theo đuổi đến tận bây giờ. Ông là lứa sinh viên khóa đầu tiên về Sinh học Trường Sư phạm cao cấp khóa 1951-1954 (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội).
Thời gian đó, Trường Sư phạm cao cấp đặt tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc) cùng với Trường Khoa học cơ bản. Vì học giỏi nên khi ra trường, ông là một trong 4 sinh viên được giữ lại trường giảng dạy, trong đó 3 người dạy trung cấp, chỉ mình ông được phân công dạy bậc Đại học.
Giáo sư Võ Quý nhớ lại: “Sau khi quyết định giữ 4 người ở lại trường giảng dạy, ông Giám đốc Khu học xá trung ương cho chúng tôi đi “xả hơi” ở Trung Quốc 15 ngày cùng với ông để khỏi băn khoăn trong lúc các bạn cùng lớp chuẩn bị về nước. Trở về lại Khu học xá sau chyến đi thăm Trung Quốc, thì các bạn vẫn còn 3 ngày nữa mới về nước, không hiểu sao lúc đó tôi lại quyết định… xin thầy hiệu trưởng cho tôi được về nước. Thuyết phục không được, thầy hiệu trưởng đành quyết định để tôi về”.
Thế là từ chối trở thành một giảng viên đại học, Giáo sư Võ Quý về nước và trở thành một thầy giáo cấp III, dạy tại Trường cấp III Lam Sơn (Thanh Hóa). Sau giải phóng Thủ đô, ông được điều về Nha Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) làm việc, phụ trách ngành sinh học.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang thực hành thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm phân tích môi trường. Ảnh minh họa/internet
“Làm việc tại Nha Giáo dục Phổ thông vài tháng thì Trường Sư phạm cao cấp và Trường Khoa học cơ bản ở Trung Quốc chuyển về nước. Thầy hiệu trưởng muốn tôi về lại trường để chuẩn bị thành lập trường mới. Và có lẽ do duyên nợ, tôi trở thành một trong những người đầu tiên góp sức thành lập nên Trường Đại học Tổng hợp từ năm 1956, rồi trở thành một giảng viên đại học từ đó” – Giáo sư Võ Quý hồi tưởng.
Luôn xác định rõ ràng mục tiêu học tập
Khi hỏi về những kinh nghiệm học tập mà ông muốn chia sẻ với thế hệ học sinh, sinh viên hôm nay, Giáo sư Võ Quý cho biết: “Ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi đã luôn xác định rõ ràng mục tiêu học tập của mình: Học để sau này phục vụ cho nghề nghiệp, công việc của mình. Có lẽ vì thế mà tôi mới có thể theo đuổi niềm đam mê của mình lâu dài như vậy. Và sau này, khi trở thành một giảng viên đại học, tôi luôn mong muốn sinh viên của mình cũng xác định được mục tiêu học tập của mình”.
Giáo sư Võ Quý được xem là nhà “điểu học” hàng đầu của Việt Nam. Tên của ông đã được đặt cho một loài chim trĩ do ông phát hiện ra. Đến nay, Giáo sư Võ Quý đã nhận được 10 giải thưởng quốc tế danh giá, trong đó có giải thưởng Hành tinh xanh – một giải thưởng quốc tế lớn nhất về môi trường, có giá trị tương đương với giải Nobel.
Giáo sư Võ Quý cũng chia sẻ, khi học tại trường đại học, người học phải tìm mọi cách để có được nhiều kiến thức nhất. Người học không chỉ dựa vào những kiến thức mà thầy truyền đạt cho mình, bởi thầy chỉ là người đưa ra những định hướng cơ bản, hướng dẫn phương pháp học tập để từ đấy sinh viên phát huy khả năng của mình, tìm tòi thêm kiến thức từ thực tiễn, đọc thêm sách tham khảo…
Thời Giáo sư Võ Quý đi học, cả thầy và trò đều rất say sưa, nghiêm túc. Theo Giáo sư Võ Quý, khi thầy dạy hay, lôi cuốn thì học sinh, sinh viên cũng sẽ hào hứng, thích thú khi học tập. Muốn vậy, người thầy không chỉ dạy những gì trong giáo trình, mà phải luôn cập nhật những kiến thức mới, nhất là kiến thức mà mình nghiên cứu để lôi cuốn người học, gợi ý cho người học tiếp tục tìm hiểu về lĩnh vực đó hoặc mở ra hướng cho học sinh, sinh viên sau này đi sâu vào nghiên cứu những lĩnh vực còn chưa được nghiên cứu nhiều. Sự say mê của chính người thầy đối với môn học mà thầy giảng dạy sẽ truyền nhiệt tình cho học sinh, sinh viên.
Chính những người thầy của Giáo sư Võ Quý đã giúp cho ông học tập được rất nhiều kinh nghiệm quý báu của các thầy để sau này áp dụng vào giảng dạy cho sinh viên của mình. Một trong những kinh nghiệm đó là người thầy phải luôn gần gũi với người học để nắm bắt những nhu cầu của học sinh, sinh viên, từ đó mới có thể hướng dẫn họ hiệu quả trong học tập. Những kinh nghiệm học tập của người thầy thời đi học cũng giúp ích rất nhiều cho học sinh, sinh viên, cũng như giúp cho thầy trò xích lại gần nhau hơn.
Theo Giáo sư Võ Quý, người thầy muốn được tôn trọng thì phải có chuyên môn vững vàng, kiến thức phong phú, cung cấp cho trò những kiến thức cần thiết chứ không phải cứ nghiêm là được học trò tôn trọng. Mặt khác, đã là người thầy thì phải gương mẫu, không chỉ trong công tác giảng dạy mà cả trong cuộc sống. Thầy giáo chính là tấm gương cho học trò trong cách đối xử với đồng nghiệp, bạn bè, với nhân dân… Do đó, người thầy ngoài kiến thức sâu rộng thì còn cần phải có đạo đức.
Minh Trường
Nguồn: giaoducthoidai.vn/channel/2741/201305/Giao-su-Vo-Quy-Niem-dam-me-theo-suot-cuoc-doi-1969021/