GS Trần Văn Giàu: Đi trọn cõi nhân sinh

Thiếu đi nhà cách mạng, thêm vào một nhà giáo dục, nhà văn hóa

Năm 1949, Trần Văn Giàu được điều động ra chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin – Tuyên truyền. Hai năm sau (1951), ông được giao trách nhiệm đặt nền móng cho ngành Giáo dục đại học của nước ta, chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước sau này.

Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời Trần Văn Giàu. Thiếu đi một nhà cách mạng chuyên nghiệp, đất nước ta có thêm một nhà giáo dục, nhà văn hoá uyên thâm nhiều lĩnh vực và chủ yếu trong ngành sử học.

Bắt tay vào nhiệm vụ mới, ông đã cùng với các trí thức lớn như Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy… thành lập Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá, triệu tập trên dưới 100 thanh niên, đa số đã có bằng tú tài đang công tác ở nhiều ngành hoặc dạy học.

“Bác Sáu Giàu là người tài đức, có khả năng đặc biệt trong việc quy tụ được nhiều anh em trí thức. Ông có phong cách trí thức, sâu sắc nhưng rất khiêm tốn, giao thiệp với ai cũng được lòng mọi người” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Ngôi trường kháng chiến đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn nhưng hiệu quả và đầm ấm lạ thường. Các lớp thường học vào ban đêm, mỗi sinh viên một chiếc ghế nhỏ như ghế các bà bán hàng rong ngoài phố. Ánh sáng là một ngọn lửa leo lét làm từ chiếc lọ pênixilin đựng dầu lạc phía trên có ngọn bấc. Lớp học tù mù, sinh viên không nhìn rõ mặt thầy song nghe như nuốt từng lời giọng thầy sang sảng truyền thụ những kiến thức cổ kim đông tây.

Lớp học ấy là khởi nguồn một thế hệ trí thức mà giờ đây hầu hết đều đã trở thành các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo đục…

Năm 1954, hoà bình lập lại. Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm, kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông là Bí thư Đảng uỷ của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập khoa Lịch sử. Từ năm 1960 đến 1975, ông công tác tại Viện Sử học Việt Nam để tập trung vào nghiên cứu Sử học.

Để cung cấp cho sinh viên những tri thức cơ bản và quan điểm triết học macxit, ông đã viết những cuốn sách đơn giản mà thiết thực như Triết học cơ bản, Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử… Đó là những công trình mang tính tiên phong, trang bị cho lớp thanh niên trí thức một phương pháp tư tưởng làm hành trang để đi vào khoa học nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng.

 

Ông đã chọn Lịch sử cận đại và hiện đại làm đối tượng nghiên cứu. Và ông đã trải nghiệm lịch sử cận-hiện đại bằng cả cuộc đời của minh.

Ngoài việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện phương pháp tư duy và nghiên cứu cho sinh viên, mà một số học trò ruột của ông đã trở thành những trụ cột của ngành Sử học Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Giàu còn là một nhà sử học có số công trình nghiên cứu đồ sộ hiếm thấy, nằm trong danh mục trích dẫn của hầu hết công trình nghiên cứu sau này về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Công trình nào cũng qui mô cỡ vài ba ngàn trang in với những bộ sách tiêu biểu: Lịch sử cận đại Việt Nam (chủ biên), Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước năm 1858, Lịch sử chống xâm lăng (3 tập, 1956-1957), Giai cấp công nhân Việt Nam (4 tập, 1961), Miền Nam giữ vững thành đồng (5 tập, 1964-1978).

Bằng những tác phẩm quan trọng ấy, ông như một cây cổ thụ che rợp bóng cho một giai đoạn lịch sử đầy  biến động của đất nước. Bất cứ một tác giả nào, trong và ngoài nước, muốn tìm hiểu Việt Nam cận – hiện đại không thể bỏ qua được các bộ sách này như một nguồn tài liệu tham khảo chủ yếu.

Ông viết sử một cách sinh động và hình ảnh. Đọc sách của ông, người đọc sẽ thấy tái hiện rất cụ thể những cuộc chuyển mình đầy đau thương mà vĩ đại của dân tộc với ngồn ngộn những tư liệu và số liệu chứng minh.

Ông tuân theo cách viết mình đề ra: “việc có ngày tháng, người có tên tuổi”, không chung chung nên hết sức thuyết phục.

Viết về giai cấp công nhân Việt Nam, ông đã được sống đồng thời với những sự kiện chính trị lớn, đã từng tham gia các phong trào, biết tường tận, chính xác nhưng không bao giờ chỉ tin vào trí nhớ của mình mà luôn luôn tra cứu cẩn trọng.

Những điều viết ra đều được ông tìm hiểu thấu đáo, tích lũy tư liệu hết sức dồi dào từ nhiều phía, nhiều nguồn để có một cái nhìn toàn diện, đa chiều, tránh sự chủ quan mà nhiều người thường mắc, lợi dụng tư liệu để minh hoạ cho định kiến chủ quan của mình.

Trong lời giới thiệu Tuyển tập các công trình của ông, Giáo sư Vũ Khiêu nhận xét “Các tác phẩm về sử học của giáo sư Trần Văn Giàu đều có sức hấp dẫn của Văn và chiều sâu của Triết. Ở giáo sư trong Văn có Triết và trong Triết có Văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học“.

Có thể nói mảng tâm đắc nhất, dành nhiều công sức nhất của Giáo sư Trần Văn Giàu, thể hiện sự nghiền ngẫm, đúc kết mà ông viết ròng rã trong gần 20 năm (1973-1993) là công trình bộ ba “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” , hoàn thành ở tuổi 80.

Thoát khỏi tính sử liệu, giáo trình mà đi vào nghiên cứu lý luận sâu sắc. Trong hơn một ngàn trang sách, ông trình bày đặc điểm và sự thất bại của ý thức hệ phong kiến và ý thức hệ tư sản trước tình hình mới của đất nước, đồng thời khẳng định tính khoa học và nhiệm vụ lịch sử của hệ ý thức giai cấp công nhân Việt Nam.

Song ông vẫn chưa cho mình quyền được nghỉ ngơi. Ba năm sau, ông hoàn thành một công trình nữa có liên quan là “Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam” tập trung giới thiệu và khẳng định những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Toàn bộ công trình về Lịch sử Việt Nam gồm 5 bộ, 18 tập (1956-1957) tổng cộng vài vạn trang in của Giáo sư Trần Văn Giàu được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt 1, năm 1996.

Tuy nhiên, vấn đề Trần Văn Giàu quan tâm không chỉ là Triết học và Sử học, mà còn bao trùm các lĩnh vực khác của Khoa học xã hội và nhân văn. Một số công trình nhỏ hơn trong khoảng 150 công trình ông để lại dành cho kinh tế, chính trị, khảo luận văn chương với cách kiến giải đặc sắc. Không chỉ là một nhà sử học trong số 3 cây đại thụ của Sử học Việt Nam (Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu), ở sự nghiệp thứ hai này, ông còn là một nhà văn hoá lớn

Nhà cách mạng lỗi lạc, nhà giáo nhân dân tận tuỵ, nhà sử học uyên thâm và khách quan đã đi vào thế giới thiên thu ở tuổi 100 tròn. Trần Văn Giàu đã sống trọn vẹn cái giới hạn của cõi nhân sinh, theo quan niệm thời xưa là một bậc đại phúc. Con số 100 dường như ứng nghiệm với đôi câu đối đúng 100 chữ mà giáo sư Hoàng Như Mai viết tặng ông khi mừng sinh nhật lần thứ 85:

–  Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù… Đôi chân ấy bước qua thế kỉ vẫn còn dư sức lực.

– Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử, luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo và phê bình quan điểm (!)… Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao.

Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-18-gs-tran-van-giau-di-tron-coi-nhan-sinh