Đại học bằng Tự học

Cuộc Hội thảo do trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng ngày 23/12/2010 để kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ban Văn khoa.. Tại cuộc Hội thảo, bên cạnh sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các thầy cô giáo của trường, còn có đại diện các gia đình trí thức như: gia đình các GS: Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyên… Nhiều câu chuyện kỷ niệm cảm động với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều quan điểm về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã được đưa ra trao đổi, phân tích, với mong muốn ngành giáo dục nói chung và trường sư phạm nói riêng ngày càng phát triển.

Được mời tham dự Hội thảo với tư cách đại diện cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi đã thực sự ấn tượng với phần trình bày ngắn gọn của GS Đào Thế Tuấn về vấn đề giáo dục đại học bởi đây thật sự là vấn đề chúng ta cần hết sức quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Xin được trích đăng một phần của bài nói đó:

“Trong cải cách giáo dục ở nước ta chú ý nhiều đến “dạy” chứ ít nói đến học. Nói chung chúng ta quan niệm giáo dục như một ngành kinh tế: nếu đầu tư đầy đủ (trường, lớp, sách giáo khoa, thầy chất lượng cao…) thì đầu ra là sản phẩm tức là học sinh có trình độ kiến thức nhất định, sẽ là hiệu quả giáo dục cao. Thực ra thì trong giáo dục, học sinh không phải là sản phẩm tiếp thu kiến thức thụ động mà đồng thời cũng tham gia vào giáo dục như một tác nhân tích cực quyết định chất lượng của quá trình đào tạo. Vì vậy vai trò của sự “tự học” quyết định chất lượng của giáo dục và cần có các biện pháp thúc đẩy…

Nhiều trí thức nổi tiếng của nước ta đã đạt trình độ cao bằng tự học…

Cuộc đời của Hồ Chủ tịch chính là một tấm gương tự học cho chúng ta. Lúc về thăm làng Sen, nói chuyện với các cụ, Người nói: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào tôi cũng phải học. Công việc cứ tiến mãi, ngày càng nhiều, ngày càng mới, không học thì không theo kịp, công việc sẽ gạt mình lại phía sau”.

Trong dự thảo Chiến lược giáo dục không có một biện pháp nào cải tiến cách học của học sinh. Hiện nay học sinh coi việc học là một cực hình, ngoài học ở trường còn phải học thêm. Chi phí để học quá cao. Nếu giáo dục theo kiểu này thì dù đầu tư có cao, hiệu quả vẫn thấp. Phải có các biện pháp làm cho học sinh thích thú với việc học và thúc đẩy việc tự học.

Trên thế giới phần nhiều các trường đại học đều nghiên cứu và thực hiện các phương pháp tự học. Trong nội dung học tập người thầy luôn luổn rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Tất cả môn học đều khuyếnkhích phương pháp tự học để giúp sinh viên quen với nghiên cứu độc lập, biết tư duy, biết phát hiện vấn đề và biện luận. Có trường có các khoa tự học .."

Thiết nghĩ, nếu tất cả các trường đại học Việt Nam cũng thực hiện tốt vấn đề trên thì giáo dục đại học Việt Nam chắc chắn còn tiến xa hơn nữa, và dư luận xã hội cũng như báo chí không mất nhiều thời gian bàn luận cho vấn đề bằng thật, bằng giả.

Phạm Kim Ngân