Những trang nhật ký đã bạc màu thời gian, những cuốn sổ ghi chép nhằng nhịt chữ, những bức ảnh cũ mốc, đã nhòe mờ, một chiếc xe đạp cũ kỹ của PGS.TS, Bác sĩ Thái Quý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học Truyền máu trung ương), dùng đi vận động phong trào hiến máu nhân đạo lần đầu tiên vào những năm 1970, hay chiếc máy châm cứu điện châm đầu tiên do GS Nguyễn Tài Thu đưa ra ý tưởng làm năm 1983… đó chỉ là một phần nhỏ trong kho tư liệu sống của các nhà khoa học mà Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam đang sưu tầm và gìn giữ, với một tâm nguyện là ghi lại lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học, bởi chính họ đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc…
Từ câu chuyện lịch sử những cuộc đời
Có một thời gian, nhiều người nhầm tưởng, Trung tâm Di sản các nhà Khoa học được lập ra để vinh danh và làm bia cho các tiến sĩ trong bối cảnh đất nước có rất nhiều tiến sĩ dởm. Nhiều bài báo đã vào cuộc lên tiếng gay gắt. Ngay cả nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng lên tiếng chỉ trích. Và sau này, khi đến Trung tâm, tận mắt nhìn thấy những công việc, cũng như những giá trị mà Trung tâm đã làm được, chính ông đã tặng Trung tâm cả một kho sách và những bản thảo quý của mình.
Có thể ở đâu đó trong các thư viện, hay tại các trung tâm lưu trữ, chúng ta có thể tìm được thông tin về một số nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng để có một hệ thống được lưu trữ và phát huy một cách cẩn thận và bài bản, với một ý thức trân trọng và nâng niu quá khứ của các nhà khoa học có những đóng góp lớn nhỏ khác nhau cho đất nước thì có lẽ đây là nơi đầu tiên.
Một dân tộc sẽ không còn tồn tại nếu không có ký ức của dân tộc đó. Và chính di sản ký ức của các nhà khoa học, đã là một thành tố quan trọng dệt nên tấm thảm lịch sử của một đất nước. "Tổ chức nghiên cứu di sản của các nhà khoa học một cách quy mô, hệ thống, chúng ta sẽ hình dung thấy được lịch sử các ngành Khoa học Việt Nam dưới nhiều giác độ khác nhau theo trục dọc phát triển, đồng thời cũng có thể cắt theo trục ngang để hiểu các tầng lớp, thế hệ trí thức ở các giai đoạn khác nhau đã được đào tạo, rèn luyện và cống hiến như thế nào. Từ cuộc đời của từng nhà khoa học như những sử liệu sống động ghép lại thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam…, và xa hơn, của đất nước Việt Nam." Đó là triết lý mà Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm Giám đốc đang âm thầm theo đuổi.
Phó GS Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đang giới thiệu về kỷ vật của các nhà khoa học
Hơn 2 năm tìm tòi, sưu tập, Trung tâm đã có tài liệu khá đầy đủ của hơn 250 nhà khoa học. Một con số khổng lồ so với 80 nhà khoa học mà Trung tâm Lưu trữ 3 của nhà nước với một đội ngũ chuyên nghiệp đông đảo đã sưu tập nhiều năm nay. Trong số đó, người còn, người đã mất. Cũng có những người mà các nghiên cứu viên của Trung tâm chỉ kịp gặp một lần. Nhưng với những di sản họ để lại, có thể hình dung ra một chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, có nguồn cội, có bề dày văn hóa. Và có một tiến trình phát triển. Mà trong cơn lốc phát triển của xã hội công nghiệp, nhiều người vô tình lãng quên.
Khởi nguồn từ ý tưởng của một nhóm các bác sĩ muốn lưu giữ lại những tài liệu, những công trình khoa học của các thầy giáo mình, nhưng rồi, con số các nhà khoa học là đối tuwongj nghiên cứu của Trung tâm đã vượt ra ngoài sự hạn hẹp của một ngành nghề, mà mở rộng trên nhiều lĩnh vực, với những tiêu chí khá mở: y học, các ngành khó học như xây dựng, cơ khí, địa chất, thủy lợi và các ngành khoa học xã hội khác…
Đến chuyện"cấp cứu" tư liệu
Ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chúng ta không chỉ gặp những trang hồ sơ khô cứng về tiểu sử cuộc đời và những công trình khoa học của họ, mà còn gặp ở đó, một phần ký ức của họ, về một thời kỳ họ đã sống, những kỷ vật, những cuốn sổ tay, thậm chí cả những tâm sự riêng tư… Với những người còn sống, còn có cả những cuộn băng ghi hình, những cuộc phỏng vấn về cuộc đời, những trăn trở với thời cuộc… Chân dung các nhà khoa học được dựng lại một cách sinh động, qua nhiều góc nhìn khác nhau. Đó là phương pháp tiếp cận mà PGS Nguyễn Văn Huy đã học được từ kinh nghiệm của Trường Đại học Harvard của Mỹ khi họ tổ chức Trung tâm Lưu trữ về Phụ nữ Mỹ. Đó là cách làm của cả nhiều phương pháp: lưu trữ, bảo tàng, thư viện…Để có được những tư liệu sống của các nhà khoa học.
Sổ ghi chép ngân hàng xương của GS, TSKH Nguyễn Văn Nhân
Chúng ta sẽ gặp ở đó một thế hệ các nhà khoa học lớn lên và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp: Một thế hệ sinh viên y khoa khóa 1950 được chiêu sinh ngay giữa thời kỳ kháng chiến đang diễn ra khốc liệt, được đào tạo ở chiến khu Việt Bắc. Đó là một thế hệ đào tạo ra những cây đại thụ cho nền y học Việt Nam trong thời đoạn gian khó của chiến tranh, những GS, TS Trần Đỗ Trinh, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, các GS Nguyễn Huy Phan, Phạm Tử Dương (Thiếu tướng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 108)…
Chiếc máy điện châm của Giáo sư Nguyễn Tài Thu
Trung tâm trở thành chiếc cầu kết nối họ lại với nhau trong những cuộc gặp gỡ cảm động, những sẻ chia gần gũi. Và nhiều câu chuyện của ký ức tưởng như đã bị quên lãng, kịp được khơi gợi, viết lại. Ở đó có cả ký ức về những giáo sư đầu ngành như GS Đặng Văn Ngữ, GS Tôn Thất Tùng… Những câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về ý chí của những bác sĩ trong thời chiến, đã vượt qua mưa bom bão đạn, vượt qua sự gian khổ của chiến tranh, để mò mẫm , nghiên cứu, tìm ra những cách cứu người trong điều kiện khắc nghiệt. Nhiều người giờ đã ở tuổi cổ lai hy, và những người thầy hay người bạn của họ cũng đã về nơi thiên cổ. Nếu không có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, những khơi gợi thì câu chuyện, những kinh nghiệm của họ như những nhân chứng lịch sử cũng sẽ đi vào cõi vĩnh hằng trong một ngày không xa.
PGS Nguyễn Văn Huy tâm sự, ông muốn giải thích cho câu chuyện vì sao trong thời kỳ chiến tranh gian khó đó vẫn có những con người ham học, say mê sáng tạo đến thế. Chúng tôi đứng rất lâu trước cuốn sổ đã bạc màu của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân. Giáo sư đã tặng lại cho Trung tâm "ngân hàng xương" mà ông nghiên cứu và làm việc trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Những kỷ vật đã bạc màu, cũ kỹ, giờ không còn ứng dụng nữa., Nhưng, đó là những giá trị của một thời kỳ lịch sử đáng trân trọng về sức lao động, sự sáng tạo của ông cha trong quá khứ.
Nhiều nhà khoa học được tìm lại như một sự phát hiện. Đó là đoàn 21 người đầu tiên được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử ra nước ngoài học về khoa học kỹ thuật năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở thời kỳ gay go gian khổ nhất, cho thấy tầm nhìn của Bác, của Đảng và Nhà nước ta. Thiếu tướng Phạm Như Vưu, một trong 2 người còn sống trong đoàn 21 người đó đã tặng lại cho Trung tâm rất nhiều bức ảnh quý về họ. Và ở tuổi 93, ông vẫn kể lại cho nghiên cứu viên của Trung tâm rất nhiều câu chuyện về quá khứ… mà nếu không kịp ghi lại chắc hẳn cũng sẽ rơi vào quên lãng
Những trang nhật ký viết cho con của GS Nguyễn Tài Thu
Những cuốn sổ tay ghi chép và những bức ảnh của GS Tôn Thất Tùng, vào những năm 70, khi ông đi Paris và gặp GS Bửu Hội là một tài sản giá trị của Trung tâm. Những dòng chữ nhằng nhịt trong đó cho thấy chính GS Tôn Thất Tùng đang phân tích với GS Bửu Hội về những thành phần hóa học của dioxin. Những ghi chép, bàn thảo đó cho thấy dấu tích đầu tiên của người phát hiện ra sức tàn phá khủng khiếp của chất độc này.
Cả những album ảnh quý giá của GS Tôn Thất Tùng cũng được gia đình tin cậy gửi tặng Trung tâm. Những bức ảnh về một GS đầu ngành của nền Y học Việt Nam đã được số hóa và đang trong hành trình đi tìm những câu chuyện kể của nó. Mặc dù gần 90% trong số đó đã bị nhòe mờ, ố hỏng. Với gia đình GS Tôn Thất Tùng, một trong những gia đình có điều kiện, mà sự bảo quản của họ còn sơ sài như vậy, thì hỏi, không biết bao nhiêu gia đình các nhà khoa học khác, những dấu tích về họ đâu còn. Nhiều người đã cho thành giấy vụn mà chính họ không biết mình vừa vứt bỏ những giá trị vô cùng quý giá đối với lịch sử khoa học dân tộc.
9 cuốn nhật ký riêng tư của Giáo sư Nguyễn Tài Thu, viết cho các con từ năm 1950 đến đến khi con trai duy nhất của ông qua đời (năm 1979). Những trang nhật ký nay đã bạc màu thời gian, nhưng đó là những tâm sự trải dài của ông qua những biến động của đất nước, của thời cuộc. Cuốn nhật ký mở ra những trang đời của một nhà khoa học chân chính, tận tâm với nghề.
Và rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện, những kỷ vật, những trang hồ sơ đang được lấp đầy từng ngày ở Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Từ trước đến nay, các nhà khoa học Việt Nam chủ yếu nghiên cứu lịch sử của đất nước qua các văn bản, báo cáo, mà bỏ qua một phần rất quan trọng, đó là nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của từng con người. Trung tâm là nơi góp sức lấp đầy phần khuyết thiếu đó.
Hiện tại Trung tâm là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận dưới sự bảo trợ của Công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học Medlatec. Với những tư liệu mà Trung tâm đang và sẽ có, ở đây sẽ trở thành nơi giữ gìn một nguồn tài sản quý giá của quốc gia. Một Bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam cũng đang được xây dựng ở Hòa Bình, nó trở thành một công viên về các nhà khoa học. Đó cũng chính là một phần di sản của đất nước mà chúng ta không thể lãng quên
Khánh Linh
Nguồn: cstc.cand.com.vn/vi-VN/phongsu-ghichep/phongsu/2012/3/183045.cand