Thời đi học của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng

GS.TSKH, NGND Phạm Ngọc Đăng sinh năm 1937 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Gia đình ông có 9 anh chị em (6 trai và 3 gái). Bố của ông – cụ Phạm Ngọc Chúc được đi học chữ Nho, Quốc ngữ, Pháp ngữ nhưng thi cử đều không đỗ đạt, nên cụ chỉ ở nhà làm nông, cấy tô ruộng đất cho người giàu. Đồng thời, cụ còn mở lớp dạy học tư cho trẻ em trong làng và được dân làng thường gọi là ông Đồ. Mẹ của ông cũng làm nghề nông và nuôi tằm dệt vải. Gia đình tuy nghèo khó, phải đi vay mượn, có lúc thiếu ăn phải ăn cháo nhưng bố mẹ vẫn mong muốn và tạo điều kiện cho các con được học tập.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu, các trường học phải tản cư về những vùng nông thôn. Vùng quê của ông là vùng kháng chiến nên các trường cấp 1, cấp 2 được mở ra ở trong làng. Vì vậy ông có điều kiện được học cấp 1 gần nhà ở xã Gia Thắng. Cấp 2 ông phải đi học xa hơn, tại xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, từ nhà đến trường khoảng 7 đến 8 km. Ông nhớ lại “Hồi ấy người tôi rất nhỏ, hay ốm yếu, bắt đầu học cấp 2 là phải trọ học ở xa nhà, hàng tuần gia đình cho 1 bao gạo và một chai nước mắm tép, tôi phải tự kiếm củi, trồng rau và tự nấu ăn”[1]. Lớp học được dựng tạm thời, không có bàn ghế cố định. Ông và các bạn đã tự chế tạo bàn và ghế đeo vai để mang đến lớp giống như thợ cắt tóc. Học vào ban đêm nên học trò phải sử dụng đèn tự chế, tẩm dầu vào bông để đốt, thậm chí trên đường đến lớp nếu đèn có quay 180 độ cũng không bị chảy dầu ra ngoài. Và họ cứ học tập như thế trong suốt những năm học cấp 2.

Khóa của ông là khóa cuối cùng học cấp 3 chỉ có 2 năm (lớp 8 và lớp 9). Khi hòa bình lập lại (1954), tại Liên khu III lúc đó có ba trường cấp 3 công lập: trường Hoa Lư, trường Cù Chính Lan và trường Nguyễn Quốc Trị, Nhà nước đã hợp nhất 3 trường thành trường cấp 3 Liên khu III và được “đóng quân” ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sau thầy trò lại được chuyển về trường Xanh Tôma (Saint Thomas) tại Nam Định. Trong quá trình học phổ thông 9 năm, ông nói: Chỉ có lớp 9 (1955-1956) là được ngồi trong lớp học có bàn, ghế, bảng viết.

Khóa 1 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Qua một số thông tin trên báo, trong ông đã có sự yêu thích với ngành Kiến trúc, với việc thiết kế xây dựng nhà cửa từ rất lâu. Với lý do đó nên giữa năm 1956, sau khi học hết lớp 9, ông thi vào ngành Kiến trúc khoa Xây dựng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cùng khoá học này có 5 đối tượng trình độ khác nhau: Những người học ở vùng kháng chiến học hết phổ thông 9 năm; Những người học lớp dự bị đại học (những người học hết phổ thông nhưng không có trường Đại học yêu thích để học nên học trường dự bị Đại học để chờ thời cơ thi vào đại học chính thức; họ được học các môn cơ bản Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa để nâng cao trình độ); Những người học lớp đệ Nhất trong thành (tương đương học lớp 9 ngoài vùng kháng chiến); Những người học lớp đệ Nhị (tương đương học lớp 8 kháng chiến); Những người học bổ túc công nông (Học lớp 7 và học Bổ túc công nông trong vòng 1 năm, chủ yếu là cán bộ, học sinh miền Nam tập kết). Trong 5 đối tượng này thì những người học Bổ túc công nông không phải thi Đại học, mà được Nhà nước ưu tiên chọn vào học. Còn lại thì đều phải thi tuyển. “Vào năm học đầu tiên sinh viên Khoa Xây dựng được phân thành 4 lớp theo 4 ngành đào tạo khác nhau: ngành Kiến trúc, ngành Xây dựng Dân dụng và công nghiệp, ngành Xây dựng Cầu đường và ngành Xây dựng Thủy lợi”[2]. Và ông được học ngành Kiến trúc.

Khóa đầu tiên thi đỗ vào trường khoảng 1200 người. Trong quá trình học cũng có nhiều người không theo được, và bỏ học giữa chừng, hết khóa chỉ còn 1000 người. Trong số những người bị loại có một số người thuộc diện dự bị đại học. Về điều này ông nói: “Trình độ của những người thuộc diện này hơn người khác nhưng khi học lại chủ quan nên mới bị đào thải.”[3]. Trong đó có 2 đối tượng được giữ lại trường công tác nhiều và sau này trở thành nhà khoa học là những người học lớp 9 ở vùng kháng chiến và những người học lớp đệ nhất trong thành.

Năm thứ nhất ông học ngành Kiến trúc, nhưng sau đó trường Đại học Bách khoa bỏ ngành Kiến trúc với lý do thiếu thầy dạy và sợ ảnh hưởng tiêu cực của nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, nên ông đã chuyển sang học ở ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

                                                                                         

GS Phạm Ngọc Đăng

 Định hướng nghề nghiệp

Năm 1959 Phạm Ngọc Đăng cùng với toàn bộ sinh viên khóa I đã kết thúc thời kỳ sinh viên ở Đại học Bách khoa Hà Nội, lúc này Đảng và Nhà nước có chủ trương phân công công tác cho sinh viên. Và khoảng 100 sinh viên khá giỏi khóa 1 của trường Đại học Bách khoa năm đó được giữ lại trường làm giảng viên, Phạm Ngọc Đăng là một trong những sinh viên đó. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Sanh Dạn (sau này là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Xây dựng) là người đã định hướng cho cuộc đời hoạt động khoa học của ông, theo ngành Vật lý kiến trúc. Vì ông thấy rằng: “Điều kiện phát triển ngành xây dựng kiến trúc phải dựa trên khoa học về các yếu tố vật lý tác động vào như nhiệt độ, gió, độ ẩm, ánh sáng, âm thanh, bức xạ để tạo ra công trình có chất lượng cao và đạt được mục tiêu sử dụng. Những vấn đề này ở Việt Nam chưa có ai nghiên cứu. Để làm được điều này không chỉ cần giỏi về kiến thức kiến trúc-xây dựng, mà còn phải giỏi những khoa học cơ bản”[4]. Nhận thấy sinh viên Phạm Ngọc Đăng có thể đáp ứng được những yếu tố đó nên ông đã giữ lại và định hướng nghiên cứu về Vật lý kiến trúc.

Với những kiến thức khoa học và kỹ thuật cơ bản đã được các thầy truyền thụ, cùng sự cố gắng nỗ lực tự học, tự rèn luyện, sau này ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau: Chủ nhiệm Bộ môn, Chủ nhiệm Khoa, Hiệu phó, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng; Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước; Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Xây dựng – Kiến trúc, Uỷ viên Hội đồng Bảo vệ thi hài Bác Hồ. Bây giờ khi đã ở tuổi 75, ông vẫn được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Uỷ viên Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia.

Tự hào về khóa I khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông bộc bạch: “Cái đáng tự hào nhất, cái quý giá nhất của cựu sinh viên khóa 1 Khoa Xây dựng trong 50 năm qua đó là sự đóng góp vào sự phát triển khoa học và kỹ thuật ngành xây dựng nước ta, đó là 100% cựu sinh viên khóa 1 Khoa Xây dựng chúng ta đều đã trở thành các kỹ sư giỏi, kỹ sư xuất sắc, các nhà chuyên môn có uy tín. Chúng ta đã đóng góp cho xã hội những công trình khoa học, những thành tựu khoa học và kỹ thuật trong thiết kế, thi công và quản lý xây dựng…”[5] 

Nguyễn Thị Phương Thúy

_________________ 

[1], [3]; [4]: Trích băng phỏng vấn ngày 22-7-2011

[2], [5]: Lời nói đầu sách “Các kỹ sư xây dựng đầu tiên của Việt Nam sau Cách mạng tháng 8 năm 1945”