Sau khi trở thành Phó Giáo sư (PGS) trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 29, Phạm Hoàng Hiệp có thêm nhiều lần được vinh danh, mới đây nhất là 1 trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011”.
Trong cả lần trao chức danh PGS và vinh danh gương mặt trẻ tiêu biểu lần này, Phạm Hoàng Hiệp đều không có mặt, bởi anh đang theo học tại nước ngoài. Chúng tôi chỉ gặp được thầy anh, GS. TSKH Nguyễn Văn Khuê – “người đã phát hiện và dẫn dắt em học tập và nghiên cứu… Ngoài toán học em còn học được từ thầy những lý luận sắc bén và lẽ phải của cuộc sống…”, như chính Phạm Hoàng Hiệp đã viết đề tặng thầy trong luận án tiến sỹ thực hiện tại Thụy Điển.
Cái “duyên” gặp được thầy Khuê đã mở đầu cho cái duyên với toán học của Hiệp, và mở đầu cho cả một tình thầy trò đẹp như cổ tích. “Nó giỏi hơn tôi”! – đó là điều mà GS Nguyễn Văn Khuê đã nói với GS Đinh Quang Báo – khi ấy đang là Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, về cậu sinh viên năm nhất Phạm Hoàng Hiệp. Kết luận này bắt đầu từ một buổi học, khi thầy đang loay hoay viết một công thức khó trên bảng, còn Phạm Hoàng Hiệp lại tỏ ra lơ đãng và lầm bầm điều gì đó trong miệng. Bực mình, GS Khuê gọi Hiệp đứng dậy hỏi: “Em nói gì?”, Phạm Hoàng Hiệp trả lời: “Thầy viết công thức ấy ra sẽ còn khó hiểu hơn”. Suy nghĩ mãi về điều đó, sau buổi dạy, vị GS già nhận ra cậu học trò năm nhất đã đúng.
Như phát hiện ra một tài sản quý, sau này ông lên gặp hiệu trưởng đề nghị đào tạo để giữ Hiệp lại trường. Kể từ đó, tình thầy trò “cổ tích” của 2 người chính thức bắt đầu. Trong mắt GS Khuê, Phạm Hoàng Hiệp là một người rất giỏi. Có những điều, các thầy không biết, nhưng Hiệp lại biết. “Hầu như cái gì nó cũng có câu trả lời, nhưng trước mặt các thầy thì không bao giờ “múa rìu qua mắt thợ”. Chỉ đến khi tôi bảo nó nói – vì tôi biết là nó ngồi im im thế thôi nhưng biết cả, thì nó mới nói”.
Rất thông minh, nhưng sự nghiệp khoa học của Phạm Hoàng Hiệp cũng nhiều lần suýt “sẩy chân” vì những điều nho nhỏ. Đầu tiên là ý định giữ Hiệp lại trường của thầy Khuê suýt nữa thì xôi hỏng bỏng không, bởi điểm tổng kết các môn của anh chỉ có 7,78. Do quá say mê toán học, Phạm Hoàng Hiệp học lệch, và dường như cũng không mấy để ý đến việc làm sao ít nhất cũng đủ 8 phẩy. Điều này không phải lần đầu tiên xảy ra. Thời học sinh, Phạm Hoàng Hiệp cũng đã từng thi trượt vào chuyên toán. Hiệp hay bị “hở sườn” ở những chi tiết phụ. Nếu năm đó, các thầy Trường Sư phạm cứ cứng nhắc xét “ba rem”, thì đến giờ chúng ta có thể có một Phạm Hoàng Hiệp nào đó, nhưng chưa thể có PGS Phạm Hoàng Hiệp ở tuổi 29. Cuối cùng, nhờ sự trân trọng tài năng của các thầy, Hiệp đã được “du di” lần 1 – giữ lại trường.
Tốt nghiệp năm 2005, nhưng theo quy định phải loại giỏi mới được chuyển học cao học ngay, nên năm đó anh chỉ được “dự thính”, và đến tháng 11/2008 mới được bảo vệ thạc sỹ. Tuy nhiên, một lần nữa anh lại được “du di”, cho bảo vệ vào tháng 3/2007, dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Văn Khuê. Đúng 1 năm sau, tháng 3/2008, thời điểm mà đúng ra còn chưa được bảo vệ thạc sỹ trong nước, Phạm Hoàng Hiệp bảo vệ xong Tiến sỹ tại Thụy Điển, khi vừa tròn 26 tuổi.
Nhắc đến 2 người, chính vợ GS Khuê cũng phải thừa nhận đó là một tình thầy trò cổ tích. Thầy thì hết lòng hết sức, dồn mọi thứ cho trò. Trò thì hết lòng yêu kính và tận tâm. GS Nguyễn Văn Khuê bảo, trong việc nghiên cứu khoa học của Phạm Hoàng Hiệp, ông giữ đúng vai trò là một người hướng dẫn. “Chỉ hướng dẫn, chứ không nhúng tay làm hộ bất cứ việc gì”.
Bản thân Phạm Hoàng Hiệp cũng được rất nhiều GS đầu ngành yêu quý và mời cộng tác. Có nhiều cơ hội tốt mà ngay cả GS Khuê cũng khuyên Hiệp nên nhận lời để được đi học nước ngoài – miền đất thần tiên hơn cho nghiên cứu khoa học, nhưng Phạm Hoàng Hiệp đều từ chối.
Anh gắn bó với thầy không chỉ bởi toán. Ngay từ năm thứ 2 ĐH, Hiệp ngày nào cũng từ nhà ở Quan Hoa (Cầu Giấy) chạy xe sang đón thầy đi dạy. Trong nhà GS Nguyễn Văn Khuê, 2 người cũng có 2 chiếc ghế quen thuộc sát nhau, nơi thầy trò có thể ngồi đàm đạo quên thời gian. Đến giờ, Phạm Hoàng Hiệp đã đi học ở nước ngoài 1 năm, GS Khuê vẫn giữ 2 chiếc ghế ở nguyên vị trí.
Không chỉ là thầy của PGS trẻ nhất Việt Nam, ông còn là cha của GS trẻ nhất Việt Nam – Nguyễn Quang Diệu. Tuy nhiên, GS Khuê bảo: “Tôi gắn bó với thằng Hiệp hơn con trai tôi”. Ngay cả GS Nguyễn Quang Diệu cũng có lần nói: “Mọi người bảo Phạm Hoàng Hiệp mới là đứa con tinh thần của bố”.
Bằng tấm lòng của một người thầy, ngay từ buổi đầu, GS Nguyễn Văn Khuê đã nâng niu hết sức cái mầm non tươi tốt mà mình tìm thấy – người đã trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc hiện nay, người mà GS Nguyễn Văn Khuê tin rằng sẽ sớm trở thành GS trẻ nhất ở tuổi 34, 35
Vũ Hân
Nguồn: www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/cand.com.vn/Tinh-thay-tro-co-tich-cua-PGS-tre-nhat-Viet-Nam/8144731.epi