Hoàn toàn có thể đánh giá ông là người lãng mạn vì mục đích lớn nhất của cuộc đời ông đã được xác định từ thời tuổi trẻ và không hế thay đổi: Quyết tâm làm thày thuốc để cứu giúp những số phận chịu nhiều đau đớn bệnh tật. Càng thấy lý tưởng này lãng mạn hơn nếu người ta biết thêm rằng ông vốn là con nhà hòang tộc, sẵn có cuộc sống đầy đủ và tương lai tươi sáng. Hơn nữa, những số phận mà ông muốn cứu giúp là đồng bào của ông khi đó còn đang sống dưới ách thuộc địa thực dân – những người nghèo khổ và không được bênh vực.
Một người đang ở giữa sự sung sướng lại đi lặn lội vào chỗ khổ với mục tiêu còn “ở trên trời” chẳng phải là người lãng mạn lắm thay ! Lời giải thích cho sự lãng mạn đó và tất cả những thành tựu khoa học đáng kính trọng của GS Tôn Thất Tùng chỉ cần một. Đó là: Tình thương yêu con người.
Với tình thương yêu con người vô bờ bến, từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước, chàng thanh niên Tôn Thất Tùng đã dấn thân trên con đường khoa học lắm chông gai, vượt qua cả những sự o ép của chính quyền thuộc địa.
Từ rất sớm, ông đã có phương pháp tư duy của một nhà khoa học lớn: không giáo điều mà sáng tạo, tin vào thực tế, lấy thực tế là thước đo sự đúng đắn trong lý luận. Cùng với tư duy dũng cảm cũng cần trí tuệ sáng tạo nhưng trước hết là sự chuyên cần trong lao động khoa học. Trong những năm 1935 – 1939, ngoài việc hoàn thành chương trình học tập như các sinh viên khác, y sinh Tôn Thất Tùng đã phẫu tích trên 200 lá gan tử thi. Anh đã bộc lộ được hệ thống mạch máu trong gan rồi đối chiếu, vẽ sơ đồ để từ đó hình thành phương pháp mổ gan ngày nay mang tên mình: Phương pháp mổ gan khô Tôn Thất Tùng. Trước đó, khi mổ gan các mạch máu ở gan thường bị cắt ngang, rất khó cầm máu. Ranh giới những thùy gan chính là hệ thống mạch máu nuôi sống nó. Tôn Thất Tùng xác định rõ những vùng gan bị tổn thương rồi tìm cách cô lập, cắt riêng từng vùng. Với sơ đồ mạch máu trong gan đã được xác định, Phương pháp mổ gan khô Tôn Thất Tùng tiến hành thắt những mạch máu cấp đến trước khi cắt bỏ vùng gan bị bệnh. Người bệnh mất ít máu và cơ hội sống tăng cao.
GS Tôn Thất Tùng đã viết trong cuốn hồi ký “Đường vào khoa học của tôi”: “Nghiên cứu khoa học là một vấn đề lao động bằng mười ngón tay liên tục trong hàng năm, rồi sau đó vào vỏ não mới có thể nhận định ra một cái gì mới. Cái khó là mỗi lần lao động như thế, phải suy nghĩ ngay, rút kinh nghiệm ngay, để luyện tập các tế bào não… Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cũng và tĩnh mịch”. Sự chuyên cần cùng sự nhạy cảm hiếm có đã giúp GS Tôn Thất Tùng có những phát hiện độc đáo từ những nhận xét nhỏ: bàn tay có mùi khai của người có sỏi bàng quang, tư thế cong người của bệnh nhân có giun chui ống mật, cách nghiêng bàn mổ và vị trí đứng của các bác sĩ phẩu thuật khi bộc lộ lá gan… Các thiên tài thường thăng hoa, lóe sáng từ những hiện tượng bình thường mà ai cũng nhìn thấy. Acsimet đã từng tìm ra lực đẩy của nước trong buồng tắm. Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn khi nhìn quả táo rơi… Nhưng để có được “ánh chớp lóe” đó cần cả một “quá trình tích điện” lâu dài và đủ lớn.
GS Tôn Thất Tùng không chỉ là một nhà phẫu thuật hàng đầu, trái tim ông sâu sắc nặng nhân tình. Với ông, khoa học chỉ để phục vụ con người. Là nhà khoa học lớn nhưng ông trăn trở về nhiều vấn đề xã hội còn đang tồn tại của đất nước.. GS Tôn Thất Tùng sớm nói về vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách con trẻ; ông đòi chỗ vui chơi cho trẻ em; ông kêu gọi bảo vệ môi trường sống trước nguy cơ ô nhiễm không khí, đất và nước; ông chê thói hành chính, quan liêu trong việc đối xử với khoa học… Sau chiến tranh, GS Tôn Thất Tùng là một trong những nhà khoa học sớm nhìn thấy nỗi đau da cam, sớm báo động cho nhân loại và bắt đầu triển khai nghiên cứu việc khắc phục hậu quả…
Đặc biệt, từ trước đây khá lâu, GS Tôn Thất Tùng đã có những cảnh báo về trường học – những ngôi đền của trí tuệ – đang bị ô nhiễm bởi “các chuyện đời”. Theo ông, đó là điều không thể tha thứ được. Những điều ông nêu lên cách đây hơn ba mươi năm là chuyện hôm nay chúng ta đang phải loay hoay đối phó. Từ năm 1974, GS Tôn Thất Tùng đã nhận xét trên báo Nhân dân: “Chúng ta đã nặng cho con em chúng ta học một chương trình quá nhiều chữ và ít việc làm”. Những bài giảng cho y sinh của ông bao giờ cũng giàu kiến thức chuyên môn và đậm đạo lý làm người.
Và còn ít người biết GS Tôn Thất Tùng là một nhà thơ với nguyên nghĩa của từ này. Thơ ông viết trong những giây phút rỗi rãi hiếm hoi. Ông thường viết thơ bằng tiếng Pháp, liền mạch, ít chau chuốt về ngôn từ nhưng hình ảnh đẹp và tràn đầy cảm xúc – những cảm xúc thật lắng xuống của tâm hồn. Ông hồn nhiên, cách nghĩ, cách cảm hòa đồng với xung quanh. Cách ông phát hiện chất thơ của đời sống còn đi theo ông vào trong những bài giảng khoa học. Nhìn từ thơ ông, nhà thơ Vũ Quần Phương có nhận xét: Khoa học với ông là một vấn đề của tình cảm.
GS Tôn Thất Tùng là nhà khoa học lớn với trí tuệ mẫn tiệp và tâm hồn thi sĩ, là người đi tìm chân lý khoa học với trái tim yêu thương.
Ngô Nguyễn Thiên An