Căn nhà nằm trong ngõ nhỏ đường Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội), bề bộn sách. Sách dẫn từ phòng khách, lên cầu thang, sách có ở nhiều ngóc ngách của ngôi nhà. Căn nhà với ba thế hệ chung sống, không đủ không gian để thỏa mãn đam mê sách của ông, nhưng luôn là địa điểm để nhiều người tìm đến tham khảo ý kiến, mượn sách, tra cứu… Gắn bó với nghề viết từ khi còn là cậu học trò xứ Thanh, trải qua nhiều ngành nghề: viết báo, dạy học, rồi hàng chục năm làm công tác tuyên huấn trong quân đội, trong các viện nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông thạo ba thứ tiếng: Trung, Nga, Pháp, nên ông có điều kiện tiếp xúc với kho tư liệu vô cùng phong phú về Bác Hồ.
Đọc, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác từ lâu, nhưng sự nghiệp nghiên cứu, viết sách và kể những câu chuyện về Người thật sự bắt đầu khi ông nhận lời sắp xếp lại kho tư liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại: “Hai tháng liền, tôi miệt mài sắp đặt, say mê nghiền ngẫm những trang tư liệu quý. Càng đọc, tôi càng kính trọng Bác – một nhân cách vĩ đại, lại càng trăn trở làm sao để chuyển tải những hiểu biết về Người đến với thật nhiều độc giả. Bởi vậy, tôi quyết định dành thời gian nghiên cứu về Người”. Và cứ thế, ông cặm cụi ghi chép, tỉ mỉ gạn lọc hàng vạn trang tư liệu cả tiếng Việt, Pháp, Trung, Tây Ban Nha…, gặp gỡ không biết bao nhiêu nhân chứng trên mọi miền Tổ quốc, để hơn 30 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt ra đời. Cuốn “Bao dung Hồ Chí Minh” hoàn thành và ra mắt bạn đọc đúng dịp sinh nhật lần thứ 105 của Bác (19-5-1995). Chỉ vỏn vẹn 80 trang, nhưng tác giả đã khắc họa chân dung một con người vừa vĩ đại, vừa giản dị; dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì và trên cương vị nào, Bác Hồ của chúng ta luôn thấu hiểu và tôn trọng mọi người. Phép ứng xử Hồ Chí Minh đã được tác giả đúc kết thành phong cách. Trong mỗi tình huống, với mỗi đối tượng, Bác đều có lối ứng xử hay nhất, bởi Người đã thấm nhuần và phát huy truyền thống khoan dung của dân tộc, kết hợp cội rễ văn hóa phương Đông, cùng tinh hoa văn minh phương Tây. Từ đó lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Cuốn sách “Tấm gương Bác – ngọc quý của mọi nhà”, bao gồm 297 chuyện kể ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ nhớ, phản ánh chân thực tình cảm sâu sắc của Người đối với bộ đội, cán bộ, nhân dân, để người đọc không kể lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp đều có thể rút ra những bài học lý tưởng và đạo đức làm người. Và còn nhiều cuốn sách khác thể hiện tình cảm đặc biệt của tác giả đối với Bác Hồ, như: Nhớ lời Bác dạy (3 tập), Mùa xuân Cụ Hồ, Bác Hồ với chiến sĩ (3 tập), Đi tới một mùa xuân tư tưởng Hồ Chí Minh, Vụ án Hồng Kông năm 1931… tất cả đã được tái bản nhiều lần. Có người gọi ông là “nhà Hồ Chí Minh học”. Nhưng ông bảo: “Đừng gọi tôi như thế, đơn giản, tôi chỉ là một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu về Bác mà thôi”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ trong ông lại trở về thật rõ nét. Câu chuyện của gần 50 năm trước mà như mới ngày nào. Ông còn nhớ rất rõ, đó là ngày 22-12-1962, trong buổi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Anh hùng Xô-viết Pa-ven Ba-tốp, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng. Ông cùng mấy đồng chí ở Cục Đối ngoại, biết tiếng Nga đều được mời đến. “Khi thấy Bác, chúng tôi ùa ra, bị mấy anh bảo vệ ngăn lại, không cho vào, thấy vậy, Bác ra hiệu và bảo cứ để chúng tôi vào. Khi đoàn khách tới, Người hồ hởi ra tận ngoài đón và dẫn khách vào phòng họp. Hay kỷ niệm về Đại hội thể thao quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, diễn ra ở Câu lạc bộ bể bơi Ba Đình. Hôm ấy, khoảng 3 giờ chiều, Bác đến. Bác mỉm cười và bắt tay tất cả trưởng đoàn các nước, cử chỉ thân mật. Tôi thấy, bắt tay ai Bác cũng chào bằng một câu gì đó, và mọi người tỏ thái độ hết sức ngưỡng mộ, thán phục vị Chủ tịch nước Việt Nam, có người chắp tay đáp lễ. Những cử chỉ thân thiện của Bác, không chỉ dành cho các chính khách mà còn đối với cả những cán bộ trẻ, những người bình thường, cho tôi một cảm giác Người thật gần gũi biết bao”.
Đã ở tuổi ngoại bát tuần, nhưng tiến sĩ sử học, Đại tá Nguyễn Văn Khoan vẫn miệt mài nghiên cứu. Vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2010), ông đang nỗ lực làm việc để ba cuốn sách kịp ra mắt bạn đọc. Đó là: “Suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Hồ Chí Minh – về chiến tranh du kích”; “Một chặng đường Nguyễn Ái Quốc 1934-1938”. Ngoài chủ đề Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, ông còn viết nhiều cuốn khác về các nhân vật lịch sử, về các địa phương, và nhiều đề tài khác. Tiền in sách ông được gia đình, bạn bè “tài trợ”, cùng số lương hưu ít ỏi của mình. Sách in ra, chủ yếu ông tặng bạn bè, người thân, tặng các cơ quan, trường học, thư viện, bảo tàng… Ông còn giữ rất nhiều thư cảm ơn từ các tổ chức, cá nhân ở khắp nơi gửi đến. Ông tâm sự: Tôi in sách không để bán, mà mục đích là góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đó là trách nhiệm của nhà khoa học, cũng là trách nhiệm công dân. Hằng ngày, tôi mua báo về đọc, thấy ở đâu có thư viện gia đình, có người sưu tập sách là tôi gửi tặng. Sách mình viết ra, có người yêu quý mang về đọc là tốt quá rồi. Tôi chỉ mong muốn có một căn phòng nhỏ đặt ở nơi thuận tiện để trưng bày hơn 1.000 đầu sách, và tôi sẵn sàng làm ông thủ thư, kiêm giảng viên, để bất cứ ai cần tra cứu, nghiên cứu, tìm hiểu đều có thể đến, và được miễn phí hoàn toàn”.
Nguồn:www.baomoi.com/Nhu-mach-nguon-chay-mai/121/4272939.epi