Bố tôi muốn tất cả các con đi học ngành Y
Bố mẹ tôi không ai làm nghề Y. Trong gia đình hai bên nội ngoại cũng chưa có ai làm nghề Y. Mẹ tôi ở nhà trông nom con cái, làm việc gia đình cùng với rất nhiều nghề buôn bán nhỏ phù hợp với từng hoàn cảnh để nuôi anh em chúng tôi đi học cùng với đồng lương công nhân của bố tôi. Bố tôi với chút vốn chữ Nho và được đi học ở trường Bách nghệ. Trong những năm 1950, bố tôi đã mở một xưởng sửa chữa ôtô với nhiều công nhân làm việc ở phố Hai Bà Trưng. Tên của xưởng máy là Đức Long.
Sau giai đoạn cải tạo công thương, bố tôi trở thành công nhân nhà máy cơ khí Mai Động và làm việc cho đến khi về nghỉ hưu. Cả cuộc đời vất vả, gian truân đã chỉ cho bố tôi thấy rằng: chỉ có nghề Y là một nghề trị bệnh cứu người, mang lại sức khỏe cho người khác. Cụ thường nói: nghề Y là một nghề làm phúc. Có lẽ sự vất vả, gian truân suốt cuộc đời của bố tôi đã làm nảy sinh tư tưởng trọng nghề Y của bố tôi. Tư tưởng đó của bố tôi đã được truyền cho anh em chúng tôi hàng ngày. Bố tôi chỉ có một nguyện vọng, đó là tất cả anh em chúng tôi vào học trường Y và trở thành bác sĩ. Trừ chị cả của tôi không được hưởng thụ tư tưởng này của bố tôi. Đó là lý do giải thích cho việc 5 anh em tôi đều học trường Y. Và bố tôi thực sự toại nguyện, hoàn toàn nhiệm vụ trước khi từ giã cõi đời này. Anh em chúng tôi cũng phần nào hài lòng vì đã thực hiện được ước nguyện của bố tôi.
Tôi nhảy cóc từ lớp 1 lên lớp 3 và đi học vẽ
Khi đến tuổi cắp sách đến trường, đúng vào lúc diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt chống Mỹ xâm lược, anh trai tôi đã lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Tôi là người con trai duy nhất còn ở lại trong gia đình. Bố tôi đã chần chừ không muốn cho tôi đến trường vì lo sợ có điều gì không may xảy ra. Vì thế 7 tuổi, tôi mới đi học lớp vỡ lòng ở trường làng nơi gia đình tôi đi sơ tán, chậm một năm so với qui định. Lớp học ở ngay trong làng, cách nhà tôi ở chừng vài trăm mét. Tôi lên lớp 1 và tiếp tục học ở trường làng. Trong năm học lớp 1 này, tôi được cô giáo cử đi thi toán giỏi và văn giỏi ở huyện. Cuộc thi không để lại cho tôi một ký ức nào trừ việc phải dạy từ rất sớm và đi bộ một mình rất xa, rất đói bụng và mệt. Lúc này bố tôi đã nhận ra những hậu quả lâu dài sau này của việc tôi bắt đầu đến trường chậm 1 năm.
Bố tôi đã quyết tâm sửa sai, cụ tìm sách lớp 2 và tự dạy cho tôi ở nhà. Hết lớp 1, gia đình tôi quay trở về Hà Nội. Năm học đến, bố tôi đi nộp đơn xin học cho tôi. Bố tôi xin cho tôi vào học lớp 3. Trường yêu cầu nộp học bạ và các giấy tờ có liên quan. Thật khó khăn quá vì như vậy tôi sẽ phải vào học lớp 2. Bố tôi suy nghĩ và quyết định áp dụng phép nói dối đáng yêu. Bố tôi trình bày với trường là đã bị mất hết học bạ do bom đạn. Nhà trường khăng khăng không nhận. Bố tôi đành lui một bước, xin nhà trường cứ cho tôi tham dự kỳ thi sát hạch trước khi vào lớp 3. Nếu tôi thi đạt thì học lớp 3, nếu không đạt thì học lớp 2. Bố tôi rất tự tin, tôi cũng không cảm thấy không lo lắng gì, không có sức ép. Kết quả của tôi tốt hơn dự kiến, bài toán tôi được 9,5 điểm, bài văn tôi được 9 điểm. Tôi ung dung vào học lớp 3 mà không có gì trở ngại. Như vậy là tôi đã nhảy cóc một lớp (bỏ không học lớp 2) để cho bảo đảm học đúng tuổi theo qui định.
Những năm học cuối cấp I và đầu cấp II, tôi đã đến Câu lạc bộ thiếu nhi, cạnh vườn hoa Chí Linh, xin theo học vẽ. Tôi học vẽ được vài năm. Trong một kỳ triển lãm tranh thiếu nhi Thủ đô tổ chức ở nhà Văn hóa thành phố, phố Tràng Tiền, tôi đã có một bức được giải nhất. Tôi rất nhớ bức tranh này, đó là một bức tranh vẽ bằng thuốc nước trên khổ giấy A3, cảnh một lớp học ở nơi tôi sơ tán, các bạn học chạy xuống giao thông hào đến hầm trú ẩn khi có báo động. Việc học vẽ của tôi bị chấm dứt giữa chừng vì trong nhà có nhiều em còn bé, việc trong nhà nhiều, hơn nữa kinh tế gia đình thực sự có nhiều khó khăn.
Tôi tự nguyện viết đơn xin rút hồ sơ để ở lại học trong nước
Với mong muốn nung nấu của bố tôi đồng thời anh trai tôi đang học năm thứ 4 của Trường Đại học Y Hà Nội, nên tôi không ngần ngại, chần chừ một chút nào khi ghi nguyện vọng vào học Trường Đại học Y Hà Nội. Mặc dù trong giai đoạn này rất phổ biến câu nói: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, nghĩa là trường Y rất cao giá, thi vào khó khăn.
Kỳ thi vào đại học của tôi diễn ra vào mùa hè năm 1977. Địa điểm thi của tôi chính ở ngôi trường cấp II Đoàn Kết trước đây tôi đã học cấp II. Kết quả kỳ thi rất tốt, hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi. Tôi được 27,5 điểm: Sinh 10 điểm, Toán 9,5 điểm, Hóa 8,0 điểm. Cho đến nay, tôi vẫn giữ phiếu báo điểm, coi như một kỷ vật của một kỳ thi đẹp. Kết quả thi hoàn toàn ngược với những gì tôi đã học. Môn học mà tôi lo nhất là Sinh thì điểm thi lại cao nhất. Trái lại, môn học mà tôi cho là yên tâm nhất (môn Hóa) thì lại được điểm thấp nhất. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến kết quả lại có thể tốt như vậy. Có lẽ tôi không thể nào mô tả được cảm giác sung sướng, vui mừng đến mức như thế nào khi biết điểm thi vào đại học. Bố mẹ tôi, anh em trong gia đình, bạn bè cùng lớp phổ thông rất vui và chúc mừng tôi. Anh trai tôi lại càng vui vì có em ruột đạt kết quả thi tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội rất tốt, anh tôi có quyền tự hào với các bạn bè trong lớp.
Ngay sau đó, tôi phải quyết định một vấn đề quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với tôi hiện nay. Với điểm thi 27,5 tôi được đi học đại học ở nước ngoài (năm đó điểm chuẩn Trường Đại học Y Hà Nội là 21,5 điểm, 23,5 điểm là được đi học nước ngoài). Hai lý do quan trọng nhất để tôi quyết định ở lại học trong nước là được học Trường Đại học Y Hà Nội và các bác sĩ được đào tạo từ Trường Đại học Y Hà Nội có trình độ tay nghề rất tốt. Anh trai tôi đã có vai trò rất quan trọng trong quyết định xin rút hồ sơ để ở lại học trong nước, học ở Trường Đại học Y Hà Nội. Bố tôi cũng ủng hộ quyết định này của tôi. Tôi cũng vui vẻ xin ở lại học trong nước dù rằng lúc đó được đi nước ngoài học tập là giấc mơ của nhiều người. Cho đến nay, tôi vẫn luôn nghĩ rằng đó là một quyết định đúng đắn của tôi.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh
Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội
(Trích Hồ sơ khoa học của PGS, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)