PGS. TS Trần Ngọc Toản (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu khí Việt Nam) sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Cậu bé Toản sớm được giác ngộ cách mạng, lên 10 tuổi đã trở thành một chú bé liên lạc, một du kích nhanh nhẹn, dũng cảm.
13 tuổi Trần Ngọc Toản đã tham gia Tiểu đội du kích xã Hòa Khương (Hòa Vang). Cuối năm 1952, ông và tiểu đội du kích đã lập mưu chiếm được 2 xe ô tô tải ngay trước đồn dịch đưa về khu du kích.
Tới năm 1953, chàng thiếu niên Trần Ngọc Toản mới 15 tuổi, đã trở thành chiến sĩ trẻ tuổi nhất trong đoàn chiến sĩ thi đua Liên khu 5 ra dự Hội nghị Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc ở Việt Bắc (sau này Hội nghị đã hoãn lại để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ).
Cuộc đời của PGS.TS Trần Ngọc Toản có nhiều bước ngoặt đáng nhớ, điều mà ông luôn trân trọng nhất chính là được Đảng, Bác Hồ bồi dưỡng thành một tài năng của đất nước.
PGS.TS Trần Ngọc Toản (Hàng thứ hai mặc áo vét đen đứng đầu từ trái sang)
trong lần gặp mặt Bác ở Rumani năm 1957
Nhưng có lẽ động lực để ông trở thành một trong những Giáo sư hàng đầu về nghiên cứu dầu khí ở Việt Nam chính là lời động viên của Bác dành cho mình trong những lần gặp Bác.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất với PGS Trần Ngọc Toản chính là khi ông còn là một cậu bé được ngồi kế bên Bác giữa núi rừng Việt Bắc năm 1953.
Sau hai tháng vượt Trường Sơn ra tới Việt Bắc với bao nhiêu gian khổ, tất cả các anh em chiến sĩ thi đua được bố trí trong một cái lán dã chiến giữa núi rừng nghỉ ngơi. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thông báo sáng ngày mai Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tới gặp mặt anh em.
Sáng sớm hôm sau, ai cũng dậy thật sớm để chuẩn bị, lấy bộ quần áo đẹp nhất ra mặc nhưng chờ mãi, tới 9h mà vẫn chưa thấy Đại tướng đến. Mọi người lại đi thay quần áo, đi chơi.
Một lúc sau, có tiếng chân ngựa lộc cộc chạy tới, nhưng không ai chú ý vì ở lán thường xuyên có các chiến sĩ cưỡi ngựa chở lương thực hay giao công văn đi qua.
Khi này, một người mặc quần áo bộ đội chỉnh tề (Cục trưởng Cục Quân lực) đi cùng, giới thiệu một người dong dỏng cao, mặc bộ quần áo nâu, đầu đội nón, một chiếc khăn quấn ngang cổ và hỏi:
Các đồng chí biết ai đây không?
Mọi người lúc này chưa đoán ra ai. Trong giấy lát, “Người ấy” cởi nón ra và kéo chiếc khăn xuống để lộ bộ râu. Lúc đó tất cả mọi người mới hò reo: Bác Hồ, Bác Hồ!
Với cậu bé Trần Ngọc Toản, “giây phút ấy thật xúc động, không gì diễn tả nổi”. Tất cả các anh em chiến sĩ ở đây đều là lần đầu được gặp Bác nên việc Bác bất ngờ tới thăm, khiến cho không ít người vui quá mà chảy nước mắt. Mọi người cứ vây lấy Bác mà hò reo mà quên mất trên người mình chỉ mặc bộ quần áo lót mà thôi.
Khi tất cả đã chỉnh trang quần áo và trật tự, Bác bảo mọi người ngồi xung quanh nói chuyện, khi ấy chị Đinh Kit, người Hre (Tây Nguyên) và cậu bé Trần Ngọc Toản được ưu tiên ngồi bên cạnh Bác.
“Khi ấy, tôi mới 15 tuổi nhưng còn rất trẻ con, ngây thơ lắm. Trong trí tưởng tượng trước đây của tôi về Bác Hồ phải là một vĩ nhân, thật cao siêu mà chúng ta chỉ có thể ngưỡng vọng từ xa. Nhưng khi được ngồi bên cạnh Bác, tôi thấy Người thật ấm áp, gần gũi chẳng khác nào như người ông của mình. Tôi chẳng khác như một đứa cháu ngồi bên ông, đưa tay vuốt chòm râu Bác, sờ mái tóc bạc của Bác xem có như những gì mọi người vẫn nói không”.
Thấy Trần Ngọc Toản là người bé nhất trong Đoàn, Bác quan tâm nhiều hơn. Bác không chỉ ân cần hỏi han chuyện gia đình, học hành chiến đấu của cậu bé mà Bác còn hỏi chuyện đội du kích, việc xây dựng lực lượng quần chúng, việc đánh giặc, nhân dân Hòa Khương có no đủ không…
Tới chuyện ăn uống, Bác hỏi đồng chí phụ trách hậu cần lo cho các anh em chiến sĩ chế độ ăn uống như thế nào. Đồng chí phụ trách hậu cần thưa với Bác là cho anh em hưởng theo chế độ “Trung tá”.
Nghe tới đó, đồng chí Nguyễn Kim Toàn (Đoàn trưởng đoàn Miền Nam) mới đứng lên thưa với Bác:
– Thưa Bác, chúng cháu trong miền Nam, chiến đấu gian khổ quen rồi nên Bác cứ cho ăn chế độ “Tiểu Tá” là được.
Lúc ấy, đồng chí phụ trách hậu cần mới tủm tỉm cười, giải thích: Chế độ “Đại tá” là dành cho cấp bậc Đại úy trở xuống; chế độ “Trung tá” là cán bộ trung đoàn trở lên; Chế độ “Tiểu tá” dành cho cấp chỉ huy cao nhất từ Đại tá cho tới cấp Tướng.
Nghe tới đó, mọi người mới té ngửa ra, ai cũng buồn cười về sự nhầm lẫn ngây ngô của mình.
Tuy vậy, Bác vẫn căn dặn đồng chí phụ trách hậu cần phải chú ý việc chăm sóc các chiến sĩ ăn uống đàng hoàng. Bác cũng căn dặn các anh em tranh thủ thời gian học tập chính trị cho tốt để về đơn vị chiến đấu lập nhiều thành tích hơn nữa.
Cuối buổi gặp, Bác hỏi mọi người có nguyện vọng gì muốn đề đạt không nhưng chẳng ai nghĩ ra được điều gì. Khi này, Bác quay lại hỏi Trần Ngọc Toản, thì ông lúng túng, nghĩ mãi và nhớ ra rằng mình chưa bao giờ được xem phim nên muốn được xem phim.
“Kể từ hôm ấy, tôi mới biết thế nào là phim. Bộ phim tôi được xem chính là chiến dịch Tây Bắc – bộ phim hay nhất mà tôi từng xem!”, PGS Trần Ngọc Toản bồi hồi nhớ lại.
Tác giả Trần Ngọc Toản và cuốn sách Biển Đông Yêu Dấu
Sau Hội nghị Chiến sĩ Thi đua, chàng thiếu niên Trần Ngọc Toản được ở lại tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, ông lại được gặp Bác trong lần mít tinh chào mừng Bác và Trung ương về Hà Nội và trong Đại hội Tuyên dương Anh hùng Quân đội lần thứ hai (1955).
Lần cuối cùng PGS Trần Ngọc Toản được gặp Bác Hồ chính là cuối năm 1957, Bác Hồ đi thăm Rumani và các nước anh em xã hội chủ nghĩa. PGS Trần Ngọc Toản bấy giờ là một du học sinh ở Rumani đã được gặp mặt Bác. Một lần nữa, Người lại căn dặn các lưu học sinh phải có “nhiệm vụ học cho giỏi, phải học những cái hay cái tốt để về dựng xây đất nước”.
Để đáp lại niềm tin yêu của Bác và của Đảng, PGS Trần Ngọc Toản đã rèn luyện trở thành một nhà khoa học nghiên cứu dầu khí hàng đầu Việt Nam, một trong những người đầu tiên trong hành trình tìm “lửa” của nước ta…
Sao Chi
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn/Home/Thay-doi-cuoc-doi-tu-loi-day-cua-Bac/20125/138516.vgp