Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ Việt Nam (9/1949 – 01/1951)
Là Viện trưởng một viện Quân y ở Mặt trận Trung Du, ông đã trực tiếp cứu chữa nhiều thương binh trong các chiến dịch Phủ Thông, Nà Phặc, Cao – Bắc – Lạng, Hoàng Hoa Thám… Trước mỗi thương binh từ mặt trận gửi về, bao giờ bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ cũng có thái độ yêu thương, quý trọng. Với những phương tiện thô sơ của các lán mổ trên núi rừng Việt Bắc, ông cùng đồng nghiệp cứu chữa hàng trăm chiến sĩ qua khỏi vết thương hiểm nghèo và đúc kết được bao kinh nghiệm quý báu về ngoại khoa thời chiến. Xúc động trước lòng quả cảm của một người lính trẻ mà ông đã buộc phải cưa đi cánh tay giập nát của anh vì đạn pháo quân thù, ông đã viết truyện ngắn “Em Ngọc” nổi tiếng một thời.
Tháng 3/1949, khi Trường Quân y sĩ Việt Nam được thành lập tại thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ được điều về làm Phó Hiệu trưởng và sau đó, tháng 9/1949 trở thành Hiệu trưởng Nhà trường. Thầy là Hiệu trưởng thứ hai của Trường Quân y sĩ (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay).
Mùa xuân năm 1951, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ vinh dự là một thành viên của lớp cán bộ y tế đầu tiên được cử sang Liên Xô học tập. Sau 4 năm học tập, nghiên cứu bên nước bạn, đầu năm 1955, ông trở về nước giữa khi miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng. Cùng với các Giáo sư Hồ Đắc Di, Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Nguyễn Thế Khánh… ông hối hả bắt tay xây dựng nền Y tế và Quân y cách mạng hiện đại Việt Nam. Mặc dù trong từng giai đoạn, giữ nhiều cương vị công tác quan trọng của ngành: Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại bệnh lý, Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học, Tổng Biên tập Tạp chí Y học Việt Nam…, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ vẫn luôn dành thời gian thích đáng cho việc giảng dạy, điều trị và nghiên cứu khoa học. Hơn 40 năm hoạt động khoa học, ông đã để lại cho thế hệ sau này những tác phẩm quý giá: Cấp cứu ngoại khoa, Bệnh học ngoại khoa, Phẫu thuật cắt dây X trong điều trị loét dạ dày – tá tràng… và gần 100 công trình nghiên cứu có giá trị đăng trong các tạp chí nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Đặc biệt trong những năm 1965 – 1973, khi đất nước ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ ngày đêm trăn trở một nỗi niềm làm thế nào nhanh chóng đưa ngoại khoa vào phục vụ trực tiếp, đắc lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc thiêng liêng của dân tộc. Cùng các đồng nghiệp và học trò, Giáo sư đã biên soạn cuốn sách Mấy vấn đề về ngoại khoa thời chiến. Cuốn sách được coi như cẩm nang trong ba lô của những thầy thuốc trẻ trên các nẻo đường hành quân đi chiến dịch. Trong đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không thể không nhắc tới những chiến công thầm lặng của những người thầy thuốc Quân y, những người học trò của Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ và các giáo sư lão thành khác.
Trái tim nhân đạo của Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ rung động trước những nỗi đau của bệnh nhân, thương binh, trước mỗi hơi thở của đời sống dân tộc, đất nước. Trái tim cao cả ấy đã ngừng đập vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 24 tháng 3 năm 1985, cách đây đã gần 30 năm. Đồng chí Đỗ Mười, người giới thiệu Giáo sư vào Đảng năm 1946 đã ghi vào Sổ tang những dòng xiết bao cảm động: “Anh Nguyễn Trinh Cơ ơi! Vô cùng thương tiếc Anh! Tôi rất tự hào về Anh! Là một trí thức, một nhà khoa học lớn, Anh đã cống hiến suốt đời vì sự nghiệp của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Là một đảng viên cộng sản, Anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng của Đảng. Anh đã kết thúc cuộc đời rất vẻ vang và trọn vẹn…“.
Đó có lẽ là lời đánh giá đúng đắn và đầy đủ nhất đối với cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ – một trong những người thầy nguyên là Hiệu trưởng của trường ta.
GS.TS. Lê Gia Vinh – Phòng Sau đại học – Học viện Quân y