Bước chân không mỏi

Một đời tận tụy

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên sinh 1946 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Huế. Cuộc đời của thầy theo những bước chân hoạt động cách mạng của cha mình, khi thì ra sống tại Nghệ An, khi thì cùng cả nhà vượt Trường Sơn ra Bắc. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, thầy lại tình nguyện trở thành bộ đội, là lính pháo binh mặt đất bảo vệ vùng biển Hà Tĩnh, thầy đã cùng đồng đội ghi công đầu trong chiến thắng của Đại đội 444 bắn cháy khu trục hạm của Mỹ xâm phạm vùng biển cửa Sót, Hà Tĩnh.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên (x) cùng học trò trong một chuyến đi thực tế ở Sóc Trăng

Là người lính nhưng máu văn nghệ trong con người thầy luôn tuôn chảy, không chỉ cầm súng, thầy còn cầm bút sáng tác văn, thơ và cả kịch nói. Vở kịch đầu tay Dòng sữa ngọt của thầy đã được trao giải A trong hội diễn Quân khu 4 năm 1968. Năm 1979, thầy xuất ngũ và được cử đi học tại Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, thầy tham gia giảng dạy và đào tạo các nhà viết văn trẻ tại Trường Viết văn Nguyễn Du, nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ các nhà văn nổi tiếng cho đất nước sau này.

Năm 1985, thầy được trường cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Humboldt Berlin, một trường ĐH nổi tiếng của Cộng hòa Dân chủ Đức. Với đề tài khoa học Định dạng và biến dạng nhân cách thanh niên trong tiểu thuyết về chiến tranh của Việt Nam và Đức, thầy đã nhận học vị tiến sĩ ngữ văn Đức. Với hàng loạt các công trình dịch thuật, nghiên cứu các tác phẩm về văn học, nghệ thuật Đức tiêu biểu như: J.W.Goethe và những tư tưởng về văn học và nghệ thuật (tuyển dịch và giới thiệu);  J.W.Goethe  cuộc đời – văn chương – và tư tưởng (NXB Văn hóa Thông tin)… mà sau thầy, chưa thấy ai có thể làm được cái việc kết nối các tác phẩm nổi tiếng, văn hóa của Đức với bạn đọc Việt Nam.

Không chỉ giảng dạy tại Trường Viết văn Nguyễn Du, thầy còn giảng dạy Bộ môn cơ sở văn hóa Việt Nam tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Bước chân không mỏi

Sau khi cùng gia đình vào TP.HCM, thầy tiếp tục giữ nhiều chức danh quan trọng như: Cố vấn khoa học, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trưởng bộ môn văn hóa ứng dụng thuộc Khoa Văn hóa học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; giảng viên của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH Trà Vinh, ĐH Hồng Bàng… Nhiều học trò thành đạt đã dùng lời tựa Hoàng hôn trên đỉnh Olympus để tỏ lòng tôn kính khi viết về thầy. “Đỉnh Olympus được biết đến như một tượng đài trong văn chương nước Đức, ngọn núi cao này là nơi ở các vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Không những thế, đỉnh Olympus còn được xem là biểu tượng của vinh quang. Trên chặng đường nghiên cứu khoa học, văn chương và văn hóa của người con xứ Huế mộng mơ, trên nhiều trang viết, nhiều bài giảng của thầy, người ta vẫn thấy đâu đó bóng dáng của những vị thần, những nhân vật đến từ huyền thoại”.

Mặc dù tuổi cao, nhưng thầy liên tục cùng các học trò của mình đi thực tế, khi thì đến các phum, sóc miền Tây; khi thì ra Lý Sơn, Côn Đảo, hay tận Tây Nguyên xa xôi để tìm hiểu các nét độc đáo về văn hóa vùng miền…

Học trò của thầy – ThS. nhà giáo Trịnh Đăng Khoa (quyền Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật – Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chia sẻ: “Cuộc đời của thầy Nguyên đẹp như hoa “chạc chìu”, tên một tập thơ của thầy được NXB Trẻ xuất bản năm 2012, ẩn chứa bên trong những giá trị nhân văn của đất trời chứ không đứng lộ thiên như bao loài hoa khác, nhưng khi đã thấy được vẻ đẹp của nó thì sẽ không bao giờ thôi khen…”.

PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên đã chủ nhiệm 8 dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Lễ Thánh hóa thôn Bàn Giản, Lập Thạch, Vĩnh Phúc (1998); Lễ hội Điện Hòn Chén, Huế (1999); Dân ca vùng Bắc sông Gianh, Quảng Bình (2000); Lễ hội đình Chu Quyến, Hà Tây (2000); Một số hình thức văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc Hrê, Ba Tơ, Quảng Ngãi (2001); Văn hóa nhà vườn xứ Huế (2001); Văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Kinh ở Phong Nha – Kẻ Bàng (2004 và 2005)… Đồng thời thầy cũng nhận nhiều huy chương, bằng khen: Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

Bài, ảnh: Huỳnh Công Duẩn
Nguồn: www.giaoduc.edu.vn