Từ năm 1980 đến năm 1984, tôi là nghiên cứu sinh tại Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng Trung ương trực thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Khi Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương sáp nhập với Ban Lý luận Trung ương thành Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (Gọi tắt là Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh) thì Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng cũng chuyển sang trực thuộc Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh.
Sau 4 năm làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Đảng, tôi được cấp giấy Chứng nhận tốt nghiệp loại xuất sắc. Tôi xin bảo vệ luận án phó tiến sĩ sử học chuyên ngành Lịch sử Đảng, nhưng lúc ấy, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trả lời là Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng không có trong danh sách các đơn vị được đào tạo phó tiến sĩ. Thú thật anh chị em nghiên cứu sinh chúng tôi thấy thất vọng và rất buồn. Nhiều người thoái chí, không xin bảo vệ luận án phó tiến sĩ nữa, ai nấy trở về cơ quan làm việc. Riêng tôi, vẫn quyết tâm xin bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Thế là tôi lại sang Viện Sử học xin làm nghiên cứu sinh tiếp thêm 2 năm nữa (1984-1986), vì Viện Sử học nằm trong danh sách các đơn vị được đào tạo và tổ chức Hội đồng chấm luận án phó tiến sĩ. May mắn thay, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chấp nhận cho tôi được bảo vệ luận án phó tiến sĩ.
Viện trưởng Viện Sử học lúc ấy là GS Văn Tạo đã vui vẻ nhận tôi làm nghiên cứu sinh do Thầy trực tiếp hướng dẫn. Tôi vô cùng phấn khởi. Như vậy, học nghiên cứu sinh 4 năm tại Trường Chuyên khoa Lịch sử Đảng trực thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nhưng khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ lại ở Viện Sử học.
PGS Đức Vượng (giữa) trong buổi tham quan Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam,
ngày 21-4-2015
Hàng tuần, tôi và GS Văn Tạo có một buổi làm việc để nghe thầy hướng dẫn làm luận án. Lúc ấy, tại Việt Nam chưa có quy chế làm luận án tiến sĩ, mà chỉ có học vị phó tiến sĩ là cao nhất. GS Văn Tạo có trao đổi với tôi rất kỹ về phương pháp luận sử học. Một hôm thầy Tạo nói với tôi rằng, anh có thế mạnh về nghiên cứu lịch sử Đảng và các nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng lại còn mỏng về kiến thức lịch sử dân tộc, nên phải bổ sung mảng kiến thức này. Thế là thầy Tạo đã dạy tôi rất kỹ về kiến thức lịch sử dân tộc. Thầy nói nhiều về trí thức dưới thời phong kiến đã góp phần cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm và thực hiện những cuộc cải cách lớn như Khúc Hạo, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Trịnh Cương, Minh Mạng, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Đào Duy Từ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,…
Dưới sự dẫn dắt của thầy Tạo, ngày 12-6-1986, tại trụ sở Viện Sử học, số nhà 38, phố Hàng Chuối, Hà Nội, tôi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ sử học với đề tài: "Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin". Hội đồng chấm luận án hôm ấy có GS Nguyễn Vịnh (Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh), GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Ngọc Liên, GS Đặng Xuân Kỳ, PGS Cao Văn Lượng, PGS.TS Chương Thâu,…
Năm 1986, tôi được nhận học vị PTS chuyên ngành khoa học sử học, số 406 do Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – GS Nguyễn Đình Tứ ký.
Năm 1992, tôi được phong chức danh PGS sử học, do GS.TS Trần Hồng Quân Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước và GS.TS Phạm Ngọc Đăng Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước ký. Sau đó, tôi được Trung ương cử sang Liên Xô học bổ túc chính trị tại Viện Khoa học Xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Để tỏ lòng biết ơn GS Văn Tạo, năm 1986, nhân dịp Thầy tròn 60 tuổi, tôi có làm bài thơ tặng Thầy: Kính tặng GS Văn Tạo:
"Văn do cuộc sống Tạo nên
Phải chăng đây mới là nền sử thi.
Sáu mươi năm đã mau đi
Đời ghi cống hiến bút ghi công trình.
Vậy mà vẫn mái đầu xanh
Tiếng vẫn vang vọng, âm thanh vẫn lừng.
Đời riêng trong nỗi vui chung
Tình riêng trong sự hòa cùng nước non.
Sáu mươi năm một dấu son
Đường lên dốc sử Thầy còn tiến xa.
Tặng Thấy sáu mươi bông hoa
Nhưng không hoa lá mà hoa trong đời" [1]..
Tôi học được ở GS Văn Tạo cái đức ở đời của Thầy, ở tấm lòng độ lượng, vị tha, nhân ái, tính mẫn tiệp. Thầy là người sống tốt, nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ và truyền đạt kiến thức cho lớp trẻ để lớp trẻ có cơ hội thăng tiến trong nghiên cứu sử học. Thầy sống rất đàng hoàng, phong độ, phong lưu. Ở Thầy không có góc khuất, có cái tâm sáng và cái tài nghiên cứu sử học.
Được thầy Tạo tỏa sáng, tôi đã viết được nhiều cuốn sách về lịch sử Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi sang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, tôi đã viết được cuốn sách chuyên khảo: Những ngày ở Séc. Khi sang làm Chuyên gia tại Lào, tôi đã viết được cuốn sách: Cayxỏn Phômvihản – Tiểu sử và sự nghiệp.
Nhân dịp này, cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới GS Văn Tạo và các Thầy trong Hội đồng chấm luận án cho tôi; cảm ơn Viện Sử học đã tạo điều kiện để tôi được làm nghiên cứu sinh của Viện.
PGS.TS Đàm Đức Vượng*
[1] Khi tôi ra công tác tại nước ngoài, tôi đã mang theo bài thơ này và bài thơ đã được đăng lần đầu tiên trong Tạp chí Quê hương, tiếng nói của Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Sau đó đã được đăng lại trong tập thơ thứ năm của tôi: Tâm tình (Nhà xuất bản Văn học, 2014).
* Nguyên Chuyên viên Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chánh Văn Phòng, Vụ trưởng, Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH).