Bất ngờ với “Một thế kỷ qua những mẩu chuyện đời” của Giáo sư Văn Tạo

Tại buổi sinh hoạt khoa học quanh chủ đề “Câu chuyện hành trình của GS Văn Tạo đến với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam” do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội, Trung tâm này đã công bố 1 sự kiện đặc biệt: Nhà sử học 90 Văn Tạo đã trao tặng cho Trung tâm 118 băng ghi âm, với khoảng 8000 phút kể lại những trải nghiệm cuộc sống của mình trong suốt 5 năm.

Đây là một bộ tư liệu di sản ký ức bằng chính giọng ông kể lại qua nhiều trải nghiệm khác nhau dưới góc nhìn của một nhà sử học. Với khoảng 8.000 phút ghi âm, bộ tài liệu này tái hiện những câu chuyện về quê hương, về quá trình xây dựng Ban Văn – Sử – Địa và Viện Sử học, về các nhân vật lịch sử như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh…, về những buổi làm việc với các vị lãnh đạo nhà nước như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Giáo sư Văn Tạo (bên phải) và PGS.TS Nguyễn Văn Huy (bên trái) tại buổi sinh hoạt khoa học của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Bộ băng ghi âm này cũng ghi lại những suy tư của GS Văn Tạo về quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy, về các vấn đề lớn của đất nước mà ông quan tâm, trăn trở.

“Tất cả những câu chuyện, những kỷ niệm, những suy nghĩ được GS Văn Tạo đặt trong một bối cảnh rộng lớn về lịch sử, dựa trên các nguồn tài liệu mà ông thu thập, sưu tầm và lưu giữ. Vì vậy, bộ tài liệu bằng lời này có giá trị vô cùng to lớn, không chỉ về cuộc đời của một con người, mà còn chứa đựng nhiều thông tin về các vấn đề lịch sử, các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử mà tác giả chứng kiến hay có các tài liệu liên quan” – PGS. TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khẳng định về giá trị của hơn 100 cuốn băng ghi âm độc đáo này.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhận định, trường hợp những băng ghi âm này của GS Văn Tạo rất đặc biệt. Bởi lẽ, không phải là những băng ghi âm các cuộc phỏng vấn, đối thoại, mà GS Văn Tạo đã dành 8000 phút nói chuyện một mình, mặt đối mặt chỉ với chiếc máy ghi âm. “8000 phút nói không có người nghe, không người đối thoại, chỉ có ông và chiếc máy vô tri vô giác. Mấy ai làm được như vây? Chỉ có lòng say mê, tình yêu vô bờ bến và trách nhiệm cao với lịch sử những người như GS Văn Tạo mới tìm được nguồn cảm hứng để thực hiện ý nguyện của mình. 8000 phút trải dài trong 5 năm. Những lúc khỏe khoắn, tinh thần sáng khoái ông lại đối thoại với máy ghi âm, đủ để thấy sự bền bỉ, kiên trì của nhà sử học lão thành này” – PGS. TS Nguyễn Văn Huy nhận định.

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam coi việc nhà khoa học tự ghi âm các câu chuyện của mình, trên đề cương gợi ý của Trung tâm là một sáng kiến tuyệt vời. Bộ tư liệu tự kể chuyện bằng ghi âm mở ra một hướng tiếp cận mới đối với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đó là cách giữ gìn ký ức bằng hình thức tự ghi âm cho đời sau, một hình thức thích hợp với những nhà khoa học cao tuổi mà việc viết lách đã trở nên khó khăn.

“Đây là một sáng kiến tuyệt vời mà nhà sử học Văn Tạo đã mở đường, để có thể áp dụng rộng rãi khi triển khai nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về lịch sử cuộc đời các nhà khoa học Việt Nam” – PGS. TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.

6 năm trước, khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đến với giáo sư Văn Tạo, cũng như nhiều nhà khoa học lúc ấy, giáo sư Văn Tạo quan niệm di sản quan trọng với nhà khoa học là những công trình đã xuất bản của mình. Giáo sư đã tặng cho Trung tâm những cuốn sách, bài báo đã xuất bản của mình và coi đó như việc mình đã hoàn thành công việc nghiên cứu của Trung tâm.

Dần dần Giáo sư nhận ra các bút tích, bản thảo, các sổ tay ghi chép của mình, chứ không phải chỉ của những vị lãnh đạo, những danh nhân là những di sản quan trọng cần được giữ gìn, bảo tồn. Nhận thức sâu sắc di sản của mỗi nhà khoa học chính là những tư liệu lịch sử phản ánh lịch sử của ngành, của đất nước, vì thế sau này Giáo sư đã tặng cho Trung tâm hàng nghìn trang tư liệu viết tay, bản thảo, thư từ cá nhân. 

Giáo sư cũng mau chóng nhận ra tầm quan trọng của di sản ký ức thông qua những hồi tưởng, trải nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời, nghề nghiệp, về các sự kiện xã hội cũng như các quan hệ xã hội mà chính mỗi cá nhân đã trải qua. Chính vì thế ở tuổi 90 giáo sư đã tiếp tục đóng góp cho sử học theo cách của mình là tạo ra một hồ sơ lịch sử cuộc đời của mình bằng lời tự kể chuyện.

Tại buổi sinh hoạt khoa học này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cho biết, hiện Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận được gần 700 các nhà khoa học trong cả nước và đã xây dựng được gần 600 bộ sưu tập di sản của các nhà khoa học.