Ngày hội thống nhất đất nước

Tháng 3 năm 1975, tôi nhận được phân công tham gia đoàn cán bộ khoa học nông lâm, thủy lợi hành quân vào miền Nam để nghiên cứu phục vụ đất nước. Đoàn chúng tôi gồm các cán bộ trong ngành Nông lâm, Thủy lợi, Chăn nuôi, Thú y do Phó Thủ tướng Hoàng Anh làm trưởng đoàn. Đồng chí Hồ Viết Thắng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch làm phó đoàn. Theo kế hoạch của Chính phủ là bắt đầu hành quân vào vùng giải phóng mới ở miền Nam, với nhiệm vụ nắm bắt tình hình lâm nghiệp của các vùng mới được giải phóng để tổng hợp báo cáo về Trung ương Đảng và Chính phủ; góp ý kiến cho địa phương và kịp thời đề xuất với Trung ương giải quyết những nhiệm vụ trước mắt; đề ra phương hướng xây dựng, sản xuất Nông – Lâm nghiệp sau khi thống nhất đất nước.

Với nhiệm vụ được giao, tôi và đồng chí Thảo (Viện trưởng Viện Thiết kế, quy hoạch lâm nghiệp) đã đi nắm tình hình rừng núi và quá trình sản xuất lâm nghiệp ở miền Nam.

Đầu tháng 3 năm 1975, đoàn chúng tôi tập trung ở Phủ thủ tướng. Tại đây, chúng tôi được trang bị một loạt xe U-oát, loại xe của Liên Xô vừa mới được nhập vào Việt Nam. Mỗi người được trang bị một ba lô, quần áo xanh, mũ tai bèo của giải phóng quân, bi đông, cà mèn, màn, võng…giống như một đồng chí giải phóng quân để lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Đoàn chúng tôi bắt đầu hành quân theo sự hướng dẫn của Đoàn 559 thần tốc, với phương châm bí mật, đích cuối cùng của chúng tôi là R’ (rừng Tây Ninh).

TS Nguyễn Hữu Quang (đeo kính) trong chuyến thăm nhà máy sản xuất gỗ tại Tây Nguyên, năm 1978.

Bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, đoàn xe chở chúng tôi băng băng trên quốc lộ thanh bình tiến thẳng vào miền Nam ruột thịt. Khi xe chạy đến Quảng Trị, vùng đất một thời khói lửa của chiến tranh, đoàn xe phải dừng lại chờ đợi. Cây cầu Hiền Lương vừa được giải phóng, người và xe đi lại đông đúc nhộn nhịp, tất cả phải xếp theo một hàng dài rồi thứ tự qua sông. Đoàn xe chúng tôi được ưu tiên đi trước. Cây cầu nhỏ, gập ghềnh với những vết thương còn sót lại sau cuộc chiến tranh. Ngồi trên xe, ngắm dòng sông Bến Hải hiền hòa, trong lòng tôi lại tràn về kỷ niệm của một thời khói lửa. Cây cầu Hiền Lương đã một thời là ranh giới của hai miền Tổ quốc. Vĩ tuyến 17 biến Việt Nam thành quốc gia riêng biệt của nhau. Mới ngày nào, Vĩnh Linh – Quảng Trị trở thành tâm điểm đánh phá kẻ thù. Máu chiến sĩ Việt Nam, máu của đồng bào ta đã nhuốm một màu đỏ ửng. Nước sông Bến Hải đục ngầu xác kẻ thù… Xương máu đổ xuống biết bao nhiêu để có ngày hôm nay giải phóng. Bên tai tôi tự nhiên văng vẳng câu hát thuở nào: “Bên ven bờ Hiền Lương…”. Hình ảnh của những tháng năm khói lửa trên cây cầu lịch sử, trên đồi Cát Tiên vẫn còn âm ỉ cháy… để rồi hôm nay, chúng tôi được tự hào đi trên cây cầu lịch sử tự do. Nền độc lập của nước nhà đang hòa chung tất cả.

Những suy nghĩ miên man cứ thể hiện về, để thoáng chốc đoàn xe đã vào tới Giao Tế – Đồng Hới. Đoàn chúng tôi ghé vào một quán ăn ven đường để ăn uống, rồi tiếp đó tiến thẳng vào Nam.

Đoàn xe chúng tôi chạy đến Đông Hà thì gặp đại diện Mặt trận giải phóng miền Nam và Tỉnh ủy Quảng Trị. Tiếp đón đoàn chúng tôi, mọi người đều rất vui sướng và chúc mừng đoàn cán bộ của Chính phủ vào thăm vùng giải phóng. Chúng tôi nghỉ lại ở đây một đêm, và sáng ngày hôm sau tranh thủ thời gian để đến thăm Thành cổ Quảng Trị. Đi trên bến phà Thạch Hãn, nhìn dòng sông hiền hòa gợn sóng, ai có thể biết được trên dòng sông này đã biết bao máu thịt của nhân dân đổ xuống, bao chiến sĩ anh hùng đã gửi lại thân thể của cuộc đời. Dòng sông với biết bao kỷ niệm đau thương. Mỗi khúc sông như đang trào dâng nước mắt. Từng con sông quặn đau trước sự ra đi của bao thế hệ quê hương. Sông Thạch Hãn đã một thời ngày sắc đỏ, có những ngày “xác chết chất đầy sông” rồi những lúc nước dòng sông chỉ một màu đỏ. Tất cả như đang dồn về trong trái tim của mỗi con người.

Ngày 1 tháng 5 năm 1972, một ngày lịch sử đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Quảng Trị. Ngày mà chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị mừng vui giải phóng, hưởng nền độc lập hòa bình. Những năm tháng ghi lại thời máu lửa được khắc ghi mãi trong ký ức mỗi người. Chúng tôi vào thăm Thành cổ với niềm xúc động và mến thương. Một tâm hồn rực cháy trong mỗi người con đất Việt.

Ngày hôm sau đoàn chúng tôi lại chào Quảng Trị để lên đường. Chặng dừng chân tiếp theo của chúng tôi là tiếp quản xứ Huế “mộng mơ: (Lúc này ta đã giải phóng Trị-Thiên, Huế). Một vùng đất mà được coi như “vùng nhạy cảm của thân thể Việt Nam” đã bao năm trong đạn lửa kiên cường. Ở đây, đoàn chúng tôi được bố trí nghỉ ngơi tại trường Đại học Huế. Tiến hành thu dọn phòng ở đoàn chúng tôi nghỉ ngơi tạm thời và tiếp tục tranh thủ đi nắm tình hình thành phố trong chiến đấu và sau giải phóng. Làm việc với lãnh đạo thành phố, đồng chí Trưởng đoàn đã nêu ý kiến với lãnh đạo thành phố phải tiến hành tổ chức lực lượng, thu dọn xác giặc. Tìm và tập trung hết vũ khí đạn dược ở chiến trường cũng như ở trong dân. Tuyệt đối không để kẻ gian lợi dụng, sử dụng vũ khí để phá hoại an ninh trật tự. Chú ý việc giữ gìn, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh…

Sau khi làm việc với lãnh đạo thành phố, đoàn chúng tôi tranh thủ thời gian đi tham quan nội thành. Huế là nơi tập trung các đền, đài, miếu mạo của đất nước. Trên đường đi thành phố, chúng tôi gặp rất nhiều điều bất ngờ của người dân xứ Huế. Ví dụ như chuyện, khi chúng tôi đang đi dạo thì các cháu nhỏ chạy tới hỏi thăm chúng tôi. Các cháu mạnh dạn chạy đến bi bô tiếng Huế: “Các chú không phải là Việt Cộng?” – Chúng tôi thấy ngạc nhiên nên cũng hỏi lại: “Sao các cháu biết các chú không phải là Việt Cộng?”. Có một cháu mạnh dạn trả lời câu hỏi của chúng tôi ngay lập tức mà không cần suy nghĩ: “Vì Việt Cộng đói. Việt Cộng không bự như các chú. Việt Cộng leo một cành đu đủ không gãy cơ”. Câu trả lời của em nhỏ xứ Huế làm cả đoàn chúng tôi đều chưng hửng. Thì ra từng em nhỏ nơi đây cũng bị ảnh hưởng bởi cách tuyên truyền của địch một cách sâu sắc. Câu trả lời của cháu nhỏ trước mặt chúng tôi đã chứng tỏ hiệu lực tuyên truyền của bọn chúng. Vì vậy, chúng ta cần phải làm gì? Làm thế nào để ngăn chặn hoàn toàn những tư tưởng lệch lạc của người dân với cách mạng? Điều đó làm cho đoàn công tác chúng tôi không khỏi băn khoăn và suy nghĩ mãi…

Ngay chiều hôm đó, đoàn xe chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tiến về miền Nam ruột thịt. Khi xe của chúng tôi leo lên tới đèo Hải Vân thì vẫn nhìn thấy địch bỏ chạy toán loạn. Xe địch đổ kềnh càng ra đường, xác chết ngổn ngang… Quân ta vừa giải phóng Đà Nẵng, bọn địch chốt giữ ở đây vừa bị đánh bại hoàn toàn đang trên đường rút chạy.

Đoàn xe chúng tôi xuống đèo Hải Vân tiến sâu vào thành phố Đà nẵng. Khi chúng tôi tới chợ Cồn thì lại gặp một điều hết sức bất ngờ. Đó là lúc vừa nhìn thấy xe chúng tôi bà con ở đây đã kêu lên: “Bắc Việt vô”. Rồi mọi người cùng nhau hò reo trong niềm vui sướng: “Bà con ơi! Bắc Việt vô – Bắc Việt vô rồi…”. Chúng tôi dừng chân lại thành phố Đà Nẵng. Tại đây, chúng tôi được tiếp đón ở khu nhà hàng của hãng Seln. Đây là một nhà hàng sang trọng được đặt tại trung tâm thành phố. Lúc mới vào tới Đà Nẵng chúng tôi được biết đồng chí Năm Công đang đi vắng. Nhưng khi nghỉ ngơi tại đây thì đồng chí Năm Công tay vẫn cầm chiếc quạt phe phẩy, đi vào gặp gỡ chúng tôi. Đồng chí báo tình hình với đoàn là vừa rồi ở Phan Rang, Ninh Thuận quân ta đã tiến đánh và tiêu diệt hoàn toàn các phòng tuyến của địch. Vì tình hình bộ đội ta cứ vừa đánh vừa tiến, lướt thẳng vào miền Nam, chính vì thế địch đã lợi dụng cơ hội, tổ chức lấy lại Phan Rang. Nên chính đồng chí đã vừa trực tiếp ở Phan Rang để chỉ đạo tiêu diệt địch lấy lại Phan Rang. Đồng chí vừa mới trở về cách đây chừng mười phút và có mặt để gặp chúng tôi ngay.

Trong những ngày này, quân và dân ta đang trên đà thắng lợi. Chiến dịch “thần tốc” đang tiến hành một cách triệt để. Bộ đội ta thế thắng như chẻ tre, vừa đánh vừa tiến. Chiến dịch lịch sử mang tên Bác đang sắp đến ngày kết thúc. Bọn địch từ Huế trở vào đã thua chạy toán loạn. Các tuyến phòng thủ liên tục bị phá vỡ. Ngày 20 tháng 4 năm 1975, tại Xuân Lộc quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Để rồi đến 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Đoàn chúng tôi trên đường đi thẳng vào Phan Rang rồi tiến về Đà Lạt. Mọi người dự tính nếu điều kiện cho phép sẽ đi thẳng vào Sài Gòn và thôi chương trình về Tây Ninh theo dự kiến ban đầu. Khi tới Đà Lạt, chúng tôi được đón về nghỉ ngơi tại khách sạn Palat và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại đó. Lúc này, Tỉnh ủy cho chúng tôi biết. hiện nay Sài Gòn đã được giải phóng, nhưng đoàn phải chờ khi nào xe chở rau từ Đà Lạt vào Sài Gòn đi được thì đường về Sài Gòn mới thông suốt. Đến lúc đó đoàn mới có thể đi được.

Ngày 1 tháng 5 năm 1975, thật sự là ngày đáng ghi nhớ của đoàn chúng tôi. Mới sáng sớm tinh mơ, tất cả mọi người đã choàng tỉnh và ùa ra đường trong không khí náo nhiệt của người dân Đà Lạt. Chúng tôi đã cùng nhân dân tham gia tổ chức đón mừng ngày Quốc tế Lao động. Một ngày nghỉ đầu tiên thật sự có ý nghĩa với tất cả mọi người, khi Tổ quốc thân yêu được hoàn toàn giải phóng. Đoàn người đã hiên ngang trong màu cờ đỏ rợp trời, hô vang những khẩu hiệu chiến thắng và cùng nhau ca khúc khải hoàn làm náo nhiệt cả thành phố thanh bình.

Tin vui liên tục được báo về, các hệ thống phát thanh rộn ràng những bài ca chiến thắng. Chờ được tin đường về Sài Gòn đã thông, đoàn chúng tôi lập tức hành quân vào thẳng thành phố. Trong không khí mừng vui chiến thắng của cả nước, dọc đường đi rợp bóng cờ hoa, lòng chúng tôi rạo rực vô cùng. Vậy là từ nay đất nước đã hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam sum họp một nhà. Đoàn chúng tôi vào đến cửa ngõ Sài Gòn và được lệnh về trụ sở Ban Quân quản để làm việc với Trung ương Cục.

Trong mấy ngày ở Sài Gòn, các đồng chí Lãnh đạo đoàn chúng tôi (đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Hồ Việt Thắng) liên tục làm việc với Trung ương Cục để nắm tình hình. Còn tất cả anh em chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ. Từng người tự tổ chức đi sâu khảo sát và nắm tình hình của ngành mình. Tôi và đồng chí Thảo đã cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu tình hình lâm nghiệp ở miền Nam. Đồng chí Huỳnh Văn Nghệ và đồng chi Năm Khanh – lãnh đạo của Ban Lâm nghiệp miền Nam cùng cán bộ của Nha Thủy Lâm chính quyền cũ đã giới thiệu và cho chúng tôi biết về tình hình rừng núi, tình hình sản xuất (trồng rừng, khai thác, chế biến…); Tình hình của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học (Các trường đại học, công nhân, viện, trạm, trại nghiên cứu…). Bên cạnh đó, mọi người còn giới thiệu cụ thể cho chúng tôi về công tác cán bộ, công nhân kỹ thuật cùng với đó là các loại tài liệu quản lý, tài liệu sách kỹ thuật của các thời kỳ cũ để lại… Chính vì thế, trong quá trình khảo sát một thời gian ngắn ngủi tại đây, tôi và đồng chí Thảo đã thu hoạch được những điều bổ ích để phục vụ cho nhiệm vụ công tác của mình.

Giữa tháng 5 năm 1975, trên dường từ miền Nam yêu thương trở về Hà Nội, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh cờ hoa rợp trời trong nắng ấm. Dọc hai bên đường, từng đoàn người tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay ôm hoa, miệng hát vang bài ca chiến thắng. Đúng là những ngày hội lớn trải dài trên khắp đất nước hình chữ S. Một không khí mừng vui khôn xiết trong ngày hội giải phóng của dân tộc Việt Nam. Xúc động nhất là cảnh những người dân Bình Định, đúng vào ngày 19 tháng 5. Đoàn xe chúng tôi đã phải dừng lại để nhường đường cho nhân dân nơi đây tham gia lễ hội. Chính quyền và bà con tổ chức ngày sinh nhật Bác một cách long trọng và hào hùng. Từng đoàn người cầm cờ hoa rực rỡ, dưới cái nắng chói chang của mùa hè, tấm chân dung Bác Hồ rợp dưới màu cờ đỏ. Mọi người vẫn hát vang bài ca chiến thắng của dân tộc. Từng đoàn em nhỏ tung tăng những lời ca: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”. Tất cả đổ xuống đường tạo ra một không khí lễ hội rộn ràng.

Sau khi trở về Hà Nội, tôi đã tổ chức một đoàn cán bộ khoa học đầu ngành của Viện Công nghiệp rừng đi khảo sát sâu tình hình rừng núi để có điều kiện nghiên cứu và sản xuất công nghiệp rừng của miền Nam. Đoàn cán bộ chúng tôi đã tiến hành khảo sát từ Quảng Bình đến Tây Nguyên, rồi tiếp đó quay xuống miền Đông Nam Bộ, tiến về miền Tây và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh việc khảo sát tình hình rừng núi, tôi còn tổ chức cho cán bộ nắm bắt tình hình các trường học Lâm nghiệp, các phân viện, Trạm nghiên cứu Lâm nghiệp.

Năm 1976, một năm sau giải phóng, tôi vui mừng được bầu vào Quốc hội thống nhất khóa VI. Và tiếp đó đến năm 1976, tôi được đề bạt giữ chức Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp Việt Nam, được phân công phụ trách chuyên sâu về khâu khoa học giáo dục, đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Hữu Quang

(Trích Hồi ký Khát vọng cuộc đời. H- Quân đội Nhân dân, 2011)