“Phương pháp Tôn Thất Tùng” đến với bạn bè quốc tế

 Trước tiên, xin nhắc lại một chút về lịch sử của Phương pháp Tôn Thất Tùng. Sau khi hoà bình lập lại, năm 1954, GS Tôn Thất Tùng về Hà Nội và biết rằng vào năm 1952, GS Lortat-Jacob (người Pháp) đã thành công trong việc cắt gan “có quy phạm” [1]. Trước đó từ khi còn học trường Y Đông Dương (1935-1939), Tôn Thất Tùng đã tiến hành phẫu tích hơn 200 lá gan người chết để mô tả các mạch máu và ống mật trong gan. Ít lâu sau đó, ông cùng với GS Mayer-May (một Giáo sư người Pháp gốc Do Thái làm việc tại Hà Nội vào thời điểm đó) trình bày bản Báo cáo về trường hợp cắt gan “có quy phạm” đầu tiên tại Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris. Bản báo cáo bị công kích dữ dội, nó khiến Tôn Thất Tùng – một bác sĩ trẻ mới 27 tuổi khi đó cảm thấy sợ hãi và mất đi sự tự tin. Những năm sau đó, ông tham gia Kháng chiến chống Pháp, hoàn cảnh ở chiến khu với những bộn bề thời chiến nên không có điều kiện và phương tiện để ông tiếp tục những nghiên cứu của mình. Nhưng ngay sau khi về Hà Nội (1954), ông đã hăm hở bắt tay vào chứng minh và tiếp tục công trình nghiên cứu được khởi đầu từ gần 20 năm về trước.

Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (1962)

 Năm 1961, tại Bệnh viện Việt-Đức, GS Tôn Thất Tùng thực hiện ca phẫu thuật cắt thùy gan phải của một người bị bệnh ung thư chỉ mất có 6 phút. Một năm sau đó, ông tiến hành thêm 50 trường hợp khác và đã gây một tiếng vang lớn trên toàn thế giới trong lĩnh vực Y khoa. Báo chí nước ngoài gọi đó là "Phương pháp cắt gan mới" (sau này còn được gọi là Phương pháp “Tôn Thất Tùng”). Phương pháp của GS Tôn Thất Tùng khác với phương pháp của GS Lortat-Jacob ở chỗ: GS Tôn Thất Tùng tìm ở ngay trong gan (qua tổ chức gan bị bóp vỡ) các mạch máu và ống mật, còn vị giáo sư người Pháp thì tìm ở ngoài gan (tại đoạn mà người ta gọi là cuống gan)[2]. Vào năm 1977, GS Tôn Thất Tùng được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương Lannelongue – Huy chương chỉ tặng 5 năm một lần cho người phẫu thuật giỏi nhất.

 Với những thành công trong nghiên cứu của mình, GS Tôn Thất Tùng được nhiều đồng nghiệp trong giới Y học trên thế giới biết đến, họ viết thư trao đổi thông tin, tài liệu. Ông cũng đã đến nhiều nước để trình bày về phương pháp này và biểu diễn phẫu thuật gan trước sự chứng kiến của nhiều nhà khoa học. Janasson – một nữ giáo sư người Mỹ khi chứng kiến ông mổ đã phải thốt lên rằng: “Anh thật là một nghệ sĩ về mổ xẻ”.

 Cuối năm 1980, GS Tôn Thất Tùng đã có chuyến thăm 5 nước châu Âu[3] để hợp tác khoa học, trao đổi những kinh nghiệm về nghiên cứu, hỗ trợ nhân đạo,… Tại đây, ông đã đến thăm và làm việc liên tục ở các trường đại học: Utrétsơ, Maestrisơ, Naimigơn, Vagơninhgơn, Laiđen, Grơningơn, Amstecđam, Rốttécđam,…và nhiều bệnh viện ở những nơi khác.

 Trong lần thăm Bệnh viện của trường Đại học Laiđen (Hà Lan) vào giữa tháng 11-1980, GS Tôn Thất Tùng đã gặp GS Tét-pstra, chuyên khoa về mạch máu, một người có “bàn tay vàng” trong mổ xẻ. Ở đây, GS Tôn Thất Tùng đã được GS Tét-pstra đưa đi kiểm tra bệnh nhân mà ông chuẩn bị mổ, xem các phim chụp về mạch máu và siêu âm tối tân. Các bác sĩ của bệnh viện này đã kết luận là phải cắt gan trái của bệnh nhân này. Khi thăm khám và xem hồ sơ bệnh nhân, GS Tôn Thất Tùng kết luận là chỉ cắt thùy gan trái thôi (tức là ¼ gan) chứ không cần cắt gan trái (½ gan). Tiếp theo đó, ông chọn dụng cụ mổ (bộ dụng cụ này không quen thuộc với ông lắm), đồng thời bàn bạc với những bác sĩ gây mê trong kíp mổ về những “động tác trong mổ xẻ”. Ông nhận định rằng: đó là một u máu khá to, nếu không cẩn thận chạm phải nó thì sẽ là một cuộc mổ xẻ đẫm máu. Các bạn đồng nghiệp Hà Lan thì quan tâm và thắc mắc tới vấn đề thời gian mổ. GS Tôn Thất Tùng thẳng thắn cho rằng nếu may mắn thì chỉ trong một giờ là xong, còn không may thì chưa biết ra sao cả.

 Đến sáng ngày hôm sau, ca phẫu thuật được tiến hành. Một điều khác biệt so với những ca mổ GS Tôn Thất Tùng đã tiến hành ở Việt Nam là ông phải làm tất cả các công việc từ đầu đến cuối. Ông đã viết về thời điểm đó: “Tôi phải làm tất cả các động tác từ đầu đến cuối, lúc ở nhà, tôi chỉ vào phòng mổ khi nào các phụ tá của tôi đã giải phóng gan xong rồi. Thường thì tôi không phải làm việc quá 10 phút, nhưng ở đây, với những người phụ mổ chưa quen thuộc, tôi phải chỉ dẫn rõ rệt từ lúc cắt da cho đến lúc đóng bụng. U máu dính nhiều vào cơ quan chung quanh: Tôi dễ dàng bình tĩnh giải phóng thùy trái và việc cắt thùy gan không quá 10 phút. Xong, tôi cầm máu kỹ càng và đóng thành bụng. Tất cả cuộc mổ vừa quá 1 giờ, trong khi các bạn đều ước lượng phải 4 giờ…”[4]. Công việc diễn ra suôn sẻ và nhận được những sự thán phục, khen ngợi của các giáo sư và đồng nghiệp tại Laiđen.

 Những ngày sau đó, GS Tôn Thất Tùng có nhiều buổi nói chuyện về vấn đề cắt gan ở Viện Hàn lâm Amstécđam, Rốttécđam. Ông còn tranh thủ thời gian vào ban đêm để làm việc ở đây một cách hăng say, không ngưng nghỉ, tiến hành các trao đổi về cắt gan cũng như học tập thêm các kinh nghiệm của các nhà khoa học nước bạn. Các đồng nghiệp Hà Lan hết sức khâm phục trước tinh thần và thái độ làm việc của nhà khoa học Việt Nam này. Một lần, sau khi làm việc hết sức căng thẳng vào buổi tối ở Amstécđam, ông đã cùng các Giáo sư đồng nghiệp thuê một chiếc taxi để tiếp tục đến bệnh viện của thành phố Rốttécđam vào lúc 1 giờ sáng ngày 20-11-1980. Tại đây, ông gặp bác sĩ Chủ nhiệm khoa Lô-ven và được giới thiệu một bệnh nhân bị sỏi trong gan trái đến từ Hồng Kông – người đã được mổ tới ba lần nhưng không thành công. GS Tôn Thất Tùng thăm khám bệnh nhân và cho rằng đây là một trường hợp rất khó, tuy nhiên ông cũng rất tự tin, không mấy lo lắng vì đã tiến hành mổ hơn năm trăm bệnh nhân như thế này.

 GS Tôn Thất Tùng đã mô tả về cuộc mổ xẻ này: “Sáng 8 giờ tôi đến bệnh viện: bác sĩ gây mê, một người Nam Châu Phi da trắng, mặt bi quan vì anh ta không cho được một xông-đờ vào tâm thất phải để theo dõi lượng máu (các bác sĩ Hà Lan đề phòng sẽ mổ quá 4 giờ và mất máu nhiều). 9 giờ tôi bắt đầu mổ các van tự động để kéo mở rộng hai sườn… gan trái teo dưới cơ hoành, dính vào mọi nơi. Các bạn độc giả nên hình dung tôi đang mổ: vừa bước vào chân ướt chân ráo, không quen với dụng cụ và kíp mổ, với một cái gan trái dính vào các phủ tạng chung quanh. Nhưng trong mổ xẻ, muốn đừng bao giờ bị động, nên theo từ từ và vững chắc những bước đã định trước, và mỗi bước phải làm một cách triệt để và nhẹ nhàng. Lần lần tôi giải phóng gan trái, cắt toàn nửa gan trái và lấy hết sỏi ra…”[5]. Toàn bộ thời gian mổ được tiến hành trong vòng 3 giờ đồng hồ, trước so với thời gian mà các bạn Hà Lan quy định (4 giờ). Cũng trong thời gian mổ, vô tuyến truyền hình của Rốttécđam đã đến quay và tường thuật cho đông đảo nhiều người xem. Họ còn xin quay lại các buổi thảo luận, trao đổi của ông với các đồng nghiệp Hà Lan về các chỉ định và phương pháp mổ gan. Tất cả đều tỏ ra thích thú và khâm phục với phương pháp của GS Tôn Thất Tùng.

Ngoài các trao đổi chuyên môn, GS Tôn Thất Tùng cũng rất nỗ lực trong việc kêu gọi các viện trợ của Chính phủ Hà Lan cho Việt Nam. Trước khi rời xứ sở Hoa Tuy líp (25-11-1980), GS Tôn Thất Tùng cùng với một số giáo sư Hà Lan đến gặp Bộ trưởng Bộ Hợp tác với các nước thứ ba – Đe-kót-ning để chào tạm biệt. Ông Bộ trưởng đã nói với GS Tôn Thất Tùng rằng đã xem truyền hình và qua báo chí ông biết rõ các hoạt đông của GS Tùng. Ông Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tiếp tục các khoản viện trợ nhân đạo cho Việt Nam qua Nuffic (Tổ chức Hợp tác khoa học quốc tế giữa các đại học Hà Lan) và sẽ đảm bảo cho Hội Y tế Hà Lan-Việt Nam mỗi năm được phụ cấp một khoản 5 triệu florints (10 triệu France Pháp) làm quỹ.

“Phương pháp Tôn Thất Tùng” và những hoạt động khoa học trên đất nước Hà Lan đã tô đậm và khẳng định thêm tài năng khoa học của GS Tôn Thất Tùng. Đó không đơn thuần chỉ là công việc của một bác sĩ, bằng hoạt động của mình, ông đã góp phần thúc đẩy việc hợp tác khoa học cũng như những hỗ trợ của Hà Lan cho Việt Nam.

Hồng Thanh

__________________

1] Cắt gan có quy phạm nghĩa là tìm và kẹp chặt các mạch máu trong gan trước khi cắt thuỳ gan bị ung thư. . Điều này tránh được nguy hiểm khi bỏ sót không buộc mạch máu hoặc gây ra hoại tử gan.

[2] http://bee.net.vn/channel/1984/201003/Cha-de-cua-phuong-phap-Ton-That-Tung-trong-phau-thuat-gan-1747164/

[3] Năm nước Châu Âu: Bỉ, Hà Lan, Ét-pan, Ý và Pháp.

[4] Bản ghi chép: Thăm tây Âu và hợp tác khoa học của GS Tôn Thất Tùng, tr.8.

[5] Bản ghi chép: Thăm tây Âu và hợp tác khoa học của GS Tôn Thất Tùng, tr.12.