Nguyễn Đổng Chi – Từ chiến sĩ của Cách mạng tháng Tám đến nhà khoa học

Các anh chọn thanh niên cốt cán trong đó hơn một nửa là thanh niên tổng Lai Thạch lập ra đội thanh niên vũ trang trực tiếp chuẩn bị cướp chính quyền. Nói “Thanh niên vũ trang” nhưng cả đội gồm 17 người mà chỉ có một khẩu súng lục do anh Đặng Giá mua được.

Những anh em khác thì tự đặt rèn mỗi người một con dao găm, theo mẫu của anh Đổng Chi. Anh Đổng Chi bố trí anh em cố đi tìm đào những nơi “nghe nói” có súng chôn bí mật từ hồi 1930 – 31, nhưng không được khẩu nào.

Mặc dù thiếu súng, các anh vẫn ấn định kế hoạch cướp chính quyền huyện và đồn Bảo An, ấn định vào chiều 15/8/1945. Anh Đổng Chi đang có cương vị thủ lĩnh thanh niên huyện, vào ra huyện nhiều lần, nên biết tường tận mọi ngõ ngách và kho tàng súng ống. Anh đã giúp ban chỉ huy vạch ra một kế hoạch đột nhập vô cùng chính xác.

Chỉ trong vài phút, anh Đổng Chi và hai đội viên bắt ngay được tri huyện đầu hàng, đồng thời bố trí mấy anh em khác chiếm ngay kho súng của huyện phân phát đầy đủ cho anh em mỗi người một khẩu. Niêm phong kho tàng, ngân quỹ và sổ sách của huyện, đồng thời phủ dụ các nhân viên nha lại của huyện xong, anh em kéo cờ Việt Minh và bắt tri huyện dẫn lên lấy đồn Bảo An cách huyện bốn trăm mét. Công việc cướp chính quyền cả hai nơi đã làm nhanh gọn trong vòng một giờ!

Can Lộc là huyện cướp chính quyền sớm nhất cả Nghệ Tĩnh. Lấy xong huyện và đồn, tối hôm ấy (15/8/1945) ban chỉ huy Đội Thanh niên vũ trang bàn giao chính quyền cho Việt Minh địa phương rồi ra lệnh cho anh em đội viên rút về căn cứ, đợi lệnh. Nhưng chỉ ba ngày sau, thì tỉnh Hà Tĩnh và sau đó các huyện lần lượt cướp chính quyền.

Đa số anh em chúng tôi lại được Việt Minh tỉnh cử đi tăng cường cho các huyện, lúc này đang rất thiếu cán bộ. Anh Đổng Chi được triệu ra làm báo Kháng Địch là tờ báo của Việt Minh Nghệ An.

Trên đây là tóm tắt những nét chính trong hoạt động của nhóm chúng tôi với anh Đổng Chi ở huyện Can Lộc.

Riêng tôi, sau ba chục năm còn có niềm vui được cộng tác với anh Đổng Chi gần bốn năm ở Ban Hán Nôm, nay là Viện Hán Nôm, có dịp biết thêm trong nghiên cứu khoa học anh có tư tưởng lớn nhưng chưa được thực hiện hết, có công trình lớn đang làm dở dang chưa hoàn thành thì anh đã ra đi đột ngột.

Nguyễn Đổng Chi xuất thân trong một gia đình nho sĩ nông thôn có truyền thống yêu nước. Ông cụ thân sinh đỗ Tú Tài, suốt đời dạy học. Chú ruột anh là Nguyễn Hàng Chi là một nho sĩ trẻ tuổi cầm đầu phong trào chống thuế ở Hà Tĩnh, bị thực dân kết án tử hình. Ông để lại nhiều bài thơ nổi tiếng khí phách được lưu truyền rộng rãi ở Nghệ Tĩnh.

Ba Xã, làng quê anh, là một xã có phong trào xô – viết mạnh hồi 1930 – 31. Anh sống dung dị, chân chất, chan hoà tự nhiên với bà con nông dân chòm xóm. Anh cũng đi cày bừa gặt hái như mọi người.

Anh là người dám nghĩ dám làm, đặc biệt, anh rất tiêu biểu cho tinh thần mê say cái mới và tinh thần khổ học.

Khi chưa lập gia đình, anh được dự một đám cưới của một người bạn ở Thạch Hà, tổ chức theo “lối mới”. Lúc này anh chưa mãn tang ông cụ thân sinh. Anh làm một cái đơn xin họ hàng cưới vợ theo lối mới. Cả họ ký tên đồng ý rồi anh mới tổ chức. Do hoàn cảnh gia đình, anh phải rời ghế nhà trường sớm, không được học đến nơi đến chốn. Nhưng anh lại tận dụng tủ sách lớn của cha chú để lại để tự học.

Anh tìm học nhiều môn và đọc rất nhiều sách. Anh quyết tâm học chữ Hán đến mức anh tự cạo trọc đầu mấy năm liền để yên tâm “tu học”! Do vậy, mới độ tuổi hai mươi, anh đã có học vấn uyên bác, sớm có tầm nhìn xa trông rộng và có tư tưởng lớn trong nghiên cứu khoa học.

Tác phẩm đầu tay của anh là tập “Túp lều nát” đã ra đời trong điều kiện bộ máy chính quyền thực dân phong kiến kiềm chế gay gắt. Đó thực sự là một bản án đanh thép về chế độ cường hào ở nông thôn. Mới ngoài hai mươi tuổi, Đổng Chi đã biên soạn bộ “Việt Nam cổ văn học sử”, mà tư tưởng lớn, có tính tiên phong là ở chỗ anh mạnh dạn đưa dòng văn học Hán Việt vào văn học sử Việt Nam.

Cũng ở độ tuổi ấy, anh đã cùng người anh là Nguyễn Kinh Chi khảo sát, biên soạn quyển sách “Moi Kông Tum”, một tác phẩm dân tộc học vào loại sớm nhất nước ta. Chỉ sau đấy ít năm và hình như từ bàn tay không, anh đã sáng lập Nhà xuất bản Ngàn Hống, và bắt đầu tổ chức biên soạn xuất bản một số sách khoa học.

Về sau, những công trình độc lập của anh do anh tự thiết kế và biên soạn như “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, hoặc “Địa chí văn hoá dân gian”, quả là những công trình của kỳ tài kiên nhẫn (travail de bénédietins) có tầm cỡ khoa học rất cao.

Khi sang làm Trưởng ban Hán Nôm (tiền thân của Viện Nghiên cứu Hán Nôm), anh đã có sẵn trong tay bản đề cương một công trình lớn, đó là bộ “Từ điển thư tịch Hán Nôm Việt Nam”. Anh thành lập tổ “Từ điển” gồm gần 10 cán bộ và cử tôi làm tổ trưởng tổ này.

Trong những năm 1978, 1979, 1980 và 1981, Uỷ ban Khoa học xã hội đã đầu tư cho Ban Hán Nôm để thuê hơn một trăm người, đa số là người giỏi Hán Nôm làm lược thuật sách. Anh Đổng Chi đã chia toàn bộ kho sách Hán Nôm thành 22 mảng sách, mỗi mảng sách được coi như một tàng thư, và anh đã vạch ra 22 mẫu lược thuật, thích hợp với từng tàng thư, từng mảng sách.

Nội dung công tác lược thuật sách bao gồm các phần sau miêu tả hiện trạng quyển sách theo các yếu tố thư viện học: tóm tắt nội dung sách với độ dài ít nhất ba trang, nhiều quyển phải tóm tắt trên 10 trang; cuối cùng là đánh giá giá trị quyển sách. Cho đến cuối năm 1981, khi tôi thôi làm trưởng thì đã lược thuật xong 8000 tên sách. So với số lượng sách trong kho thì đã đạt ba phần tư.

Về nội dung, theo anh Đổng Chi cho biết, những sách Hán Nôm quan trọng nhất, tiêu biểu nhất cho kho tàng Hán Nôm của ta đã lược thuật xong về cơ bản. Về Từ điển, anh Đổng Chi đã soạn xong 3500 từ điều (mỗi từ điều là một tên sách) và đã có thể xếp xong tập I theo vần từ A đến M.

Như vậy, hai công trình quan trọng hàng đầu, có tác dụng mở đường ngành khoa học Hán Nôm, do bản thân anh Đổng Chi thiết kế và bắt tay vào làm, được sự cộng tác của hàng trăm con người, lại được Nhà nước chi cho khá nhiều tiền, đều đã thành hình thù rõ ràng.

Mong sao Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia cùng với Viện Hán Nôm có biện pháp tích hợp làm sống lại và tiếp tục hoàn thành hai công trình khoa học cực kỳ quan trọng mà Cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã làm gần xong và không khéo sẽ bị lãng quên.

Đó là cách tưởng nhớ và tôn vinh xứng đáng và thiết thực nhất nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất và quyết định mới đây xếp Nguyễn Đổng Chi vào danh sách những nhà khoa học được nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Trần Văn Quý – Nguyên chuyên viên của Viện nghiên cứu Hán Nôm thuộc Trung tâm KHXH và NVQG

Nguồn: hoisuhoc.vn/thongtinsuhoc.asp