Một người thầy giáo tốt, trước hết phải là một người có đạo đức tốt

Thưa thầy, thầy bắt đầu với sự nghiệp trồng người từ khi nào?

Tôi bắt đầu dạy học từ năm 20 tuổi. Khi đó, tôi học xong hệ cao đẳng tiểu học rồi học tiếp một năm sư phạm nữa ở Huế và ra đi dạy. Cả Trung bộ hồi ấy chỉ có một trường cấp ba và ba trường cấp hai (ở Huế, Vinh và Quy Nhơn). Tốt nghiệp ra trường, tôi về Quảng Ngãi làm thầy giáo ở một trường tiểu học. Tính từ đó đến giờ, tôi đã dạy học 70 năm rồi.

Xin thầy cho biết một kỷ niệm không quên được trong quá trình dạy học của thầy.

Nói về kỷ niệm suốt quãng đời dạy học của tôi thì nhiều lắm. Nhưng có lẽ 30 năm kháng chiến là quãng thời gian ghi dấu nhiều kỷ niệm khó phai với tôi.

Dạy học ở Quảng Nam được một năm, tôi đỗ Tú tài 1. Sau đó, tôi xin ra Huế làm việc để có điều kiện vừa làm vừa học. Vì tôi muốn lấy tiếp bằng Tú tài 2. Tôi dạy học tại trường Tiểu học Khải Định ở Huế. Phải nói thêm là hồi ấy sỡ dĩ tôi có niềm đam mê học tập như vậy bởi có một niềm khao khát lớn: được làm văn nghệ. Động lực ấy đã kích thích tôi học tập rất nhiều. Kết quả là đến năm 1945, tôi đỗ đầu trong kỳ thi Tú tài 2 năm đó. Nhưng cũng vào lúc ấy, Cách mạng tháng Tám nổ ra và thành công. Cái ước muốn đi theo nghiệp văn chương của tôi phải dừng lại. Có lẽ vì mình không đủ sự liều lĩnh như nhiều anh em thoát ly theo tiếng gọi của văn nghệ và cũng vì lúc ấy nước mình thiếu giáo viên lắm. Hồi đó thì được học hành, đỗ đạt như tôi đâu có mấy người. Tôi lại quay về với nghiệp trồng người. Nghề dạy học gắn với tôi như một cái duyên vậy.

Nhưng có một kỷ niệm mà suốt cuộc đời, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện… Độ năm 1950, nước ta thoả thuận với Pháp tạm chia đất nước thành hai phần, lấy sông Bến Hải làm ranh giới. Lúc này, Mỹ cũng đã bắt đầu can thiệp vào chiến trường Việt Nam . Thời điểm đó, tôi đang dạy học ở liên khu IV, tại Hà Tĩnh, thì được điều về Quảng Ngãi dạy trường Lê Khiết, vì giáo viên phụ trách môn Văn khi ấy của trường đã chạy về vùng địch. Tôi dạy ở trường này từ năm 1950 đến khi tập kết ra Bắc vào tháng 5/1955. Những ngày tháng cuối cùng công tác ở đây là những ngày tháng nhiều gian khổ và nguy hiểm. Chúng tôi phải thường xuyên đối mặt với nạn bắt cóc của địch vào buổi tối. Vì vậy, thời gian đó tôi phải thường xuyên di chuyển chỗ ở, sống trong sự bảo bọc và che chở của bà con nhân dân trong vùng. Mỗi tối, tôi đều họp với phụ huynh học sinh và học sinh để động viên tình thần mọi người. Lúc ấy, tôi cảm nhận rất rõ vai trò người giáo viên nhân dân mà mình đang đảm nhận và cảm thấy tự hào về điều đó. Bà con trong vùng cũng rất tin tưởng và thương yêu chúng tôi. Họ không chỉ che dấu mà còn san sẻ với chúng tôi từng miếng cơm manh áo. Thậm chí có những phụ huynh ở bên kia sông cũng cho con sang học ở trường chúng tôi. Học trò thì hiếu học và ngoan ngoãn. Ở nhà quê thiếu thốn là vậy, nhưng ngày nào các em cũng cắm cho tôi một bình hoa nhỏ đặt trên bàn giáo viên. Tôi thấy mà ấm lòng biết bao. Cho đến tận bây giời, đối với tôi, đó vẫn là quãng thời gian gian khó nhất nhưng cũng hạnh phúc nhất. Chưa khi nào trong cuộc đời làm thầy của mình, tôi thấy mình được quý và trọng như vậy.

Xin thầy chia sẻ xem làm sao thầy lại chọn nghề nghiên cứu văn học?

Ngay từ đầu, tôi đã không xem công tác nghiên cứu văn nghệ như một cái nghề. Niềm đam mê dẫn dắt tôi đến với văn chương. Và trong suốt 70 năm qua tôi vẫn tiếp tục đọc và học để tích lũy kiến thức cho mình và để tự thoả lòng.

Với tôi, một người thầy giáo khi đứng lớp đã phải có ý thức học tập nghiên cứu rồi. Có như vậy, mình mới tự tin với nghề và truyền đạt được nhiều điều bổ ích cho học trò. Ngay từ khi còn là giáo viên tiểu học, tôi đã tích cực đọc sách, nghiên cứu. Tôi nỗ lực như vậy một phần cũng vì tôi muốn lấy cho được bằng Tú tài 2 và phấn đấu làm văn nghệ. Tôi tự học là chính chứ không ép buộc gì bản thân. Tôi nghiên cứu các sách Hán cổ, Hán hiện đại, tiếng Pháp và cả tiếng Anh. Việc nghiên cứu là một hoạt động rất tự nhiên gắn với nghiệp dạy học của tôi mà thôi. Hơn nữa, trong thời đại bây giờ, tôi thiết nghĩ người giáo viên càng cần trau dồi kiến thức cho mình mới mong đổi mới được công tác giảng dạy theo yêu cầu thực tiễn.

Theo thầy, một nhà giáo tốt cần hội tụ những phẩm chất nào?

Theo tôi, một người thầy giáo tốt, trước hết phải là một người có đạo đức. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy dỗ học trò. Đức ở người thầy không giống đức ở chỗ khác. Đối với người làm văn nghệ thì đức thể hiện ở khả năng viết hay và sống sâu. Họ phải cố gắng sống đã đầy với mọi kích thước của hiện thực, xông pha vào những lĩnh vực phức tạp và đa dạng để hiểu về đời sống, về tâm lý con người. Có như vậy mới viết nổi sách. Còn người thầy thì không được phép để mình quá phóng túng. Anh có thể có những ham mê riêng, có thể có chút máu nghệ sĩ trong người, nhưng trước mặt học trò anh chớ mà hư. Làm thầy không phải là một việc dễ dàng vì người thầy phải luôn giữ được sự gương mẫu, mực thước trước mặt học trò. Bây giờ đời sống đã khá hơn lúc trước rồi, nhiều thầy cô đã có điều kiện kinh tế khá tốt. Tôi không nói họ không được phép hưởng thụ những thành quả lao động của mình. Nhưng dù sao vẫn phải đúng mực. Anh có quyền sang nhưng không nên chướng, không nên khác người.

Và người làm thầy cũng phải luôn tôn trọng học trò của mình. Anh giữ gìn đạo đức bản thân là đã thể hiện sự tôn trọng đó rồi. Nhưng anh còn phải thương yêu và gần gũi với học trò của mình. Khi đó, học trò sẽ đáp lại anh bằng tình cảm kính trọng và quý mến. Nên nhớ rằng, học trò có những hiểu biết nhất định của chúng và người thầy phải luôn quan tâm đến điều đó.

Thầy nhận xét mối quan hệ thầy trò bây giờ có gì giống và khác so với những thời kỳ trước?

Thời đại đã đổi thay nhiều, trẻ con bây giờ có nhiều điều kiện phát triển hơn hồi trước nhưng cũng dễ hư hơn. Ngay như cứ giữ bọn trẻ ở nhà cũng khó tránh cho chúng khỏi những lệch lạc, bởi bây giờ ngồi một chỗ người ta cũng tiếp xúc được với đủ thứ qua Internet, truyền hình, sách báo, phim ảnh…Hơn nữa, việc dạy dỗ trong nhà trường cũng cần phải đổi mới nhiều để giúp học trò có thể độc lập suy nghĩ và sáng tạo hơn. Vì vậy, quan hệ thầy trò bây giờ nói là khác thì cũng có điểm khác hồi trước. Lấy một ví dụ như trường mà tôi đang làm hiệu trưởng đây (Trường PTTH tư thục Nguyễn Khuyến – PV) là một trường tư. Mà đã là trường tư thì học trò vào đây đâu phải là ngoan, là giỏi hết đâu. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức ôn tập cho các em ôn tập trong hè để củng cố kiến thức. Chúng tôi làm việc này chỉ vì lo cho các em là chính. Nhờ vậy, năng lực học tập của các em cũng được cải thiện. Phương châm dạy học của chúng tôi nằm gọn trong 12 chữ “Dạy cả lớp, dạy, dạy nghĩ; cả lớp học, nghĩ mới học” (*). Chúng tôi muốn tận tâm uốn nắn các em bằng tình thương và cả phương pháp dạy một cách khoa học. Đồng thời muốn các em học bằng chính khả năng và sự tự giác của mình. Các em càng yếu thì mình càng phải cố gắng giúp các em. Cũng nhờ những nỗ lực đó mà nhiều năm liền trường tôi là một trong năm trường có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT đứng đầu thành phố.

Thầy cho rằng khi giáo dục con, cha mẹ nên tránh 3 điều gì?

Theo tôi, người làm cha mẹ phải tránh 3 điều:

– Tránh làm tất cả những gì không tốt trước mặt con cái.

– Không quá nuông chiều con cái.

– Không tập cho con lối sống đua đòi và hoang phí; mà phải biết quý trọng những giá trị của lao động.

Hồi nhỏ thầy thích nhất trò chơi gì?

Hồi nhỏ tôi chơi rất nhiều trò. Nhưng thích hơn cả là đá bóng và đá kiện. Hồi đó, lũ trẻ chúng tôi thường lấy hai đồng tiền túm lại trong một tờ giấy bồi rồi đá. Cái đó gọi là đá kiện. Nhưng bây giờ thì tôi không chơi trò đó được nữa (cười). Thỉnh thoảng tôi vẫn theo dõi những trận bóng đá của tuyển Việt Nam mình. Ngoài ra thì 4 năm 1 lần xem World Cup.

Thầy ghiền món ăn nào nhất?

Tôi không đặc biệt thích một món gì hơn cả. Có gì thì ăn nấy thôi. Có ngon thì ăn ngon, không ngon thì cũng ăn được. Hồi kháng chiến gian khổ là vậy, làm gì có nhiều sự lựa chọn. Bây giờ có điều kiện hơn, nhưng tôi cũng không thay đổi thói quen từ hồi ấy.


Thầy nấu món gì ngon nhất?

Tôi chưa hề nghĩ mình nấu món gì ngon cả và cũng không định làm thế. Ở nhà thì có vợ con, người thân nấu cho ăn rồi. Có dạo ngày trước đi làm cán bộ tuyên truyền ở Quảng Bình thì phải tự nấu ăn trong vòng hai năm. Chỉ có tôi và một anh bạn nữa, nấu gì thì ăn nấy còn thì tập trung vào công tác. Vả lại, lương nhà giáo làm gì có điều kiện mà sang trọng, chỉ đủ ăn là tốt rồi.

Ba quyển sách thầy khuyên nên đọc?

Những quyển sách hữu ích thì nhiều lắm. Bây giờ bảo tôi kể tên 3 quyển sách nên đọc thì cũng khó nói. Theo tôi, có hai loại sách mà mỗi người cần phải đọc. Một là những sách phục vụ cho công tác chuyên môn của mình. Hai là những quyển sách có giá trị tạo nền tảng văn hóa, đặc biệt là những sách văn chương (tôi nhấn mạnh là những sách văn chương). Bởi chúng đúc kết tinh hoa của tâm hồn nhân loại, của dân tộc và dạy cho ta những lẽ sống cao cả trong cuộc đời.

Thầy có mẹo gì để giữ sức khoẻ tốt?

Mẹo của tôi là sống giản dị và thường xuyên tập thể dục. Từ năm 60 tuổi đến giờ, ngày nào tôi cũng dành ra 1 tiếng 15 phút mỗi ngày để tập thể dục (sáng 65 phút, tối 10 phút). Ngoài ra, để tập thể dục có hiệu quả thì còn phải tìm được phương pháp tập luyện thích hợp với bản thân. Tôi tự luyện cho mình một phương pháp phối hợp từ ba kinh nghiệm rèn luyện sức khỏe của Cốc Đại Phong (Trung Quốc), bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cùng với những động tác thể dục tôi học được từ thời còn làm giáo viên tiểu học hồi xưa. Quá trình tập luyện suốt từng ấy năm trời cũng giúp tôi rèn luyện cả về tinh thần và nghị lực. Ngày nào cũng đều đặn, tôi đi ngủ lúc 11h đêm và thức dậy vào lúc 5h sáng. Đến giờ này, tôi vẫn có thể đi đứng nhanh nhẹn như hồi tôi 30 tuổi đấy.

Thầy hài lòng với mình nhất về điều gì?

Tôi là người dễ hài lòng nhưng cũng dễ không hài lòng. Có lẽ do sẵn máu nghệ sĩ bên trong mà tôi không thể tập cho mình được vẻ bình thản trước mọi sự. Khi vui, mọi người sẽ nhận thấy tôi vui. Khi buồn, họ cũng nhận ra tôi buồn. Con người tôi nói chung là hơi “nhà quê” một tí, chỉ thích sống thật với lòng mình.

Nếu được đổi cuộc đời, thầy sẽ đổi cuộc sống của ai?

Tôi vẫn muốn sống cuộc đời của mình, sống theo cách của mình. Có đôi khi tôi vẫn nghĩ, ở một cuộc đời khác, tôi sẽ trở thành một người nghệ sĩ, nhưng là một người nghệ sĩ kiểu thầy giáo…

Xin chân thành cảm ơn thầy và xin chúc mừng thầy cùng tất cả những thầy cô khác nhân ngày Nhà giáo Việt Nam !

(*) Phương châm “Dạy cả lớp, dạy, dạy nghĩ; cả lớp học, nghĩ mới học” của trường PTTH Nguyễn Khuyến hướng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo. Từ trước đến nay, trong giờ học ở các trường phổ thông, thầy cô là người đặt câu hỏi để học sinh trả lời. Khi gọi trả lời, phần đông các thầy cô sẽ chú ý trước hết đến các học sinh xung phong giơ tay. Phương pháp này có thể tạo được không khí sinh động cho buổi học, nhưng chỉ kích thích sự suy nghĩ của một vài cá nhân nhất định. Còn phương pháp mà phương châm dạy học trên hướng tới là không kêu gọi sự trả lời của một số ít học sinh tích cực giơ tay phát biểu. Thay vào đó, giáo viên sau khi đặt câu hỏi sẽ yêu cầu tất cả học sinh trong lớp suy nghĩ. Sau đó, giáo viên sẽ gọi bất kì một cá nhân nào đó phát biểu (tập trung vào những học sinh yếu kém). Như vậy, các em sẽ phải học cách suy nghĩ vấn đề mà thầy cô nêu ra một cách tự giác và có cơ hội bộc lộ suy nghĩ riêng của mình. Mỗi tiết học, do đó, sẽ không chỉ sinh động mà còn bổ ích đối với mỗi học sinh.


Nguồn: vietbao.vn/Giao-duc/Mot-nguoi-thay-giao-tot-truoc-het-phai-la-mot-nguoi-co-dao-duc-tot/65111496/202/