Nhà “xương học” Nguyễn Lân Cường

8h tối một ngày giáp tết Kỷ Sửu, tôi gặp tiến sĩ Nguyễn Lân Cường tại nhà riêng trên tầng 2 một khu chung cư bình dân của Hà Nội. Trong chiếc áo len to sụ, ông đang miệt mài trên chiếc máy vi tính, bên cạnh là những chồng tài liệu dày cộp về cổ nhân học.

Nhìn xương biết người

Vừa trở về sau chuyến công tác, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường hồ hởi kể cho tôi nghe cuộc khai quật 10 ngôi mộ cổ tại Hang Tọ 1 và Hang Tọ 2 thuộc xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai, Sơn La).

Cho tôi xem những tấm ảnh chụp xương người, ông tỉ mỉ giải thích cách xác định mảnh xương vỡ đó thuộc bộ phận nào của cơ thể; xương như thế là dấu hiệu của bệnh nào. 

Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường tiến hành đo đạc xương sọ người. Ảnh: Đức Long.

Ông say sưa nói: “Sọ nam giới có bờ trên hốc mắt tầy, không sắc cạnh, góc hàm vểnh ra ngoài, cấu tạo thô hơn sọ nữ giới. Xương bị lệch sang một bên do gãy, sùi lên là ung thư xương…”.

Trong số hàng ngàn bức ảnh ông cho tôi xem, phần lớn là ảnh trên công trường, các bộ xương và xác ướp. Không có gì ngạc nhiên vì nhà khoa học này dành gần như toàn bộ thời gian cho việc khai quật và nghiên cứu cổ nhân.

Ông có đến 800 công trình nghiên cứu về các bộ xương. Trong đó, nổi trội là các đề tài “Đặc điểm nhân chủng cư dân văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam”, “Các nhóm loại hình nhân chủng ở Việt Nam và vấn đề nguồn gốc người Việt”, “Bí mật phía sau nhục thân các vị thiền sư”, và cuốn “Nghiên cứu di cốt người trên công trường khảo cổ và trong phòng thí nghiệm” với 100 hình vẽ chi tiết cấu tạo xương sọ cũng như các bộ phận cơ thể người…

Kết duyên khoa học và nghệ thuật

Cái duyên với ngành khảo cổ của tiến sĩ Nguyễn Lân Cường đến từ năm 1965. Sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội khoa Sinh học, chàng tân cử nhân Cường về công tác tại Đội Khảo cổ (tiền thân của Viện Khảo cổ học).

Không có tài liệu chuyên ngành, cũng không phải nghề được chú trọng lúc bấy giờ, ông tìm cách “bám” các chuyên gia nước ngoài và tự học về khảo cổ. Tích lũy kinh nghiệm, dần dần ông trở thành chuyên gia đầu ngành về cổ nhân học trong nước.

Ông tâm sự: “Ngày đầu làm khảo cổ cũng vất vả lắm. Nhiều người nói nghề này là nghề đào mồ cuốc mả, hay ho gì mà làm. Hơn nữa, thời gian đầu, dụng cụ phục vụ cho công tác khảo cổ cực kỳ thiếu thốn, tôi phải tự chế ra những con dao từ nan hoa xe đạp đập dẹt, hay những bàn chải từ các miếng xốp mỏng. Nhưng niềm đam mê khám phá khiến tôi quên hết mọi trở ngại”.

Trong ký ức, ông luôn nhớ đợt khai quật ở Núi Nấp (Thanh Hoá). Để bà con hiểu rõ về giá trị khảo cổ, ông mang các thước phim tài liệu lên trình chiếu cho bà con và xung phong làm “chân” thuyết minh phim. Chất giọng trầm ấm cộng cái duyên hài hước đã giúp bà con có những buổi xem phim đáng nhớ.

Sau này có dịp về thăm, xe vừa đến đầu làng, trẻ con đã túa ra hỏi: “Bác Cường ơi, hôm nay chiếu phim gì?”. Nhắc lại câu chuyện đó, ông bật cười vui vẻ. Rồi bàn tay đưa lên gõ nhịp vào mặt bàn, ông cất tiếng hát một đoạn trong bài “Con búp bê của em” (bài hát đạt giải Nhì toàn quốc trong một cuộc thi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và UNESCO tổ chức). Nghe ông say sưa hát, tôi đã hiểu tại sao đồng nghiệp gọi ông là “người trẻ mãi không già”.

Sau gần 3 giờ trò chuyện, tôi xin phép ra về để ông có thể tiếp tục công việc còn dang dở. Qua phòng khách, mới thấy cả gia đình đang đợi để tổ chức sinh nhật sang tuổi 68 cho ông. Gia đình chính là nền tảng, động lực giúp tôi thành công hơn trong cuộc sống”, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường tâm sự.

 

Nguồn: www.khoahoc.com.vn/cau-chuyen/22662_Nha_xuong_hoc_Nguyen_Lan_Cuong.aspx