Chuyện về một cây

1. Cả một đời gắn bó với Quân y

 Sinh năm 1916 tại Quảng Trị và học tiểu học ở Phú Yên, ra Hà Nội học tiếp trung học, để rồi số phận đưa ông vào ngành Y như một sự sắp đặt thật hợp lý. Ông kể: “Năm 1936 tôi học trường thuốc thi đỗ nội trú và ngoại trú, sau đó tôi làm tại Bệnh viện Yersin (nay là Bệnh viện Việt – Đức) với các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Phạm Biểu Tâm. Sau 4 năm làm nội trú ở bệnh viện tôi được Chính phủ Dân chủ Cộng hoà mới thành lập công nhận là bác sĩ mặc dù lúc đó tôi chưa bảo vệ luận án tốt nghiệp và thành phẫu thuật viên chính thức của bệnh viện”.

Tháng 7-1946, Pháp tấn công Tây Nguyên, ông xung phong vào mặt trận này, và suốt cho đến năm 1955, BS Nguyễn Thúc Tùng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau ở ngành Quân y miền Nam Trung bộ: Quân y trưởng Trung đoàn 94 kiêm Trưởng bệnh viện mổ Đại đoàn 23; Quân y trưởng tỉnh Bình Định; Quyền Vụ trưởng Quân y Khu 5 và Trưởng phòng Quân y Khu 5; Quân y trưởng Liên trung đoàn 80-83; Quân y viện trưởng Viện 1; Phó phòng Quân y Liên khu 5 kiêm Trưởng ban Quân dược. Trong thời điểm Quân khu đang xây dựng các đơn vị chủ lực và mở các chiến dịch quy mô trên các mặt trận, bác sĩ Thúc Tùng tổ chức lại lực lượng Quân y, Quân dược phù hợp với chiến lược quân sự mới. Với điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn của chiến trường, ông vẫn tìm cách khắc phục để xây dựng hệ thống Quân y như: Mở các lớp đào tạo y tá về mổ xẻ phục vụ các đơn vị đánh lẻ, xây dựng Bệnh viện dã chiến phục vụ các chiến dịch lớn, các bệnh viện tại các tỉnh, tổ chức chế biến bông băng phục vụ thương binh, sản xuất thuốc từ cây cỏ như cây dền chữa sốt rét, dầu huỳnh diệp từ cây tràm để chữa ho và nhiều loại thuốc do dân gian áp dụng…

Từ năm 1952, ông là Trưởng phòng Quân y Liên Khu V và trực tiếp đi mổ xẻ tại bệnh viện mặt trận trong các chiến dịch lớn và đã được bầu là Chiến sĩ thi đua Quân khu năm 1952. Năm 1953-1954, ông tham gia chiến dịch Đông Xuân. Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông ở lại phục vụ cho công cuộc tập kết ra Bắc đến đơn vị và thương bệnh binh cuối cùng rồi mới ra Bắc vào chuyến tàu cuối.

Tháng 4 năm 1956, bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng nhận công tác tại Viện Quân y 108, làm Tổng Chủ nhiệm các khoa Ngoại. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ người Bungari và Cộng hòa dân chủ Đức, ông đã cùng đồng nghiệp xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ bác sĩ bảo đảm cho một bệnh viện tuyến cuối toàn quân, đồng thời tham gia giảng dạy ở trường Đại học Y về chuyên ngành phẫu thuật và tiết niệu trong 3 năm. Năm 1959, ông phụ trách việc đi kiểm tra sức khỏe ở một số đơn vị bộ binh trong đó có Sư đoàn 305, Sư đoàn 324 chuẩn bị đi B. Năm 1960, ông được cử sang Liên Xô học tập và nghiên cứu, tháng 3 – 1964, ông bảo vệ xong luận án Phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ). Về nước, ông được bổ nhiệm chức vụ Viện phó Viện Quân y 108. 

Đến năm 1965, cuộc Kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn mới, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, PTS Nguyễn Thúc Tùng lại xung phong lên đường vào Quân khu V làm nhiệm vụ. Ông kể: “Tháng 12 năm 1965 tôi vào tới chiến trường B ở tỉnh Quảng Nam, nơi tôi ở là trong rừng sâu, việc chỉ đạo thường là chỉ qua điện. Để bảo đảm xử trí kịp thời thương binh sau chiến đấu với chiến thuật của quân đội Mỹ bao vây đường rút lui của quân ta và thương bệnh binh ta, tôi chủ trương bồi dưỡng các y sĩ tiểu đoàn về xử trí mổ xẻ cấp cứu cho thương binh rồi nhờ nhân dân che giấu địch để đêm sau chuyển về các trạm hậu phương”.

Chính trong thời gian này, ông bị sốt rét nặng, và cuối năm 1967 phải về điều trị ở Viện 108, người chỉ còn nặng 30kg, bạch cầu chỉ còn 3000/mm3. Lúc này cũng là lúc giặc Mỹ đang tiếp tục đánh phá ác liệt miền Bắc. Trên cương vị là Viện phó Bệnh viện 108, ông tham gia “cải tổ” về tổ chức, về quy chế chuyên môn, xây dựng đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y sĩ trong bệnh viện, đặc biệt việc ra đời của nhiều khoa mới trong Bệnh viện đã nâng cao chất lượng điều trị, cứu chữa bộ đội và nhân dân trong giai đoạn chiến tranh phá hoại của Mỹ. Năm 1972, địch đánh phá trở lại miền Bắc, ông phụ trách bộ phận sơ tán của bệnh viện. Tháng 4 năm 1975 khi Đà Nẵng vừa mới giải phóng ông nhận nhiệm vụ vào tham gia tiếp quản, chỉ đạo và góp ý kiến, kiểm tra, chỉnh đốn Viện Quân y Đà Nẵng, sau đó ông cùng cán bộ Cục quân y đi kiểm tra các Viện Quân y Quân khu V vừa tiếp quản các Viện quân y của ngụy, sau đó trở lại Viện 108 tiếp tục công tác. Từ năm 1968 đến 1975, ông đã xây dựng 34 chế độ chuyên môn của Bệnh viện 108 mà cho đến nay vẫn được áp dụng.

Trong cương vị Ủy viên Hội đồng Y học Bộ Quốc phòng từ năm 1980 đến 1990, ông được giao trách nhiệm quản lý, phụ trách một đoàn kiểm tra của Cục quân y gồm nhiều giáo sư các ngành đi kiểm tra hàng chục lần các Viện Quân y từ Bắc vào Nam, và mở 2 lớp đào tạo quản lý bệnh viện cho các Viện trưởng quân y, đồng thời tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Quân y và chấm thi tiến sĩ của Bộ Y tế.

Coi Quân y như một cái nghiệp của đời mình, từ lúc nghỉ hưu ở tuổi 75 cho đến tận bây giờ đã 96 tuổi, ông vẫn quan tâm nghiên cứu các thành tựu mới của ngành Y và Quân y thế giới, chú ý đến tổ chức chiến thuật và kỹ thuật của Quân y Mỹ, Pháp trong các cuộc chiến tranh mới ở Bancăng, Trung Cận đông, châu Phi…

2-Ông lão “bao đồng” nhất thế gian

Là tôi muốn gọi ông như vậy, với nghĩa tốt đẹp nhất của từ này, bởi tôi chưa từng thấy ai như ông. Mặc dù đã về hưu với chuyên môn là y khoa, nhưng do nước nhà vừa chuyển sang kỷ nguyên mới, cần biết nhiều, học nhiều, nên ngoài công tác y học, ông cũng nghiên cứu về kinh tế, về lịch sử, về các đạo giáo trên thế giới, về các thành tựu mới trong vũ trụ học, điện tử, di truyền, về các vấn đề văn hoá của nước nhà mà trước đây ông chưa có thời gian học hỏi. Những điều học hỏi được, ông đều ghi lại vào hàng chục quyển sổ tay, mỗi cuốn sổ như một “bách khoa thư”. Ông nói: May là ở tuổi này tôi vẫn đọc tốt, nhớ tốt, viết tốt và sẽ tiếp tục học tập ghi chép khi còn sức.

Vì biết nghiên cứu nhiều, nên cứ mỗi chiều khi ông ra bờ hồ Nam Đồng đi bộ là ông hay bị “phỏng vấn” lắm, người quen, hàng xóm láng giềng hỏi bất cứ cái gì muốn biết, và hầu như đều được ông trả lời thoả mãn. Không những thế, gặp các cựu chiến binh về nghề gì, ông cũng tìm hiểu học tập về nghề của họ. Ông nói vui: Khổng Tử bảo “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” nhưng đối với tôi mỗi một người đều là thầy học của mình nếu biết khai thác họ.


 GS.TS Nguyễn Thúc Tùng "làm vệ sinh hồ" trong buổi sáng đi dạo

Chưa hết, ông còn làm thơ, đã từng được Giải đặc biệt trong Hội thi thơ tiếng Pháp do Trung tâm Văn hoá Pháp tổ chức ngày 26-5-2000. Về ngoại ngữ, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga đã sử dụng thành thạo vẫn không làm ông thoả mãn. Ở tuổi cửu thập mà ông vẫn còn tự học tiếng Trung Quốc và tiếng Đức qua tivi và sách học do ông mua. Ông bảo học cũng là một cách luyện não rất tốt, có thể tránh được bệnh mất trí nhớ là nguy cơ rất lớn ở người già.

Ông cũng là người rất chú ý đến môi trường. Có một việc ông vẫn thường làm, có thể coi là “đỉnh cao của sự bao đồng”, đó là chiều chiều, trong lúc đi bộ bên hồ, ông không quên mang theo một cây gậy có móc sắt ở một đầu, để vớt rác người ta vô tình hay cố ý vứt xuống hồ. Có cái hồ làm lá phổi cho khu dân cư, nhất là cho những người già, mà để rác rưởi như thế, sao mà bảo đảm sức khoẻ được?

Ôi, tôi ước sao giá như ai cũng “bao đồng” được như “cây tùng nhỏ” này…

Cũng nhân dịp đầu Năm mới, ông gửi cho Ban Biên tập chúng tôi một Bài thơ nhỏ Về trái tim. Ông hóm hỉnh chia sẻ: “Ngày thì không sao, đêm về không ngủ được, nghe quả tim nó đập thổn thức mà thương nó quá. 96 năm rồi nó chung thủy với mình mà mãi vẫn không cho nó nghỉ. Tôi cứ hận bản thân mình lắm. Thôi thì đầu năm tặng nó bài thơ cho “nó đỡ tủi”.

Xin trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc.

Tâm sự với tim – GS.TS Nguyễn Thúc Tùng

Thương con tim nhỏ của ta

Cùng ta gắn bó chan hòa bấy lâu

Bao năm ngày trọn đêm thâu

Miệt mài chẳng được phút nào nghỉ ngơi

Ai đâu có lúc thảnh thơi

Riêng em thầm lặng chẳng vời phút giây

Đôi lần ta trót nặng tay

Em không biết nói, ta đây hợm mình

Như hồi tuổi trẻ đầu xanh

Yêu đương nhăng nhít, thất tình, hờn ghen

Bắt em thổn thức thâu đêm

Thì sao tránh khỏi làm em nhọc mình

Thể thao cay cú háo danh

Đua chen từng bước, tranh giành từng giây

Làm em kiệt sức đêm ngày

Nhưng em vẫn nhịn, chẳng bày giận ta

Nay thân ta đã về già

Thân em cũng chẳng mượt mà như xưa

Cơ em vừa nhão vừa xơ

Các van thở hở, máu lo tắc đường

Thần kinh em đã tổn thương

Dù sao em vẫn sẵn sàng nuôi ta.

Đêm nằm tỉnh giấc canh khuya

Lắng nghe em đập nghĩ mà thương em

Già còn lao lực thâu đêm

Tiếng em đã yếu, không rền như xưa

Nhịp em khi nhặt khi thưa

Lâu lâu ngừng bật: em vừa sẩy chân

Nhưng em đã gượng đứng lên

Biết rằng ngưng đập, ta thân chẳng còn

Thương em lòng dạ sắt son

Dù cho đến chết, vẫn tròn thủy chung

Buồn vui, sướng khổ đã từng

Đồng sinh, đồng tử ta cùng hẹn nhau.

 Nguyễn Thị Trâm