Cách đây đúng một năm (2010), GS.TSKH Nguyễn Mạnh Liên đã lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham gia buổi Tọa đàm khoa học với những người bạn cùng lớp sinh viên Y khoa niên khóa 1950-1957 do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức. Trong lần ra Bắc đó, ông đã mang theo những kỷ vật quý giá của một thời sinh viên tặng cho Trung tâm. Thời gian sau đó, tôi thường liên lạc với ông qua điện thoại và được ông chia sẻ rất nhiều điều về bản thân. Gần đây, khi chúng tôi soạn những tài liệu để viết một bài chuẩn bị xuất bản một cuốn sách nhỏ về các nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Văn Huy[1] còn dặn tôi là phải nhờ GS Nguyễn Mạnh Liên dịch và giải nghĩa một số từ tiếng Pháp trong cuốn vở ghi chép mà ông đã tặng Trung tâm. Nhưng đã muộn rồi.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, trường Đại học Y khoa chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội. Lớp sinh viên Y khoa niên khóa 1950 (Y50) của Nguyễn Mạnh Liên tiếp tục học những chương trình đại học còn dang dở trong kháng chiến. Ngoại trừ những người được cử đi học nước ngoài, còn những sinh viên khác hoàn thành năm cuối và làm luận văn tốt nghiệp bác sĩ. Những tháng đầu đơn vị quân đội chưa có quân y sĩ thay thế nên chỉ có một nửa số sinh viên được tựu trường. Lớp Y50 đóng quân trong trường Luân Huấn (thuộc Cục Quân y), cùng cơ sở với trường Quân y trung cấp, cạnh Bệnh viện 108, sau được chuyển ra khu nhà năm tầng số 12 phố Hàng Hành.
Chương trình Đại học năm cuối của sinh viên Y50 là vừa học thực hành ở Bệnh viện được phân công, vừa lên giảng đường Đại học Y khoa tiếp tục chương trình còn dang dở. Lịch trình học của họ là: Sáng học thực hành khám bệnh kê đơn, quản lý bệnh phòng, theo các thầy đi điểm bệnh, lên giảng đường bệnh viện nghe giảng về lâm sàng, hoặc tham dự phẫu thuật tử thi kiểm tra nguyên nhân gây bệnh. Chiều xếp hàng lên giảng đường Đại học tại phố Lê Thánh Tông nghe giảng bài chính khóa, vào thư viện đọc sách bổ sung kiến thức, tìm hiểu bệnh lý để ngày hôm sau báo cáo thầy duyệt bệnh án kê đơn tại bệnh viện. Buổi tối tranh thủ học bài trước giờ kẻng của đơn vị quân đội. Lớp sinh viên này được phân công thực hành tại Bệnh viện Ngoại khoa Việt – Đức và Khu Nội của Bệnh viện Bạch Mai. Giảng dạy thời kỳ đó có các thầy giáo: GS. Tôn Thất Tùng – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức; GS Đặng Văn Chung – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nội khoa chung; GS Trần Hữu Tước – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng; GS Đỗ Xuân Hợp – Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh dịch tễ, kiêm Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ; GS Đinh Văn Thắng – Chủ nhiệm Bộ môn Sản phụ khoa, kiêm trưởng Khoa Sản – Nhi Bệnh viện Bạch Mai,…
Cuốn vở ghi chép bài giảng được dùng như cẩm nang vào nghề
Nguyễn Mạnh Liên được cử thực hành nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai. Năm học cuối cùng của sinh viên Y khoa, cũng giống như các bạn của mình, ông miệt mài tập trung vào luận văn tốt nghiệp, lên giảng đường, đi thư viện ở trường Y, Bệnh viện Xanh Pôn. Trong quá trình làm luận văn, ông được sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của bác sĩ Trịnh Ngọc Phan trong nghiên cứu lâm sàng. Những bệnh án được trình bày trong luận văn chính là bệnh án do ông trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. GS Đặng Văn Chung là người hướng dẫn chính, đóng vai trò định hướng cho luận văn, hướng dẫn phải đọc những sách gì, đọc ở đâu. Cuối năm 1957, ông bảo vệ đạt loại ưu tại Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp bác sĩ trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Những kiến thức bài giảng của các thầy giáo trên giảng đường Đại học Y khoa Hà Nội, những kiến thức y học bằng tiếng Pháp đọc được từ thư viện trường Y, Bệnh viện Xanh Pôn về nội khoa, ngoại khoa, được Nguyễn Mạnh Liên ghi chép cẩn thận lại trong trong thời gian học năm cuối cùng. Cuối năm 1957, đầu năm 1958, những sinh viên Y50 tốt nghiệp bác sĩ đã được cử đi công tác ở các đơn vị, tổ chức khác nhau trên cả nước. Nguyễn Mạnh Liên được phân công phụ trách Bệnh viện của Quân y Sư đoàn 338, đóng tại địa phận tỉnh Hòa Bình, có khoảng 150 giường bệnh. Ngoài thương bệnh binh còn thu nhận thêm các bệnh nhân là nhân dân địa phương trong vùng. Cuốn vở ghi chép này ông đã mang theo cùng một số tài liệu làm tài liệu tham khảo trong quá trình công tác. Ông thường xuyên mở xem lại những kiến thức từ vở ghi chép như một cẩm nang nhỏ mỗi khi cần. Cuốn vở gồm 233 trang, được ghi bằng tiếng Pháp trên khổ giấy 15,5×20,5cm, qua thời gian giấy đã mủn, rách các góc, tuy nhiên nét chữ vẫn còn rõ ràng. Đó là kỷ vật còn lại của một thời sinh viên, là dấu tích của việc dạy và học của thầy trò trường Đại học Y trong một giai đoạn lịch sử.
Chúng tôi còn nhớ khi trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học kỷ vật này, GS Nguyễn Mạnh Liên đã nói rằng nó đối với ông còn «quý hơn vàng», nhưng ông đã tìm được nơi trao gửi an tâm nhất. Ông đã ra đi mãi mãi, chúng tôi xin hứa sẽ luôn giữ gìn kỷ vật đó một cách trân trọng nhất, sẽ khai thác, phát huy giá trị của nó hữu ích nhất. Cầu chúc ông ra đi thanh thản và yên lòng với những đóng góp mình đã làm được cho nền y học nước nhà !
GS.TSKH.NGND Nguyễn Mạnh Liên sinh năm 1930 tại Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
– 1936 -1942: Học Tiểu học tại Ninh Bình.
– 1942 – 1946: Học trường Trung học Đỗ Hữu Vị.
– 1946 – 1949: Học trường Trung học kháng chiến khu III, đóng tại Yên Mô, Ninh Bình (sau chuyển về Thanh Hóa).
– 1949 – 1950: Học Toán đại cương ở Nam Đàn, Nghệ An. Trường do GS Nguyễn Thúc Hào là Hiệu trưởng.
– 1950 – 1957: Học Đại học Y.
– 1951 – 1954: Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 77, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
– 1957 – 1961: Bác sĩ Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn 338.
– 1961 – 1964: Thực tập sinh tại Liên Xô.
– 1971 – 1974: Làm luận án Tiến sĩ tại Học viện Quân y Kirov, thành phố Leningrad, Liên Xô.
– 1985 – 1987: Làm luận án Tiến sĩ khoa học tại Học viện Quân y Kirov, thành phố Leningrad, Liên Xô.
– 1991 – 2001: Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh quân đội, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Y học Môi trường và Lao động, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế thành phố Hồ Chí Minh (từ 1994).
– 8-2011: Mất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thanh Hóa
_______________
[1] PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.