Nhà khoa học đi từ Điện Biên đến Trường Sa

 Công trình Phòng thủ Cánh Đồng Chum của thầy Thuận được đánh giá như là một trong 3 yếu tố quan trọng nhất góp phần bảo đảm cho bộ đội đánh thắng trong chiến dịch phòng ngự mùa mưa năm 1972, bảo vệ vững chắc Cánh Đồng Chum cho nước bạn. Để thực hiện được công trình này, ông cùng đồng nghiệp và các học trò đã phải tốn không biết bao nhiêu thời gian và công sức, bất chấp mọi nguy hiểm, len lỏi khắp núi rừng Phu Tâng, Phu Keng, Phu Học, Phu Seo, Phu Tôn, Phu Sắn… của mặt trận nóng bỏng, nơi mà sự sống luôn cận kề cái chết, để hình thành bản quy hoạch và thiết kế. Hiện nay, công trình cụm chốt Phu Tâng đã được Nhà nước Lào lưu giữ như một di tích lịch sử tại tỉnh Xiêng Khoảng.

Công trình Luận chứng khoa học kỹ thuật về xây dựng công trình cảng tại quần đảo Trường Sa nhằm củng cố và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đã được ông trình bày trước Chủ tịch nước Lê Đức Anh, được đánh giá: “Độ vững chắc và tiện ích trong sử dụng của cầu cảng Trường Sa đã khẳng định cơ sở khoa học, giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong khảo sát, thiết kế và tổ chức thi công là hoàn toàn hợp lý và thích nghi được với quy luật biến đổi điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt của vùng biển, đảo này”. Trong suốt 5 năm (1991-1995), cùng với sự nỗ lực vượt bậc của 16 cơ quan khoa học, đơn vị sản xuất tham gia vào quá trình khảo sát, thiết kế và thi công, Cầu cảng Trường Sa -công trình vĩnh cửu đầu tiên trên quần đảo Trường Sa -đã được đưa vào sử dụng. Cho tới nay, gần 20 năm trôi qua, Cầu cảng Trường Sa vẫn vững vàng trước gió bão, thậm chí có những cơn bão lớn như cơn bão số 5 năm 1997 (cấp 12), bão số 7 năm 2005 (trên cấp 12) và những cơn bão tháng 12-2006 (trên cấp 13)…

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thuận sinh ngày 25-3-1935 ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Phẩm chất hào hoa, lãng mạn của người trai Kinh Bắc đã ngấm sâu trong lối sống và cả trong những công trình nghiên cứu khoa học của ông. Nếu không có niềm lạc quan, tin tưởng thì sao có thể ra được những đề tài như Phòng thủ Cánh Đồng Chum hoặc xây dựng cầu cảng ở “quần đảo bão tố” giữa đại dương nghìn trùng? Quả thật, nếu không có niềm đam mê thì rất khó có thể trở thành một nhà khoa học đích thực.

Ông là người lạc quan, yêu đời ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm nhất. Suốt 5 năm miệt mài khảo sát, thiết kế và thi công cảng Trường Sa, dường như ông đã say biển đảo. Những bài thơ ông viết về Trường Sa như tiếp thêm tình yêu và sức mạnh cho những người lính trẻ. Và tình yêu ấy, ông truyền cả cho người vợ tảo tần, một đời chịu thương, chịu khó để cho ông đi từ Điện Biên đến Trường Sa. Đây là những vần thơ ông viết tặng bà trong lần đầu tiên đi Trường Sa vào năm 1990, khi ấy ông đã 56 tuổi:

Anh phải đi rồi, sắp xa em

Nỗi niềm thương nhớ nặng con tim

Nghe anh, em nhé đừng buồn đấy

Thắng lợi, anh về với riêng em

Trường Sa nơi ấy không xa lắm

Đứng giữa nước trời vẫn thấy em…

Kết thúc công trình ở Trường Sa, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm thương nhớ biển khơi. Tôi là bậc con cháu nhưng tình yêu đối với Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đã gắn kết gia đình tôi với gia đình ông. Mỗi dịp Tết đến, chúng tôi lại tới thăm ông bà. Đó cũng là mùa đi biển. Lại dạt dào những kỷ niệm về Trường Sa. Tôi hiểu rằng, Trường Sa thực sự đã trở thành một phần máu thịt của ông. Trường Sa luôn trong trái tim ông…

Rồi bạo bệnh đến với ông. Người lính năm xưa -nhà khoa học vẫn không khuất phục. ông giành giật với thời gian từng ngày từng giờ để làm tiếp những công việc mà ông đam mê: Tổng kết lại những công trình khoa học của mình, mở trường dạy học, viết tiếp những vần thơ…

Chúng tôi đến thăm ông tại Bệnh viện Quân y 108 vào một chiều hè năm 2011. Thời gian này sức ông đã kiệt lắm rồi. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của ông, khẽ hỏi:

 – Ông có nhận ra con không?

Ông khẽ gật đầu. Một giọt lệ trong veo tràn ra khóe mắt. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Đúng đêm hôm đó, đêm mồng 9-4-2011 (nhằm ngày mồng 7 tháng 3 năm Tân Mão), ông lặng lẽ đi về miền Cực Lạc.

PGS, TS Lã Thị Bắc Lý

Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/91/68/261/261/261/169424/Default.aspx