GS.TS Dương Nghiệp Chí với sự nghiệp khoa học hoá nền thể thao Việt Nam

Ngẫu nhiên mà như là tất yếu

            Cái cơ duyên mà GS Dương Nghiệp Chí đến với ngành thể thao có thể nói là như vậy. Ông mê TDTT từ nhỏ, đặc biệt là bóng đá, điền kinh. Đó cũng là điều bình thường với nhiều nam thiếu niên. Nhưng ông khác người ở cái tố chất thể thao tương đối tốt. Khi học ở trường trung học Chu Văn An (Hà Nội), Dương Nghiệp Chí ở trong đội tuyển bóng đá của trường và của học sinh Hà Nội. Có lẽ vì tố chất đặc biệt đó mà khi tốt nghiệp trung học (năm 1960), riêng mình Dương Nghiệp Chí được tuyển đi học Đại học TDTT Bắc Kinh (Trung Quốc), cho dù nguyện vọng của ông khi đó là theo ngành địa chất để có thể tung hoành khắp đất nước với “vốn”sức khoẻ dày dặn. Không đúng nguyện vọng, lại phải xa người yêu một thời gian dài, may mà nỗi buồn ấy cũng có lý do để nguôi ngoai khi mà chính người ông yêu dấu lại động viên và cho rằng đó cũng là thử thách của tình yêu. Nhờ đó mà ông đã quyết tâm học để chứng tỏ mình đã vượt qua thử thách như thế nào. “Tôi trưởng thành và cống hiến được như hôm nay là nhờ quyết tâm từ dạo ấy” – GS Dương Nghiệp Chí nhớ lại.

            Từ ngẫu nhiên đến tất yếu, GS Dương Nghiệp Chí đã gắn bó đời mình với ngành TDTT như vậy.

 Nhận thức về khoa học TDTT

            Năm 1965, tốt nghiệp Đại học TDTT Bắc Kinh, ông được phân công về bộ môn điền kinh của Uỷ ban TDTT, đồng thời tham gia huấn luyện cho đội tuyển điền kinh Hà Nội. “Chính từ thực tiễn huấn luyện mà tôi bắt đầu có nhận thức về khoa học TDTT, đặc biệt là ứng dụng khoa học trong TDTT” – GS Dương Nghiệp Chí khẳng định. Và ông kể một câu chuyện:

            Hồi đó tôi huấn luyện chạy cự ly ngắn cho một vận động viên (VĐV) trẻ và một VĐV lớn tuổi. VĐV trẻ là Hà Văn Canh có thành tích lúc 13 tuổi là chạy 100m trong 14”1, sau 6 tháng huấn luyện thành tích đã lên 11”9. Còn với VĐV lớn tuổi là anh Phù Văn Cường (24 tuổi) thì việc nâng thành tích khó khăn hơn nhưng không phải là không làm được. Tất cả đều là do biết ứng dụng những bài tập một cách khoa học và hợp lý, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

            – Những kiến thức khoa học mà ông đem ra áp dụng trong huấn luyện là từ đâu? – tôi hỏi.

            -Tự mình phải tích luỹ thôi, vì khoa học TDTT Việt Nam hồi đó hầu như chưa có gì – GS Dương Nghiệp Chí nói. – Học ở trường Đại học Bắc Kinh, rồi tự nghiên cứu thêm tạp chí Khoa học TDTT của Liên Xô, cộng với kinh nghiệm từ thực tiễn huấn luyện của chính bản thân mình…Cứ dần dần như vậy.

            – Có ý thức ứng dụng khoa học như vậy, chắc ông ít khi gặp thất bại trong huấn luyện?

            GS Dương Nghiệp Chí cười lớn:

            – Cũng nhiều đấy, thường là với VĐV lớn tuổi, do mình đánh giá sai sức chịu đựng của VĐV, khả năng sinh học của họ, mà lại kỳ vọng nhiều vào họ nên đã cho họ tập những bài tập sức mạnh và tốc độ quá nhiều, gây chấn thương. Mà việc điều trị chấn thương ở ta lúc đó còn rất kém, nên đã bị chấn thương là làm mất nhiều cơ hội tập luyện của VĐV. Và chính những thất bại này càng cho tôi nhận thức rõ: phải tăng cường khoa học TDTT, không chỉ cho lĩnh vực TDTT mà còn cho nhiều lĩnh vực khác.

  Khoa học hoá nền TDTT Việt Nam

            Nhận thức về vai trò quan trọng của khoa học TDTT như vậy, GS Dương Nghiệp Chí quyết tâm đi học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học TDTT Matxcơva (Liên Xô, năm 1972). Sau khi tốt nghiệp, được phân công về làm Trưởng khoa Điền kinh của Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), ông đã tự xác định nhiệm vụ cho mình: góp phần khoa học hoá nền TDTT Việt Nam.

            GS Dương Nghiệp Chí không ngừng đưa khoa học mới vào công tác huấn luyện và giảng dạy TDTT. Ông là người đầu tiên biên soạn giáo trình môn Đo lường thể thao và đưa vào giảng dạy chính thức tại trường. Tương tự với các môn Xã hội học TDTT, Kinh tế học TDTT, Khoa học TDTT giải trí. Ta có thể có nhiều nhà khoa học giỏi chuyên về xã hội học, kinh tế học, giải trí học, song gắn kết các khoa học này với TDTT thì có lẽ GS Dương Nghiệp Chí là người đi tiên phong.

            Chính nhờ những bước đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học TDTT, đặc biệt là đo lường TDTT, GS Dương Nghiệp Chí đã mạnh dạn chủ trì xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu thông tin trong thi đấu tại Seagames 22 ở Việt Nam, với sự phối hợp của nhiều công ty và chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT). Ở Việt Nam, đo lường TDTT có từ năm 1991 nhưng ứng dụng CNTT vào đo lường thành tích thi đấu và thông tin nhanh thành tích này trên mạng internet thì chỉ bắt đầu từ năm 2003. Tại Seagames 22, GS Dương Nghiệp Chí là tổng đạo diễn hệ thống xử lý dữ liệu thông tin này và đã đạt kết quả ngoài mong đợi, ngang với Thái Lan mà tiết kiệm kinh phí tới 50%, và tốt hơn Malaixia là những nước đã ứng dụng CNTT vào đo lường thành tích TDTT sớm hơn ta nhiều năm. Đây là dự án đầu tư quốc gia, được đánh giá là công trình thành công nhất trong năm 2003.

   Trăn trở cả cuộc đời

            Nguồn nhân lực cao cho sự nghiệp CNH-HĐH nói chung và sự nghiệp thể thao nước nhà nói riêng, trước hết, phải từ việc nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, hay nói cách khác là phải tạo nên chuyển biến căn bản về thể chất con người Việt Nam. Hơn ai hết, là một chuyên gia đầu ngành khoa học TDTT Việt Nam, GS Dương Nghiệp Chí rất trăn trở về điều này. Suốt 9 năm qua, ông cùng các cộng sự thuộc nhiều ngành khác nhau kiên trì theo đuổi đề án tổng thể “Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam từ 2011 đến 2030”. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đây là việc làm cần thiết, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, và mới đây, tháng 10-2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lại tiếp tục khẳng định kết luận trên đây của Thủ tướng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Đề án vẫn chưa được phê duyệt, cho dù so với thế giới thì bây giờ bắt đầu việc này cũng đã là quá muộn (Nhật Bản đã làm cách đây 50 năm và hiệu quả không thể phủ nhận), trong khi thể lực của người Việt Nam rất yếu và đặc biệt là sức bền và sức mạnh. Cứ nhìn vào thành tích thể thao là thấy rõ, nhất là bóng đá, và qua mỗi kỳ Seagames, ASIAD hay Olympic lại càng dễ so sánh. “Phải có một chính sách mạnh và một phong trào rộng lớn” – GS Dương Nghiệp Chí khẳng định để giải toả cho điều trăn trở của ông. “9 năm qua tôi đã vô cùng kiên nhẫn và cũng vô cùng sốt ruột. Đã mấy chục lần dự thảo cùng các nhà khoa học khác nhau, đã có hội thảo với hơn 50 nhà khoa học do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, đã được Ban Bí thư và Chính phủ thẩm định. Về kinh phí, 5 năm đầu thực hiện Đề án chỉ hơn 1000 tỉ, tức là bằng chi phí làm 10km đường giao thông, vậy mà không hiểu sao vẫn chưa được phê duyệt? Nếu tính số tiền cho dinh dưỡng và dụng cụ TDTT mà dân bỏ ra một cách tự phát (tất nhiên là sẽ kém hiệu quả, thậm chí có hại khi không có hướng dẫn khoa học) phải mất vài trăm ngàn tỉ cũng trong thời gian đó.

            Với quan điểm xã hội học, GS Dương Nghiệp Chí còn cho thấy hiệu quả xã hội nói chung, đặc biệt là với thanh thiếu niên, mà đề án mang lại là rất lớn. Suốt 7 năm trời, các nhà khoa học âm thầm xây dựng Đề án, mãi đến năm 2008, Bộ tài chính mới cấp 5 tỉ đồng cho đề tài nghiên cứu này. “Khoa học muốn phát triển, Chính phủ phải cứng rắn, kiên quyết bênh vực khoa học chân chính và không khoan nhượng với những luồng tư tưởng sai lệch mới được” – GS Dương Nghiệp Chí lại bày tỏ bức xúc của mình.

            Bên cạnh Đề án “Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam từ 2011 đến 2030”, GS Dương Nghiệp Chí còn trăn trở cho đến khi nào “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam 2011-2030” được phê duyệt, đặc biệt là về việc đào tạo tài năng trẻ TDTT.

            Với những trăn trở này, GS Dương Nghiệp Chí đã, đang và sẽ tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi và không ngừng ấp ủ nhiều dự định cho việc thực hiện, trong vai trò cố vấn cao cấp Viện khoa học TDTT Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam và nhiều vai trò khác nữa đang chờ ông.

Nguyễn Thị Trâm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam