Kỳ I: Bước đầu chủ trương sử dụng thuốc phối hợp chống sốt rét
Trước đợt đi chiến trường lần thứ nhất, năm 1965, GS Bùi Đại đã điều trị bệnh cho các chiến sĩ E9 từ trận đánh Đồng Hến (diễn ra trên đất Lào, 1965) trở về. Sau trận đánh này, toàn bộ E9 rút về hầu hết đã bị nhiễm bệnh sốt rét, tỷ lệ ký sinh trùng Plasmodium falciparum là 70%, tại đây ông đã điều trị gần 2000 bệnh nhân. Cũng trong đợt cứu chữa này, GS Bùi Đại đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét nhờn với Chloroquine (CHL) và cả với Quinine (QN). Nếu dùng đơn thuần QN tỷ lệ tái phát là 50%, còn nếu dùng đơn thuần CHL thì tỷ lệ tái phát từ 48%-88%. Nhằm giải quyết tình trạng này, GS Bùi Đại đã đề xuất chuyển sang sử dụng thuốc phối hợp. Nhờ cách làm này, lần đầu tiên GS phát hiện tình trạng Plasmodium falciparum kháng với CHL thậm chí cả với QN và đây cũng là lầu đầu tiên thực hiện chủ trương phối hợp 2 loại thuốc sốt rét trong điều trị sốt rét.
Phối hợp thuốc sốt rét với Pyrimethanine từ năm 1966
Lần thứ nhất đi chiến trường năm 1966, GS Bùi Đại nhận nhiệm vụ vào chiến trường để phòng chống sốt rét cho công binh, thanh niên xung phong, dân công làm đường 20 đoạn đường từ phà Xuân Sơn (thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình) đến cây số 15 Đường 559 (Đường mòn Hồ Chí Minh). Cũng trong thời điểm này, đơn vị đang có dịch sốt rét, tỷ lệ có ký sinh trùng Plasmodium falciparum lớn hơn 40% và tỷ lệ lên cơn sốt hàng ngày là khoảng 10%. Vậy nhưng, yêu cầu bức bách là đơn vị phải hoàn thành xong con đường này trước mùa mưa.
Tại Phòng Quân y Nam Bộ năm 1972
Từ phải : GS.TSKH, Thiếu tướng, Bùi Đại; Hồ Văn Huê – Trưởng phòng Quân Y B2; GS.TS Nguyễn Sĩ Quốc – Cục trưởng cục Quân Y
và GS.BS, Thiếu tướng Nguyễn Thúc Mậu
Tại đây, sau một thời gian ngắn nỗ lực làm việc, GS Bùi đại cùng cộng sự đã đạt được một số thành quả bước đầu như: Dập tắt dịch sốt rét, tỷ lệ ký sinh trùng dưới 10% và tỷ lệ lên cơn sốt rét hàng ngày giảm xuống dưới 2%. Đề xuất mô hình dập dịch sốt rét và được Cục Quân y chấp nhận gồm: Tuyên truyền giáo dục, đôn đốc phòng chống sốt rét; Diệt muỗi bằng việc phun DDT và phát quang quanh doanh trại, đốt rác và xua muỗi buổi chiều tối; Điều trị đột kích hàng loạt cho những đơn vị có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét cao hơn 40%; Điều trị ca bệnh bằng thuốc phối hợp cùng Pyrimethamine: QN + Pyrimethamine, CHL + Pyrimethamine.
Ngoài ra, trong nghiên cứu khoa học, GS Bùi Đại cũng có một số nhận xét quan trọng như việc so sánh phác đồ đường thuốc QN/CHL đơn thuần so với dùng thuốc phối hợp với Pyrimethamine. Kết quả cho thấy, QN + Pyrimethamine so với QN đơn thuần tỷ lệ tái phát là 17,5% và 56%, CHL + Pyrimethamine so với CHL đơn thuần tỷ lệ tái phát là 20% và 48-88%. Phác đồ phối hợp CHL + Pyrimethamine và QN + Pyrimethamine được Cục Quân y chấp thuận đưa vào chỉ thị phối hợp thuốc sốt rét với Pyrimethamine từ năm 1966.
Phối hợp thuốc sốt rét với SMP từ năm 1967
Đến năm 1967, GS Bùi Đại được cử vào nghiên cứu sốt rét trên dọc Đường 559. Tại đây, ông chủ trương nghiên cứu phối hợp cùng Sulfamethoxypyridazin (SMP) gồm: CHL + SMP, Pyrimethamine + SMP và kết quả đạt được đáng khích lệ khi tỷ lệ tái phát xuống thấp hơn 12% với CHL + SMP và 10,3% với Pyrimethamine + SMP.
Điều đặc biệt, tại thời điểm này thế giới cũng đã bắt đầu dùng phối hợp thuốc sốt rét kinh điển với Sylformethoxine là một loại Sulfamide chậm. Trong khi đó, ở Việt Nam loại thuốc này phải nhập ngoại và rất đắt. Vì vậy, Quân y đã đưa vào ứng dụng một loại thuốc Sulfamide bán chậm là SMP (tức Sulfamethoxypyridazin đang có sẵn trong nước), kết quả đem đến những hiệu quả khả quan. Từ năm 1967, GS Bùi Đại chủ trương phối hợp sử dụng thuốc sốt rét thông thường với SMP.
Hai nghiên cứu phối hợp thuốc trong điều trị sốt rét của GS Bùi Đại đã góp phần giải quyết một cách cơ bản tình trạng sốt rét trong Quân đội ta những năm 1966-1967. Đây cũng chính là ký ức từ hai lần đi chiến trường đầu tiên của ông.
(Còn nữa)
Trình Sỹ Anh Dũng