Lối rẽ của Thầy thuốc nhân dân Bành Văn Khìu

Chàng trai người Nùng ngày ấy chính là Đại tá, Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân Bành Văn Khìu – Nguyên Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Gặp ông tại nhà riêng ở phố Hoàng Đạo Thành (Kim Giang, Hà Nội), câu chuyện đầu tiên mà Giáo sư Bành Văn Khìu chia sẻ với chúng tôi chính là “cơ duyên” để ông đến với nghề y – một nghề mà ông từng nói đùa: “Có trong mơ thì đám học sinh vùng cao chúng tôi ngày ấy cũng chẳng dám nghĩ tới”. Ông bảo: “Thực ra ý định chọn nghề của tôi cũng giản đơn lắm, bà cụ thân sinh của tôi có một “nghề tay trái” là sưu tầm các loại cây thuốc sẵn có ở vườn nhà hoặc kiếm trong rừng để chữa bệnh cho gia đình và người dân trong xóm. Hồi trẻ, tôi cũng không để tâm nhiều tới những việc làm của cụ, nhưng khi nhà nước cho chọn một nghề để ra nước ngoài đào tạo, tôi chỉ đăng ký là đi học nghề thuốc chứ không nghĩ mình được đi học để sau này trở thành bác sĩ”. Ở tuổi 25, chàng trai Bành Văn Khìu đã tạm biệt bản làng vùng cao để đến với nghề y khi những kiến thức ban đầu ông có được chỉ là “vài ba loại thảo dược” như thế. Ông kể, trong thời gian 5 năm học tập ở nước bạn, khó khăn lớn nhất mà ông và bạn bè phải khắc phục chính là việc học cổ văn – thứ ngôn ngữ mà ngay cả người dân bản địa cũng vẫn từng ví von là một “ngoại ngữ”. Năm 1971, ông trở về nước khi Đông y là một ngành còn khá mới mẻ, cùng với nhiều đồng nghiệp khác, ông được Quân đội tuyển chọn và cử về công tác tại Viện Quân y 108. Từ đây, mong ước ngày nào của chàng trai Cao Bằng đã thành sự thật: không chỉ được theo nghề y mà còn vinh dự trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ.

Sau 10 năm công tác tại Khoa Đông y Bệnh viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), tháng 9-1981, Bác sĩ Bành Văn Khìu về giữ chức Trưởng phòng khám tại Bệnh viện Y học dân tộc Quân đội (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội). Chính trong thời gian ấy, ông và các đồng nghiệp của bệnh viện đã tổ chức một phòng khám trĩ theo phương pháp kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền do ông phụ trách, để rồi sau này phương pháp điều trị của ông đã trở thành một trong những mũi nhọn về chuyên môn của bệnh viện. Tháng 11-1990, ông đảm nhận chức Viện trưởng trong thời điểm bệnh viện đang đề ra định hướng xây dựng theo mô hình Viện-Trường và phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu tuyến cuối về y học cổ truyền của quân đội. Giáo sư Bành Văn Khìu nhớ lại: “Trong năm đầu tiên phụ trách bệnh viện, tôi luôn trăn trở với việc xây dựng y đức của người thầy thuốc, bởi muốn bệnh viện xứng đáng với vị thế của một bệnh viện hạng A thì chuyển biến rõ nhất phải là thái độ phục vụ người bệnh”. Với trăn trở ấy, ông đã đề ra khẩu hiệu: “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”. Khẩu hiệu thiết thực, ngắn gọn ấy đã và đang trở thành phương châm hành động của Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội. Đề cập đến chuyện y đức, Giáo sư Bành Văn Khìu kể rằng có lần ông từng chứng kiến chính cán bộ cấp dưới của mình đã phải phóng xe theo bệnh nhân tới vài cây số để xin lỗi vì những cư xử không vừa lòng người bệnh. Ông bảo: “Nhìn vào trường hợp cụ thể ấy, tôi mừng vì thấy cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đã có ý thức, trách nhiệm hơn với danh hiệu lương y của mình”.

 Giáo sư Bành Văn Khìu (ngoài cùng, bên phải) giảng bài tại vườn thuốc Nam của Viện Y học cổ truyền Quân đội (tháng 7-2006). Ảnh tư liệu

 Là người từng có gần 30 năm gắn bó với đơn vị trong đó có 17 năm là Viện trưởng, ông luôn nhắc nhở cấp dưới rằng việc tham khảo, tiếp thu ý kiến người bệnh không chỉ căn cứ vào sổ cảm tưởng ở các khoa, phòng mà quan trọng là phải lắng nghe từ chính dư luận trong và ngoài quân đội để tự điều chỉnh về hành vi, thái độ phục vụ. “Tôi rất tin tưởng ở đội ngũ cán bộ của bệnh viện vì nhiều năm qua đơn vị đã đào tạo được một đội ngũ kế cận và tiếp nối xứng tầm cho một bệnh viện tuyến cuối về y học cổ truyền của quân đội”. Với ông, chỉ có một điều băn khoăn là chuyên ngành y học cổ truyền nói chung hiện vẫn chưa có được chiến lược dài hơi trong việc đưa cây thuốc Việt Nam vào điều trị cho người dân nước mình, bởi việc khai thác các cây, con thuốc vẫn còn mang tính tự phát. Có trường hợp cây dược liệu của nước ta xuất ra nước ngoài để bào chế, rồi sau đó được… bán lại cho người dân trong nước, đó là một bất cập mà đến nay chúng ta vẫn chưa dễ khắc phục. Ông cũng đưa ra lời khuyên với mọi người: “Sức khỏe là vốn quý nhưng không phải ai cũng có ý thức gìn giữ. Tốt nhất là hãy biết phòng bệnh hơn chữa bệnh bằng cách tăng cường kiểm tra sức khỏe định kỳ kết hợp với rèn luyện thân thể. Ngoài ra cũng không nên quá tin vào các lời đồn thổi về những loại thuốc có khả năng “chữa bách bệnh” mà chạy theo giới kinh doanh làm tốn công, tốn của”. Ông đưa ra lời khuyên ấy vì có thời điểm chính ông cũng bị vướng vào một tin đồn là “Bác sĩ Khìu có thể chữa khỏi ung thư”, trong khi loại thuốc Salamin trong đề tài mà ông làm chủ nhiệm có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, nghĩa là một loại thảo dược dùng để “hỗ trợ bệnh nhân ung thư”, khác với tin đồn chữa khỏi bệnh mà ông từng bị “mang tiếng”. Rồi cách đây hai năm, khi ông cùng các cộng sự của Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội phối hợp với Vinataba cho ra đời sản phẩm Ngọc Trà có tác dụng hỗ trợ giải độc nicotin cho người hút và nhiễm khói thuốc, thực tế đã có không ít người nghiện thuốc lá nhầm tưởng Ngọc Trà như loại “thần dược”, uống vào là có thể… hút thoải mái. Trước những quan niệm như vậy, ông đã phải giải thích cặn kẽ: “Đó là một sản phẩm chức năng, một loại nước uống có chức năng hỗ trợ cho những người hút thuốc và với những người đang phải tiếp xúc với thuốc lá chứ không phải là thuốc để chữa bệnh”.

Trong gần bốn thập kỷ gắn bó với nghề y, Giáo sư Bành Văn Khìu đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao như: “Nghiên cứu điều trị trĩ và rò hậu môn”; “Bảo tồn nguồn gien, cây con thuốc quý hiếm”; ” Phòng, chống sứa lửa cho bộ đội đặc công nước”… Ông còn là chủ nhiệm nhiều đề tài và dự án cấp Bộ, cấp Nhà nước, tham gia nhiều hội đồng thẩm định các dự án. Ông cũng là người đầu tiên của ngành y học cổ truyền toàn quân được phong học hàm Phó giáo sư (năm 1992), Giáo sư (2006) và danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (1999).

Hơn ba năm nay, khi đã nghỉ hưu, ông vẫn dành thời gian tham gia nghiên cứu một số đề tài cùng các đồng nghiệp. Thỉnh thoảng, mọi người lại thấy vị giáo sư ở tuổi “thất thập” không quản đường xa phóng xe máy tới thăm bạn bè đang nằm điều trị ở một số bệnh viện. Bà Trần Thị Nhung, một đồng nghiệp với ông khi còn ở Bệnh viện 108 kể lại: “Kể từ ngày anh Khìu chuyển sang Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, thời gian qua đi cũng đã gần ba chục năm, vậy mà lần nào nghe tin tôi ốm, anh Khìu cũng tới thăm. Lần ấy, chồng tôi bị bệnh phải vào Viện Quân y 108 điều trị, tuy đã nghỉ hưu nhưng biết tin, anh Khìu vẫn phóng xe máy từ tận Kim Giang sang thăm “ông rể” của cơ quan cũ”. Là người sống giản dị, tình nghĩa nên rất nhiều người bệnh tin tưởng và tìm tới nhà ông để nhờ ông trực tiếp khám bệnh cho họ. Những lúc như thế, Giáo sư Khìu lại phải thu xếp thời gian bắt mạch, bốc thuốc, chứ thực tâm ông muốn nghỉ ngơi và điều quan trọng là ông luôn tin vào các bác sĩ trẻ của viện, tin rằng họ có thể làm tốt hơn những gì thế hệ ông đã từng làm.

“Nghề y của chúng tôi giống như những người đưa đò, khó có thể nhớ hết những người bệnh được mình cứu chữa và cũng chẳng mong họ tới cảm ơn mình”, Giáo sư Bành Văn Khìu vẫn thường tâm sự như vậy, cho dù không hiếm gặp những bệnh nhân tới cảm ơn ông tại nhà riêng, khi thì là cậu học sinh ở một vùng quê nghèo khó mãi tận Hải Dương, hay một doanh nhân thành đạt đã từng được ông bắt mạch, kê đơn và vượt qua căn bệnh hiểm nghèo…

 

Bùi Vũ Minh

Nguồn: www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/89/70/269/269/269/140209/Default.aspx