Chuyện chưa kể về vị tướng mặc áo blouse

Có thể gọi anh là một người lính; một nhạc sĩ tài hoa chuyên viết tình ca lính; một bác sĩ hồi sức cấp cứu tinh anh hay một nhà quản lý tài ba… Nhưng với tôi, trên hết, anh là một nhà chiến lược với khối óc quyết đoán, nhanh nhạy và một trái tim nhân hậu, biết đớn đau, kiêu hãnh và biết rưng rưng… Anh là Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc Phòng.

Tổ Quốc gọi tên mình

Quê mẹ ở Hà Nam, quê cha ở Hải Dương, nhưng lại sinh ra ở Hải Phòng, những vùng đất “Địa linh nhân kiệt” với những danh nhân và những vị anh hùng dân tộc; miền đất rực sáng với dòng chảy văn hóa liên tục từ đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn; chàng trai Nguyễn Hồng Sơn dường như cũng được thừa hưởng những tinh hoa và chí khí của một vùng đất lịch sử. Năm 1985, sau khi học xong Học viện Quân Y, anh được điều về Khoa Hồi sức cấp cứu BV 175 để chi viện cho chiến trường biên giới Tây Nam. Chiến tranh mới đi qua, những dấu ấn sinh tử khốc liệt từ chiến trường vẫn là những ám ảnh khôn nguôi trong lòng nhiều người. Ngổn ngang của chiến tranh chưa hết, đất nước lại phải bước vào một cuộc chiến tranh mới. Lại phải cầm súng. Tổ quốc cần, chàng trai – BS trẻ Nguyễn Hồng Sơn đã không nề hà, mà còn sẵn sàng xông pha với tất cả sự hãnh diện tự hào. Đây cũng là thời kỳ nhiều trải nghiệm của anh.Đó không chỉ là những ngày tháng anh phải đối đầu với nhiều thách thức trong nghề nghiệp mà đó còn là những ngày để lại trong anh nhiều nỗi đau và những ám ảnh kinh hoàng.

Cống hiến hiết mình cho sự nghiệp, vị tướng mặc áo blouse vẫn luôn khẳng định: Thành quả có được là của một tập thể. Một mình không thể làm nên!

Những ngày đó, Khoa Hồi sức cấp cứu là nơi thường xuyên phải đón nhận những thương binh nặng ở chiến trường gửi về. Mỗi khi một chiếc xe hoặc chuyến bay chạy từ chiến trường có khoảng 60 – 70 chiến sĩ bị thương nặng phải cấp cứu. Anh và các đồng nghiệp đã dốc lòng dốc sức, mổ ngày mổ đêm để mong cứu sống đồng đội nhưng hàng ngàn liệt sĩ cũng đã phải hi sinh do vết thương quá nặng. Bệnh viện quá tải ngay cả với những tử thi. Là một bác sĩ trên mặt trận cứu người, nhưng lúc đó, anh cũng như các đồng đội của mình lại phải đích thân mang cuốc xẻng lên Thủ Đức để chôn cất đồng đội mình. Trái tim non trẻ đầy nhiệt huyết của BS.Nguyễn Hồng Sơn đau như ai cắt với sự bất lực của mình trước sự sống còn của đồng đội. Nhưng những nỗi đau và và sự giằng xé của thời kỳ này không làm anh nhụt chí mà trái lại, nó lại hun đúc trong anh một sự quyết tâm sắt đá lạ kỳ trong công việc cứu người.

Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, BS.Nguyễn Hồng Sơn ở lại vùng đất phía Nam và gắn bó với Bệnh viện 175 kể từ đó với những đóng góp mang dấu ấn cho sự phát triển của lực lượng quân y.

Dấu ấn Trường Sa

Đúng 10 giờ 40 ngày 4/4/2011, em bé đầu tiên trên đảo Trường Sa cất tiếng khóc chào đời trong sự im lặng đến nghẹt thở của gia đình, các bác sĩ ở Bệnh xá đảo Trường Sa và đặc biệt là của các bác sĩ Bệnh viện 175. Ngay giữa muôn trùng khơi sóng gió, một mầm sống vẫn mạnh mẽ vươn ra, nhờ sự giúp sức từ những bàn tay tài hoa của các bác sĩ mang màu xanh áo lính. “Ít ai biết được rằng, để em bé được sinh ra bình yên và vỡ òa trong niềm hạnh phúc, trước đó 7 tháng, các bác sĩ đã phải chuẩn bị tất cả mọi thứ từ nhân lực, trang thiết bị, đến cả những phương án dự phòng rất kỹ càng và chu đáo”, PGS.Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Tại đảo Trường Sa, trước đây, mỗi khi người phụ nữ mang thai thì sẽ vào đất liền để theo dõi, chăm sóc và sinh con. Nhưng riêng với gia đình anh Thi và chị Thúy, khi mang bầu tháng thứ 2, anh chị đã báo với Đảo trưởng và mong muốn ở lại sinh con trên đảo. Tuy nhiên, đây không chỉ là mong muốn của riêng anh Thi, chị Thúy hay những cư dân trên đảo mà còn là “Một quyết định mang tính bước ngoặt. Người dân đã đặt niềm tin, đã giao mạng sống cho mình và mình không được phép và không cho phép đánh mất niềm tin ấy.Có niềm tin, dân sẽ ra với đảo.Có dân đảo sẽ vững. Đảo vững thì Tổ quốc yên bình.Và xuân bình yên sẽ trường tồn trên đảo”, đây là một trong những quyết định khó khăn nhưng quyết đoán của Ban giám đốc BV 175 – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nhớ lại.

Ê kíp của BS.Nguyễn Hà Ngọc – BS trực tiếp đỡ đẻ cho chị Thúy đã được Ban giám đốc BV 175 cho đi “một tua” về sản khoa. Chăm sóc, theo dõi và đỡ sinh cho sản phụ như thế nào được bàn tính kỹ.

Trên đất liền, đẻ mổ bắt con là chuyện rất đơn giản và hết sức bình thường. Nhưng ở đảo – nơi đầu sóng ngọn gió với phong ba bão tố thì đây không hề là điều dễ dàng. Nhất là với một thai phụ có bệnh lý đi kèm, trong khi điều kiện ngoài trạm xá xã đảo còn quá nhiều thiếu thốn. Cái khó của một cuộc phẫu thuật sản khoa đó là vấn đề gây mê và máu. Phụ nữ dễ bị băng huyết sau sinh, đặc biệt là sản phụ có ngôi thai bất thường lại bị u xơ tử cung như chị Thúy…

Kết quả siêu âm trước đó vài ngày cho thấy ngôi thai nằm ngang, bị thiểu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi hai vòng.Thêm phần khó khăn. Tiên lượng phải mổ bắt con. Để cuộc mổ được an toàn tối đa, BV Đa khoa Khánh Hòa đã cử Ths, BS.Hồ Xuân Lãm được cử cấp tốc ra chi viện cho Bệnh xá. 4 đơn vị máu dự phòng cũng tức tốc được mang ra. Cầu truyền hình trực tuyến được BV 175 thành lập. Ê kíp chỉ đạo cuộc mổ gồm 6 bác sĩ nhiều kinh nghiệm ở các chuyên khoa đã nhanh chóng ngồi vào trước màn hình. 6 giờ 30 sản phụ chuyển dạ, vào phòng mổ.Đến 8 giờ, mọi công việc trong phòng mổ chuẩn bị xong.10 giờ 37, khi mũi kim gây tê đâm qua lớp da tủy sống của sản phụ cũng là lúc sự lo âu, căng thẳng hiện rõ trên từng gương mặt bác sĩ. Mồ hôi trên mặt anh Thi rơi như mưa. Anh không dám thở mạnh. Các bác sĩ, áo ướt đẫm lưng, nhìn màn hình không dám chớp mắt. Một phút, hai phút, ba phút… Tiếng khóc òa của bé vang lên phá tan sự im lặng. Người cha cười trong nước mắt. Các bác sĩ đứng lên nắm chặt tay nhau. Chúc mừng. Lần đầu tiên, một em bé được sinh ra bằng kỹ thuật sinh mổ trên đảo với sự hỗ trợ trực tuyến từ Bệnh viện 175.

Niềm hạnh phúc, sự biết ơn và bao niềm mong mỏi được gửi trọn trong tên gọi của bé: Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Cha mẹ bé đã xin Tên của 2 bác sĩ là Ngọc với Xuân để đặt tên cho con. Và tất nhiên phải có chữ Trường. Bởi mảnh đất thiêng liêng đã là nơi chôn nhau cắt rốn của bé. Nguyễn Ngọc Trường Xuân – mùa xuân vĩnh hằng trên đảo Trường Sa như ước muốn của tất cả mọi người đã trải qua những ngày tháng dài chuẩn bị cho ca mổ này.

Thành công của ca phẫu thuật này đã khởi đi cho rất nhiều những thành tựu của bệnh xá huyện đảo Trường Sa hôm nay.Và đó cũng là thành tựu của nỗi lòng đau đáu với y tế biển, đảo của BS. Nguyễn Hồng Sơn và các thầy thuốc từ bao nhiêu năm trước.

Năm 1990, BV 175 được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ sức khỏe cán bộ và chiến sĩ quần đảo Trường Sa mà đặc biệt là đảo Trường Sa lớn. Ngay sau đó, bệnh xá Đảo Trường Sađược thành lập với một tổ quân y 3 người. Trong những năm đầu, ở đảo, điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ. “Thương anh em vô cùng. Điện đóm thì chập chờn, trang thiết bị không có gì ngoài ống nghe và máy đo huyết áp…Đến ăn cơm cũng phải giăng mùng vì ruồi, muỗi và côn trùng”, BS. Sơn chia sẻ. Thương đồng đội và cũng muốn tăng điều kiện để chữa trị cho cán bộ,chiến sĩ, BS. Sơn đã đi vận động và xin hỗ trợ được 1,2tỷ đồng để mua máy phát điện, máy chụp Xquang trang bị cho bệnh xá.

Có được máy móc, lãnh đạo BV lại trăn trở về nguồn nhân lực. Ở đảo không có bệnh nhiều và thường xuyên. Nên không thể cử nhiều bác sĩ ra đảo công tác.Nhưng điều cốt lõi là khi có bệnh thì phải đảm bảo là cứu chữa thành công cho người bệnh. Chính vì vậy, các bác sĩ khi công tác tại BV mỗi người một chuyên khoa.Nhưng trước khi ra công tác tại bệnh xá sẽ được lãnh đạo cho đi “một tua” ở tất cả các khoa trong BV. Và khi đảm nhận công tác ở đảo, mọi người đều trở thành bác sĩ đa khoa có khả năng giải quyết hầu hết các các cấp cứu cơ bản nội và ngoại khoa.

Nhạy bén trong công tác đào tạo của ban giám đốc BV đã mang đến những kết quả kỳ diệu. Một bác sĩ thuộc chuyên khoa này nhưng vẫn xử lý, giải quyết rất tốt bệnh của chuyên khoa khác. Như BS. Nguyễn Hà Ngọc đã phẫu thuật thành công cho chị Thúy để sinh ra bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, trước đó là bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Hay như trường hợp một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh nhưng lại có thể mổ ruột thừa thành thạo cứu sống bệnh nhân.

Thiếu tướng, PGS.TS.BS. Nguyễn Hồng Sơn (người đội mũ)
cấp cứu cho ngư dân bị hôn mê tại Trường Sa.

BS.Nguyễn Hồng Sơn hạnh phúc với những thành quả mà những năm gần đây bệnh xá đã đạt được. Bên cạnh đội ngũ cán bộ y tế đa năng thì việc đầu tư trang thiết bị khá đồng bộ đảm bảo công tác chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt, với việc kết nối truyền hình trực tuyến (Telemedicine) giữa bệnh xá đảo Trường Sa và Bệnh viện 175, hình ảnh bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm, Xquang, siêu âm… Thậm chí cả đường mổ tiến hành trên người bệnh nhân được truyền về BV 175, các BS BV 175 và BS ngoài đảo cùng nhau thảo luận chẩn đoán và thống nhất phương pháp điều trị. Những ý kiến tư vấn, chỉ đạo từ BV 175 được các BS của đảo thực hiện ngay trong quá trình phẫu thuật, tạo ra một sự yên tâm, thống nhất và hiệu quả điều trị cao. Trong suốt thời gian qua bệnh xá đã khám và cấp thuốc điều trị cho hàng ngàn lượt người, cấp cứu, phẫu thuật cứu sống cho hàng trăm bệnh nhân, vận chuyển kịp thời về đất liền nhiều ca vượt quá khả năng điều trị…

BS.Nguyễn Hồng Sơn vẫn nhớ mãi trong một lần ra đảo công tác đã trực tiếp cứu cấp cho 2 ngư dân bị hội chứng giảm áp do lặn sâu, gây nhồi máu và liệt. Trong đó có một bệnh nhân bị hôn mê sâu, phù não, đe dọa nhồi máu tủy, não. Trước sự nguy kịch của bệnh nhân, BS.Sơn đã cùng với đồng nghiệp dùng các thiết bị hiện có của bệnh xá để cấp cứu bước đầu. Suốt đêm bên cạnh đồng nghiệp ở quân y Trường Sa theo dõi, tiến triển của bệnh nhân để quyết định chuyển về đất liền với sự hỗ trợ của Quân chủng Phòng không. Sau ba tháng điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện dẫu cho trước đó, tiên lượng tử vong trên 90%.

Hay như mới đây, bệnh nhân H.M (24 tuổi) bị áp xe trung thất, áp, tràn mủ màng phổi… chuyển từ Bệnh xá Đảo vào BV 175 trong tình trạng nhiễm trùng huyết rất nặng, suy đa tạng phải thở máy rất khó khăn để đưa ra chỉ định phẫu thuật.

Lãnh đạo bệnh viện 175 đã đặt ra quyết tâm: phải cứu bệnh nhân bằng mọi giá. Và rồi bằng trí tuệ, tài năng, bằng sự khéo léo của những đôi bàn tay tài hoa và bằng tâm huyết của những trái tim nhân hậu các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cứu sống người bệnh. Cũng với tinh thần hết lòng với bệnh nhân, trong thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn và BV đã cứu chữa, vận chuyển và cứu sống nhiều người bệnh bị chảy máu phổi, chảy máu tiêu hóa, nhiễm trùng huyết rất nặng… ở khắp các hòn đảo từ Đà Nẵng đến Mũi Cà Mau.

Để cứu sống người bệnh, anh đã phải bao đêm thức trắng!

Say mê với sự nghiệp “trồng” người

Bên cạnh sự nghiệp chữa trị cứu người, anh còn một niềm đam mê rất lớn là giảng dạy và nghiên cứu. Anh đã làm Chủ nhiệm 2 đề tài cấp Bộ, 5 đề tài cấp cơ sở, có hơn 40 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Tham gia giảng dạy tại Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Quân Y, anh đã trực tiếp hướng dẫn hàng chục học viên sau đại học. Điều đặc biệt ở người thầy giáo cũng là thầy thuốc Nguyễn Hồng Sơn là anh đi dạy xuất phát từ tình thương và khao khát muốn sẻ chia kinh nghiệm. Nên không lạ khi anh luôn tâm niệm: Khi dạy phải cầm tay chỉ việc, phải truyền đạt kiến thức bằng tình thương và trách nhiệm của người thầy thuốc. Và phải luôn nghĩ rằng khi mình đi dạy cũng chính là lúc mình đi học. Thế nên, với anh, lớp học không chỉ là nơi để ghi chép mà đó là phải là những buổi thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm.

Với anh thầy thuốc trẻ luôn luôn nhận được quan tâm đặc biệt. Nhất là với những thầy thuốc mặc áo lính công tác tại BV 175. Nên khi có cơ hội là anh lại tạo điều kiện để các bác sĩ trẻ được ra nước ngoài học tập. Anh đã rưng rưng khi đọc được những dòng thư của BS BV 175 được cử đi học tập ở nước ngoài gửi về: “Ngày hôm nay, sau khi nhập học ở trường xong, con đã đi ra phố. Con đi tàu điện ngầm. Con không nghĩ con lại sớm được học tập ở một đất nước phát triển như vậy. Con được vậy là nhờ được bác quan tâm. Con sẽ tự thấy mình phải phấn đấu học tập tốt hơn, phải có trách nhiệm hơn với bản thân và đất nước”. Trong một lá thư khác, “Lần đầu tiên bước vào phòng mổ với vốn tiếng Anh còn hạn chế. Nhưng cơ hội được làm việc với những giáo sư hàng đầu trên thế giới đã thôi thúc con không ngừng nỗ lực. Và bác ơi, con sẽ trở về để tiếp tục bước chân trên con đường của các bậc cha anh – những người chiến sĩ quân y vẫn âm thầm chiến đấu đến quên mình vì bệnh nhân…”.

Hai mươi năm người chiến sĩ quân y ấy chưa một lần nghỉ phép. Thứ bảy, chủ nhật phòng làm việc của anh tại BV đèn vẫn sáng từ sáng sớm cho tới tối khuya. Anh chỉ rời bệnh viện khi đi công tác hoăc hội chẩn ở bv bạn Trường Sa, khi đi nước ngoài để tìm tài trợ đầu tư cho BV, khi những đơn vị y tế khác muốn có được những ý kiến của một chuyên gia hàng đầu như anh trong cuộc hội chẩn, hay khi anh lên giảng đường để truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ mai sau…

Cống hiến hết mình cho sự nghiệp, nhưng khi có nhã ý viết về anh, anh lắc đầu từ chối “Một cây làm chẳng nên non. Không có ai một mình mà làm nên chuyện. Thành quả là của một tập thể, của những con người cùng chí hướng: vì nhân dân phục vụ”. Năm lần đề nghị thì cả 5 lần anh đều lắc đầu và nhấn mạnh như vậy. Lần cuối cùng anh miễn cưỡng: đồng chí viết cũng được nhưng phải quán triệt: công sức là của tất cả mọi người, thành quả đạt được là phần thưởng cho cả một tập thể!

Sự tài hoa của một vị tướng

Trong văn phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, bên bộ tách trà, bạn có thể ngắm một đồng sen ngát hương từ tấm tranh khổ lớn mà anh treo ở một vị trí rất đẹp. Tất cả gợi lên một sự nhẹ nhàng thuần khiết không như hình dung của nhiều người về sự thô ráp của một đời binh nghiệp.Chỉ là một điểm xuyến nhẹ nhàng thôi nhưng đó cũng là nét phác họa về tâm hồn nghệ sĩ trong một vị tướng như anh.  Yêu văn học và âm nhạc từ nhỏ, thời kỳ còn làm công tác Đội, Đoàn, chàng trai Nguyễn Hồng Sơn  đã hoạt động rất sôi nổi. “Thời đó cũng đã có một vài đoàn nghệ thuật tuyển dụng nhưng do hoàn cảnh, điều kiện không thể tham gia và hơn nữa bố mẹ cũng không ủng hộ”, anh chia sẻ.

Sau này khi đã trở thành một bác sĩ, một người lính quân y, tình yêu âm nhạc của BS Nguyễn Hồng Sơn dường như vẫn không thay đổi. Những xúc cảm về cuộc sống quanh anh dường như luôn được chuyển thành những giai điệu lay động lòng người. “Hàng ngày qua những chất liệu của cuộc sống chúng ta luôn thu nhận được cả giai điệu và ca từ , chúng như đã nằm trong tâm hồn chỉ chờ cơ hội là sẽ thành ca khúc. Tôi quan niệm viết ca khúc như là một nhu cầu và trách nhiệm. Nhu cầu là cần có nó để giảm  những áp lực trong công việc và cuộc sống và làm cho cuộc sống ý nghĩa và đáng yêu hơn. Trách nhiệm là chúng ta đưa ra một vấn đề cùng chia sẻ với mọi người.Mỗi người trong cuộc sống đều có những nhu cầu, thú vui và trách nhiệm”.

Anh viết không nhiều nhưng cũng khá đa dạng, từ viết về người lính, về nghề nghiệp mà anh đang đeo mang, về tình yêu quê hương đất nước đến những thân phận con người. Nhạc của anh thuộc dòng kén người nghe vì nó sâu lắng với những chiêm nghiệm và mang tính triết lý cao. Ngay như bài Rock Đồng Hồ Cát, một bản nhạc anh viết với phong cách Rock rất sôi động, trẻ trung, da diết, cuồng nhiệt, vẫn sử dụng tính ẩn dụ với biểu tượng Đồng hồ cát diệu kỳ chỉ có ở đảo, thể hiện sự gắn bó, thủy chung bền bỉ của những người lính đảo.

Dù không là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng cho đến nay, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đã có một gia tài âm nhạc của mình với gần 50 ca khúc viết về nhiều đề tài (mà nhiều nhất là viết về người lính) và các giải thưởng  sáng tác trong các Hội diễn của Bộ – Ngành. Anh cũng được nhiều người lính yêu quý gọi là nhạc sĩ của lính đảo với nhiều ca khúc viết về biển đảo được yêu thích.

Gặp anh, trò chuyện với anh ngoài công việc, lại sống trong không gian của nhạc họa thuần khiết, câu thơ thật đẹp của Huy Cận khắc họa về hình ảnh cha ông ta “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” lại như vang trong tôi. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn quả không hổ là người con của vùng đất Địa linh nhân kiệt, là truyền nhân của dân tộc “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững”.

Bài, ảnh: Nguyễn Huyền
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn