Trước năm 1975, công tác xác định thành phần dân tộc và nghiên cứu cơ bản về các dân tộc nước ta đã được thực hiện ở miền Bắc. Sau khi thống nhất đất nước, công tác này được triển khai tích cực ở miền Nam. Đầu năm 1977, Viện Dân tộc học (trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức các đoàn đi điền dã ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Trong đó, có một đoàn vào tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, gồm 5 cán bộ của Viện (Đặng Nghiêm Vạn, Khổng Diễn, Ngô Vĩnh Bình, Phạm Quang Hoan, Lưu Hùng), và một đồng nghiệp ở Ban Đông Nam Á là Ninh Lê Hiệp. Trước đó, ở miền Bắc, việc tìm hiểu mang tính “điền dã” về các tộc người ở vùng này chỉ thực hiện được bằng cách hỏi chuyện những cán bộ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Vì vậy, chuyến đi năm 1977 là chuyến công tác đầu tiên của cán bộ Viện Dân tộc học vào miền núi xứ Quảng và Tây Nguyên để nghiên cứu điền dã về các dân tộc bản địa ở nơi đây.
Ảnh do Ninh Lê Hiệp chụp (từ trái: Phạm Quang Hoan, Đặng Nghiêm Vạn, Ngô Vĩnh Bình, Lưu Hùng, Khổng Diễn), bút tích của Lưu Hùng
Theo kế hoạch, đoàn công tác vào Đà Nẵng rồi chia ra hai nhóm. Ông Đặng Nghiêm Vạn cùng với Ngô Vĩnh Bình và Ninh Lê Hiệp đi vào khu vực phía nam của tỉnh, lên huyện Trà My. Ông Khổng Diễn cùng với Phạm Quang Hoan và Lưu Hùng lên huyện Giằng. Sau khi hoàn thành công việc ở Quảng Nam – Đà Nẵng, đoàn sẽ tiến hành nghiên cứu tiếp tại tỉnh Nghĩa Bình, rồi vào làm việc với Ban Dân tộc học tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi về Hà Nội.
Chuyến đi ấy, nhóm của ông Khổng Diễn được cấp một chiếc máy ảnh dùng phim cỡ 6×6, trong nhóm nói vui với nhau là máy ảnh “đầu trâu”. Biết trước sẽ phải đi bộ nhiều trên địa bàn rừng núi nên hành trang của mỗi người đều gọn trong chiếc ba lô bộ đội, mang theo bi đông đựng nước, ít lương khô xin mua được của Cục Quân nhu. Số tiền tạm ứng công tác phí trước khi đi được đổi sang “tiền giải phóng” để vào Nam chi tiêu.
Ngày 15-3-1977, đoàn công tác đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Vinh và nghỉ lại một đêm, để sáng sớm hôm sau ra bến xe xếp hàng mua vé ô tô di chuyển tiếp vào miền Nam. Đối với các nhà dân tộc học này thì chuyến xe sáng ngày 16-3-1977 là một kỷ niệm đặc biệt, lần đầu tiên họ đi xe khách miền Nam. Chiếc xe có ống khói vươn cao ở phía sau, cứ chạy một đoạn lại phát ra tiếng nổ “phạch phạch” nghe gắt gỏng, làm cho những người chưa quen không khỏi giật mình. Phó giáo sư Khổng Diễn còn nhớ cảnh đi xe khách hôm ấy: mặc dù không có đủ chỗ đứng nhưng mình vẫn phải ôm khư khư chiếc ba lô vì sợ thất lạc [1].
Khi vào đến Đà Nẵng, với giấy giới thiệu công tác do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam cấp, đoàn cán bộ dân tộc học được Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh tiếp và mời cơm. Làm việc với Ban Miền núi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ai cũng cảm phục quá trình hoạt động cách mạng cùng sự hiểu biết của ông Sáu Do và ông Bốn, hai cán bộ chủ chốt của Ban, vốn là cán bộ nằm vùng gắn bó với đồng bào dân tộc miền núi trong tỉnh suốt thời kháng chiến.
Nhóm ông Khổng Diễn lên huyện Giằng ngày 17-3 và sáng hôm sau bắt đầu đi về các làng. Huyện ủy cử một cán bộ người Cơtu tên là Nhor làm nhiệm vụ dẫn đường. Hành trình tiến dần về phía biên giới Việt Nam – Lào, ba cán bộ dân tộc học được tới nhiều làng để tiếp cận tìm hiểu không chỉ người Cơtu, mà còn cả người Ve và người T’riêng ở huyện này. Đường rừng Trường Sơn, rừng già bát ngát, trập trùng, nhiều đoạn gần như không nhìn thấy bầu trời trên đầu. Ông Nhor lưng đeo ba lô, chân đi dép cao su, tay lúc nào cũng cầm con dao quắm để sẵn sàng chặt cây, phát dây leo và đề phòng thú dữ. Con đường dẫn đến làng Căn Đhol ở xã Chà Vàn vốn là đường mòn giao thương của người dân ở phía tây huyện Giằng đi xuống đồng bằng, đồng thời cũng là con đường đưa hàng hóa từ đồng bằng lên và sang Lào. Trong kháng chiến, đây là con đường vận chuyển quan trọng của bộ đội và cán bộ ta. Trong suốt cuộc hành trình ở huyện Giằng, khi đi cũng như khi về, ba nhà dân tộc học luôn cảm nhận sâu đậm và đầy đủ không khí núi rừng, cảnh vật núi rừng Trường Sơn hoang dã. Tiến sĩ Lưu Hùng còn nhớ: Trời nắng như đổ lửa, chúng tôi lưng đeo ba lô, khoác theo bi đông đựng nước uống, khăn mặt dấp ướt vắt vai hoặc trùm đầu, đội mũ cát như anh bộ đội, nhưng ai cũng rất hăng hái [2]. Phải vượt qua nhiều khu rừng nguyên sinh, lội qua bao con suối, có đoạn đi men theo bờ sông Bung, rồi những sườn núi cao, những vực thẳm, những con dốc hiểm trở đã nổi tiếng từ lâu như dốc Quên mình, dốc Mẹ ơi, dốc T’rờving… Thỉnh thoảng, họ gặp chiếc lán ven đường dựng sơ sài và lợp lá cây hoặc lá chuối rừng. Đó là những chiếc lán người dân dựng để nghỉ khi trên đường xuống huyện cũng như từ huyện trở về.
Đi đường rừng, các nhà dân tộc học từ Hà Nội vào luôn phải bận tâm vì những con vắt. Phó giáo sư Khổng Diễn ví vắt nhiều như bún [3]. Có lần, nghỉ chân trên một cây gỗ to đổ nằm bên đường, ông Phạm Quang Hoan cảm thấy lạnh ở hai bàn chân, cởi giày ra thì phát hiện chân đỏ máu do bị vắt cắn từ bao giờ không biết.
Chiều tối ngày 20-3, sau hai ngày đi như thế, nhóm nghiên cứu nhìn xuống một thung lũng hẹp và được thấy toàn bộ khung cảnh tuyệt vời của một làng Cơtu, đó là làng Căn Đhol. Đứng trên cao, lần đầu tiên được chiêm ngưỡng ngôi làng có hình “tổ chim” nằm trong một thung lũng khá bằng phẳng như vậy, ông Khổng Diễn quên hết mệt mỏi và thốt lên: Ôi! đẹp quá. Đến nay ông vẫn bảo: Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một ngôi làng đẹp đến vậy [4].
Ông Nhor dẫn ba cán bộ Hà Nội trèo qua cổng ở vòng rào bao quanh khu gia cư để vào làng. Kể về cuộc trao đổi giữa ông Nhor với già làng, PGS Khổng Diễn cho biết: Hai người tỏ ra rất thân mật và nói với nhau một hồi lâu bằng tiếng Cơtu. Có lẽ là họ trao đổi về việc có đoàn nghiên cứu từ Hà Nội vào và nhờ sự giúp đỡ [5]. Tất cả đều lạ mắt và hấp dẫn. Các ngôi nhà sàn với mái kiểu mai rùa dựng một dãy và tạo thành vòng tròn, đúng hơn là giống như hình elíp, ở giữa là sân chung của làng; nổi bật tại khoảng giữa dãy nhà đó là nhà gươl. Tương tự như nhà rông ở Tây Nguyên, nhà gươl cao lớn nhất và đẹp nhất trong làng, có nhiều trang trí ở cả bên trong và bên ngoài. Đó là ngôi nhà chung của làng, nơi đón tiếp khách lạ, nơi đàn ông tụ tập lúc rỗi rãi, chỗ ngủ đêm của các chàng trai chưa lấy vợ và người góa vợ…
Bốn vị khách tới Căn Đhol hôm ấy cũng được đón tiếp ở nhà gươl. Đặc biệt, ở đây họ tận mắt thấy tập quán “nuôi khách” của người Cơtu. Đến bữa, khách được cả làng chu cấp, người phụ nữ của mỗi hộ gia đình bê mủng hay mẹt đựng cơm và thức ăn của nhà mình ra nhà gươl đãi khách, sau khi khách ăn uống xong họ lại ra lấy về. Tiến sĩ Lưu Hùng còn nhớ, người Cơtu khi đó vẫn quen ăn bốc, vì vậy cả làng không có đủ đũa cho chúng mình dùng, nên đã phải vót thêm đũa [6]. Làng Căn Đhol có hơn một chục gia đình, do đó mỗi bữa có hơn một chục mủng cơm mời đoàn khách 4 người này. Trước bữa đầu tiên ở đây, ông Nhor dặn mấy anh em nên ăn khắp lượt để thể hiện sự tôn trọng và đáp lại tình cảm hiếu khách của dân làng. Vì vậy, dù rất mệt và thức ăn có những món lạ, nhưng tất cả đều cố gắng ăn ở mỗi mủng cơm một ít. Theo TS Lưu Hùng, người Cơtu không có sự phân biệt giữa cơm khách và cơm của gia đình, nhà ăn gì thì cho khách ăn thế [7]. Cho nên, có cả cơm tẻ, cơm nếp, cơm gạo đỏ, cơm gạo trắng, cơm độn sắn, thức ăn thì có các loại rau rừng, rau trồng trên rẫy, cá suối, thịt chuột… với những món nấu khác nhau; ngoài ra có nhà đem ra cả mía, hay dưa, chuối – đều là sản phẩm họ trồng ở rẫy.
Chỗ ngủ cho các vị khách từ xa tới cũng ở trên sàn nhà gươl. Buổi tối, đàn ông trong làng ra đây và tề tựu quanh bếp lửa để chuyện trò và cùng nhau uống rượu tàvạc [8]. Ngay đêm đầu tiên, ba cán bộ dân tộc học đã được nghe kể nhiều chuyện. Ám ảnh họ nhất là chuyện hai cha con ở một làng khác đi bắt cá ở sông Bung vào buổi tối, khi đang ngồi sưởi lửa trên bờ thì một người bị hổ kéo đi và tha vào rừng; hay chuyện hổ vào làng bắt lợn đêm hôm trước… Chuyện về hổ cùng với hiểu biết về tục săn máu ở vùng Cơtu trong quá khứ làm cho giấc ngủ của họ chập chờn. Kể lại chuyện này, PGS Khổng Diễn bộc bạch thêm: Vùng đất xứ Quảng vốn nổi tiếng với những truyền thuyết kỳ bí kể về hủ tục của các dân tộc thiểu số, nhưng chúng tôi vẫn hăng hái vì sinh nghề là phải tử nghiệp [9].
Nhóm nghiên cứu làm việc tại làng Căn Đhol khoảng một tuần. Họ hỏi chuyện những người già am hiểu phong tục tập quán để tìm hiểu về văn hóa cổ truyền Cơtu, lấy tư liệu về kiến trúc nhà cửa… Họ ghi chép cẩn thận vào sổ điền dã những điều quan sát được, những thông tin – tư liệu do người dân cung cấp. Lần đầu tiên đi điền dã đến miền tây Quảng Nam, lần đầu tiên được thấy cuộc sống tại chỗ của người Cơtu, nhà nghiên cứu trẻ Lưu Hùng không khỏi xao động trước cảnh những người phụ nữ da xanh bủng, bụng báng vì bệnh sốt rét nhưng vẫn đi rừng, đi rẫy, hay cảnh người cha địu đứa con thơ đang khóc khản tiếng vì khát sữa, người mẹ của đứa trẻ ấy đã qua đời…
Sổ điền dã về chuyến đi năm 1977 của TS Lưu Hùng
Chuyến công tác năm 1977 ấy kéo dài hơn hai tháng. Tại miền núi hai tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và Nghĩa Bình, họ đã tới nhiều nơi, ở lại nhiều làng của nhiều tộc người khác nhau. Nhưng làng Căn Đhol để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Những hiểu biết thu nhận được từ chuyến đi này rất đáng kể và hữu ích, giúp họ có tư liệu điền dã để rồi viết về các dân tộc đã được nghiên cứu, và về sau này, giúp họ có cái nhìn so sánh trực tiếp về những đổi thay trong đời sống và văn hóa của các dân tộc ở đây.
Năm 2003, nhân một chuyến công tác, khi đi qua huyện Giằng (tên gọi mới là Nam Giang), nhà dân tộc học Lưu Hùng ghé thăm lại xã Chà Vàn nhưng hầu như tất cả đã hoàn toàn khác xưa, không còn nguyên vẹn ngôi làng nào đậm nét cổ truyền như Căn Đhol mấy mươi năm trước. Con đường rừng mà ông đã từng cùng hai đồng nghiệp ở Viện Dân tộc học đi lên làng Căn Đhol và lên vùng cao hồi đầu năm 1977 cũng không còn nữa, đã có con đường 14D chạy lên biên giới, và ở cuối con đường ấy gần đây còn mở ra cửa khẩu Nam Giang (hay cửa khẩu Đắc Ốc) liên thông với tỉnh Sê Công của nước bạn Lào. Là nhà dân tộc học, PGS Khổng Diễn và TS Lưu Hùng đều không khỏi tiếc nuối khi những yếu tố văn hóa cổ truyền ngày càng mai một mà việc nghiên cứu còn chưa thỏa đáng. Có lẽ, những tư liệu về ngôi làng cổ truyền Căn Đhol chỉ còn được lưu lại trên những trang sổ ghi điền dã và trong ký ức của ba nhà dân tộc học đã tới đó cách đây 40 năm.
Hoàng Thị Kim Phượng
______________
[1] Tài liệu hỏi thông tin PGS.TS Khổng Diễn ngày 6-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Tài liệu hỏi thông tin TS Lưu Hùng ngày 15-5-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Tài liệu hỏi thông tin PGS.TS Khổng Diễn ngày 6-6-2017, đã dẫn.
[4] Tài liệu hỏi thông tin PGS.TS Khổng Diễn ngày 6-6-2017, đã dẫn.
[5] Tài liệu hỏi thông tin PGS.TS Khổng Diễn ngày 6-6-2017, đã dẫn.
[6] Tài liệu hỏi thông tin TS Lưu Hùng ngày 24-6-2017, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Tài liệu hỏi thông tin TS Lưu Hùng ngày 24-6-2017, đã dẫn.
[8] Đây là thứ rượu nhẹ tự chế bằng nước hứng từ cổ buồng quả của cây tàvạc, dùng vỏ cây chuồn làm men. Cây tàvạc (còn gọi là cây đoác) mọc hoang ở rừng, cùng họ với cây thốt nốt.
[9] Tài liệu hỏi thông tin PGS.TS Khổng Diễn ngày 6-6-2017, đã dẫn.