Tấm bằng đầu tiên trong đời

Giảng viên đại học không bằng cấp

Nguyễn Địch học lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, lớp nhì năm thứ nhất ở trường Đồng Lục, thuộc tổng Lạc Trị, huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây vào năm 1943-1946. Thời học sinh đó, Nguyễn Địch học giỏi nên được các bạn đồng khóa quý mến.

Tháng 4 -1947 tỉnh Sơn Tây thực hiện thí điểm cải cách giáo dục nhằm mục đích đào tạo một lớp cán bộ phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Theo chủ trương này, lớp nhì năm thứ hai và lớp nhất được gộp lại để thi lấy bằng Sơ học bổ túc. Tháng 6-1947, Ty Giáo dục tỉnh Sơn Tây cử một cán bộ về kiểm tra trình độ học sinh trường Đồng Lục, bằng một bài toán đố cho học sinh trong trường, nhưng chỉ có Nguyễn Địch trả lời đúng. Khi đó, ông cán bộ Ty Giáo dục ngỡ tưởng cậu đã học lớp nhì năm thứ hai, khi biết Nguyễn Địch học lớp nhì năm thứ nhất, ông vẫn quyết định cho cậu đi thi Sơ học bổ túc và Nguyễn Địch đã đỗ kỳ thi này với số điểm toán là 10, môn văn được 7. Học sinh đỗ Sơ học bổ túc được lên học lớp đệ nhất tại trường Trung học Phùng Hưng. Hồi đó, trường Trung học Phùng Hưng có hai phân hiệu, một phân hiệu ở Quốc Oai và một phân hiệu ở Quảng Oai và Nguyễn Địch đã chọn học ở phân hiệu Quốc Oai vì gần nhà. Sang năm học tiếp theo, quân Pháp đánh ra vùng ngoại ô Hà Nội, trường Trung học Phùng Hưng phân hiệu Quốc Oai bị giải tán. Nguyễn Địch chuyển đến ở với chị dâu cả ở Quảng Oai và xin vào học lớp đệ nhị tại trường Trung học Phùng Hưng ở đây. Khoảng đầu tháng 10-1948, khi mới vào học được một tuần, quân Pháp nhảy dù xuống Quảng Oai, cách trường 5km, và chiếm toàn bộ thị xã Sơn Tây và các xã ven quốc lộ 32. Trước tình hình như vậy, Nguyễn Địch cùng gia đình đi tản cư và phải tạm nghỉ học. Một thời gian sau, Địch được chị gái tên Phượng đưa về thị xã Sơn Tây tiếp tục học lớp đệ nhị tại một trường học đặt ở chùa Linh Sơn nhưng học được vài buổi lại phải nghỉ vì trong lớp có bạn bị quân Pháp đến bắt do tham gia du kích. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6-1949, bố của Nguyễn Địch khi ấy đang công tác tại Ủy ban Liên việt tỉnh Sơn Tây được cử đi phụ trách một công ty sản xuất thuốc lá của tỉnh đặt tại Phú Thọ. Khi chuyển lên Phú Thọ, ông đưa Nguyễn Địch theo về đây và xin học lớp đệ nhị tại trường Trung học Hùng Vương niên khóa 1949-1950. Thời gian ở Phú Thọ Nguyễn Địch ở trọ nhà người bạn của bố tên là Toản, đồng thời là thầy giáo trường Trung học Hùng Vương.

PGS.TS Nguyễn Địch

Để xin cho Nguyễn Địch theo học tiếp lớp đệ nhị trường Trung học Hùng Vương, thầy Toản đã giúp cho Nguyễn Địch có giấy chứng nhận cậu đã theo học một tuần tại lớp đệ nhị trường Phùng Hưng ở Sơn Tây. Đến kỳ nghỉ hè, Nguyễn Địch về nhà, thầy Toản viết một bức thư gửi cho bố của Nguyễn Địch, trình bày vì gia cảnh quá khó, không thể tiếp tục cho Nguyễn Địch ở nhờ. Nguyễn Địch cũng tự thấy hoàn cảnh gia đình thầy Toản rất khó khăn, thêm nữa, đúng lúc bố phải chuyển công tác về Ba Vì, nên gia đình đã quyết định cho Nguyễn Định thôi học. Trước khi Nguyễn Địch theo gia đình chuyển về Ba Vì, nhà trường đã cấp giấy chứng nhận cậu đã hoàn thành lớp đệ nhị niên khóa 1949-1950 và được lên lớp 6[1]. Thời gian nghỉ ở nhà, học trò Địch thấy nhớ trường, nhớ lớp. Cậu ước, chỉ cần được đi học, học cái gì cũng được[2]. Vì vậy, Nguyễn Địch được anh rể tên là Mậu Tuấn cho tham gia lớp học cứu thương do Tỉnh đội Sơn Tây tổ chức trong thời gian 45 ngày.

Năm 1952, anh Mậu Tuấn cho Địch một ít tiền để lên Phú Thọ học tiếp trường Trung học Hùng Vương. Lúc này vì tự tin vào khả năng có thể bỏ qua lớp 6 và học lên lớp 7, Địch nhờ anh rể Mậu Tuấn xin cho mình giấy chứng thực đã hoàn thành lớp 6. Anh Mậu Tuấn liền nhờ người bạn tên là Lê Duy Lương (cử nhân Luật, Phó chánh án Tòa án tỉnh Phú Thọ), viết giấy chứng thực đã hướng dẫn Nguyễn Địch học hết chương trình học lớp 6. Yêu cầu của anh Mậu Tuấn được anh Duy Lương sẵn sàng giúp đỡ.

Giấy chứng thực do ông Lê Duy Lương cấp cho Nguyễn Địch

Ngày 10-1-1952, với giấy chứng thực đó và số tiền của anh rể, Nguyễn Địch và người em út Nguyễn Quý Khải đi bộ lên Phú Thọ. Lúc này, trường Trung học Hùng Vương đã chuẩn bị kết thúc năm học, phải đợi năm học mới. Thời gian chờ đợi, hai anh em xin ở nhờ một nhà dân. Hàng ngày, ngoài giờ học, hai anh em thường lên rừng đốn củi hoặc gánh nước, tưới rau giúp gia đình này. Năm 1952, lớp 7, trường Trung học Hùng Vương tổ chức học vào các buổi tối tại nhà bà Niệm ở làng Yên Luật, Việt Trì. Địch liền xin bà Niệm cho ngồi trong một căn buồng ngay sát lớp học và khoét một lỗ nhỏ trên vách để nghe, nhìn thầy giảng bài. Cậu hứa với bà Niệm là sẽ không để ai phát hiện. Thấy Nguyễn Địch chăm làm và ham học, bà Niệm đồng ý. Hàng ngày, khi thầy và các bạn đã yên vị trong lớp, Nguyễn Địch mới nhanh chóng vào buồng ngồi học “lỏm”, rồi cuối buổi học, trước khi thầy và các bạn ra về, Nguyễn Địch vội chạy ra trước để không ai nhìn thấy cậu. Ngoài giờ học “lỏm”, Địch còn mượn vở của các bạn về chép lại bài và tìm cách học tiếp chương trình cùng các bạn. Tôi luôn cảm thấy tủi thân khi nhìn các bạn trước kia học cùng mình mà giờ đã đang học lớp 7[3], PGS Địch thổ lộ khi nhớ về quãng thời gian học “lỏm” ấy.

Sau khoảng hai tháng, hai anh em Nguyễn Địch tiêu hết số tiền anh rể cho, đó cũng là thời điểm năm học kết thúc nên cậu đưa em đi bộ về Ba Vì. Nhìn người em vợ buồn bã vì không được đi học, anh rể Mậu Tuấn cho Địch thêm 100 đồng để đi học tiếp, cậu vui mừng và quyết định sẽ thi vào lớp 8. Đầu tiên, Nguyễn Địch lên trường Trung học Hùng Vương để tìm lại hồ sơ của mình, nhưng hồ sơ đã thất lạc. Cậu tìm gặp thầy Toản và nhờ thầy giúp, nhưng không được, vì không có giấy tờ chứng nhận cậu học xong lớp 7. Cuối cùng, cậu trở lại Ba Vì và nhờ anh Mậu Tuấn đến xin anh Trung (anh con bác và là Tỉnh đội trưởng ở Sơn Tây) xác nhận vào giấy cam đoan rằng Nguyễn Địch đã học hết lớp 7, và anh Trung nhận lời.

Nguyễn Địch quay lại trường Trung học Hùng Vương ở Phú Thọ và xin thi vào lớp 8. Cậu nộp đơn xin dự thi kèm với giấy cam đoan do anh Trung ký. Thầy Toản không đồng ý cho Nguyễn Địch tham dự kỳ thi này vì giấy cam đoan không đủ tính pháp lý chứng minh cậu học hết lớp 7, nhưng Nguyễn Địch xin với thầy cho thi với tư cách thí sinh tự do và cam kết nếu thi đỗ thì mong được theo học, không đỗ thì cũng chấp nhận. Hôm trước ngày thi, Hiệu trưởng trường Trung học Hùng Vương là Thạch Quang Tuấn gọi Nguyễn Địch tới gặp và tỏ ý không tin cậu đã học qua lớp 6 và lớp 7. Khi đó, Địch xin thầy hãy cho mình thi và cam đoan sẽ đạt điểm 7 trở lên. Tuy nhiên, thầy Tuấn vẫn lo lắng về khả năng thi các môn toán, lý… của Nguyễn Địch. Trước sự nghi ngại của thầy, cậu đành phải khai thật về việc mình học “lỏm” chương trình học lớp 7 ở nhà bà Niệm. Cuối cùng, thầy Tuấn đồng ý cho cậu thi với hai điều kiện: thứ nhất, kết quả thi 5 môn phải đạt trên điểm 35 mới được vào học, và thứ hai, khi thi thì phải ngồi một chỗ riêng để tránh tình trạng chép bài của bạn. Được thầy hiệu trưởng đồng ý cho thi, cậu cảm thấy vui mừng vô cùng. Kỳ thi ấy, chỉ có Nguyễn Địch là thí sinh tự do, cậu được bố trí ngồi riêng một bàn, đặt cạnh bàn thầy giáo. Kết quả, Nguyễn Địch được 47 điểm, 4 môn toán, lý, hóa và sinh đều đạt điểm tuyệt đối, còn môn văn đạt điểm 7. Được theo học, Nguyễn Địch đã hoàn thành chương trình lớp 8 tại trường Trung học Hùng Vương. Năm 1954, khi chưa kịp tham gia kỳ thi tốt nghiệp lớp 9 tại trường Trung học Hùng Vương, Phú Thọ, với tinh thần “xếp bút nghiên lên đường chinh chiến”, Nguyễn Địch cùng hầu hết các nam thanh niên trong lớp xung phong tham gia quân đội để phục vụ chiến dịch Điện biên phủ. Khi đang trên đường hành quân tới Điện Biên Phủ thì chiến dịch thắng lợi, Địch được lệnh hành quân về Hà Đông và gia nhập Đội thanh niên công tác tiếp quản thủ đô. Được chọn về Ủy ban Quân quản của Hà Nội công tác, với nhiệm vụ tiếp quản những cơ sở của chính quyền Pháp và tuyên truyền trong nhân dân để chống lại phong trào cưỡng bức di cư. Thời gian công tác tại Ủy ban Quân quản, Nguyễn Địch quen một gia đình trí thức ở Hà Nội. Hàng ngày, sau 5 giờ chiều Nguyễn Địch thường đến gia đình này để mượn sách toán rồi tự học, đồng thời hướng dẫn hai người con của gia đình này học.

Tháng 1-1955, Nguyễn Địch được cử học lớp bổ túc để chuẩn bị sang Liên Xô du học thì có chuyện xảy ra, gia đình bị quy về thành phần địa chủ, Nguyễn Địch phải đi lao động cải tạo tại T13 – Công trường đường sắt Yên Bái. Thời gian tham gia lao động cải tạo, là người đã có thời gian công tác, nên Nguyễn Địch được phát 17 đồng 6 hào/tháng (tương đương với 44kg gạo). Số tiền này, ông phải nộp cho nhà ăn 12 đồng và được tiêu 5 đồng 6 hào. Mặc dù không được tiếp tục đi du học nhưng Địch không hề nản chí. Những khi rảnh rỗi, các bạn cùng làm việc trong công trường thường đánh cờ, còn Nguyễn Địch tự học tiếng Nga và toán. Anh quan niệm: Học không phải để hơn người khác, mà học là để hơn chính bản thân mình khi không học[4]. Năm 1956, gia đình được minh oan thành phần và Nguyễn Địch được trở lại Hà Nội nhận công tác mới. Trước ngày về Hà Nội, anh được nhận xét: Hăng hái lao động, tích cực giúp đỡ mọi người, trình độ văn hóa tương đương tốt nghiệp phổ thông và được mọi người tín nhiệm[5]. Nguyễn Địch được phân về dạy chương trình tương đương trình độ cấp 2 bổ túc cho học sinh trường Trung cấp Kỹ thuật thuộc Bộ Thủy lợi và Kiến trúc. Thời điểm này, trường đóng tại làng Tám (gần Giáp Bát). Nguyễn Địch dạy học dưới sự hướng dẫn của các giảng viên trường Trung cấp Kỹ thuật tên là Khương, Khang, Khuê. Khoảng đầu tháng 9-1956, trường Trung cấp Kỹ thuật thuộc Bộ Thủy lợi và Kiến trúc khai giảng khóa học mới, Nguyễn Địch cùng sáu đồng nghiệp là An Khang, Nguyễn Trịnh, Triệu Đắc Thọ, Đào Ngọc Anh, Nguyễn Đắc Điềm, Nguyễn Quốc Cải được nhà trường phân công dạy chương trình tương đương trình độ cấp 3. Năm 1956, một số đồng đội cùng làm việc ở công trường T-13 trở về Hà Nội để ôn thi và thi đỗ vào khóa 1, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cảm giác lúc đó vừa vui nhưng cũng xen lẫn một chút buồn, vui vì các bạn đỗ đại học, còn buồn vì mình chưa được học tiếp[6], PGS Địch nhớ lại. Niềm đam mê học tập đã thôi thúc Nguyễn Địch phải học lên cao hơn. Cuối năm 1956, Nguyễn Địch đến gặp thầy Châu – hiệu trưởng trường Trung cấp Thủy lợi Kiến trúc, bày tỏ nguyện vọng đi học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, và được thầy Châu đồng ý. Để tạo điều kiện cho Nguyễn Địch dự thi đại học, thầy Châu đã đề nghị Chánh văn phòng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc cấp cho Nguyễn Địch một giấy chứng nhận có trình độ tương đương lớp 10.

Năm 1957, Nguyễn Địch đăng ký thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội và đỗ vào học khoa Cơ khí. Kết thúc năm học đầu, Nguyễn Địch đạt điểm tuyệt đối ở hầu hết các môn, các bản vẽ kỹ thuật của ông luôn được chọn để treo ở phòng vẽ của trường. Có được kết quả học tập như vậy là do sinh viên Nguyễn Địch luôn dành mọi thời gian cho việc học. Như ông tâm sự, học bù cho những lúc không được học[7]. Buổi sáng anh lên lớp; buổi trưa nhờ bạn lấy cơm giúp để ở lại lớp làm các bài tập về nhà; buổi chiều lên thư viện tự học; chiều tối tập thể dục rèn luyện sức khỏe; buổi tối thường giảng lại bài cho các bạn ở cùng phòng. Việc giảng lại bài rất có ích, như ông cho biết: Việc giảng lại bài không chỉ giúp các bạn học tốt mà còn giúp chính mình ôn lại nội dung bài học[8]. Trong một số buổi trên lớp, đôi khi Nguyễn Địch mạnh dạn đặt các câu hỏi với thầy và đưa ra những lý giải của mình. Điều đó thể hiện sự ham học hỏi, khả năng của sinh viên Nguyễn Địch. Kết thúc học kỳ I năm thứ hai, sau kỳ nghỉ tết, tất cả sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội đi tham gia lao động xã hội chủ nghĩa ở công trường Bắc Hưng Hải, đến tháng 6 quay lại trường tiếp tục học. Giai đoạn này, trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiếu giảng viên dạy môn toán. Vì vậy, sinh viên năm thứ hai đạt kết quả học tập tốt về môn toán có thể được cất nhắc làm giảng viên dạy môn học này. Tháng 5-1959, sinh viên Nguyễn Địch được Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu gọi lên phòng và kiểm tra kiến thức, sau đó quyết định sinh viên Nguyễn Địch làm giảng viên dạy toán. Tâm sự về vấn đề này, PGS Địch thổ lộ: mình đã trở thành giảng viên như vậy, không có bất kỳ bằng cấp nào[9].

Tấm bằng đầu tiên – thành quả sau những nỗ lực

Năm 1966, khi đang công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giảng viên Nguyễn Địch được cử sang Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh. Khi sang Tiệp, ông được học tiếng Tiệp trong thời gian một năm tại một trường cách thành phố Praha khoảng 100 km. Kết thúc khóa học, Nguyễn Địch chính thức làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Praha. Ngay ngày đầu tiên, nghiên cứu sinh Nguyễn Địch nhận được thông tin về chế độ thi để làm nghiên cứu sinh ở Tiệp rất khắt khe. Sinh viên phải tốt nghiệp đại học loại giỏi đúng về chuyên môn toán, và khi ra trường phải công tác về đúng chuyên môn ít nhất 5 năm, rồi phải có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí… mới được dự thi tuyển làm nghiên cứu sinh. Một giáo sư của trường tên là Bily[10] nhận xét: Nguyễn Địch chưa tốt nghiệp đại học, lại học trường Đại học Bách khoa nên không chuyên sâu về toán. Vì vậy, không đủ kiến thức và tiêu chuẩn để tham dự kỳ thi nghiên cứu sinh. Khi nhận quyết định này, tôi cảm thấy buồn vô kể. Buồn vì không được học như mong muốn, buồn vì người mẹ già ở nhà luôn mong ngóng con trở về với tấm bằng phó tiến sĩ[11]. Phó giáo sư Địch tâm sự, dường như tôi luôn gặp rào cản trong học tập nhưng tôi không hề nản chí[12]. Sau đó, Nguyễn Địch đề đạt với GS Bily xin được làm thực tập sinh trong thời gian hai năm. Ban đầu, GS Bily còn e ngại vì ở trường Đại học Tổng hợp Praha chưa từng có chế độ này nhưng cuối cùng, GS Bily đồng ý và giao cho Nguyễn Địch 5 quyển sách về chuyên môn và ra hạn cho Nguyễn Địch đọc trong thời gian 2 năm. Những nội dung không hiểu, Nguyễn Địch có thể đến hỏi trực tiếp giáo sư. Hết thời hạn nghiên cứu tài liệu, sẽ có một đợt kiểm tra kiến thức để đánh giá về năng lực học tập của cả quá trình[13]. Nói về vấn đề này, PGS Địch bộc bạch: được tiếp tục học, tôi cảm thấy vui sướng vô kể[14].

Sau khi GS Bily giao đọc 5 cuốn sách, Nguyễn Địch được GS Bily giới thiệu giáo sư hướng dẫn tên là Alfon Basta. Theo quan niệm của GS Alfon Basta: Nguyễn Địch là một giảng viên, và mục đích học toán về để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy. Vì vậy, phải nắm chắc nội dung giải tích và giải tích tenxơ. Vì lý do này, nên GS Alfon Basta yêu cầu Nguyễn Địch phải tham dự các tiết học về hai nội dung này do GS Marik (dạy về giải tích) và một giáo sư dạy môn giải tích tenxơ, với 2 tiết giảng/tuần, tại trường Đại học Tổng hợp Praha.

Về nội dung giải tích, Nguyễn Địch từng học ở năm thứ nhất đại học và được giảng cho sinh viên năm thứ nhất đại học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, ông từng đọc một quyển sách do giáo sư người Liên Xô viết về môn học này và giải tất cả các bài tập (khoảng 500 bài) liên quan đến giải tích nên hiểu rất sâu và nắm chắc từng nội dung của môn học. Còn môn giải tích tenxơ thì ông chưa được tiếp cận nên phải mua sách về tự học. Ngoài việc mua sách của Tiệp, Nguyễn Địch còn mua những quyển sách do các GS Liên Xô viết rồi đọc và so sánh với sách của Tiệp. Cuối năm học thứ nhất, Nguyễn Địch phải tham dự kỳ thi vấn đáp cuối kỳ như những người học chính thức. Vào phòng thi, GS Marik không hỏi Nguyễn Địch câu hỏi nào mà đã cho luôn điểm 1 (thang điểm 5, điểm 1 là cao nhất). Giải thích về việc này, GS Marik cho rằng, qua nhiều lần trực tiếp kiểm tra trên lớp nhận thấy Nguyễn Địch hiểu rất sâu về môn học nên không cần kiểm tra[15]. Sau khi thi xong môn giải tích, Nguyễn Địch tiếp tục phải tham dự kỳ thi vấn đáp môn giải tích tenxơ. Vị giáo sư giảng môn học này, sau khi biết chuyện GS Marik dành điểm 1 cho Nguyễn Địch thì đã đặc cách việc thi cho ông và cũng cho điểm 1. Lý giải việc này, vị giáo sư này cho rằng, GS Marik là người rất khắt khe trong việc chấm điểm, hiếm thấy GS Marik cho ai điểm 1.

Hè năm 1968, kết thúc khóa học năm thứ nhất, sinh viên và học viên được nghỉ hè. Trong kỳ nghỉ này, GS Alfon Basta đã mời Nguyễn Địch tham dự chuyến đi nghỉ hè cùng cán bộ trong trường, tuy nhiên Nguyễn Địch đã từ chối vì lý do muốn ở lại để học. Khi ấy, GS Alfon Basta có lời khuyên, không phải cứ chăm học là giỏi. Nguyễn Địch thành thật bộc bạch với thầy, bản thân không có nhiều điều kiện để học, nên giờ có điều kiện thì chỉ biết cố gắng học. Ngay ngày hôm sau, GS Alfon Basta tổ chức một buổi để kiểm tra việc đọc 5 cuốn sách của học trò Địch. Kết thúc buổi kiểm tra, GS Alfon Basta nhận xét, Nguyễn Địch nắm kiến thức rất tốt, vững… Nhận được sự động viên của Giáo sư, Nguyễn Địch cảm thấy buồn vô hạn. Tôi buồn vì mình vẫn chỉ là một sinh viên thực tập sinh chứ không thể trở thành một phó tiến sĩ như mẹ mong muốn[16].

Sau kỳ kiểm tra này, GS Alfon Basta đã viết đơn đề nghị với nhà trường cho Nguyễn Địch được thi nghiên cứu sinh. Ý kiến của Giáo sư được nhiều cán bộ giảng dạy ở trường ủng hộ.

Khoảng gần cuối năm 1968, GS Alfon Basta phải nhập viện để mổ cắt một phần dạ dày và giao cho Nguyễn Địch giúp trợ giảng môn lý thuyết tối ưu (môn học của nghiên cứu sinh) thay ông. Tôi từng được học rất kỹ môn học này ở trong nước với PTS Hoàng Tụy, vì vậy, khi nhận trách nhiệm này, tôi không cảm thấy lo sợ [17], PGS Địch cho biết. Ở nước Tiệp, các chuyên đề thường được giảng bằng tiếng Anh, nhưng Nguyễn Địch xin GS Alfon Basta giảng bằng tiếng Tiệp vì lý do giảng bằng nguyên gốc tiếng Tiệp người học sẽ dễ hiểu hơn. Trong quá trình giảng bài, Nguyễn Địch cố gắng vừa giảng đến đâu thì ghi chép lên bảng đến đó và học trò đã rất thích phương pháp giảng này. Sau khoảng 3 tuần điều trị, GS Alfon Basta bình phục và ông đến dự các buổi giảng của Nguyễn Địch. Giáo sư Alfon Basta rất bất ngờ khi nghe Nguyễn Địch giảng và khen học trò của mình giảng mạch lạc, khoa học, dễ hiểu, đồng thời cử một số đại diện của khoa Toán đến nghe Nguyễn Địch giảng.

Sau đó, GS Alfon Basta nộp đơn xin cho Nguyễn Địch được đặc cách làm luận án phó tiến sỹ mà không phải thi và được khoa đồng ý. Nguyễn Địch trình ngay lên GS Alfon Basta ý tưởng về đề tài luận án có tên “Lý thuyết tìm kiếm” và được giáo sư đồng ý. Ý tưởng này được hình thành từ năm 1966 – trong thời gian ông đọc 5 cuốn sách do GS Bily giao.

Sau đó, GS Alfon Basta yêu cầu Nguyễn Địch phải tham gia môn học về lý thuyết kế hoạch hóa và quản lý do giáo sư Kinh tế Brabec ở khoa Kinh tế, trường Đại học Bách khoa Praha để phục vụ cho việc viết luận án. Hàng tuần, Nguyễn Địch học một buổi tại khoa Kinh tế, trường Đại học Bách khoa Praha. Trong quá trình học, Nguyễn Địch tập trung đọc và nghiên cứu sâu về lý thuyết hệ thống cùng kinh tế học. Ông từng sử dụng lý thuyết hệ thống trong toán học để giải quyết các bài toán về kinh tế và gây ngạc nhiên với GS Brabec. Giáo sư Brabec đã tổ chức một semina về vấn đề này để Nguyễn Địch trình bày.

Cuối năm 1968, tình hình chính trị ở Tiệp Khắc có những bất ổn nghiêm trọng. Khi đó, nhiều trường đại học phải tạm ngừng đào tạo, Giáo sư Alfon Basta nghỉ hưu. Và từ cuối năm 1968 đến cuối năm 1969, trường không tìm được giáo sư để thay GS Alfon Basta hướng dẫn nghiên cứu sinh Nguyễn Địch. Trong thời gian này, Nguyễn Địch không hề nản chí mà thường xuyên lên thư viện đọc sách, tài liệu, tiếp tục hoàn thiện luận án theo định hướng của GS Alfon Basta.

Trang đầu cuốn luận án, đã qua 47 năm của PTS Nguyễn Địch

Đầu năm 1970, GS Alfon Basta giới thiệu GS Visusin (là đồng nghiệp thân tín của ông) và được chỉ định làm người hướng dẫn cho học trò Nguyễn Địch và được bộ môn đồng ý. Ngày 21-2-1972, Nguyễn Địch bảo vệ thành công luận án tại trường Đại học Tổng hợp Praha và được nhận bằng Phó tiến sỹ về ngành Toán kinh tế. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì đó là tấm bằng đầu tiên tôi được nhận[18], PGS Địch đã tâm sự: đơn giản như vậy, nhưng đó là một chặng đường dài trong học tập mà tôi đã trải qua[19].

Hoàng Thị Kim Phượng

[1] Tháng 7-1950, Chính phủ ra quyết định cải cách giáo dục, chuyển từ hệ thống giáo dục đang thực hiện sang hệ thống giáo dục 9 năm.

[2] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 11-5-2016, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 11-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[4] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 19-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 19-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[6] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 19-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[7] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 19-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[8]Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 19-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[9]Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 19-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[10] Giáo sư Bily là người được phân công phụ trách nghiên cứu sinh Nguyễn Địch và đã có buổi phỏng vấn Nguyễn Địch ngay từ ngày đầu tiên về trường.

[11] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[12] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[13] Theo PGS.TS Nguyễn Địch: ở Tiệp Khắc, có quy định một số các giáo sư có quyền cấp các suất học bổng cho học trò.

[14] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[15] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[16] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[17] Nguyên Viện trưởng Viện Toán học.

[18] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.

[19] Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Địch ngày 25-5-2016, tài liệu đã dẫn.