Chàng trai nghèo thành người thầy mẫu mực của nhiều bác sĩ Việt

Thầy Nguyễn Đình Hối hướng dẫn học trò giải phẫu bệnh phẩm trong giờ thực hành y khoa. Ảnh tư liệu bệnh viện.

Thầy Nguyễn Đình Hối sinh ngày 12/10/1934 trong một gia đình trí thức nghèo, cha làm thư ký đạc điền, mẹ buôn hàng tấm ở phố Cung Hiều, làng Hồ Thượng, tổng Sen Trì, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Nhà khó khăn nhưng cậu bé rất ham học. Năm 1940 khi lên 6 tuổi, cậu theo chị ruột 8 tuổi đến trường Tiểu học Hồ Thượng và chỉ dám đứng nép bên cửa sổ nghe thầy giảng. Thấy lạ, thầy giáo gọi cậu vào lớp học rồi từ đó nghiễm nhiên trở thành học viên của lớp đồng ấu. Suốt thời gian này, lớp học nhiều lần gián đoạn do chiến tranh.

Năm 1945 nạn đói hoành hành, người dân Thanh Hóa chỉ ăn khoai, rau lang, rau má sống qua ngày. Trẻ con gầy gò chỉ còn da bọc xương, lê la ngoài đường mong kiếm chút gì đút vào miệng. Ai còn chút sức khỏe thì lên rừng núi đào bới củ sắn, củ mài. Thầy Hối còn nhớ như in mỗi sáng ngủ dậy, mở cổng ra thấy vài ba xác chết ngổn nang dọc đường. Vài triệu người đã chết vì đói.

Khi chàng trai xứ Thanh học hết cấp 3 cũng là lúc hòa bình lập lại trên quê hương. Nam sinh một mình đạp xe suốt 2 ngày đến Hà Nội tìm chỗ trọ để thi đại học. Kết quả đậu vào lớp Sinh Lý Hóa với số điểm cao thứ nhì. Thời ấy chỉ có 3 trường để chọn là Đại học Sư Phạm, Tổng hợp và Y Dược. Chàng trai về ngỏ lời với mẹ: “Xin mẹ cho con học bác sĩ vì sức khỏe cả nhà đều yếu. Con cố học bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và gia đình”. Được sự đồng ý của cha mẹ, chàng trai lên đường đi học. Ngày rời quê, người cha ngậm ngùi nhổ nước bọt vào lòng bàn tay con cho đỡ nhớ.

May mắn nhận được suất bổng toàn phần 22 đồng vừa đủ để trang trải chi phí ăn uống, sinh hoạt, để có tiền ở trọ, chàng sinh viên y khoa tranh thủ kiếm thêm bằng nhiều nghề và dạy gia sư. Dù vậy anh không bao giờ xao nhãng việc học hành, thành tích học tập luôn đứng nhất nhì lớp. Thời ấy, cậu trò nghèo luôn là tấm gương cho nhiều bạn bè bởi lối sống vui vẻ, hòa đồng, giản dị, gần chục năm trời chỉ mang độc một đôi dép cao su đã mòn nhẵn đế.

Năm 1960, nam sinh tốt nghiệp trường Y, trở thành giảng viên bộ môn Ngoại và làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Cảm mến cậu học trò tài năng, lễ độ, giáo sư Tôn Thất Tùng luôn tận tình chỉ dạy về chuyên môn mổ xẻ. Nhờ tích cực học thầy, học bạn, chàng bác sĩ trẻ nhanh chóng vụt sáng trở thành một nhà phẫu thuật có bàn tay vàng, được các thầy tin cậy, đồng nghiệp và sinh viên quý mến.

Năm 1972 trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, thầy Hối nhận nhiệm vụ đưa một tổ sinh viên năm cuối đến chi viện cho Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng để cấp cứu các nạn nhân trúng bom B52. Đoàn phối hợp với nhóm chuyên gia Cuba sang hỗ trợ, tất cả hợp thành ê kip, người thì gây mê, người mổ bụng, mổ xương khớp… “Nhiều nhất là vết thương sọ não do bom bi. Phương pháp mổ thường là gặm xương rộng lấy máu tụ, đặt mảnh xốp màu xanh và chuyển về Thủy Nguyên, cách Hải Phòng 20 km có các bác sĩ trông nom”, vị giáo sư hồi tưởng. Đến cuối năm có lệnh ngừng chiến, tất cả các bác sĩ vui mừng ôm nhau giữa sân bệnh viện và reo hò. Sau đó mọi người giã từ nhau lên đường trở về nơi công tác.

Giáo sư Hối luôn luôn dặn dò học trò mổ cho bệnh nhân phải gọn gàng, sạch sẽ, hạn chế tối thiểu sang chấn và mất máu. Ảnh: Vũ Hải Sơn.

Sau thời gian du học ở Pháp về, bác sĩ Hối cùng gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp, được giáo sư Trương Công Trung (Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP HCM bấy giờ) giao phụ trách bộ môn Ngoại ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Về sau, hai người thầy đi khắp các tỉnh thành miền Nam để tổ chức các lớp chuyên khoa một về ngoại khoa cho các bác sĩ trẻ ở bệnh viện tuyến dưới.

Năm 1993, giáo sư Trung nghỉ hưu giao lại cho giáo sư Hối tiếp quản chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TP HCM. Thời ấy kinh tế đất nước khó khăn, 2 vị giáo sư và ban giám hiệu luôn canh cánh ước mơ có được một bệnh viện trực thuộc trường Y cho sinh viên thực hành, để các bác sĩ trẻ ra trường không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn thạo lâm sàng. Không vốn, không kinh nghiệm, những người thầy đầu tiên phải tự mày mò tìm đường xây dựng một cơ sở khám chữa bệnh kỹ thuật cao, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho ngành y, nghiên cứu khoa học với những đề tài tầm cỡ quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Đình Hối đem việc này tâm sự với một vị doanh nhân, ông này đồng ý cho mượn tiền không lãi suất để xây bệnh viện với quy mô ban đầu là phòng khám đa khoa. Khi cơ sở bắt đầu đi vào hoạt động, thầy Hối luôn động viên cán bộ ưu tiên dành tiền trả nợ. Tất cả đều vui vẻ hưởng ứng, cùng “thắt lưng, buộc bụng”, chỉ 2 năm sau đã trả xong tiền vay.

Phòng khám ngày càng hoạt động hiệu quả, phát triển mạnh, trở thành một địa chỉ tin cậy của bệnh nhân. Ngày 18/10/2000, cơ sở này được nâng lên thành bệnh viện. Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển với quy mô hiện tại là 700 giường bệnh có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đã khám và điều trị cho trên 10 triệu lượt người bệnh. Đây được đánh giá là mô hình thành công nhất của các trường đại học y trong công tác phục vụ, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Hàng ngày bận rộn với trăm nghìn công việc cho kế hoạch xây dựng bệnh viện, phát triển chuyên ngành, tìm kiếm trang thiết bị, giáo sư Hối vẫn cần mẫn giữ nếp hoạt động chuyên môn, khám bệnh, hội chẩn và dạy học. Mỗi sáng thầy chủ trì giao ban, duyệt mổ. Các thế hệ học trò và đồng nghiệp học được từ vị giáo sư nhiều bài học quý giá không chỉ về kiến thức, kinh nghiệm mà còn sự tinh tế trong văn hóa, giao tiếp, tình yêu cuộc sống và con người.

Đến nay, rất nhiều thế hệ học trò của thầy Hối đã trưởng thành, là những thầy thuốc giỏi, nhà khoa học, nhà quản lý ngành. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Cường cảm kích: “Nhớ ơn thầy, chúng tôi không biết làm cách nào khác hơn là nguyện noi gương thầy phụng sự đất nước, chăm lo cho bệnh nhân, cho sinh viên để không hổ danh là học trò của thầy”.

Bìa sách về cuộc đời và sự nghiệp nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Hối.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 40 năm thành lập Đại học Y Dược TP HCM, hàng trăm đồng nghiệp và các thế hệ học trò tề tựu bên người thầy đáng kính và chúc mừng ông ra mắt cuốn sách “Nhà giáo nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hối – Cuộc đời và sự nghiệp”. Tác phẩm là tập hợp những bút ký của giáo sư và nhiều tác giả khác là người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, các nhà báo trong và ngoài nước. Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giáo dục và y tế nước nhà, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Hối đã được trao tặng huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhì, Giải thưởng Tôn Thất Tùng về Ngoại khoa…

Bà Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Y tế nhận xét giáo sư Nguyễn Đình Hối là một người thầy mẫu mực, nghiêm túc, tận tâm với nghề, thương yêu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên học tốt, thực hành tốt. “Ông còn là một người có tư tưởng đổi mới, sáng tạo trong tổ chức mô hình đào tạo, chương trình giảng dạy và phương pháp thực hành, làm thế nào để các em sinh viên khi ra trường sẽ là những thầy thuốc giỏi về y thuật, thấu hiểu y lý và có phẩm chất tốt về đạo đức”, bà nói.

 

 

Trần Ngoan 

Nguồn: suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/chang-trai-ngheo-thanh-nguoi-thay-mau-muc-cua-nhieu-bac-si-viet-3501536.html