Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Thưa Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, theo nhận thức của những người “ngoại đạo” về bảo tàng, thì sự sống động, hấp dẫn, thu hút được công chúng đến với bảo tàng chính là nhờ ở trưng bày, quan niệm đó có đúng không?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Xoay đi xoay lại vẫn là quan niệm về bảo tàng với hoạt động trưng bày của nó. Câu chuyện làm bảo tàng là câu chuyện dài và phức tạp, rất đa dạng, mà một trong những điều cốt lõi là trưng bày. Cùng với trưng bày là nhiều hoạt động được triển khai, mà tính chất độc lập của mỗi hoạt động được thể hiện rõ ràng. Ví dụ, trong một cuộc trưng bày luôn có theo hoạt động giáo dục và các hoạt động công chúng, như trình diễn, biểu diễn, thuyết trình, hội thảo liên quan đến chủ đề trưng bày để hỗ trợ cho hoạt động trưng bày, để hiểu trưng bày một cách sâu sắc đa dạng, sống động hơn, nhưng cái cốt lõi, linh hồn vẫn là hoạt động trưng bày. Trưng bày có hai loại hình: Trưng bày thường xuyên và Trưng bày nhất thời trong một thời gian ngắn mà còn gọi là Trưng bày chuyên đề.
Câu chuyện bàn đến ở đây là cách tiếp cận, phương pháp trưng bày. Bảo tàng có nhiều cách tiếp cận, có nhiều cách để kể chuyện về lịch sử, văn hóa, về con người, về đời sống xã hội. Trưng bày là cách diễn giải nội dung sự kiện, câu chuyện muốn kể bằng nhiều giải pháp khác nhau, làm sao để hiện vật bộc lộ hết giá trị, ý nghĩa của nó trong câu chuyện ấy. Trưng bày là linh hồn của bảo tàng vì các trưng bày bảo tàng chuyển tải rất nhiều hoạt động của con người, gắn hoạt động của con người với tự nhiên, để qua đó thể hiện được diện mạo của văn hóa – xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể. Bảo tàng không dừng lại khi sự kiện đã qua, mà câu chuyện của bảo tàng không những là vấn đề của lịch sử mà còn kéo dài theo cuộc sống, cách nghĩ của xã hội đương đại.
Qua một trưng bày bảo tàng, chúng ta được biết câu chuyện về một chủ đề nào đó trong đời sống xã hội, ví như câu chuyện về các tác phẩm nghệ thuật do con người sáng tạo ra sao, gắn liền con người, cảnh quan với các họa sĩ thế nào, hay câu chuyện gắn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Cách tiếp cận phong phú như thế làm cho trưng bày của bảo tàng gắn với lịch sử cuộc sống đa sắc màu và tri thức đa dạng của con người, nên bảo tàng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc nâng cao tri thức và nhân cách cho con người. Mỗi loại hình bảo tàng có chức năng riêng, có nhiệm vụ riêng để mỗi trưng bày thể hiện được sự khác biệt đó. Ví dụ: Bảo tàng Dân tộc học liên quan đến con người và cuộc sống; Bảo tàng Tự nhiên có đối tượng là thiên nhiên, mối quan hệ của con người với thiên nhiên; Bảo tàng Địa chất giải thích sự hình thành trái đất, gắn cuộc sống con người với tài nguyên thiên nhiên… Bởi vậy trưng bày ở bảo tàng có đặc trưng nổi bật là kết quả hoạt động phức hợp, kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo dựng được một trưng bày có ý nghĩa, thu hút được công chúng bởi giá trị của nó về lịch sử, khoa học, giáo dục và nghệ thuật (mỹ thuật).
Thực trạng các bảo tàng hiện nay ở nước ta làm tôi luôn day dứt. Có một câu hỏi lớn đặt ra, xã hội của chúng ta đã có những thay đổi ghê gớm, như trong lĩnh vực ngân hàng, bưu chính viễn thông, công nghệ kỹ thuật, nhưng tại sao lĩnh vực bảo tàng lại thay đổi chậm chạp như vậy? Có một thực tế là, ở ta đa phần xã hội quay lưng với bảo tàng, quay lưng vào các trưng bày bảo tàng. Nguyên nhân là công chúng không tin bảo tàng, họ không thấy sự sống động, hấp dẫn ở các trưng bày mà lại thấy trưng bày thì buồn tẻ, khô cứng, nội dung ít giá trị. Các trưng bày đa phần không có hiệu quả đối với xã hội. Thậm chí người ta cho rằng làm bảo tàng còn gây ra sự tốn phí cho xã hội. Tình trạng xã hội quay lưng với bảo tàng cũng chính bắt nguồn từ trưng bày, mà trưng bày là hồn cốt của bảo tàng nhưng lại không có hiệu quả, tức hồn cốt quá yếu đuối.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ về chủ đề Nghệ thuật trưng bày bảo tàng, tháng 10 – 2017
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Thưa Phó giáo sư, như ông đã khẳng định, trưng bày là linh hồn của bảo tàng, vậy ông có thể phân tích sâu hơn những yếu tố cần để tạo dựng cho trưng bày có sự hấp dẫn đối với công chúng?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Trưng bày bảo tàng phải là sự kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau, trước hết với ba thành tố then chốt là: Khoa học, Nghệ thuật, và Công nghệ. Ba thành tố này phải được hoà quyện, nhuần nhuyễn vào nhau một cách tinh tế để sáng tạo ra cuộc trưng bày bảo tàng thật sự hấp dẫn bởi tính nghệ thuật của nó. Ba thành tố này nếu khỏe khoắn sẽ làm cho hồn cốt của bảo tàng trở lên mạnh mẽ.
Trưng bày phải có chủ đề, nội dung rõ ràng, đó là thể hiện tính khoa học, có thể là khoa học lịch sử, dân tộc học, nhân học, khoa học về giới, khoa học về tự nhiên, về kỹ thuật…Kịch bản nội dung tốt mang lại giá trị cho trưng bày. Để thể hiện được nội dung của chủ đề trưng bày, tính nghệ thuật là thành tố vô cùng quan trọng trong trưng bày bảo tàng. Trước đây tính nghệ thuật ít được chú ý, nhưng ngày nay yếu tố nghệ thuật ngày càng được coi trọng và nâng cao. Những kiến trúc sư, họa sĩ, nghệ sĩ chuyên về trưng bày bảo tàng là người đẩy trưng bày lên tầm cao nghệ thuật, tạo sự cuốn hút, sự hấp dẫn cho công chúng. Nghệ thuật trưng bày là phải làm thế nào thỏa mãn và phát huy tất cả các giác quan của người đến thăm bảo tàng: tai nghe, mắt nhìn, miệng nói, tay được chạm vào mẫu vật hay bản thân được vận động. Thậm chí phải tạo ra trong trưng bày cả mùi vị của câu chuyện. Con người là chủ thể của đời sống thực tế, luôn khát vọng vươn tới chân thiện mĩ, gắn với cái đẹp, chính vì thế nghệ thuật là phương tiện giúp truyền tải để nội dung thấm vào lòng người. Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật màu sắc, nghệ thuật ánh sáng giúp cho con người thấy dễ chịu, thoải mái và hứng khởi khi xem trưng bày.
Hai thành tố khoa học và nghệ thuật chưa đủ, thành tố kỹ thuật – công nghệ là rất quan trọng không thể thiếu vắng trong trưng bày bảo tàng hiện đại. Chính công nghệ đã làm thay đổi bộ mặt, đời sống của bảo tàng. Ví dụ, khi bước chân vào Bảo tàng người Mỹ gốc Phi tại Hoa Kỳ, tôi thấy kinh ngạc vì người ta sử dụng rất nhiều công nghệ, đặc biệt là hệ thống multimedia trình chiếu làm cho không gian trưng bày vô cùng sống động. Người ta kể câu chuyện người Phi vào Mỹ từ những năm 1600…Dù lịch sử đã qua rất lâu rồi nhưng thời kỳ đó được gợi lại một cách sống động bằng hệ thống công nghệ trình chiếu. Qua các màn hình và công nghệ đa phương tiện người tham quan như đang được chứng kiến những cảnh rượt đuổi bắt nô lệ, cảnh cuộc sống của người Phi, các câu chuyện thời đen tối của người Phi ở Mỹ… Rồi những con đường vươn lên, đấu tranh để thay đổi vị trí của người Phi trong xã hội Mỹ, bắt đầu từ thể thao, rồi sang lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật,… Từ việc người Phi không được tham gia quân đội, nếu được vào quân đội chỉ làm công việc giản đơn như lau chùi, quét dọn, nhưng sau Thế chiến thứ 2, nhiều người Phi đã trở thành sĩ quan, tướng lĩnh. Qua câu chuyện về Bảo tàng người Mỹ gốc Phi, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Nghệ thuật trưng bày bảo tàng là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa tính Khoa học, Nghệ thuật và Kỹ thuật công nghệ. Bảo tàng ở nước ta chưa làm tốt, chưa phát huy được ba thành tố này. Nhiều bảo tàng của chúng ta ở tình trạng bất động, không thay đổi.
Cũng có một số bảo tàng ở nước ta làm trưng bày tốt, nhưng số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, như: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, một phần Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến một bảo tàng đã trở thành nam châm để thu hút khách ở Hà Nội, đó là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Thực tế là khách tham quan đến Hà Nội hầu như đều muốn đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mỗi năm bảo tàng đón 500.000 – 600.000 lượt khách. Tuy vẫn thua kém so với nhiều bảo tàng trên thế giới, nhưng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu hút lượng khách tham quan tốt hơn so với Bảo tàng Dân tộc học Osaka, một năm họ thường chỉ đón 300.000 lượt khách. Nhiều trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có tiếng vang. Trưng bày về cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp đã sử dụng, kết hợp khá tốt: Khoa học, Nghệ thuật và Công nghệ. Trưng bày dự kiến mở cửa trong 6 tháng và kéo dài thêm 6 tháng hay 9 tháng, đã trở thành một niềm tự hào của bảo tàng Dân tộc học, một biểu tượng cho các hoạt động trưng bày tại bảo tàng ở Việt Nam. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh, một năm đón từ 1 đến 1,2 triệu lượt khách, đa phần khách nước ngoài. Ở đó trưng bày được làm đơn giản nhưng phù hợp với tâm trạng những người căm ghét chiến tranh, mong muốn hòa bình, khách đến để tìm bài học từ quá khứ cho tương lai.
Để thực sự có một trưng bày tốt thì cùng với trưng bày, các hoạt động giáo dục và công chúng là vô cùng quan trọng. Các hoạt động này ngày càng trở nên không thể thiếu và chất lượng ngày càng chuyên nghiệp. Giáo dục cho học sinh qua trải nghiệm, tương tác với trưng bày theo tinh thần giáo dục mới: chủ động, sáng tạo. Bảo tàng và nhà trường khuyến khích sự sáng tạo của từng học sinh sau mỗi lần tham quan trưng bày. Ngay khi chuẩn bị cho một trưng bày bao giờ cũng kéo theo đội ngũ người làm giáo dục bảo tàng để nắm bắt, tiếp thu mà tạo ra chương trình giáo dục phù hợp với trưng bày. Trưng bày không thể thiếu hoạt động làm tăng sự lôi cuốn công chúng như: trình diễn, biểu diễn, thuyết trình. Tất cả quyện vào nhau, tạo sự đa dạng cho các hoạt động bảo tàng, nghệ thuật trưng bày ngày càng tinh tế, phù hợp với sự biến đổi nhanh của thị hiếu con người và tâm lý xã hội. Để làm trưng bày có hiệu quả phải luôn mang tinh thần cập nhật, thích ứng được với thời cuộc, thời đại. Làm trưng bày chính là cách kể câu chuyện giống như nhà văn viết tiểu thuyết có chương hồi, trong câu chuyện lớn có câu chuyện nhỏ. Nghệ thuật trưng bày cần tính đến nhịp điệu của câu chuyện trong kịch bản để dẫn dắt người xem từ cao trào, rồi dần kết thúc… Ví dụ như Trưng bày Hà Nội 12 ngày đêm, nếu chỉ đề cập ngay câu chuyện Bệnh viện Bạch Mai, con phố Khâm Thiên bị san bằng bởi bom đạn Mỹ, thì không thể hay, hấp dẫn, mà chúng ta phải kể bối cảnh câu chuyện như thế nào để dẫn tới thảm kịch đó. Đó chính là nội dung của kịch bản trưng bày.
Trong nghệ thuật trưng bày còn bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như bài viết giới thiệu, đồ họa, ánh sáng…Bài giới thiệu không chỉ làm cho người đọc hiểu câu chuyện, mà còn tạo ra cho người xem một lộ trình tham quan, điểm từ câu chuyện lớn đến các câu chuyện nhỏ. Giống như con đường mòn được hình thành trên núi là quá trình tích tụ những kinh nghiệm của con người qua thời gian, để tạo ra một con đường tiện lợi nhất. Lộ trình trưng bày của bảo tàng cũng vậy, khi xem trưng bày chúng ta tưởng hiển nhiên đơn giản, nhưng để có được con đường dẫn dắt người xem, đó là kết quả của sự tính toán, thảo luận sắp đặt của kiến trúc sư trưng bày, nghệ sĩ đồ họa để luôn tạo sự dễ dàng, thông thoáng, mới mẻ, bất ngờ cho người xem. Yếu tố nghệ thuật đồ họa ở đây là: sắp đặt, màu sắc, ngay cả kiểu chữ và cỡ chữ cũng phải tính đến sự phù hợp, thuận lợi nhất cho người xem ở mọi lứa tuổi. Nghệ thuật còn là sử dụng ánh sáng (tự nhiên và nhân tạo) tạo nên hiệu quả cho thị giác, sự trang trọng và điểm nhấn của trưng bày. Nếu làm được những điều đó một cách sáng tạo và hiệu quả thì cuộc trưng bày chiếm lĩnh được tình cảm của người xem.
Tại sao trưng bày của chúng ta lại không đạt được hiệu quả như vậy? Đa phần các bảo tàng của chúng ta không đáp ứng được mong muốn của công chúng, vì có nhiều lý do. Những nhà lãnh đạo ngành văn hóa, quản lý chính quyền chưa thực sự coi bảo tàng là một nghề, một nghề có chuyên môn cao kết hợp nhiều yếu tố, nên thiếu coi trọng, đầu tư chưa tốt. Đầu tư về con người, là đào tạo người làm bảo tàng trở thành người thực sự có chuyên môn cao. Nếu không là một chuyên gia, họ không có trình độ và bản lĩnh để tạo ra những câu chuyện hấp dẫn cho trưng bày, mà chỉ đưa ra câu chuyện với nội dung bàng bạc, không mang đến cho người xem ấn tượng có ý nghĩa, không giúp họ khám phá, học hỏi. Đội ngũ của chúng ta nhiều khi lại không đồng bộ, nhân viên muốn thay đổi nhưng lãnh đạo không thay đổi hoặc ngược lại, đã kéo bảo tàng trở thành một cỗ xe nặng nề, chậm chạp, ì ạch. Làm sao để lãnh đạo bảo tàng, nhân viên bảo tàng cùng đồng hành một hướng với mục tiêu tạo ra các trưng bày hấp dẫn. Làm trưng bày tốt, bảo tàng sẽ thu hút được đông khách tham quan, theo đó là nhiều hệ quả khác, như góp phần nâng cao đời sống cán bộ nhân viên.
Lý do khiến trưng bày không hấp dẫn, ngoài yếu tố con người còn là vấn đề đầu tư không đầy đủ. Hoạt động trưng bày ở bảo tàng muốn hấp dẫn, muốn đẹp chắc chắn đòi hỏi một nguồn kinh phí thỏa đáng. Như cổ nhân đã nói “tiền nào của ấy”, nếu đầu tư tốt thì sẽ cho ra được các câu chuyện hay, trưng bày hấp dẫn và ngược lại…Lâu nay chúng ta chưa đầu tư kinh phí thỏa đáng cho trưng bày nên sản phẩm òe ọt chỉ có vậy. Các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận công việc và lao động ở bảo tàng chưa đúng nên đầu tư không đúng, lại tạo ra cơ chế thanh toán phức tạp, bất hợp lý. Trong suốt 10 năm tôi làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tất cả đều do giám đốc quyết định chi. Toàn bộ các cuộc trưng bày lớn ở bảo tàng đều do cán bộ bảo tàng làm, không thuê tư vấn thiết kế …
Trưng bày các bảo tàng hấp dẫn hay không còn có một nguyên nhân nữa là phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh của giám đốc bảo tàng. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa sáng tạo, toàn bộ trưng bày bảo tàng tốt hay không tốt suy cho cùng là ở người lãnh đạo trực tiếp. Nhiều trưng bày do nhà nước đầu tư nhưng không ai xem trừ ngày khai trương. Trưng bày không được đánh giá, góp ý công khai đại chúng nên xã hội và bảo tàng không biết trưng bày tốt hay kém, mang lại hiệu quả gì cho xã hội. Thiếu cơ chế đánh giá của xã hội, nên cơ quan chủ quản cũng như giám đốc bảo tàng không thực sự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng mỗi cuộc trưng bày. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến sự tiến triển và tính năng động của mỗi bảo tàng. Việc trưng bày đòi hỏi một sự kết hợp nhiều thành tố như vậy, nên cần tổ chức nhóm cùng làm việc sao cho đồng bộ, gồm các bộ phận: nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê bảo quản, thiết kế đồ họa, thiết kế giáo dục, truyền thông cùng sự chỉ đạo sát sao, bản lĩnh, sáng tạo của cấp lãnh đạo.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Là người luôn trăn trở, sáng tạo trong sự nghiệp bảo tàng, đặc biệt là trưng bày bảo tàng, từ những trải nghiệm thực tế trong quá trình dẫn dắt Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông có thể gợi mở những kế hoạch tương lai của Trung tâm Di sản và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là đơn vị đầu tiên trong cả nước tiếp cận phương pháp trưng bày dựa vào cộng đồng hoặc trưng bày có sự tham gia của cộng đồng, khi bảo tàng nhận thức được rằng không ai hiểu lĩnh vực văn hóa của một cộng đồng bằng chính người trong cuộc. Chính chủ thể văn hóa của cộng đồng đã góp phần làm thay đổi nhận thức những nhà dân tộc học, nhân học về cách làm bảo tàng. Chẳng hạn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp cận hợp tác với những chủ thể văn hóa các dân tộc thiểu số, cố gắng lắng nghe tiếng nói của họ, thấu hiểu cách họ biểu đạt, cách họ mang các giá trị văn hóa, phong tục tập quán nghi lễ truyền thống vào xã hội hiện đại. Cán bộ bảo tàng có nhiệm vụ hướng dẫn các chủ thể văn hóa tự làm trưng bày, và tạo điều kiện cho chính cộng đồng quyết định nội dung và hình thức trưng bày. Tất nhiên, cũng không nên tuyệt đối hóa, tùy vào năng lực và về sự tin tưởng của cộng đồng mà người làm trưng bày, với các mức độ khác nhau, sẽ có sự can thiệp vào câu chuyện trưng bày. Đây là một kinh nghiệm và cách tiếp cận rất phù hợp với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sắp bước sang năm thứ 10, có một bề dày chuẩn bị khá công phu, dù bắt đầu từ con số không. Mười năm qua Trung tâm đã chuẩn bị được nguồn tư liệu hiện vật của trên 1000 nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là một tài sản vô cùng quý giá. Vấn đề bây giờ là chúng ta xử lý khối tài sản đó như thế nào để có thể phát huy hiệu quả của vốn di sản này? Đó là vấn đề rất lớn và phức tạp. Có rất nhiều việc phải lo, nhưng tôi nghĩ, trước mắt cần:
– Tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu và sưu tầm, vì đội ngũ các nhà khoa học thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, ngày càng chín muồi. Cần chú ý đến chất lượng nghiên cứu sưu tầm, có sự phối hợp hài hòa giữa số lượng với nghiên cứu sâu, khai thác thông tin sâu về tài liệu hiện vật, về cuộc đời nhà khoa học. Có nghiên cứu sâu thì mới có những câu chuyện hay cho ấn phẩm về di sản ký ức, câu chuyện hiện vật và cho các trưng bày bảo tàng tốt, có giá trị, tầm cỡ trong tương lai.
– Trong tương lai nên hướng tới đào tạo nghiên cứu viên trở thành những nhà nghiên cứu thành thục, chuyên gia về các nhà khoa học ở từng lĩnh vực, chuyên ngành hay từng thời kỳ, từng giai đoạn khác nhau. Đào tạo các nhà nghiên cứu trưng bày (curator) – người quản lý toàn bộ bộ sưu tập từ công tác nghiên cứu, sưu tầm đến hình thành ý tưởng tổ chức trưng bày theo từng lĩnh vực khoa học.
– Đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ cho nghiên cứu viên, cán bộ nhân viên trong đơn vị; Nghiên cứu việc mở rộng hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc giao lưu, học tập kinh nghiệm.
– Tổ chức trưng bày: nên xây dựng định hướng 5 năm, 10 năm tới để thực hiện các hoạt động trưng bày ở Hà Nội hoặc Hòa Bình hoặc cả hai nơi. Mỗi trưng bày cần dành đủ thời gian và kinh phí cho việc chuẩn bị và thực hiện trưng bày. Mỗi trưng bày đều đòi hỏi đảm bảo chất lượng cao – hay, đẹp và hấp dẫn. Thường trực trong suy nghĩ và hành động: mỗi trưng bày là một lần khẳng định và củng cố thương hiệu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
– Đồng thời cần nghiên cứu phát triển ý tưởng về một Trung tâm khoa học tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam ở Cao Phong, Hòa Bình. Hoạt động của Trung tâm này sẽ đáp ứng nhu cầu hiểu biết kiến thức về nhiều lĩnh vực khoa học cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ở tỉnh Hòa Bình, Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy về một chủ đề quan trọng trong hoạt động bảo tàng nói chung và những gợi mở đầy tâm huyết cho hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam nói riêng. Trân trọng cám ơn ông.
Nguyễn Thành – Mai Phi Nga
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam