Không chỉ tạo lập được ngôn ngữ riêng hòa quyện giữa âm nhạc dân tộc với giao hưởng hiện đại, ông còn chọn sự giao thoa này làm chủ đề cho nghiên cứu của mình.
Cậu bé được ông Trần Duy Hưng thử tài
Tôi gặp GS Vĩnh Cát vào thời điểm ông vừa “thở phào” sau thời gian dài tập trung tham gia biên soạn cuốn Bách khoa thư Hà Nội về nghệ thuật trong phần Hà Nội mở rộng, ra mắt đầu tháng 10/2017. Nụ cười vừa hiền hậu vừa hóm hỉnh mang lại nét trẻ trung bất ngờ trên gương mặt vị nhạc sỹ đã ở tuổi 84, có lẽ một phần do nếp sinh hoạt vẫn bận rộn không ngừng của ông.
Vuốt nhẹ mép đàn piano như người mẹ đang trò chuyện với khách vẫn vô thức âu yếm con mình, ông tâm sự: “Người khơi nguồn cho tình yêu âm nhạc của tôi chính là cha tôi – một trí thức mới đặc biệt yêu âm nhạc phương Tây và đã truyền cảm hứng cho tôi từ khi còn rất nhỏ”.
Giáo sư Nguyễn Vĩnh Cát bên chiếc đàn piano tại nhà riêng. Ảnh: Loan Lê
Nguyễn Vĩnh Cát mới 12 tuổi lúc mẹ ông bế bồng, dắt díu 7 người con tản cư lên Phú Thọ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ở đó, ông được gặp nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, tham gia Đoàn thiếu nhi nghệ thuật và lập tức bộc lộ tài năng.
“Năm 1948, khi mới 14 tuổi, tôi sáng tác “Việt Bắc”. Bài hát được phát ngay trên Đài Tiếng nói Việt Nam và lan tỏa khắp nơi. Một số nhạc sỹ bảo một đứa trẻ như tôi sao có thể sáng tác như nhạc sỹ vậy và họ đặt nghi vấn là có người viết hộ” – GS nhớ lại.
Để xác minh, đích thân Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội là ông Trần Duy Hưng đã đến ra đề bài cho Đoàn thiếu nhi nghệ thuật viết ca khúc về thủ đô. Ông Vĩnh Cát kể: “Chúng tôi nói vui là cả đoàn bị “nhốt” trong một ngôi nhà để viết nhạc. Khi đặt bút viết, tôi nghĩ có năng khiếu và cố gắng thì mình sẽ sáng tác được. Bài “Gửi bạn thủ đô” ra đời và tôi được minh oan”. Sau này, tình yêu âm nhạc khiến Vĩnh Cát trở thành “kẻ gàn dở” – theo cách nói của ông.
Nhạc sỹ kể: “Đang là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội thì được phân công sang làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội, tôi không nhận lời. Lý do cũng vì sợ rời xa nhạc viện là xa nghề, không có điều kiện nghe nhạc, viết nhạc. Tôi chối đến nỗi ông Mười Hương – Phó Bí thư Thành ủy hồi đó – bảo người ta mong làm quan, còn ông lại chối, nhưng ông càng chối chúng tôi càng mời. Thế là kế hoạch “trốn” của tôi không thành”.
Quả như nhạc sỹ lo sợ, khi làm quản lý, ông còn rất ít thời gian cho sáng tác, có lúc phải tạm quên mình là nghệ sỹ. Ông phải tranh thủ sáng tác vào buổi tối hay trên đường đi công tác để giữ lửa với âm nhạc. “Thế mà những ca khúc tôi viết khi làm quản lý vẫn được bạn bè trong giới nhận xét là thành công và hiện đại hơn trước đó. Tôi thở phào nghĩ, hóa ra mình chưa mất nghề” – ông tâm sự.
Gần 60 năm với nhạc giao hưởng
Giáo sư Vĩnh Cát bảo, giao hưởng là đỉnh cao của âm nhạc. Trước năm 1945, chỉ những gia đình trí thức, khá giả mới có điều kiện thưởng thức loại nhạc này qua đĩa. Trong lần đầu được nghe năm 10 tuổi mà cảm xúc đến bây giờ vẫn vẹn nguyên, Vĩnh Cát đã mơ đến chuyện sáng tác một bản giao hưởng của
riêng mình.
Vì thế khi được bước chân vào lâu đài âm nhạc, ông đã âm thầm tự học để cho ra đời tổ khúc giao hưởng đầu tiên có tên “Hái hoa dâng Bác” ở tuổi 26, được dựng thành kịch múa biểu diễn trong dịp mừng thọ 70 tuổi Hồ Chủ tịch. Bản nhạc đó đã chạm đến trái tim cố GS – Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng khiến ông thốt lên: “Âm nhạc là tâm hồn được diễn tả bằng âm thanh. Vĩnh Cát là một trong những người Việt Nam đầu tiên diễn tả tâm hồn mình bằng nhạc giao hưởng”.
Niềm đam mê dành cho thể loại này còn khiến ông đắm đuối với nó trong đề tài nghiên cứu “Giao hưởng hiện đại với ngôn ngữ âm nhạc phương Đông”, thực hiện tại Nga.
Giáo sư chia sẻ lý do chọn đề tài này: “Mình là người Việt Nam thì phải đưa chất phương Đông, chất Việt Nam vào bản nhạc giao hưởng, phải có sáng tạo chứ không thể sao chép nguyên xi thành tựu của phương Tây. Vì vậy, tôi đã đi vào nghiên cứu ngôn ngữ âm nhạc hiện đại của phương Tây và phương Đông hóa nó. Sản phẩm của tôi đã được Hội đồng khoa học ở Nga công nhận là có chất hiện đại và chất phương Đông. Năm 1970, tôi về nước sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu và đã ứng dụng ngay vào việc giảng dạy. Tôi rất mừng là đã đào tạo được nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp đại học bằng tác phẩm giao hưởng, một số đã thành công khi viết cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam như Đặng Hữu Phúc, Phan Ngọc…”.
Năm 1998, vượt qua thử thách của sức khỏe, Vĩnh Cát hoàn thành tác phẩm giao hưởng ngẫu hứng “Ngàn năm khoảnh khắc” cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long với gần 500 trang tổng phổ. Nghệ sỹ Nhân dân Trần Quý vẫn nhớ như in cảm xúc xa xăm, mơ màng, lâng lâng, huyền ảo của bản nhạc này: “Tôi cảm nhận được Vĩnh Cát không câu nệ, rập khuôn mà mạnh dạn dùng hòa thanh nghịch, chói tai vào những đoạn cần sử dụng hết tính năng của nhạc cụ. Các tác phẩm đó thể hiện sự tìm tòi sáng tạo của ông để phù hợp với thời đại mới”.
Trăn trở lớn nhất của Vĩnh Cát hiện nay là sức sống của giao hưởng quá ảm đạm, tác phẩm viết ra không có tiền dàn dựng, thu đĩa hay công diễn, khiến người viết nhạc giao hưởng ngày càng ít. Ông trầm ngâm: “Nhiều lần tôi đưa tác phẩm của mình đến với công chúng bằng tiền riêng, không phải chỉ để thỏa mãn bản thân mà còn muốn kích thích, truyền cảm hứng sáng tác bằng ngôn ngữ nhạc giao hưởng của Việt Nam cho các đồng nghiệp. Bởi tôi nghĩ cần phải tạo ra một đời sống âm nhạc Việt Nam cân bằng, nghĩa là có cả nhạc giao hưởng chứ không chỉ ca khúc, nếu không sẽ rất lãng phí kho tàng trí tuệ âm nhạc của nhân loại”.
Giáo sư – nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Cát sinh năm 1934 tại Hưng Yên, là học viên khóa đầu tiên của khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam, từng tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ), được Nhà nước phong học hàm giáo sư năm 1992. Ông từng được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Việt Nam (năm 1976), nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia (Nhạc viện Hà Nội), Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội (năm 1984).
Không chỉ sáng tác ca khúc – tiêu biểu là các bài “Ngôi sao Hà Nội”, “Sa Pa, thành phốtrong sương”, “Vườn nhãn quê hương”, “Bạn ơi, hãy nghe Bến Hải tâm tình”, “Hà Nội của ta”, “Sông Đà, nhịp điệu mùa xuân”…, Giáo sư Nguyễn Vĩnh Cát còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc như “Bản giao hưởng số 1”, “Cuộc đối đầu lịch sử”, “Tiếng võng ru”, “Miền Nam có bông sen trắng”, “Đây sông Hồng, sông Cái”, “Không chỉ là huyền thoại”…
Lê Hằng
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/