Nhớ lại một thời chật vật với môn toán

Sinh năm 1940 trong một gia đình trí thức được đào tạo bài bản, có thân phụ làm ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, còn thân mẫu thì có năng khiếu làm thơ rất hay nên từ nhỏ, cậu An đã được bố mẹ tạo điều kiện cho học tập. Năm 1952, Hoàng Tư An học tại trường cấp II Yên Thành, một vùng quê nghèo, đất đồng chiêm trũng, xa phố xá, thuộc xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Để tránh máy bay địch bắn phá, học sinh đi học từ chiều muộn đến tối đêm với ngọn đèn dầu được làm bằng vỏ chai. Cứ mỗi buổi chiều, Hoàng Tư An cùng các bạn mang theo sách vở, đèn dầu đi bộ khoảng 5-6 km. Trong tập hồi ức GS.TS Hoàng Tư An viết: Để cho đỡ đường xa, lũ chúng tôi toàn băng qua đồng. Con đường dọc các bờ ruộng thường có nhiều đoạn đứt quãng, người ta nói đó là cái “trộc”. Trộc nhỏ thì có thể nhảy qua. Trộc lớn thì phải xắn quần mà lội. Tôi bé nhất hội nên được các anh lớn tuổi cõng[1]. Lẽo đẽo theo các anh đi học từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối, rồi ngủ trên bàn, hôm sau dậy sớm học tiếp đến 7 giờ sáng thì về nhà tự học. 

Trong lớp, ánh đèn dầu cứ lập lòe như đom đóm. Trên bảng treo một chiếc đèn dầu lớn, thỉnh thoảng đèn lại đu đưa theo những cơn gió lùa vào, khiến tấm bảng lúc sáng, lúc tối. Trong hoàn cảnh như vậy, mắt lại bị cận bẩm sinh nên Hoàng Tư An thường không nhìn rõ chữ viết trên bảng, mà phải chăm chú lắng nghe thầy giảng rồi tự viết vào vở. Chính vì điều đó nên cậu học khá tốt và dễ dàng với các môn khoa học xã hội, còn môn tự nhiên, đặc biệt là các bài toán về quy tắc tam xuất thì khó hơn. Điều đó làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của cậu: Môn đại số khi mới bắt đầu ở lớp sáu với các đa thức đủ các dấu ngoặc, móc vuông, móc kép, dấu âm, dấu dương làm tôi chật vật như bơi trong bùn. Bài kiểm tra nào cũng bị điểm kém. Tư duy logic toán học của tôi cứ kém dần, kém dần…[2] 

Hoàng Tư An, năm 1957

Với các bài toán về lập phương trình một biến, hai biến thì lại càng khó khăn hơn. Hoàng Tư An không biết hỏi ai, vì thời kỳ này, cả xóm chỉ có 3-4 người đi học, người thì rất bận, vì vừa đi học vừa đi làm, người thì không dám hỏi vì cậu không thân quen, còn lại thì trình độ như cậu. Cậu tìm ra giải pháp, đó là giải lại các bài kiểm tra trước đó. Dựa trên kết quả môn đại số do thầy giáo Thái Khắc Vỹ[3] đã sửa “đỏ lòm”, cậu lần mò cách giải cho đúng với đáp án. GS Hoàng Tư An chia sẻ: Lúc đầu thì khó quá cũng nản. Có khi cả một buổi cứ loay hoay mãi với các dấu cộng, dấu trừ, phép nhân, phép chia các đa thức. Làm đúng được một bài là sung sướng lắm[4]. Cứ thế trong vòng 1 năm học ngày, học đêm, cậu đã khắc phục được học lực môn toán của mình. Cuối năm lớp 7 (năm 1957), thầy giáo có nhận xét trong cuốn học bạ, đại ý rằng: có khả năng học toán, nhưng phải cống gắng hơn. Lời nói của thầy, khiến cậu càng có thêm động lực. Tiếp đến, cậu đã giải các bài toán trong cuốn Tuyển tập các bài toán lớp cuối cấp tiểu học. Cậu giải toán bằng hai cách, trong đó giải toán bằng số học cậu đã làm quen và dễ dàng hơn, còn cách giải lập hệ phương trình có ẩn số thì khó hơn. Năm 1957, Hoàng Tư An thi tốt nghiệp cấp II. Đây là kỳ thi “độc nhất vô nhị” với hai hình thức thi viết và thi vấn đáp. Hoàng Tư An đã vượt qua kỳ thi viết các môn: văn, lịch sử, địa lý, đại số, hình học, vật lý, hóa học và sinh vật, sau khi thi đỗ thì chờ một tháng sau tham dự kỳ thi vấn đáp tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Phải thi đỗ cả hai kỳ thi thì mới được công nhận là đỗ tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian chờ thi vấn đáp, nhà trường tổ chức thi lại cho những học sinh trượt kỳ thi viết. Hoàng Tư An lo lắng với môn hình học, nên đã tập trung giải lại các bài toán từ lớp 5. Các môn thi vấn đáp gồm: đại số, hình học và lịch sử. GS TS Hoàng Tư An còn nhớ: Tôi qua được môn thi hình học vấn đáp với số điểm khá cao (điểm 4 theo bậc thang 5 điểm của Liên Xô). Người hỏi vấn đáp tôi hôm ấy là thầy Phan Kiều, người trong xóm…Thầy Kiều khen tôi có sáng tạo[5]. Năm đó, trường cấp II Yên Thành có số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp cao, vào khoảng 60%, trong khi các trường khác chỉ khoảng 10% đỗ. 

GS.TS Hoàng Tư An kể về một thời chật vật với môn toán

Cũng trong năm 1957, Hoàng Tư An thi vào cấp III. Cả địa bàn Khu IV chỉ có hai trường cấp III là trường Lam Sơn ở Thanh Hóa và trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh. Hoàng Tư An khăn gói vào Vinh dự thi vào trường Huỳnh Thúc Kháng. Phải thi hai môn toán và văn. Môn toán gồm có đại số và hình học, ông còn nhớ: Bài đại số thì tính toán thời gian và khoảng cách gặp nhau của hai xe đi cùng chiều. Bài giải gồm hai phần nhỏ là giải bằng cách lập phương trình bậc nhất và giải bằng đồ thị. Tôi lập hệ hai phương trình đại số bậc nhất. Tuy dài dòng nhưng hợp với tư duy của tôi. Phần đó tôi làm đúng. Phần vẽ đồ thị, rất đơn giản thì tôi lại vẽ sai… .[6] Bài thi không được trọn vẹn nên Hoàng Tư An rất lo lắng. Khi có kết quả trúng tuyển dán ở phòng Giáo vụ của trường, cậu, lần tìm mãi mới thấy tên mình trong danh sách ở thứ hạng 152, trên tổng số khoảng 300 thí sinh. Hoàng Tư An vui mừng chạy ngay đến cơ quan của bố ở Tòa án tỉnh Nghệ An, (gần Cầu Thông, trên đường ra bến Thủy) báo tin. Cậu ở lại cùng bố chờ ngày nhập học. Hai bố con trong một căn phòng, một bên là nơi làm việc, một bên chỗ ở ngăn bằng tấm liếp tre. Kết quả này, là sự cố gắng của cậu trong suốt quá trình học cấp II, nhất là sự kiên trì, phấn đấu không ngừng nghỉ để cải thiện môn toán yếu, kém.

Niên học 1957-1958, Hoàng Tư An học lớp 8G, trường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh. Cậu tự đánh giá lực học môn toán chỉ đạt ở mức trung bình. May mắn là thời kỳ này đã có sách giáo khoa về toán, mặc dù in không đẹp lắm, nhưng những kiến thức được biên soạn rất cẩn thận theo phong cách sư phạm của Pháp. Cậu tận dụng triệt để, cố gắng đào sâu lý thuyết và làm bài tập trong sách. Gặp bài toán khó, cậu tìm đến sự trợ giúp của bạn Nguyễn Đình Trì – người học rất giỏi và thường giải được các bài toán khó do thầy ra đề. Hoàng Tư An thường chuẩn bị cẩn thận bài từ hôm trước. Tuy vậy, với môn hình học không gian, học trò Tư An vẫn gặp khó khăn. Do không nhìn rõ hình ảnh không gian thầy vẽ trên bảng, nên cậu phải lắng nghe thầy mô tả, rồi đoán, hình dung xem các đường thẳng, các mặt phẳng cắt nhau như thế nào, đâu là các đỉnh A, B, C, D… Chỗ nào không hiểu, cậu thường mượn vở của bạn để chỉnh sửa, bổ sung. Dần dần qua cách học môn hình học như vậy đã giúp cậu tăng khả năng tư duy trừu tượng và khả năng tưởng tượng.

Ba tháng nghỉ hè, cậu học trò Hoàng Tư An vùi đầu vào giải các bài toán và lý trong sách giáo khoa để chuẩn bị bước vào lớp 9. Nhớ lại những năm tháng “đánh vật” với môn toán, GS Hoàng Tư An cho biết: Chú trọng nhất của tôi là suy luận các hiện tượng cụ thể để thiết lập các phương trình đại số. Tôi hiểu ra rằng cái gì cũng phải tự liên hệ thực tế thì mới thành. Chúi mũi vào sách và học vẹt thì cứ tụt hậu mãi… [7].

Sự cố gắng của GS.TS Hoàng Tư An thời học trò không hề uổng phí, bởi không chỉ giúp ích cho những năm tháng ông học phổ thông, mà đây còn là những kinh nghiệm, “công cụ” giúp ông trong nghiên cứu khoa học sau này. 

Nguyễn Thị Phương Thúy

__________________________

* GS.TS Hoàng Tư An, nguyên Trưởng Bộ môn Thủy lực, trường Đại học Thủy lợi Hà Nội.

1 Hoàng Tư An, Hồi ức, 2015, tr. 37, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản nhà khoa học Việt Nam.

2 Hoàng Tư An, Hồi ức, 2015, tr. 43, tài liệu đã dẫn.

3 Ông Thái Khắc Vỹ sau khi học xong Trung cấp Sư phạm về công tác tại trường cấp II Yên Thành. Ông là Hiệu trưởng, và trực tiếp giảng dạy môn toán đại số.

4 Hoàng Tư An, Hồi ức, 2015, tr. 45, tài liệu đã dẫn.

5 Hoàng Tư An, Hồi ức, 2015, tr. 48, tài liệu đã dẫn.

6 Hoàng Tư An, Hồi ức, 2015, tr. 50, tài liệu đã dẫn.

7 Hoàng Tư An, Hồi ức, 2015, tr. 56, tài liệu đã dẫn.