Những người thầy của cuộc đời

Tôi sinh ra tại xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học. Bố tôi xưa kia đi học trường Pháp rồi làm giáo viên tiểu học ở thị xã Vinh, hai anh trai là giáo viên trường CĐSP Vinh và cấp III Đô Lương. Nối nghiệp cha anh, tôi gắn bó với trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1958 đến nay, cũng thấy mình đã trọn đời tâm huyết với nghề giáo.Từ khi học phổ thông đến đại học và sau đại học, tôi có may mắn đã được học nhiều thầy có nhân cách đáng trọng và có chuyên môn giỏi.

Năm 1953, khi còn là học sinh lớp 9 trường Phổ thông cấp III Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, do thầy Lê Khả Kế làm hiệu trưởng, tôi được học môn Văn do thầy Bùi Văn Nguyên dạy, thầy Lê Quang Long dạy Sinh vật. Hồi đó, điều kiện học tập rất khó khăn. Bàn ghế bằng tre nứa, bảng phấn được học sinh bôi đen hàng ngày bằng lá khoai lang, nhọ nồi. Để tránh máy bay Pháp oanh tạc học sinh học tập vào ban đêm, dùng đèn dầu lạc chiếu sáng. Đèn dầu được treo hai đầu bảng dưới hai chao đèn to lót giấy trắng ở mặt trong để hắt ánh sáng lên mặt bảng. Chúng tôi yêu văn học nhờ cách dạy của thầy Nguyên. Thầy dạy chúng tôi về dòng Văn chương bình dân; Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm hay Phong trào thơ mới. Phương pháp giảng dạy của thầy thường để học sinh tự đăng ký, chuẩn bị trước một vấn đề trong bài học để trình bày và các bạn khác góp ý. Khi dạy về chủ đề Văn chương bình dân, tôi được thầy giao chuẩn bị thuyết trình về “Văn chương bình dân Nghệ Tĩnh”. Để chuẩn bị cho buổi thảo luận, tôi đã hào hứng không chỉ tìm sách đọc mà còn sưu tầm các câu hò điệu ví vốn rất phong phú trong nhân dân các địa phương gần nơi trường đóng. Tôi trình bày trước lớp và được thầy, các bạn góp ý, bổ sung. Nghĩ lại, cách dạy đó của thầy đã giúp tôi cùng các bạn trong lớp chủ động tìm đến kiến thức, cả trong sách và trong thực tế cuộc sống, lại vừa rèn cho chúng tôi phương pháp tổng kết và cách trình bày một vấn đề. Nhờ đó chúng tôi vừa hiểu sâu sắc nội dung, vừa hứng thú với môn Văn học. Tôi nhận thấy, thời điểm đó thầy Nguyên đã ứng dụng phương pháp dạy học hiện đại “phát huy tính tích cực của người học”, như tổng kết của giáo dục học hiện nay.

Thầy Nguyên trong ký ức mỗi học trò chúng tôi còn là người rất cẩn thận trong câu chữ, trong nghiên cứu khoa học. Mỗi khi còn nghi ngờ vấn đề gì thầy đều cần mẫn tra cứu, tìm hiểu. Có lẽ tôi cũng ảnh hưởng từ thầy ở điểm này. Sau này, trong làm việc, ngoài việc tra cứu các thông tin cho chắc chắn trước khi công bố, bản thân tôi có thói quen tự đánh máy bản thảo, chủ động đọc và sửa bản thảo cuối cùng của nhà in. Đối với sách tái bản, tự tôi thường sửa các lỗi của lần in trước và bổ sung các thành quả nghiên cứu mới.

Khi đã là cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi gặp lại thầy, lúc bấy giờ thầy là Giáo sư Văn học ở khoa Ngữ văn của trường. Tôi đến thăm thầy đang ở một ngôi nhà chật hẹp của phố Hàng Ngang, vẫn chất giọng Nghệ Tĩnh ấm cúng, thầy giới thiệu với tôi các công trình nghiên cứu mới của thầy. Thời gian đó thầy là Tổng thư ký của Hội Văn học dân gian Việt Nam. Với tôi, thầy Bùi Văn Nguyên là một tấm gương tự học suốt đời, một con người cần mẫn, say mê nghiên cứu.

Thầy Lê Quang Long là một nhà khoa học uyên bác, ở thầy dạy học đã trở thành nghệ thuật. Thầy hấp dẫn chúng tôi bởi phong thái hào hoa và phương pháp giảng bài. Dạy về cơ thể con người, thầy dùng các tranh màu rất đẹp và hiếm có trong hoàn cảnh kháng chiến thời đó. Khi vẽ các phần đối xứng của cơ thể lên bảng, thầy thường đồng thời vẽ bằng hai tay. Về sau tôi gặp lại thầy trong những năm học đại học, thầy hướng dẫn thực hành động vật học cho chúng tôi. Các bài giảng của thầy được sơ đồ hóa sinh động, học sinh dễ nhớ. Nghe thầy giảng bài tôi có cảm tưởng như thầy chỉ chuẩn bị ý chính nhưng khi lên lớp thầy tự diễn theo ngẫu hứng. Cái hay trong bài giảng của thầy là cách dẫn dắt sinh viên khám phá những trọng tâm của bài. Thầy bận bịu cũng do đam mê với nghiệp dạy học và viết sách. Những công trình nghiên cứu của thầy càng nhiều và rất đặc biệt. Ai đọc sách của thầy cũng đều hiểu và rất hứng thú. Ngay từ năm 1957, tác phẩm dịch đầu tay của thầy là cuốn “Vichia Malêep – ở nhà và ở trường” của Liên Xô đã được giải thưởng toàn quốc của nước ta. Điều nữa mà tôi luôn kính nể thầy ở cách ứng xử, luôn khiêm nhường, tôn trọng và giúp đỡ các học trò của mình. Tôi càng quý mến thầy Long khi biết thầy vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc ở Huế nhưng đã một lòng chấp nhận đời sống gian khổ để đi theo kháng chiến.

Năm 1955, tôi thi đỗ khoa Sinh, Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Lê Khả Kế cũng đã chuyển về công tác tại đây. Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy của khoa Sinh học, thầy Kế là chủ nhiệm khoa. Thầy Kế là con người chỉnh chu từ tác phong, ăn mặc đến các bài giảng. Mỗi lần đến giờ thầy dạy, ngồi trong lớp chúng tôi nhận ra tiếng nện gót giày của thầy trên hành lang, rất sang. Khi giảng bài, thầy có thói quen chỉ nói một lần, chậm rãi, kịp cho sinh viên tiếp thu và ghi tóm lược ý. Dàn bài ghi trên bảng bao giờ cũng được thầy trình bày rõ ràng. Sau năm 1963, thầy Lê Khả Kế chuyển sang Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước làm tổ trưởng tổ thuật ngữ từ điển, một lĩnh vực ít liên quan đến chuyên môn thực vật học và sinh học mà thầy đang giảng dạy. Tuy vậy, thầy vẫn đảm nhiệm vai trò chính trong soạn từ điển song ngữ Anh-Việt, Việt-Anh, Pháp-Việt, Việt-Pháp, Hán-Việt, Nga-Việt; là chủ biên, tác giả và đồng tác giả của gần 30 cuốn từ điển các loại, đến nay vẫn còn là các cuốn sách gối đầu giường của nhiều độc giả rộng rãi, từ học sinh phổ thông đến cán bộ nghiên cứu chuyên sâu thuộc các ngành khác nhau. Trong một lần đến thăm, thầy bộc bạch: “Mình vẫn giữ thói quen từ lâu là cứ 4 giờ sáng là dậy làm việc”. Với chúng tôi, vốn kiến thức của thầy rất rộng và thầy là tấm gương suốt đời làm việc hăng say với hiệu quả rất cao.

GS.TSKH Thái Trần Bái xúc động ngắm nhìn chân dung những người thầy của mình, ngày 8-2-2018

Hồi học đại học, tôi được học thầy Đào Văn Tiến, người nghiên cứu sâu và có nhiều phát hiện mới về thú của nước ta. Có thể nói thầy Tiến là người đặt nền móng cho lĩnh vực Động vật học của nước ta sau Cách mạng tháng 8-1945. Để chuẩn bị cho dạy tiếng Việt trong nhà trường, năm 1945, thầy Đào Văn Tiến đã viết cuốn Danh từ khoa học về Vạn vật học (Nxb Minh Tân, 6. Rue Albert-Sorel – Paris-XIVe) do Hoàng Xuân Hãn đề tựa. Thực ra khuynh hướng chuẩn hoá việc dạy tiếng Việt ở bậc đại học đã có sớm hơn, bắt đầu từ cuốn Danh từ khoa học, soạn cho Toán, Lý, Hoá, Cơ, Thiên văn của Hoàng Xuân Hãn do Khoa học tùng thư xuất bản năm 1942. Phòng làm việc của thầy Đào Văn Tiến, chính là phòng làm việc của chủ nhiệm bộ môn Động vật học người Pháp trước Cách mạng R. Bourret, người đã có nhiều công trình nghiên cứu về động vật của Đông Dương. Chúng tôi vẫn tiến hành thực tập hàng tuần ở gần phòng của thầy nên được biết cách làm việc của thầy Tiến. Phòng làm việc của thầy chất đầy sách từ nền đến trần trên giá trước ba mặt tường; ngoài hành lang là chỗ ngồi của ông Nguyễn Tín, hoạ sĩ và là người chuyên chụp ảnh theo yêu cầu của thầy.

Các giờ giảng động vật học của thầy hấp dẫn chúng tôi bằng nội dung súc tích và sự liên kết về tiến hoá giữa các ngành và các lớp động vật. Thầy luôn lắng nghe các thắc mắc của chúng tôi và giải đáp rất tận tình. Đặc biệt thầy luôn uốn nắn từng chi tiết. Nhớ một lần tôi đi thực địa với thầy ở Chi Nê, Hoà Bình, trên đường đi gặp mấy con nhện, tôi sợ không dám bắt. Thầy nhắc nhở: “Là nhà động vật học phải biết tuyến độc của nhện nằm ở đâu để lựa cách bắt ”. Thầy cũng thường xuyên nhắc chúng tôi cần rèn luyện đạo đức của người làm khoa học. Trong bài phát biểu cuối cùng tại Đại hội thành lập Hội những người giảng dạy sinh học ngày 5-12-1994 dưới tiêu đề “Sinh học và Đạo lý”, thầy Đào Văn Tiến từng nhấn mạnh vấn đề này. Tôi có dịp được mời thầy tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ cho NCS Samphon Keungphachanh, một cán bộ nghiên cứu người Lào do tôi hướng dẫn. Một kỷ vật vô giá đối với tôi là cuốn Động vật học có xương sống được thầy đề tặng với nét bút ký của thầy. Đây là cuốn sách do thầy biên soạn (năm 1971), do sử dụng nhiều cuốn sách đã được đóng và dán lại bìa, tôi vẫn giữ cẩn thận cho đến hôm nay.

Một vinh dự lớn là tôi đã hoàn thành luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ ở một trong các trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo lớn nhất của Liên Xô, trường Đại học Quốc gia Moskva (MGU), Liên Xô, với sự hướng dẫn của một số nhà khoa học đầu ngành Liên Xô. Trong nhiều năm chúng tôi được tắm mình trong môi trường học tập và nghiên cứu. Sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi thường xuyên là phòng thí nghiệm – thư viện – nhà ở.

Năm 1961-1965, tôi làm luận án phó tiến sĩ, người hướng dẫn là viện sĩ Lev Aleckxandrevich Zenkevich – giáo sư đầu ngành trong nghiên cứu động vật biển của Liên Xô. Ông cũng là người xây dựng phương pháp định lượng động vật đáy trong các thuỷ vực. Không chỉ là chuyên viên nghiên cứu về động vật biển, ông còn chủ biên các bộ Chuyên khảo về Động vật; Đời sống Động vật. Về tiến hoá của động vật, ông cũng là người đề xuất và nghiên cứu chuyên sâu về tiến hoá của hệ vận động. Giáo sư Zenkevich làm việc chủ yếu ở Viện Hải dương học. Với trách nhiệm chủ nhiệm bộ môn Động vật học không xương sống của trường MGU, ông thường chỉ đến bộ môn làm việc vào buổi sáng thứ hai hàng tuần. Ông không chỉ là nhà khoa học lớn mà còn là một người đôn hậu – phẩm chất đặc trưng của người Nga. Ông hướng dẫn tôi làm đề tài luận án về Hệ chuyển vận của Đỉa, góp phần phát hiện các ưu việt về cấu trúc hệ cơ của động vật để tham khảo trong cải tiến kỹ thuật. Tôi có nhiều kỷ niệm đậm nét về thầy. Có lần tôi xin ý kiến của thầy về dụng cụ đo sức co cơ của đỉa mà thầy vẫn dùng trong công trình của mình, do khi dùng dụng cụ này, tôi phát hiện được cần có thêm điều kiện thì mới có được số đo chính xác. Hai thầy trò bàn khá lâu mà vẫn không có được ý kiến nhất trí. Cuối cùng thấy nói: “Thôi được, mày (ngôi xưng theo cách thân mật của người Nga) nghĩ thế nào là đúng thì cứ làm như thế. Nhớ rằng mày phải bảo vệ luận án trước một hội đồng gồm các nhà chuyên sâu và phải thuyết phục được họ”. Thầy kết thúc bằng nụ cười, còn tôi đã làm theo đúng suy nghĩ, nghiên cứu của mình và đã không gặp khó khăn gì trong buổi bảo vệ luận án. Tôi vẫn nhớ như in lời chúc của một bà, làm nhiệm vụ giữ áo choàng của khách ở sảnh vào Khoa Sinh-Địa, khi biết tôi là học trò của thầy Zenkevich, bà nói: “Ông già giỏi lắm đấy, tao chúc mày moi cho hết kiến thức của cụ đưa về Việt Nam mà dùng”.

Trong giai đoạn này, tôi cũng không thể quên ký ức liên quan đến thầy Birshtein, một giáo sư giỏi, vừa là chuyên gia đầu ngành về Giáp xác, vừa là một trong số ít người nghiên cứu động vật sống trong hang động của Liên Xô. Thầy là người thân thiện, nhiệt tình và có vóc dáng cao to, thầy hướng dẫn thực tập về giáp xác cho sinh viên năm thứ tư. Nhóm sinh viên chuyên ngành chỉ có 8 người, trong số này có Valôđia, người to cao. Tính Valôđia hiếu động, thích chuyện trò. Trong một buổi lên lớp của giáo sư Birshtein, Valôđia, hết quay sang trái lại quay sang phải nói chuyện. Bạn bè quay về phía Valôđia có ý nhắc nhở. Thầy trên bục giảng nhìn xuống nhưng không nói gì. Valôđia, vẫn tiếp tục gây mất trật tự. Bỗng nhiên thầy dừng giảng, nhìn thẳng vào Valôđia và nói: “Này, Valôđia, nếu em không giữ được yên thì ra ngoài để không ảnh hưởng đến giờ giảng”. Ngừng một tý, thầy nói tiếp: “Thôi, thầy nói thế là đã quá nhiều rồi”, và thầy tiếp tục giảng bài trong sự yên lặng lắng nghe của cả lớp. Tôi cảm thấy một không khí thầy trò vừa nghiêm khắc, vừa ấm cúng. Năm 1965, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, tôi đã được bộ môn tặng khoảng 40 cuốn sách về khu hệ các nhóm động vật của Nga, mỗi cuốn đều có chữ ký của thầy giáo và các đồng nghiệp trong bộ môn tại trang bìa. Số sách đã đi cùng tôi về Hà Nội, đến Đại Từ (Bắc Thái), Phụng Thượng (Hoài Đức), rồi Tứ Trưng (Vĩnh Phú), các địa điểm sơ tán của khoa Sinh trong những năm chống Mỹ cứu nước, để góp phần vào các bài giảng và các công trình nghiên cứu tôi sau này. Các cuốn sách này, qua bao nhiêu lần chuyển chỗ, có nhiều cuốn đã được đóng lại hoặc củng cố bìa, vẫn ở bên tôi cho đến nay, như những kỷ niệm vô giá trong cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Năm 1980, tôi lại sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ, tại bộ môn Động vật học Không xương sống của trường MGU, nơi tôi đã hoàn thành luận án Phó tiến sĩ. Thầy giúp đỡ tôi lúc bấy giờ là Viện sĩ Mercuri Sergeievich Ghilarov, người đặt nền móng và chủ trì nghiên cứu Động vật đất ở Liên Xô. Do đã chọn hướng nghiên cứu này và đã triển khai nhiều năm ở Việt Nam, tôi đã có quan hệ thư từ với M.S. Ghilarov khi còn ở trong nước. Nhớ buổi tiếp xúc đầu tiên với viện sĩ Ghilarov ở bộ môn, thầy hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi xem mẫu vật ông mang theo?”. Sau khi xem xong bộ mẫu phong phú mà tôi rất vất vả mang từ Việt Nam sang, thầy nói ngay: “Được, mẫu vật đủ để làm luận án tiến sĩ. Tôi sẽ cử một cô giúp ông làm bản cắt hiển vi, còn ông có nhiệm vụ giúp cô ấy tiến hành thành thạo phương pháp đó”. Buổi gặp đầu tiên đã diễn ra không quá 30 phút, đã mở đầu cho 3 năm thực hiện luận án của tôi ở Bộ môn. Trong quá trình làm việc với các nhà bác học Xô viết, tôi càng thấm thía những đức tính cần có của một người làm khoa học. Thầy Ghilarov là người rất nghiêm túc trong khoa học nhưng khá hài hước trong cuộc sống và là người sống rất tình cảm. Trong phòng làm việc của ông ở Viện Hình thái-Sinh thái tiến hoá Seversov, có treo bức tranh Đám cưới chuột nổi tiếng trong thể loại tranh Đông Hồ của Việt Nam.

Tôi còn nhớ cuộc Hội thảo về Động vật đất ở Kiev mà tôi có tham gia báo cáo năm 1982. Buổi chiều cuối cùng của hội thảo mà đêm đó có tiệc tổng kết, thầy Ghilarov đột nhiên từ trên đoàn chủ tịch đi thẳng xuống chỗ tôi trong ánh mắt thăm dò của mọi người. Đến bên tôi, ông nói nhỏ: Tối nay em phải đến dự liên hoan; – Nhưng thưa thầy, em chưa nộp tiền…, tôi ngần ngại đáp; Em phải đến dự vì em là đại diện cho Việt Nam ở hội thảo, mọi việc khác đã có ban tổ chức lo. Điều đó làm tôi xúc động và trân trọng tình cảm của thầy dành cho mình hơn.

Theo kế hoạch tôi phải bảo vệ luận án ở bộ môn vào tháng 6-1983. Cuối tháng 4 năm đó, thầy cho thư ký đến gặp tôi bảo phải báo cáo ở bộ môn sớm hơn dự kiến một tháng thì mới kịp làm thủ tục để bảo vệ. Tôi ngần ngại, giai đoạn cuối của hoàn chỉnh luận án viết bằng tiếng Nga đối với tôi không dễ, nay lại phải bảo vệ sớm hơn thì thật khó. Sau khi biết phân vân của tôi, ông trực tiếp gọi điện cho tôi bảo “Nếu em không báo cáo được ở bộ môn trước một tháng thì phải chờ 6 tháng sau mới đến kỳ họp của Hội đồng khoa học của Khoa. Bằng mọi giá, em phải báo cáo ở bộ môn trong tháng 5. Không có phương án khác. Những việc có thể giúp, ngày mai em đến bộ môn sẽ có người giúp”. Dĩ nhiên, tôi không thể làm khác.Trong buổi liên hoan ở bộ môn sau lễ bảo vệ, thầy đã tặng tôi chiếc đồng hồ báo thức với lời dặn “Tặng em chiếc đồng hồ này để đi làm và đi công tác khỏi bị muộn giờ”. Tôi về nước được hai năm thì thầy M.S. Ghilarov qua đời. Nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn giữ chiếc đồng hồ bên mình như lời nhắc nhở hàng ngày của thầy. Là người suốt đời làm nghề dạy học, tôi thường xuyên trăn trở về những bài học mà các thầy đã dạy mình không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc đời của thầy. Đã là thầy giáo thì phải có đức độ và giỏi chuyên môn mới hấp dẫn, dạy dỗ được học trò. Để có cái đó, tôi thấy phải tự rèn luyện và học tập suốt đời. Về chuyên môn, thầy muốn giỏi thì bản thân phải là người nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học để đáp ứng các đức tính cần thiết cho người thầy đứng lớp.

Về đọc sách, nhất là đọc sách bằng tiếng nước ngoài, để hiểu hết nội dung mà tác giả muốn truyền đạt thật không dễ. Tôi nghiệm ra rằng các cuốn sách quý, mỗi lần đọc lại phát hiện được các ý mới. Với sách viết bằng tiếng nước ngoài, nhận thức của mình khi đọc và khi dịch khác xa nhau. Chỉ khi cân nhắc các thuật ngữ dùng cho bản dịch, ta mới hiểu sâu sắc hơn nội dung của nguyên bản.

Về viết sách, các nhà khoa học lớn thường không ngại viết sách phổ biến cho quần chúng rộng rãi. Họ cần tạo lập được quanh mình không chỉ các nhà nghiên cứu chuyên sâu (qua đào tạo cán bộ chuyên ngành) mà phổ biến rộng rãi các đối đượng để phát triển xa hơn lĩnh vực mà mình quan tâm. Sách chuyên sâu thường có đối tượng dùng ít hơn sách phổ biến rộng, nhưng có vị trí không thể thay thế cho một đất nước phát triển. Hiện nay, các sách chuyên môn sâu càng ít, xuất bản không nhiều, là một nghịch lý cần thay đổi. Hơn nữa, trên giấy trắng mực đen, sách in không được sai sót và phải có đủ thông tin thuận lợi nhất cho người dùng. Các sách in của ta hiện nay hầu như không có phần Đính chính, và thường bớt đi một số phần tra cứu rất quan trọng ở cuối sách như phần Định nghĩa các thuật ngữ dùng trong sách (Glossary) hay phần Chỉ dẫn (Index) là điều cần được khôi phục. Mỗi dịp sách của tôi được tái bản là mỗi lần tôi có điều kiện sửa sai sót của lần xuất bản trước và bổ sung, cập nhật các kiến thức mới, các quan điểm mới. Nên khôi phục việc dùng sách làm quà tặng. Một cuốn sách hay, có nội dung tốt là quà tặng vô giá.

Tôi thiết nghĩ, dù chọn nghề nào chúng ta cũng phải phấn đấu học tập và rèn luyện suốt đời. Đối với những người đã và đang theo đuổi sự nghiệp “trồng người” càng phải khắc ghi điều đó, luôn học hỏi hoàn thiện để trở thành tấm gương sáng cho học trò noi theo. Các công trình nghiên cứu được công bố, các bài giảng trên lớp ít nhiều đều phải chứa các thông tin mới hoặc ít nhất là cách đặt vấn đề mới, cố gắng cập nhật được các thành tựu mới nhất của chuyên ngành ở trong nước và trên thế giới. Thường có hai loại công trình: (1) Các kết quả nghiên cứu công bố trong các tạp chí chuyên ngành và các tài liệu tổng kết như các sách giáo khoa và sách chuyên khảo và (2) Các tài liệu nhằm phổ biến các phát hiện mới hoặc đáp ứng nhu cầu của quần chúng yêu khoa học rộng rãi. Đồng thời, cố gắng có ít sai sót nhất trong các công trình in ấn và cố gắng tạo thuận lợi tối đa cho người dùng các cuốn sách mình viết. Các cán bộ trẻ càng phải chú tâm hơn tới tặng sách và trao đổi các công trình nghiên cứu với các đồng nghiệp…

Hơn nửa thập kỷ gắn bó với nghề dạy học tôi càng thấm thía vai trò của người thầy giáo trong đào tạo các thế hệ học sinh và cán bộ khoa học. Thật hạnh phúc và có ích cho đất nước nếu học sinh được học các thầy giáo có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn giỏi. Tôi tự nhận thấy mình là người học trò đã vinh dự có được hạnh phúc đó!

Lưu Thị Thúy (ghi)

 

* GS.TSKH Thái Trần Bái, nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Hà Nội.