Người chạm vào lịch sử qua những tấm bia

“Người phụ nữ kiên định”

Trước khi đến gặp PGS-TS Phạm Thị Thùy Vinh qua lời giới thiệu của một nhà nghiên cứu Hán Nôm, tôi bèn gọi điện “dò hỏi” GS Nguyễn Quang Hồng – nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Hán Nôm. “Đó là người phụ nữ rất kiên định” – GS Hồng đưa ra lời nhận xét đầu tiên về PGS Thùy Vinh rồi ông lý giải: Mọi người vẫn thường nói “Khôn văn tế, dại văn bia” tức là ‘húc’ vào văn bia rất khó, mất nhiều thời gian. Chả thế mà nhiều người sau một thời gian nghiên cứu văn bia đã phải chuyển hướng nghiên cứu, trong khi PGS Vinh vẫn ‘trung thành’ với hướng nghiên cứu ngay từ đầu. “Đây là điều rất đáng quý và đáng trân trọng”, GS Hồng nói.

PGS-TS Phạm Thị Thùy Vinh tại Phòng Nghiên cứu văn khắc Hán Nôm. Ảnh: Đoàn Dung

Đem chuyện kể với PGS Thùy Vinh, bà cười vui: Tính tôi là thế, đã đam mê thì không bao giờ bỏ cả, chính vì thế mà cái nghiệp buộc vào mình. “Khi tôi mới về Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một số bác lớn tuổi ở viện từng khuyên rằng không nên tiếp tục nghiên cứu văn bia bởi ở viện này có mấy người khi làm đến thư mục văn bia phát “điên” lên vì khó quá. May quá, đến giờ tôi vẫn chưa phát điên”.

Cái khó mà PGS Thùy Vinh nói tới chính là khi nghiên cứu về văn bia, để có thể phát hiện được một vấn đề nào đó, nhà nghiên cứu phải đọc rất nhiều. PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm từng nói, văn bia Việt Nam là hiện tượng văn hóa, một trong những hình thức thông tin thời kỳ cổ đại và trung cổ, bia ra đời trong mối quan hệ văn hóa vùng, trong đó tiếp nhận ảnh hưởng của truyền thống sáng tạo văn bia ở Trung Quốc.

“Trong tiến trình phát triển, thể văn bia được sử dụng hoàn toàn theo ý đồ sáng tác của các tác giả, có nghĩa là tác giả không bị ràng buộc bởi nội dung và hình thức thể loại cũng như chất liệu thể hiện mà đã được xác định của thể văn này”. Chính vì thế đọc văn bia khó hơn rất nhiều so với đọc thư tịch, sắc phong, hương ước vì 10 bia thì có đến 5 bia là do các nhà khoa bảng soạn, đa phần sử dụng điển tích, điển cố hay nhiều văn bia do các cụ đồ nho, đồ làng viết không theo nguyên tắc, quy chuẩn nào.

Cuốn sách “Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã” dựa trên luận án tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam về văn bia thời Lê do do bà làm chủ biên được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp xuất bản bằng ba thứ tiếng: Pháp, Việt, Anh đã phần nào phản ánh được sự phát triển của làng xã Kinh Bắc, về hiện tượng “bùng nổ” của văn bia ở cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, cuối thế kỷ 18.

Sự xuất hiện của nhiều văn bia Kinh Bắc trong suốt hai thập kỷ 17,18 với 1,5 tổng số tác giả soạn văn bia là tiến sĩ cho thấy văn bia được thể hiện như là một loại văn chương bác học, mặt khác việc văn bia Kinh Bắc ở các di tích như đình, chùa, lăng mộ, từ chỉ các hoạn quan, chợ, văn chỉ… lại thể hiện sự dung hợp giữa các tôn giáo khác nhau.

Lý giải về sự lựa chọn đề tài nghiên cứu này, PGS Thùy Vinh cho rằng: “Từ trước đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu về văn bia theo từng địa danh hoặc từng thời kỳ của lịch sử. Hệ thống các vấn đề được nêu trong văn bia của từng vùng cụ thể đang còn “bỏ ngỏ” và “muốn nghiên cứu về văn hóa, kinh tế của từng giai đoạn thì phải bắt nguồn từ làng xã”.

Hay như cuốn sách “Văn bia Lê sơ” mà bà làm chủ biên là tập hợp đầu tiên về văn bia thời Lê sơ của nước ta, từ Cao Bằng, Lai Châu, Hòa Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội… kéo dài về phía Nam đến Thanh Hóa, bao gồm 67 văn bia. Nói về cuốn sách này, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí – một trong những chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, cho rằng: “Toàn bộ 67 bia đá thời Lê sơ sau khi được giám định văn bản tinh xác đã được các soạn giả sắp xếp theo thứ tự niên đại xuất hiện. Độc giả đã thấy được ở bất kể hạng mục công việc nào cũng được các soạn giả thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, theo đúng phương pháp khoa học. Điều đó cho thấy các soạn giả là những người có thâm niên công tác, có bề dày kinh nghiệm xử lý văn bản Hán Nôm, đặc biệt là chủ biên PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh. Tác giả dường như có duyên nợ với loại hình văn bản Hán Nôm đặc thù này.”

Hiểu về lịch sử khi cạo từng con chữ

PGS Thùy Vinh cho biết, ngoài việc nghiên cứu, phân tích trên 22 nghìn thác bản văn bia trong kho di sản Hán Nôm Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Hán Nôm, thì ở khắp các làng quê trong cả nước còn lưu trữ hàng vạn tấm bia đá . Đây là nguồn tư liệu cực kỳ phong phú và có giá trị để tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc, hiểu hơn về tri thức của dân gian.

“Tôi thật sự yêu nghề hơn khi đi công tác, mỗi lần đi như thế bao giờ cũng kích thích trong tôi sự say mê, hứng thú bởi có thể tìm thấy trong đó những vấn đề khác của lịch sử như văn hóa, kinh tế mỗi khi cạo từng chữ trên văn bia”. Chính vì thế mà mỗi khi sờ những tấm bia, chuông có niên đại sớm bà thường rất xúc động.

“Đợt vừa rồi tôi có đến tham quan Khu di tích Quốc gia Lam Kinh (Thanh Hóa), lần đầu được sờ vào tấm bia của vua Lê Lợi, tôi xúc động lắm, cảm giác như mình chạm vào một phần của lịch sử. Hay khi nhìn thấy tượng bà Bùi Thị Xuân tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), nước mắt tôi cứ ứa tràn ra. “Quái lạ. Mình sao thế này, phải chăng mình có tuổi nên dễ xúc động”. Tôi tự cười bản thân và nghĩ sao mình lại dở hơi thế” – PGS Thùy Vinh xúc động kể.

Một số công trình nghiên cứu của PGS Thuỳ Vinh trong đó có công trình
“Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã”,
được in thành ba thứ tiếng Pháp, Việt, Anh.
Ảnh: Đoàn Dung

Với bà, văn bia không chỉ là những chứng tích lịch sử mà còn là nơi ghi lại từng thời điểm cụ thể từ tên làng, tên xã, huyện phủ, xứ đến tên nước.

PGS Thùy Vinh dẫn ví dụ: “Hà Nội từ trước tới nay chưa có sách về địa danh hành chính trong lịch sử nói chung. Khi tìm hiểu về địa danh, đặc biệt là địa danh học là lĩnh vực rất khó vì không có tư liệu. Chính vì thế, văn khắc, văn bia là nguồn tư liệu chính xác để biên soạn cuốn từ điển địa danh, soạn địa chí”. Thông qua nghiên cứu của bà về văn bia ở Hà Nội sẽ cung cấp danh sách về các phường của Hà Nội trong 5 thế kỷ tích cực vì cung cấp một cái nhìn về quá trình phát triển của lịch sử”.

PGS-TS Thùy Vinh mong muốn những nghiên cứu văn bia của bà góp thêm tiếng nói cho việc bảo quản và giữ gìn những di sản văn hóa mà các thế hệ đi trước đã trao lại. Nếu không có sự đánh giá đúng mức, khoa học đối với các bia đá hiện còn ở các địa phương trong cả nước thì e rằng chúng sẽ bị mai một và hư hỏng. Hiện trạng đó đã từng xảy ra trong những năm gần đây ở một số xã của tỉnh Bắc Ninh cũng như các tỉnh khác. Giữ gìn những di sản đó là giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam không bị lãng quên.

“Văn khắc vừa là hiện vật khảo cổ, vừa là văn tự, vừa là di sản chính vì thế cần phải đối xử với nó không chỉ là nguồn tư liệu mà còn là di sản, là ký ức của dân tộc. Chúng ta cần phải có thái độ trân trọng bởi văn khắc đôi khi là độc bản. Vì vậy cần bảo vệ không chỉ cho mình mà còn cho các thế hệ về sau” – PGS Thùy Vinh trăn trở.

PGS-TS Phạm Thị Thùy Vinh sinh năm 1958 tại Ninh Bình. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên nghiên cứu về văn bia ở Việt Nam. Bà đã chủ biên 6 cuốn sách (đã xuất bản 5 cuốn): “Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã” (2003), cho đến nay đây là cuốn sách duy nhất được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam cho xuất bản bằng ba thứ tiếng. “Tuyển tập Văn khắc Hán Nôm Thăng Long Hà Nội” (2010), “Văn bia Lê sơ” (2014), “Đền Hát Môn – Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt” (2017), “Địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội qua tư liệu văn khắc Hán Nôm trên địa bàn Hà Nội” (quý I, 2018) và “Địa danh cổ Hà Nội từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XX” (đang hoàn thiện bản thảo từ đề tài do quỹ Nafosted tài trợ).

Minh Nhật
Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/