GS.TSKH Nguyễn Xuân Thính
Cuộc gặp đầu tiên, rất nhiều người ngỡ anh… gốc Hàn Quốc. Có thể bởi mái tóc cắt cua gọn gàng, ở vóc dáng đậm đà chắc nịch, nhanh nhẹn như vận động viên dù đã ngấp nghé tuổi 60, đặc biệt ở nụ cười rạng rỡ, tác phong lịch lãm như các giáo sư … trong phim xứ Hàn. Anh cười to, tôi là người Việt Nam, made in Việt Nam chính hiệu.
Tuổi thơ say tiểu thuyết… quên nấu cơm
Cảm giác “nhầm lẫn” ấy qua nhanh khi cuộc trò chuyện trở nên đậm đà. Thời gian gần 40 năm ở Châu Âu dường như vẫn chưa đủ để làm nhạt đi chất giọng ngang ngang quê quê rất đặc trưng của vùng đất Hải Dương: Xã cuối cùng của Hải Dương, gần ga Phú Thái, giáp ranh thành phố Hải Phòng, tôi sinh ra ở đó. Gần bốn mươi năm đi xa, trở về nơi chôn rau cắt rốn, thấy hơi… tủi thân, bởi khắp nơi trên cả nước, đâu đâu cũng phát triển ầm ầm, mỗi làng mình, xã mình, rẻo đất nằm hiu quạnh giữa hai thành phố Hải Dương và Hải Phòng, bao năm xa quê, lúc về… vẫn không bị lạc đường.
Ký ức in đậm thời thơ ấu của tôi là những năm Mỹ ném bom phá hoại miền bắc, 1965-1972. Khi đó Hải Phòng là một trong những mục tiêu trọng điểm của cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt ấy. Quê tôi khi ấy là nơi sơ tán của Trường ĐH Hàng hải và Trường Cao đẳng nghề thủy sản miền bắc. Có lẽ, chính các thầy cô giáo và sinh viên trọ học tại nhà đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong tôi từ ngày ấy.
Những cuốn sách đầu tiên mà tôi mượn của họ, là “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Alexeevich Ostrovsky hay “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi… đã mở ra trước mắt tôi một chân trời mới. Lần đầu tiên tôi biết rằng, đằng sau lũy tre làng nhỏ bé, có một thế giới khác rộng lớn hơn, mênh mông hơn. Thế là, ngoài giờ học tôi mải mê đắm chìm trong thế giới kỳ diệu của những con chữ, đến nỗi không ít lần quên cả nổi lửa nấu cơm. Sáng sớm mẹ đi làm đồng, trưa về mồ hôi nhễ nhại, giục sắp đũa, dọn cơm. Sờ đến nồi thì hỡi ôi, gạo và nước vẫn còn nguyên, lõng bõng.
Đúng là Kim Tân, quê tôi, xã ranh giới, xa trung tâm, xa đường quốc lộ, chẳng thay đổi nhiều so với cái ngày cách đây hơn 40 năm tôi lên tỉnh trọ học- Anh trầm giọng.
14 tuổi xa nhà, không người thân quen ở thành thị, chẳng có ai bên cạnh lúc bỡ ngỡ ban đầu hay những bận ốm đau cần bàn tay vỗ về của mẹ. Một năm đầu, cậu trò nghèo trọ học ở Chợ Gạo, Tiên Lữ, Hưng Yên, ngay gần Cống An Tảo. Ngày ấy làng nghèo, đâu đã có điện như bây giờ. Vậy nên đèn dầu là vật bất ly thân với cậu mỗi tối. Hai năm học sau, cậu chuyển lên trọ học ở thị xã Hải Dương, điều kiện khá hơn, có điện, có nước máy. Nhưng cái mới mẻ và lạ lẫm phố phường cũng không đủ sức kéo cậu học trò mới lớn khỏi đống sách vở và bài tập ngập đầu của lớp chuyên Toán trường chuyên duy nhất – Trường PTTH Hồng Quang của tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên và Hải Dương) những năm 1974-1977.
Và rồi trời đã không phụ người khổ công đèn sách. Điểm thi đại học xuất sắc năm ấy là phần thưởng xứng đáng cho cậu bé nghèo nhà quê: Một suất du học CHDC Đức thuyết phục, sau một năm mài giũa ngoại ngữ ở Thanh Xuân- Hà Nội (Trường ĐHNN- nay là Đại học Hà Nội).
Trời Âu rộng mở – Thư viện và thư viện
Sức học vững vàng, vượt trội cùng với sự chăm chỉ, siêng năng… có một không hai, khiến cho 5 năm ở Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật ( TU –Dresden) và vài năm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ sau đó không có gì là quá khó khăn với chàng trai Nguyễn Xuân Thính. Sau khi nhận bằng tiến sĩ năm 1989, anh may mắn được nhận vào một viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học CHCD Đức ở Dresden. Nói cho thật chính xác, chẳng có sự may mắn nào ở đất nước mà mọi giá trị học vấn được đo bằng năng lực và bằng cấp chuẩn mực này. Chỉ có thể giải thích bước khởi đầu tốt đẹp này bằng hàng chục năm miệt mài không ngừng nghỉ của anh mà thôi.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thính và đồng nghiệp đang làm quan trắc khảo sát tại Hòa Bình
Năm 1990, hai nhà nước Đức thống nhất. Ngày 31-12-1991, Viện giải tán. Trong khi phần lớn bạn bè, đồng môn mất ăn mất ngủ với trăn trở, ở lại hay về nước… Ở lại thì làm gì trong những năm tháng đầy biến động, không biết tương lai sẽ ra sao. Nhiều đồng nghiệp người Đức cũng lần lượt ra đi trước ngày tận số của Viện Hàn lâm Khoa học CHCD Đức. Sự lựa chọn đơn giản và duy nhất đối với anh lúc ấy là trung thành với nghiên cứu khoa học. Nhiều ngày trước khi viện đóng cửa vĩnh viễn, chỉ có anh và ông trưởng phòng đến làm việc. Thật bất ngờ, anh được nhận vào làm việc ở viện nghiên cứu mới, được thành lập đầu năm 1992 về lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với CHDC Đức cũ: nghiên cứu quy hoạch và phát triển sinh thái vùng.
Vào Viện nghiên cứu mới làm việc, trong khi học vị tiến sĩ khoa học đã là mơ ước và thỏa mãn của rất nhiều người thì Nguyễn Xuân Thính lại thấy…chưa đủ. Học vị, với anh không phải là cái đích để phấn đấu. Đơn giản và chính xác, đó dường như là một sự tất yếu xứng đáng cho một người luôn coi học hành thật sự là một niềm đam mê, như cơm ăn nước uống hằng ngày. Thư viện với anh là …nhà.
Tòa nhà đồ sộ, Thư viện Sachsen hiện đại nhất nước Đức dường như chưa quên chàng trai Á châu, vóc dáng tầm thước “lẩn thẩn” cả ngày hết từ giá sách nọ đến Hộp – phích kia, đến nỗi cô thủ thư phải giật mình ngỡ ngàng nếu vài ngày anh đột nhiên “biến mất”. Hàng trăm cuốn sách, có cuốn nặng đến vài kg, Nguyễn Xuân Thính có thể trích dẫn từng câu, từng đoạn và không quên đoạn này, câu kia nằm chính xác ở trang nào, chương nào…
Và lại như một lẽ tự nhiên, anh là người đầu tiên của Viện Quy hoạch và Phát triển Sinh thái Vùng hoàn thành luận án Tiến sĩ Khoa học lần II (Dr. habil – ở Đức đây là bằng tiến sĩ cao nhất), rồi trải qua kỳ thi sát hạch của Hội đồng uy tín Akademi – Hội đồng tối cao có chức năng thẩm định, cấp phép cho những Tiến sĩ có đủ năng lực nghiên cứu và giảng dạy, anh trở thành Phó giáo sư năm 2005.
Sau 5 năm giảng dạy và chủ trì nhiều dự án, công trình nghiên cứu với cương vị là Phó giáo sư, anh đã vượt qua được vòng tuyển chọn gắt gao của Hội đồng phong hàm Giáo sư. Từ viện nghiên cứu, Viện Quy hoạch và Phát triển Sinh thái Vùng Dresden, anh tiến thêm một bước quan trọng, trở thành Giáo sư chính thức (ordentlicher Professor) của trường Đại học TU Dortmund ( Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dortmund).
Giáo sư mê …cơm nếp
Một ngày trên bục giảng của người đàn ông ngoại ngũ tuần, giờ kiêm nhiệm thêm chức Trưởng khoa Quản trị Thông tin của Đại học TU Dortmund, bắt đầu từ 8 giờ 30 phút sáng, có hôm kéo dài tới 20 giờ tối. Thời gian nghỉ trưa ở Đức rất ngắn, như một giải lao giữa giờ nên bữa trưa rất cập rập.
Trong khi đồng nghiệp và sinh viên của anh phải kiên nhẫn chờ đợi vài chục phút nối đuôi sau những hàng người dài dặc ở những quán ăn nhanh (Fast Food hay Bistro) thì giáo sư người Việt phát kiến ra một cách thư giãn hết sức độc đáo.
Buổi sáng, trước khi đến trường, anh cắm nồi cơm điện, 20 phút là đã có món cơm nếp nóng hổi, thêm vài lát xúc xích. Vậy là ung dung no từ sáng đến chiều, buổi trưa chả phải lo canh cánh xếp hàng, tiết kiệm được nửa tiếng, khi xem thêm bài giảng buổi chiều, lúc tìm lời giải đáp thuyết phục cho một câu hỏi hóc búa của sinh viên, hôm nào thư thả thì ung dung nghỉ ngơi chút đỉnh.
Và hành trình về với quê nhà
Giảng dạy về môi trường, có điều kiện thường xuyên tiếp cận với những công trình quy hoạch và quản lý môi trường nước, đất và không khí cũng như xử lý nước thải tiên tiến trên thế giới, Nguyễn Xuân Thính lại canh cánh một nỗi niềm khác. Môi trường ở Đức khá ổn, vấn đề ô nhiễm không nặng nề, còn nước mình, quê mình vẫn còn nhiều bất cập…
Nghĩ là làm, vậy là gần 10 năm qua anh đi về như con thoi, năm nhiều ba bốn lần, ít cũng một, hai lần. Tháng ba thấy anh ở Hòa Bình. Tháng năm đã thấp thoáng ở Cà Mau, rồi thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, anh đều có mặt với các dự án làm sạch môi trường, hay các hội thảo ý nghĩa với chủ đề nóng: quy hoạch không gian mở và không gian công cộng… Những chuyến đi – về tranh thủ giữa các tháng có ít giờ lên lớp.
Từ năm 2008 đến 2013, tại TP Hồ Chí Minh anh chủ trì thực hiện dự án về biến đổi khí hậu và quy hoạch đô thị theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả do Bộ Khoa học và Đào tạo Đức tài trợ toàn phần. Dự án này có sự tham gia của bảy viện nghiên cứu và trường ĐH Đức cùng với 15 cơ quan, viện nghiên cứu và Trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tại thủ đô Hà Nội, các hội thảo định kỳ trong khuôn khổ chương trình giao lưu hợp tác giữa Trường ĐHKHTN – ĐHQG Hà Nội với Đại học Tổng hợp Dortmund (Cộng hòa Liên bang Đức), được anh và các đồng nghiệp phối hợp nhịp nhàng và đạt được nhiều lợi ích thiết thực.
Ở Cà Mau, tận cũng đất nước, ông giáo sư thảng thốt: Đâu rồi những rừng đước, rừng tràm nguyên sinh năm xưa trong ‘‘Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi… Rồi ngược lên một dự án giáp ranh biên giới, đứng ngắm núi rừng biên giới bao la, sau một ngày mệt nhoài thuyết trình, lại lẩm bẩm một mình ca khúc Chiều biên giới của nhạc sĩ Trần Chung và nhà thơ Lò Ngân Sủn.
Ở tuổi này mà giáo sư còn lãng mạn vậy sao? Anh cười hiền, lãng mạn gì đâu. Học chuyên toán và làm khoa học nhưng mình cũng yêu văn chương và ca hát. Ngoài đam mê đọc sách, thỉnh thoảng mình cũng thích hát Karaoke với bạn bè, đồng nghiệp. Sinh viên của khoa vẫn nhắc đến những đêm hát Karaoke sôi nổi do mình tổ chức. Chỉ tiếc là bây giờ luôn thiếu thời gian thôi. Tiểu thuyết thì không “cập nhật” được nhiều như trước nữa. Nhưng cái gì đã đọc rồi thì luôn “gim” trong đầu. Bao năm rồi mà vẫn nhớ như in nhiều chương trong tiểu thuyết Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, nhớ để yêu một thời cả đất nước trăn trở trong đổi mới tư duy. Giờ mình về thấy quê hương thay đổi từng tháng, từng năm, thật mừng!
Hỏi về gia đình riêng, anh nói rất ít. Hai cháu đều đã lớn cả. Cháu gái đầu đã 29 tuổi, bảo vệ Thạc sĩ xong có nhiều nơi mời làm việc ngay, cả trường Đại học nơi bố làm việc và một tập đoàn tư nhân lớn. Cháu chọn đi làm thay cho đi dạy vì muốn bay nhảy nhiều hơn. Tôi để cháu tự quyết vì tôi biết, mỗi người chỉ thành công khi say mê với những gì mình đã chọn.
Về nước khởi nghiệp và làm việc có phải là lựa chọn tối ưu cho nhiều bạn trẻ, thế hệ người Việt thứ hai ở Đức? Anh bảo: về nước cũng là một lựa chọn tốt, rất nhiều các doanh nghiệp trong nước đang chào đón các bạn, nguồn nhân lực có chất lượng. Tôi nghĩ, cơ bản là các bạn trẻ phải hiểu thật rõ năng lực của bản thân, về hay ở sẽ đều tốt, nếu các bạn phát huy được tối đa khả năng. Rất vui là trong tương lai, sẽ có nhiều cơ hội cho các bạn chọn lựa, hợp với sức mình.
Lại cười: còn tôi cũng tự biết sức mình. Tôi biết tôi say mê giảng đường đại học, yêu sinh viên (mỗi kỳ học tôi thường xuyên hướng dẫn hơn 10 nghiên cứu sinh), nhưng cũng nhớ nhung… những dự án môi trường ở quê nhà. Tôi biết bà xã tôi đã phải hy sinh rất nhiều, đồng ý để tôi lên Dortmund dạy học, dù hằng tuần tôi sẽ phải ngược xuôi vất vả hơn 1.200km với tổng cộng 14 tiếng cho hai lần tàu xe về thăm vợ con ở Dresden; đồng ý cho tôi một năm vài lần con thoi giữa hành trình hơn 10 nghìn km, tất bật ra bắc vào nam, kể cả những ngày huyết áp tăng vọt, dù sáng nào cũng một viên Beta Blocker (hạ huyết áp) đều đặn …
Và trong hành trình chưa đầy 20 tiếng đồng hồ từ Dormund tới Berlin hôm ấy, Nguyễn Xuân Thính cũng đã kịp ghé thăm những người đồng môn năm xưa. 19 giờ, một cái ôm lặng lẽ rất lâu với người bạn cùng thời đại học vì biết tin bạn ốm đã lâu chưa có dịp ghé thăm. 23 giờ đêm, một lời hẹn với đồng môn khác từ thời cấp ba chuyên toán Hồng Quang, cùng về Việt Nam trong dịp gần nhất có thể, tìm lại người thân của Bà cụ năm xưa, người đã cho anh trọ học hơn 40 năm trước trong những ngày đèn dầu thay điện…
Và, những cuộc trở về ấy đã rất gần.
Dương Hương
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/nhan-vat/