Một chuyến đi

Từ năm 1968 đến 1971, thầy giáo Phan Văn Lộc theo khoa Trắc địa, trường Đại học Mỏ-Địa chất sơ tán ở làng Mễ Đậu, xã Cự Đình, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Những năm tháng ấy, trong bối cảnh chung của đất nước lúc bấy giờ, cuộc sống của thầy trò trong khoa ở nơi sơ tán cũng rất khó khăn. Giáo sư Phan Văn Lộc kể: “Đời sống của thầy giáo lúc đó rất khổ. “Cơm” là hạt bo bo nấu, thức ăn là lạc rang cả vỏ, vừa bóc lạc vừa ăn, tay đen, mồm đen. Có hôm nhà bếp rang lạc cả vỏ, và bị cháy, thầy hiệu trưởng đến nhìn thấy, quay sang gọi nhà bếp, trách rằng sao lại để các thầy ăn thế này, còn ra thể thống gì nữa! Nói chung tình trạng vật chất vô cùng khó khăn”[1].

Trong điều kiện sống thiếu thốn đủ đường, ông Lộc và đồng nghiệp vẫn miệt mài đêm hôm soạn những bài giảng cấp tốc, để vừa có tài liệu lên lớp cho sinh viên chuyên ngành sâu, vừa có tài liệu cho các sinh viên chuyên tu ngành rộng.

GS.TSKH Phan Văn Lộc

Công tác nghiên cứu khoa học cũng không vì khó mà trì trệ. Đề tài Thành lập bản đồ địa hình ở vùng mỏ lộ thiên bằng phương pháp chụp ảnh lập thể mặt đất được triển khai ở các mỏ than Hà Tu, Quảng Ninh, trong khoảng thời gian 1969-1970, là do tổ Đo ảnh, trong đó có thầy Lộc là thành viên thực hiện Lúc đó, bộ môn đã có máy chụp ảnh bằng phim kính nhập từ CHDC Đức. Về đo ảnh, vì không có máy, nên phải mang ảnh sang Tổng cục Địa chất để phân tích, vẽ bản đồ. Kết quả của đề tài này là xây dựng được bản đồ địa hình tỉ lệ 1/2000 được thực hiện ở khu mỏ lộ thiên. Đó là sản phẩm đầu tiên ứng dụng đo ảnh lập thể vào việc đo địa hình tỉ lệ lớn ở mỏ lộ thiên, phục vụ cho việc cập nhật số liệu, trữ lượng khoáng sản ở khu mỏ.

Đầu tháng 9-1971, sau khi hoàn thành tờ bản đồ tỉ lệ 1/2000 ở khu mỏ Hà Tu, Quảng Ninh, hai ông Phan Văn Lộc và Lê Văn Hường mang tờ bản đồ để bàn giao cho cơ sở sản xuất. Câu chuyện mà chúng tôi ghi lại được về chuyến đi đó qua lời kể của GS Phan Văn Lộc, quả là một chuyến đi lịch sử, đầy ắp kỷ niệm về một thời gian khó.

“Những ngày đầu tháng 9-1971 mưa nhiều, nước sông Hồng dâng cao, chảy xiết. Tôi và thầy giáo Lê Văn Hường đạp xe từ làng Mễ Đậu – khu sơ tán của khoa Trắc địa, về Hà Nội để mua vé tàu đi Hải Phòng. Những năm tháng đó chúng tôi chú trọng thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Đề tài Thành lập bản đồ địa hình ở vùng mỏ lộ thiên… được thực hiện theo yêu cầu của Công ty than Quảng Ninh. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của nước ta về chụp ảnh lập thể mặt đất để thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn ở khu mỏ lộ thiên phục vụ đo đạc cập nhật. Vì vậy, việc chuyển cho mỏ than Hà Tu ở Quảng Ninh tờ bản đồ địa hình tỉ lệ 1/2000 của khu mỏ lộ thiên, đối với chúng tôi là nhiệm vụ quan trọng.

Khi tàu hỏa đi qua cầu Long Biên, tôi thấy mặt nước sông Hồng chỉ còn cách thanh giằng của cầu không quá 1 mét. Nhiều thanh củi, cây cỏ trôi vun vút qua lòng cầu chạm cả vào thanh giằng. Lòng tôi lo âu về dòng nước lũ đang lên cao. Lo lắng cho mẹ, vợ và con đầu lòng mới hơn một tháng tuổi đang ở trọ tại thôn Mễ Đậu, xã Cự Đình, huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Hưng (sau này tách trở lại thành Hải Dương và Hưng Yên). Không thể hoãn chuyến công tác được. Tôi suy nghĩ miên man và vẽ ra giấy hướng dẫn cho vợ cách ghép các cây chuối vào chiếc hòm gỗ. Ở nơi sơ tán tôi có một chiếc hòm gỗ, loại dùng để đựng giấy ảnh, rất to và chắc chắn. Tôi viết thư dặn vợ, đại ý là nếu đê vỡ, nước lũ tràn về thì cho con vào hòm gỗ, mẹ và vợ bám vào thân cây chuối chờ người cứu vớt. Tàu đến ga Tuấn Lương, tôi gửi thư nhờ người chuyển về cho vợ. Rồi tàu đến Hải Phòng, chúng tôi lên tàu thủy về thị xã Hòn Gai (nay là thành phố Hạ Long), sau đó đạp xe trèo đèo dốc về mỏ than Hà Tu. Suốt dọc quãng đường dài, lòng tôi luôn thấp thỏm không yên.

Về đến mỏ, chúng tôi nhanh chóng hoàn thành việc bàn giao bản đồ để còn lo nước mã hồi về trường.

Trong thời gian ở Hà Tu, tôi tình cờ thấy một phụ nữ người Hoa đang bắc thang hái hoa đu đủ đực. Tìm hiểu, tôi được biết hoa đu đủ đực có công dụng chữa bong gân, sai khớp. Hoa được giã nhỏ cùng một ít muối, sau đó hòa với rượu, rồi xoa vào chỗ bong gân sẽ rất chóng khỏi. Không ngờ phương thuốc dân gian đơn giản này sẽ phát huy hiệu lực giúp chữa lành vết thương cho bản thân tôi sau cơn vượt lũ lịch sử.

Trước lúc rời Hà Tu, chúng tôi được tin về đoạn đê sông Đuống bị vỡ. Nước đã cuốn trôi mấy làng gần khu vực đê vỡ. Người, gia súc, tài sản thiệt hại nhiều chưa lường được. Tôi và anh Lê Văn Hường nhanh chóng rời Hà Tu, về Hòn Gai mua một ít cá khô, rong biển, rồi về Hải Phòng. Ở Hải Phòng, chúng tôi hỏi han tình hình và biết được khu vực Thuận Thành, Hà Bắc, Tuấn Lương, Hải Hưng hoàn toàn bị lũ nhấn chìm. Muốn về Hà Nội thì phải vòng qua Nam Định, còn về ga Tuấn Lương chỉ có thể đi đường sắt đến Hải Dương, sau đó phải đi bộ dọc theo đường sắt, vì quốc lộ 5 đoạn từ Phố Nối đến Hải Dương có chỗ ngập hơn 1 mét.

Hai chúng tôi quyết định đi tàu hỏa về Hải Dương. Đến Hải Dương khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi tìm hàng quán ăn trưa xong quyết định sẽ dắt xe đạp đi dọc theo đường sắt qua ga Cẩm Giàng, để đến ga Tuấn Lương.

Cả hai cùng mặc quần dài, áo sơ mi, đi dép cao su, dắt xe đạp đi dọc đường sắt dần dần xa ga Hải Dương. Trên hai chiếc xe đạp là tư trang, cá khô và rong biển được gói trong túi nilon khá gọn nhẹ. Cách xa ga Hải Dương độ 500 mét, mặt đường sắt chìm sâu dần trong nước lũ. Xa xa trên các đường phố thị xã Hải Dương người đi lại lác đác và phải lội nước ngập đến thắt lưng. Chúng tôi biết, chọn cách trở về dọc theo đường sắt là đúng, vì đường sắt thường cao hơn xung quanh xấp xỉ 1 mét. Chúng tôi đi rất chậm, chân thì dò dẫm trên đường ray, xe đạp được đẩy trên mặt tà vẹt, bánh trước dùng để dò xem tà vẹt có còn hay không, vì nước chảy dưới chân đục ngầu nên không thể nhìn thấy tà vẹt. Có những đoạn đường ray bị lún, do đá dăm dưới tà vẹt bị cuốn trôi mất.

Khoảng 4 giờ chiều, mặt trời hiện ra màu đỏ trong làn mây ẩm ướt. Nhiều vật nổi trên mặt nước trôi lướt qua mặt chúng tôi. Khi thì là con chuột, con rắn còn đang bơi. Có khi ngửi thấy mùi hôi thối, thì ra một con lợn chết trương phình… May mà không phải là một thây ma. Quanh chúng tôi là biển nước mênh mông đục ngầu. Chắc rằng, trước đây hai bên đường sắt là những đồng lúa xanh tươi hoặc các đầm sen thơm ngát nay đã bị ngập nước. Nhìn xa theo mép nước là những lùm cây, có lẽ ở đấy có những làng mạc cũng đang chìm trong nước lũ. Chúng tôi di chuyển chậm chạp, có chỗ nước sâu quá đầu gối. Qua những đoạn đó, dịch chuyển được hơn 1km phải mất hàng giờ.

Trời nhá nhem tối. Tôi đoán khoảng 6 giờ, mặt trời đã lặn sau làn nước đục. Trên bầu trời chỉ còn lại ráng vàng yếu ớt bảng lảng. Chúng tôi cố ý quan sát xem có chỗ nào có thể dừng chân nghỉ lại qua đêm. May thay, ở phía trước bên phải có một cây cao nhô lên và dưới gốc cây có một vệt đen, có lẽ là một rẻo đất nhô khỏi mặt nước. Chúng tôi tiến đến thì thấy một đàn trâu đang tụ tập trên một dải đất hẹp. Phải vác xe đạp lên vai rồi nâng lên quá đầu để lội vượt qua rãnh đất trũng nằm giữa đường sắt và doi đất. Khi đến được doi đất, chúng tôi dồn đàn trâu về một phía, dựng hai chiếc xe đạp dựa vào nhau để làm ranh giới giữa người và trâu. Anh Hường leo lên cây cao bẻ một số cành lá ném xuống cho tôi, chúng tôi đem lót trên mặt đất để làm chỗ ngồi cho đỡ ẩm ướt. Vục xuống nước rửa tay thì vấp phải những sợi dây mềm trơn trượt, tối quá chẳng trông rõ cái gì, có lẽ là những con rắn nước, chắc chúng cũng muốn tìm chỗ trú ngụ.

Chúng tôi ướt sũng, bụng đói, ngồi tựa lưng vào nhau cho đỡ rét. Cũng may đêm đó không mưa, đàn trâu cũng biết thân biết phận, đứng yên không gây phiền hà cho chúng tôi. Cả ngày mệt mỏi nên giấc ngủ cũng đến nhanh. Hai thầy giáo trẻ của bộ môn Bản đồ – Ảnh dựa lưng nhau ngủ ngồi ngon lành đến hừng đông sáng hôm sau. Sáng sớm chúng tôi nhanh chóng làm vài động tác thể dục rồi vác xe đạp lội qua chỗ sâu, quay lại đường sắt để tiếp tục hành trình vượt lũ, thỉnh thoảng nghe tiếng lục ục của tỳ vị do cơn đói.

Nước lũ vẫn ngập sâu và chảy xiết. Tôi không may, chân trái trật khỏi đường ray, chiếc dép đứt quai bị dòng nước lũ cuốn đi. Bàn chân trái bị trẹo nên rất đau. Có lẽ do dầm nước lâu và phải cố gắng tiến về phía trước, nên rồi cơn đau không còn nhói mạnh như lúc mới trẹo chân, mà dần dần chỉ thấy âm ỉ có thể chịu đựng được. Khoảng 9 giờ thì chúng tôi về tới ga Cẩm Giàng. Ga nằm trên một vùng đất khá cao và rộng rãi. Người dân tập trung ở đây rất đông đúc. Họ chạy khỏi những làng mạc quanh vùng đã bị ngập lụt. Một số hàng quán quanh nhà ga vẫn hoạt động. Trên không thỉnh thoảng máy bay AN-2 lượn vòng để thả lương thực cứu trợ người bị lụt. Những bao bánh mỳ được ném xuống, có bao rơi xuống cầu, có bao trúng mặt đất trống, nhưng cũng có bao trúng vào người gây thương tích mà không biết gọi ai cấp cứu. Rồi cũng xảy ra tình trạng cậy khỏe, tranh cướp không chia cho người khác. Cái đói đã làm hỗn loạn nhân tâm, thật đau lòng!.

Chúng tôi đổi một ít cá khô đã sũng nước và một ít rong biển để lấy thức ăn và nước uống rồi tiếp tục lên đường hướng về ga Tuấn Lương. Đường từ Cẩm Giàng về ga Tuấn Lương không bị ngập nhiều, chỉ sâu quá mắt cá chân nên việc di chuyển thuận lợi hơn. Độ 3 giờ chiều chúng tôi về đến ga Tuấn Lương. Hai thầy giáo trẻ chúng tôi mặt mày hốc hác nhìn nhau hoan hỷ, chúng tôi đã chiến thắng một quãng đường dài kinh hoàng trong cơn lũ lịch sử. Từ nhà ga về đến nhà phải vượt qua gần 1km nữa trên cánh đồng trũng khá sâu, có chỗ ngập đến ngực, nhưng chúng tôi không thấy vất vả. Gặp mẹ già, vợ và con thơ, bỗng dưng thấy mọi vất vả, gian truân trong gần 40 tiếng đồng hồ vừa qua tan biến cả. Mẹ con bà chủ nhà mừng rỡ đón tôi trở về như người ruột thịt. Bà chủ kể rằng, sau khi nhận được lá thư của tôi, bà đã động viên an ủi vợ tôi an tâm. Họ coi mẹ tôi, vợ con tôi như người nhà, dù khó khăn nguy hiểm đến đâu cũng không bỏ rơi gia đình tôi”. 

Sau trận lũ lịch sử năm 1971, trường Đại học Mỏ – Địa chất chuyển lên Phổ Yên, Thái Nguyên. Khoa Địa chất là khoa cuối cùng chuyển đi. Từ Hà Nội, theo tàu hỏa lên ga Phổ Yên, rồi ngược lên đến Phố Cò thì rẽ trái vào đến khu vực Mỏ Chè, đó là nơi xây dựng trường Đại học Mỏ – Địa chất. Thầy giáo Lộc là người cuối cùng lên Thái Nguyên cùng với khoa, vì ông phải ở lại Thuận Thành, Bắc Ninh để trông coi một số máy móc của trường chưa chuyển đi.

Nhắc lại một thời đoạn thiếu thốn và khó khăn đó, GS Phan Văn Lộc tâm sự: “Ngay lúc đi học, tôi đã tâm niệm rằng: thế hệ của chúng tôi không phải là thế hệ hưởng hạnh phúc mà là thế hệ khắc phục mọi khó khăn gian khổ để giành thắng lợi. Vì xác định thế nên chúng tôi không suy nghĩ nhiều về hạnh phúc cho riêng mình, mà chỉ suy nghĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà nước giao”.

 

Nguyễn Thanh Hóa (ghi)

___________________________

[1] Những trích dẫn trong bài này là tư liệu ghi âm phỏng vấn GS Phan Văn Lộc, 9-3-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.