Nuôi dưỡng ước mơ
Năm 1954, khi Đặng Trung Thuận đang học lớp 8 tại trường cấp III Phù Cát (huyện Phù Cát, Bình Định) thì lớp của ông và hai lớp 8, 9 của trường cấp III Lê Khiết (Quảng Ngãi) được tập kết ra Bắc. Ông nhớ lại, lúc đó, Ba Lan và Na Uy hỗ trợ Việt Nam hai chiếc tàu để đưa đón học sinh ở các tỉnh thuộc Liên khu V[1]ra Nghệ An học tập. Đoàn tập kết xuống Quy Nhơn rồi đi thuyền máy ra nơi tàu đang neo đậu. Đến Cửa Hội, đoàn xuống tàu, nghỉ ngơi tại Diễn Châu rồi chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất về học tập tại trường cấp III Phan Đình Phùng còn nhóm thứ hai đi bộ lên huyện Anh Sơn nơi trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng đang sơ tán để làm thủ tục nhập học. Hai lớp của trường Phù Cát được xếp về trường Huỳnh Thúc Kháng và vẫn giữ nguyên sĩ số. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường đều là những thầy cô có trình độ. Đặng Trung Thuận nhớ giáo viên dạy môn lịch sử vẽ bản đồ rất đẹp. Còn giáo viên dạy văn học rất uyên thâm về văn học dân gian nên thường đọc những bài thơ, những câu ca dao tục ngữ rất hay khiến cậu rất thích thú.
Chương trình ngoại khóa của trường Huỳnh Thúc Kháng cũng rất phong phú, nhà trường thường tổ chức các buổi chiếu phim cho học sinh. Trò Đặng Trung Thuận rất ấn tượng khi xem bộ phim Bọn quỷ từ giã núi cao của Liên Xô. Bộ phim kể về một đội địa chất đi tìm quặng thủy ngân ở vùng núi Antai miền Trung Á với nội dung xoay quanh trận đụng độ của đoàn địa chất với một nhóm thổ phỉ tại địa điểm mới phát hiện quặng thủy ngân. Sử dụng những vũ khí mang theo và sự kiên trì, mạnh mẽ đội địa chất đã chiến thắng và khiến đám thổ phỉ phải “từ giã núi cao”. Cuối cùng đoàn địa chất đã tìm được mẫu khoáng vật xinaba (chứa kẽm và thủy ngân). Qua bộ phim, Đặng Trung Thuận đã rất tâm đắc: Hoá ra nhà địa chất không chỉ say mê tìm kiếm khoáng sản để phục vụ sự phát triển của đất nước mà còn dũng cảm, mang trong mình khí phách anh hùng và sẵn sàng chiến đấu để giành giật cuộc sống[2]. Điều này là một trong những lý do để sau này ông lựa chọn theo nghề Địa chất.
Ngay thời gian học phổ thông ở Nghệ An, Đặng Trung Thuận đã chứng kiến sự đặc biệt của tầng đất nơi đây. Một lần, đi dọc theo quốc lộ 1 ông thấy có người đang đào huyệt ở khu nghĩa địa ven đường. Ông tò mò dừng lại xem thì thấy ở độ sâu khoảng 1m xuất hiện những lớp vỏ ngao, sò, ốc khá dày. Sau hỏi ra ông mới biết trước đây những khu vực ấy còn là biển nên ngao, sò, ốc chết đi để lại vỏ trong tầng đất. Những tầng đất được tạo nên từ những lớp vỏ này thật đặc biệt, đã được người dân nơi đây cắt thành những viên gạch hình thỏi để xây một ngôi đền ở Diễn Châu mà người ta gọi là Đền Sò. Những điều đó đã khiến Đặng Trung Thuận rất muốn tìm hiểu về cấu tạo của đất đá nơi đây.
Năm 1956, ba trường phổ thông cấp III gồm Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), Lam Sơn (Thanh Hóa), Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) tổ chức Hội đồng coi thi tốt nghiệp chung. Đặng Trung Thuận đã đỗ thủ khoa trong kỳ thi này và chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận, 2018
Nguồn cảm hứng bất tận
Sau khi tốt nghiệp cấp III, Đặng Trung Thuận đăng ký thi hai ngành là Địa chất thăm dò, Liên khoa Mỏ – Luyện kim trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Cơ giới hóa nông nghiệp, trường Đại học Nông Lâm[3]. Khi đọc thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển của trường Bách khoa, Đặng Trung Thuận đã làm thủ tục nhập học luôn và không quan tâm đến kết quả thi trường Nông Lâm.
Ngay khi vào trường, Đặng Trung Thuận đã được học với những người thầy đầu tiên của ngành Địa chất như: Nguyễn Văn Chiển[4], Tống Duy Thanh[5], Tô Linh, Võ Năng Lạc[6], một chuyên gia Liên Xô tên là Nhemkov. Ông nhớ lại: Thầy Chiển là người thầy hiền hậu, thông minh, tốt bụng. Thầy được mọi người tôn sùng, coi là tổ sư của ngành địa chất Việt Nam, bởi thầy là người đầu tiên đem kiến thức địa chất giảng dạy ở Việt
Qua từng bài giảng, qua những chuyến đi thực địa, sức hấp dẫn của nghề địa chất cứ thấm dần vào tâm tưởng của sinh viên Đặng Trung Thuận. Ông thấy mình thật đúng khi lựa chọn ngành Địa chất bởi: Ngành Địa chất đào tạo kiến thức về khoa học trái đất rất rộng lớn. Từ chuyện trên trời dưới biển, chuyện từ hàng trăm triệu năm về trước cho đến tận bây giờ. Hơn nữa, nhà địa chất có thể đi khắp nơi. Tôi đã từng đặt chân đến cả 63 tỉnh thành của Việt Nam nên khi nói chuyện với người đến từ tỉnh nào tôi đều có thể nói về câu chuyện đặc trưng của quê hương họ.
Năm 1959, sau khi hoàn thành chương trình năm thứ ba, Đặng Trung Thuận là một trong số 100 sinh viên ưu tú được Đại học Bách khoa Hà Nội cử sang Liên Xô học tiếp theo chuyên ngành để sau về trường giảng dạy. Năm 1963, trở về từ Liên Xô, ông được phân công giảng dạy tại khoa Mỏ – Địa chất của trường. Việc đầu tiên là ông tiến hành dịch một số sách chuyên ngành từ tiếng Nga sang tiếng Việt làm tài liệu tham khảo cho sinh viên. Năm 1966, Đại học Mỏ – Địa chất được thành lập, trên cơ sở khoa Mỏ – Địa chất tách khỏi Đại học Bách khoa Hà Nội. Đặng Trung Thuận trở thành giảng viên trường Đại học Mỏ – Địa chất rồi hai năm sau ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Năm 1971, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ trở về nước, ông được điều chuyển về khoa Địa lý – Địa chất, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giảng dạy và gắn bó cho tới khi nghỉ hưu (2005). Trong suốt quá trình công tác, ông luôn chú trọng việc nghiên cứu khoa học. Ngay khi trở về từ Liên Xô vào những năm 60 thế kỷ trước, ông đã tham gia nhiều chuyến khảo sát địa chất để phục vụ nghiên cứu khoa học, trong đó có dự án xây dựng Bản đồ địa chất và khoáng sản Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 do ông Trần Đức Lương[7] làm chủ nhiệm. Công việc của ông trong Dự án này là sử dụng các phương pháp của địa hóa để tìm kiếm khoáng sản. Trước tiên là tìm mẫu quặng trên các điểm lộ khoáng sản. Sau đó sử dụng phương pháp của địa hóa nghiên cứu về vành phân tán nguyên sinh[8] và thứ sinh[9] để xác định khu vực đang khảo sát có quặng không. Những điểm xác định khả năng có quặng sẽ được đánh dấu lên bản đồ để sau tiếp tục khảo sát và đưa vào bản đồ địa chất khoáng sản. Năm 2005, công trình tập thể này được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trong các công trình nghiên cứu, phải kể tới đề tài luận án tiến sĩ “Sự tiến hóa hoạt động Magma granitoit trong quá trình hình thành và phát triển địa khối Kon Tum (miền Nam Việt Nam)" mà PTS Đặng Trung Thuận đã bảo vệ thành công tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, năm 1987. Ông đã dành khoảng 10 năm (1975-1985) để tiến hành khảo sát khắp khu vực địa khối Kon Tum (bao gồm cả Bình Định) – mảnh đất quê hương ông để lấy mẫu vật và phân tích sơ bộ. Đó là cơ sở dữ liệu quan trọng để ông hoàn thành đề tài luận án tiến sĩ. Kết quả của luận án đã luận chứng được hai đặc thù của các mẫu đá ở địa khối Kon Tum, đó là sự phân bố không đối xứng trên không gian rộng và sự phân đới mang tính cục bộ địa phương. Đồng thời, luận án đưa ra một số luận điểm chứng minh địa khối Kon Tum có tiềm năng khai thác quặng đồng – molipđen.
Hơn 60 năm học tập và làm việc, có lẽ nguồn cảm hứng với địa chất chưa bao giờ vơi cạn trong nhiệt huyết của GS Đặng Trung Thuận. Ngọn lửa đam mê ấy, ông đã và đang được truyền lại cho các thế hệ học trò. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn miệt mài bên bàn làm việc ở căn nhà tập thể Vĩnh Hồ quen thuộc để tiếp tục thực hiện những dự định khoa học địa chất còn dang dở.
Lê Thị Lợi
* GS.TSKH Đặng Trung Thuận, chuyên ngành Địa chất, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý – Địa chất, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1979-1992).
[1] Thuở đó, Liên khu V gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk.
[2] Ghi âm phỏng vấn GS.TSKH Đặng Trung Thuận, ngày 19-3-2019, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[3] Nay tách thành Học viện Nông nghiệp Việt
[4] Sau là GS.TS Nguyễn Văn Chiển (1918 – 2009), Phó viện trưởng Viện Khoa học Việt
[5] Sau là GS.TSKH Tống Duy Thanh (sinh năm 1936), Chủ nhiệm bộ môn Địa chất, khoa Địa lý – Địa chất, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6] Sau là GS.TS Võ Năng Lạc, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[7] Kỹ sư Trần Đức Lương, sau trở thành Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
[8] Vành phân tán nguyên sinh được hình thành đồng thời (đồng sinh) hoặc sau (hậu sinh) quá trình tạo quặng.
[9] Vành phân tán thứ sinh là các dị thường địa hóa được tạo ra trong các môi trường khác nhau: các trầm tích, nước, khí và lớp phủ thực vật, do kết quả phân hủy, biến đổi thành phần các thân quặng trong quá trình phong hóa.