Cao Ngọc Lâm sinh năm 1933, tại làng Hoành Nha (nay là xã Giao Tiến), huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Làng ông sống chính là phần đất bồi của cửa sông Hồng chảy ra biển, nơi đây tập hợp dân từ nhiều miền quê đến sinh sống và khai hoang. Đất chật người đông, mỗi người dân chỉ được chia 6 tấc đất (gần 15m2) để trồng lúa, vì không đủ ăn nên dân làng phải làm thêm nhiều nghề như buôn bán, thả bè gỗ, thợ nề, thợ mộc…Hoàn cảnh sống như vậy đã khiến người dân, hình thành tính cách cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực và sớm tìm cho mình một hướng đi riêng. Như PGS Cao Ngọc Lâm chia sẻ: Từ xưa đến tận bây giờ, dân làng tôi chỉ đông đủ và tập trung nhất vào những ngày lễ, Tết. Thường cứ sau Tết âm lịch là lại tỏa đi khắp mọi miền để mưu sinh. Vì đi nhiều nơi, học nhiều điều đã dạy dân làng tôi trở nên khôn ngoan, tháo vát, vì vậy mà đời sống cũng đỡ đói khổ hơn[1].
Theo gia phả của dòng họ đang lưu giữ, họ Cao được bắt nguồn từ họ Trần – con cháu của tổ Trần Nguyên Hãn. Trong loạn lạc, Tổ đưa các con cháu chạy trốn về miền đất mới bồi đắp ở cửa sông Hồng lập nghiệp và đổi họ Trần thành họ Cao. Ngày nay, các con cháu của họ Cao vẫn trở về đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Phú Thọ để giỗ. Ngày mới lập nghiệp ở bãi bồi sông Hồng, họ Cao chủ yếu làm ruộng, số ít con nhà giàu mới được đi học. Người làng luôn nhắc câu dặn dò của tổ tiên “Học không hay, cày phải giỏi (việc học là thứ nhất, nếu học không giỏi thì cày cấy phải giỏi)” và trở thành truyền thống của làng. Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, gia đình nào cho con đi học thì phải đi sang vùng khác, riêng con gái trong làng không được đi học quá cấp 1, chỉ con trai được đi học tiếp song cũng rất hạn chế. Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc và thời kỳ đầu chống Mỹ, quê ông vẫn không có trường cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Khi đó, vì Cao Ngọc Lâm có học lực tốt, lại là con trai duy nhất trong nhà nên ông được bố mẹ cho đi học. Trong suốt thời gian học cấp 1, 2, ông đều theo các cậu và các anh trong họ, trong làng đến xã Ninh Cường, huyện Trực Ninh (xa nhà 50 km) để đi học và cuối tuần lại theo mọi người đi bộ về nhà lấy thực phẩm. Theo truyền thống ham học của quê hương, nên gian khổ vất vả mấy, ông cũng không bao giờ bỏ học. Sau này, ông là một trong 6 người trong làng đi học đại học và trở thành nhà khoa học như ngày nay.
PGS.TS Cao Ngọc Lâm xúc động mỗi khi nhớ về quê hương
Trước Cách mạng tháng Tám và đầu thời kỳ chống Pháp (trước năm 1952) gia đình ông thuộc loại giàu có trong làng, ông nội và ông ngoại đều là địa chủ, nhất là bên ngoại. Khi bố mẹ ông lập gia đình, ông ngoại đã cho con gái (mẹ ông) rất nhiều của hồi môn nên gia đình ông có ruộng tư điền, có trâu để cày ruộng và còn cho thuê trâu cày, có vốn nuôi hàng trăm con lợn, có thuyền buôn chở hàng chục tấn gạo lên thành phố Hà Nội, Nam Định bán. Ông chia sẻ: Tôi được các anh chị kể lại, giai đoạn đó gia đình tôi rất có điều kiện về kinh tế. Thậm chí gia đình tôi còn có tới 2 triệu đồng tiền Đông dương cho Chính phủ của Cụ Hồ vay để mua súng đánh Pháp[2].
Sau 1952, kinh tế trong gia đình ông có biến chuyển lớn vì thuyền chở gạo của gia đình bị lính Pháp đánh chìm trên sông Đáy, khi đang ở địa phận thị xã Phủ Lý. Ở nhà, hàng trăm con lợn của gia đình nuôi đều bị dịch chết toàn bộ. Sau những biến cố, nguồn vốn của gia đình cạn kiệt dẫn đến phá sản. Từ đây gia đình ông bắt đầu lâm vào cảnh khốn khổ, quanh năm bị chủ nợ đến chửi bới và đòi nợ. Để có vốn và vực lại kinh tế gia đình, mẹ ông đi vay nặng lãi với lãi xuất lên tới 8%/tháng để đi buôn. Lúc này, Cao Ngọc Lâm đang học lớp 7 nhưng phải nghỉ học, ông cùng bố, chị và em gái ra bãi cói hoang ở cửa sông Hồng để khai hoang. Ông kể: Vùng đất chỉ toàn là cói (bãi cói mọc hoang) cây cao quá đầu. Mấy bố con tôi ngày nào cũng dầm mình trong nước, móc cói đắp lên bờ để khai khẩn đất hoang thành ruộng. Khi đó, chúng tôi ăn không đủ no, có ông lang nhà gần đó có một cây sung, thấy thương quá nên cho cả nhà tôi sang hái để ăn. Vậy là, hàng ngày, chúng tôi hái sung rồi giã nát, chắt bớt nước chát rồi trộn với ít gạo xấu trồng được để nấu ăn qua ngày. Vì dầm nước cả ngày, chân tay ai cũng bị nước ăn. Để có thể tiếp tục làm việc vào hôm sau, bố tôi mua phèn chua, mài ra với nước rồi bôi lên vết thương của ông và các con[3].
Sau một năm nghỉ học đi khai hoang, số ruộng đó gia đình ông bán phần lớn để trả cho chủ nợ, giữ lại một số thửa để trồng lúa. Còn mẹ ông vẫn đi buôn, mua hàng ở vùng này bán sang vùng khác để kiếm lời. Nhưng dù đi khai hoang, cả đi buôn, thì số tiền kiếm được không trang trải được tiền lãi vốn vay đẻ ra, gia đình ông vẫn không có khả năng thanh toán số nợ. Ông nói: Ngày mùa, thuyền chở thóc gạo nối đuôi xếp hàng, thóc phơi đầy sân còn chưa kịp khô đã có người đến lấy. Làm quanh năm suốt tháng mà vẫn không đủ trả nợ. Chủ nợ khi đó không giống kiểu như bây giờ, họ đa phần là những hộ khá giả ở trong làng. Họ không đánh, chỉ chửi mắng cũng đủ khiến gia đình nhục nhã với hàng xóm. Tôi vẫn nhớ cảnh chủ nợ đến nhà, mấy anh em tôi vén nệm rơm ở giường để mẹ trốn phía dưới, chúng tôi ngồi lên trên rồi nói dối là mẹ không có nhà. Đó thực sự là những kỷ niệm, khiến chúng tôi không thể nào quên nổi[4].
Nghỉ học 1 năm để giúp gia đình, Cao Ngọc Lâm nhớ trường lớp. Thương con, bố mẹ lại quyết cho ông đi học. Vì làng Hoành Nha không có trường cấp 3, Cao Ngọc Lâm học tại trường cấp 3 Lý Tự Trọng ở thành phố Nam Định. Trường xa nhà 37km, nên ông ở trọ và về nhà vào cuối tuần để lấy lương thực. Vừa đi học, ông vừa làm thêm như gánh phân thuê bón ruộng, dạy học cho trẻ em, bán báo, gánh rau vào chợ Rồng – Nam Định để duy trì cuộc sống. Ông chia sẻ: Khi tôi học lớp 8, sáng nào cũng dậy từ 4h sáng, đi xa cách thành phố khoảng 5 km để đứng đợi chờ các mẹ, các chị gánh rau vào chợ Rồng rồi xin gánh giúp vào chợ. Đến chợ, tôi thường được họ cho 5 xu đủ mua nửa chiếc bánh mỳ, ăn xong chạy một mạch về trường để kịp vào lớp[5]. Chính cảnh nghèo đói, công nợ cùng cực đã thúc đẩy ông càng quyết tâm: Phải học thật giỏi để tạo dựng nghề nghiệp cứu giúp gia đình thoát nợ. Vì vậy, ông luôn cố gắng và nỗ lực hết mình trong học tập, ông cũng là một trong những người đầu tiên được kết nạp vào Đảng cộng sản khi còn đang học lớp 10 phổ thông. Khi trở thành sinh viên trường Đại học Bách khoa, ngoài tiền học bổng 18 đồng/tháng, ông hầu như không có tiền gia đình hỗ trợ, vì vậy để có tiền may quần áo và mua sách vở cho học tập ông phải đi đội than thuê ở bến Phà đen Hà Nội và đập gang thuê cho lò đúc gang ở Đại học Bách Khoa. Cuộc sống sinh viên dù khó khăn thế nào, ông cũng không bỏ cuộc, quyết học thật giỏi để hy vọng thoát nghèo.
Tượng Phật Bà Quan Âm do PGS.TS Cao Ngọc Lâm cúng tiến được đặt ở trước Chùa làng Hoành Nha
Đến năm 1992, khi các con đã trưởng thành và lập nghiệp, gia đình ông mới chính thức trả hết nợ. Còn ông là người đầu tiên ở quê hương có học hàm Phó giáo sư, bằng Tiến sỹ ngành Khoa học trái đất. Các con cháu trong gia đình và dòng họ đều được học đến nơi đến chốn, nhiều người đi học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, có người có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sỹ.. Để ghi nhớ và giáo dục truyền thống gia đình, lăng Tổ và nhà thờ Họ tại làng Hoành Nha, đã lấy câu “học phải hay, cày phải giỏi” làm kim chỉ nam cho con cháu trong dòng họ Cao Trần cần hướng tới. Ông khẳng định: Chỉ có con đường học hành là con đường đúng nhất, dù đi buôn bán hay làm ruộng cũng phải có kiến thức.
Thúy Tiềm
____________________________
* PGS.TS Cao Ngọc Lâm, chuyên ngành Khoa học Trái đất, nguyên Phó chủ nhiệm khoa Trắc địa, trường Đại học Mỏ – Địa chất.
[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cao Ngọc Lâm, ngày 27-9-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cao Ngọc Lâm, ngày 15-9-2021, đã dẫn.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cao Ngọc Lâm, ngày 15-9-2021, đã dẫn.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cao Ngọc Lâm, ngày 15-9-2021, đã dẫn.
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Cao Ngọc Lâm, ngày 15-9-2021, đã dẫn.