Duyên với quân y

Cậu thiếu niên ấy nay đã trở thành nhà khoa học tên tuổi chuyên ngành sinh lý y học – GS.TS Đỗ Công Huỳnh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sinh lý học Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định nhưng từ năm 1984 đến nay sống và làm việc ở Thủ đô. Bị suy thính giác nặng đã lâu nhưng ông vẫn luôn cố gắng theo dõi chương trình thời sự trên ti vi nhất là tin tức về quê nhà. Về đêm,mỗi khi trở mình, thỉnh thoảng ông lại thao thức nhớ những tháng ngày sống ở Bình Định. Với chất giọng khàn khàn quen thuộc, GS Đỗ Công Huỳnh chậm rãi kể lại ký ức của những ngày đã xa nơi quê nhà, tuy cuộc sống nghèo khó nhưng đầy tình thương của gia đình, làng xóm…

Thuở niên thiếu, Đỗ Công Huỳnh thường tay nải đeo vai cùng bạn học đi bộ hơn 20 cây số đến trường Trung học Nguyễn Huệ qua con đèo Phú Cũ thuộc xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn. Gần đèo là một khu rừng rậm rạp, nghe đồn có hổ nên dù chưa gặp bao giờ nhưng đứa nào đứa nấy cũng sợ xanh mắt mèo. Ngày ấy, các lớp học được tổ chức vào buổi tối để tránh máy bay địch. Mỗi học sinh phải mang theo một chiếc đèn dầu dừa đi học. Có hôm cả đám bị muỗi đốt sưng chân. Tuy khó khăn là thế nhưng chưa có buổi học nào mà các cậu bé vắng mặt.

Năm 1950, khi đang học kỳ cuối đệ nhi niên (tương đương với lớp 7 hiện nay) tại trường Trung học Nguyễn Huệ gần thị trấn Bồng Sơn, Bình Định1, Đỗ Công Huỳnh cùng một số bạn học được gọi nhập ngũ, vừa học làm y tá, vừa phục vụ thương binh tại Bệnh viện Quân y I đóng ở Quảng Ngãi do bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng làm Viện trưởng. Làm việc trong môi trường quân y, chứng kiến sự hy sinh và những đau đớn của bộ đội ta, Đỗ Công Huỳnh khi ấy 15 tuổi tự nhủ phải thực hiện thật tốt các nhiệm vụ được giao.

Gần hai năm làm việc ở Bệnh viện Quân y I cũng là quãng thời gian ông Huỳnh phải chống chọi với căn bệnh sốt rét kinh niên. Khó mà quên được những cơn sốt rét khiến toàn thân run bần bật, hai hàm răng liên tục đập vào nhau. Cơn rét qua đi, cơn sốt cao kèm theo nhức đầu, buồn nôn lại kéo tới. Cứ thế, ông bị sốt rét liên miên, cơ thể gầy sọp và xanh xao. 

Chứng kiến tình trạng sức khỏe của Đỗ Công Huỳnh, Viện trưởng Nguyễn Thúc Tùng gọi ông lên trao đổi: Cháu bị sốt rét kinh niên nặng, hiện không có thuốc điều trị, thêm nữa việc ăn uống ở đây rất thiếu thốn (khi ấy các chiến sĩ và bệnh nhân thường phải ăn cơm nấu từ gạo ẩm mốc, thức ăn chỉ là canh chua nấu từ lá giang với mắm trong một chiếu chảo to chứa đến 40-50 lít nước). Nếu tiếp tục ở đây, chắc cháu khó sống. Bác cho cháu xuất ngũ, cháu hãy đến Phòng Quân y khu V lấy giấy tờ cần thiết để về địa phương. Ở nhà ăn uống có thể khá hơn và cháu có thể tiếp tục sống2. Với tình trạng sức khỏe lúc ấy, ông Huỳnh không dám chắc liệu về nhà thì bệnh tình có thể chữa trị? Và ông cũng không biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. 

Cuối năm 1951, Đỗ Công Huỳnh xuất ngũ. Trở về nhà, nhờ sự chăm sóc của gia đình, bệnh tình ông đã thuyên giảm, tuy những cơn sốt rét vẫn tái diễn nhưng đã thưa hơn. Ở nhà khoảng nửa năm, thấy sức khỏe dần ổn định, ông nhờ bố mẹ xin cho đi học tiếp lớp đệ nhị niên ở trường cấp II Phù Mỹ, xã Mỹ Lợi. Thấy con có khả năng học nên bố mẹ ông đồng ý ngay. Với kết quả học tập xuất sắc, ông và ba người bạn là Phạm Văn Lang3, Phan Bá Triết 4, Đặng Trung Thuận 5 được chọn vào lớp đệ tam niên (lớp 8) duy nhất của trường cấp III ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Mùa thu năm 1954, theo thông báo của nhà trường, ông là một trong số học sinh được chọn tập kết ra Bắc. Sau đó, ông được chuyển ra Nghệ An để học hết lớp đệ tam niên và đệ tứ niên (lớp 9) tại trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng ở Bạch Ngọc, Đô Lương. Đến kỳ nghỉ hè, ông được đưa đi chữa bệnh sốt rét ở Bệnh viện Nghệ An. Lúc này, nhiều bệnh viện đã có thuốc điều trị sốt rét của Liên Xô viện trợ, nhờ vậy, ông đã khỏi bệnh.

Sinh viên Đỗ Công Huỳnh (hàng dưới, thứ nhất từ phải) trong buổi gặp Bác tại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (1957)

Mùa xuân năm 1956, Đỗ Công Huỳnh được triệu tập về Hà Nội tham dự lớp chỉnh huấn tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, không lâu sau thì nhận thông báo sang Liên Xô học tập. Tháng 11-1956, ông đã có mặt tại Moskva rồi được phân vào học ở bộ môn Sinh hóa, khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov. Chính tại ngôi trường này, sinh viên Đỗ Công Huỳnh có cơ hội được gặp Bác Hồ năm 1957, khi Người sang thăm Liên Xô. Sinh viên Đỗ Công Huỳnh coi sự kiện đó chính là may mắn lớn trong cuộc đời. Sau hơn nửa thế kỷ, ông vẫn nhớ như in lời Bác dặn trong buổi hôm ấy: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, các cháu hãy cố gắng học tập thật tốt để về góp phần xây dựng đất nước6.

Vốn thích khám phá cái mới, học hết năm thứ 2, sinh viên Đỗ Công Huỳnh xin “nhảy” sang bộ môn Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao, vì thấy bộ môn này mới mà sinh viên Việt Nam cùng khóa chưa ai theo học. Ghi nhớ lời dạy của Bác, ông đã chăm chỉ học tập, mua và đọc nhiều sách chuyên môn thuộc lĩnh vực sinh học, y học và sinh lý học thần kinh cấp cao để trau dồi kiến thức. Năm 1962, ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sinh lý học và về nước trong sự quyến luyến của thầy cô, bạn bè. Ông được phân công về khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuốn giáo trình đầu tiên do ông biên soạn năm 1965 là Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao, đến nay vẫn được sử dụng làm tài liệu tham khảo tại các trường đại học. 

Năm 1967, ông Đỗ Công Huỳnh trở lại trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva, Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Vào cuối năm 1970, hoàn thành bản luận án, ông trình bày và bảo vệ thành công luận án với Đề tài "Các dẫn liệu về tổ chức chức năng của não trước các loài chim" trước Hội đồng trong khoảng hai giờ đồng hồ, mặc dù khi đó ông bị khản tiếng, phải tích cực nhỏ thuốc chữa họng. Chủ tịch Hội đồng là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô – GS V. I. Kroushinsky đánh giá cao luận án của ông và đề nghị cho in luận án này thành sách. Rất tiếc, ông trở về Việt Nam ngay sau đó nên việc in sách không thực hiện được. Đến dự buổi bảo vệ còn có đại biểu Đoàn thanh niên của sinh viên Việt Nam tại Moskva và đại diện Đại sứ quán Việt Nam. Phía Đại sứ quán đã có bài viết về buổi bảo vệ của nghiên cứu sinh Đỗ Công Huỳnh đăng trên báo Thanh niên của Việt Nam năm 1971. Ông Huỳnh cũng rất phấn khởi khi được biết một số đại biểu đánh giá buổi bảo vệ của ông rất xuất sắc.

Dường như cuộc đời của ông Đỗ Công Huỳnh rất có duyên với ngành quân y. Gần 20 năm sau ngày xuất ngũ, năm 1971ông lại được phân về Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) công tác. Chia sẻ thêm về điều này, GS Đỗ Công Huỳnh cho biết: Cuối năm 1970, tôi về nước và được Bộ Giáo dục phân công về khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vì tưởng chuyên ngành “Sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao” mà tôi học liên quan đến tâm lý. Sau khi sự nhầm lẫn này được phát hiện, cứ ngỡ sẽ về trường Đại học Tổng hợp công tác nhưng tôi lại được phân về Đại học Quân y và chuyển từ giảng dạy, nghiên cứu sinh lý học sang sinh lý y học7

GS.TS Đỗ Công Huỳnh (phải) được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2010

Hơn 30 năm công tác (1962-1997), Đại tá, GS.TS Đỗ Công Huỳnh đã tích cực nghiên cứu khoa học, ông là chủ nhiệm 4 đề tài cấp Bộ, là tác giả/đồng tác giả của 11 cuốn sách/giáo trình chuyên môn, có hơn 30 bài báo khoa học… Các đề tài mà ông thực hiện đều có tính ứng dụng cao, nhất là các nghiên cứu về đặc điểm, ý nghĩa của huyệt châm cứu trong thực tiễn lâm sàng, trong phẫu thuật và điều trị một số bệnh. Ở vai trò người thầy – người lái đò, ông đã miệt mài chở không biết bao nhiêu chuyến đò sang sông. Nhiều thế hệ học trò đã tiếp bước ông trên con đường nghiên cứu khoa học như: TS Vũ Văn Lạp – nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học, Học viện Quân y; PGS.TS Trần Hải Anh – Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học, Học viện Quân y; PGS.TS Nguyễn Văn Tư – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Thái Nguyên; PGS.TS Nguyễn Bá Quang – nguyên Giám đốc Viện Châm cứu Trung ương… Ghi nhận những cống hiến của ông trong sự nghiệp giáo dục, năm 2010, Nhà nước đã trao tặng ông danh hiệu cao quý – Nhà giáo nhân dân.

Nhìn lại những chặng đường đã trải qua và những thành tựu đã đạt được trong nghề, GS Đỗ Công Huỳnh không thể nào quên bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mình. Ông tâm sự: Sau những cơn sốt rét thập tử nhất sinh, vận may đã đến với tôi. Nhờ ơn bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng, tôi đã sống, có cơ hội được đi học tiếp, được giảng dạy, được nghiên cứu khoa học và đặc biệt là lại nên duyên với ngành quân y thêm một lần nữa rồi gắn bó với ngành cho đến khi nghỉ hưu8. Bên cạnh yếu tố may mắn, ông khẳng định để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào đều cần sự đam mê, nỗ lực tự học, tự mày mò nghiên cứu: Đã chọn con đường khoa học thì phải làm theo lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi”9.

Nguyễn Điệp

 _____________________________

1. Thời kỳ 9 năm kháng chiến (1945-1954), Bình Định là một tỉnh tự do, là hậu phương chiến lược của chiến trường Khu V, Tây Nguyên. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), Bình Định thuộc quyền cai trị của chính quyền Mỹ – Diệm.

2. Trích từ Hồ sơ cá nhân khoa học của GS.TS Đỗ Công Huỳnh, 2015, tr.23-24, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

3. GS.TSKH Phạm Văn Lang, chuyên ngành Cơ khí, nguyên là Viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

4. Ông Phan Bá Triết nguyên là Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp ở Vĩnh Phúc.

5. GS.TSKH Đặng Trung Thuận, chuyên ngành Địa chất, nguyên là Chủ nhiệm khoa Địa Lý-Địa chất, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

6. Trích từ Hồ sơ cá nhân khoa học của GS.TS Đỗ Công Huỳnh, 2015, tr.23, tài liệu đã dẫn.

7. Ghi âm GS.TS Đỗ Công Huỳnh, 19-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

8. Trích từ Hồ sơ cá nhân khoa học của GS.TS Đỗ Công Huỳnh, 2015, tr.24, tài liệu đã dẫn.

9. Trích từ Hồ sơ cá nhân khoa học của GS.TS Đỗ Công Huỳnh, 2015, tr.26, tài liệu đã dẫn.