PGS.TS Lê Viết Kim Ba: Nhà khoa học dành cả đời để nghiên cứu màng lọc

Mấy chục năm theo đuổi, nghiên cứu chế tạo và sản xuất màng lọc, PGS.TS Lê Viết Kim Ba đã gặp không ít khó khăn, lúc thì thiếu kinh phí để nghiên cứu, lúc thì sức khỏe giảm sút tưởng chừng không thể làm việc được. Tuy nhiên, những điều ấy không ngăn nổi bước chân của một nữ trí thức mang trong mình những đam mê và khát khao cống hiến thật nhiều cho khoa học. Những thành công trong nghiên cứu, những sản phẩm khoa học do bà tạo ra đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong y tế, sinh học và môi trường. 

Xuất thân từ ''con nhà nòi'' nhưng sự học lắm trắc trở

PGS.TS Lê Viết Kim Ba, sinh ngày 19/6/1943, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cụ thân sinh ra bà là ông Lê Viết Khoa, đỗ tiến sĩ hóa học ở Pháp, sau đó trở về nước, tham gia kháng chiến và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam.

Dù xuất thân là 'con nhà nòi' nhưng con đường học hành của bà lại bắt đầu khá muộn. Tự học với mẹ ở nhà, đến 9 tuổi, Lê Viết Kim Ba mới vào lớp 3. 

Sau khi học xong lớp 5 ở Hà Nội, Kim Ba được lựa chọn sang học tiếp ở thành phố Dresden, CHDC Đức. Thời kỳ đó, theo chủ trương của Nhà nước, nước bạn giúp chúng ta đào tạo nhanh lực lượng cán bộ kỹ thuật, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, nên học hết lớp 8, cô học trò Kim Ba được chuyển sang học về sợi hóa học. 

Nghiên cứu sinh Lê Viết Kim Ba trong buổi bảo vệ luận án PTS tại CHDC Đức năm 1979

Năm 1962, Lê Viết Kim Ba về công tác tại Phòng Hóa học, Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Trong thời gian 3 năm làm việc ở đây, không chỉ miệt mài bên những ống nghiệm hóa học, mà bà còn tranh thủ đọc sách, tự nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao kiến thức cho bản thân. Sự đam mê với hóa học đã thôi thúc bà đăng ký học lớp bổ túc buổi tối thi tốt nghiệp cấp 3, dù bà biết rằng bằng cấp đó chẳng làm cho số lương của bà cao hơn được bao nhiêu. Năm 1969, bà được cơ quan cử đi học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ tốt nghiệp loại xuất sắc, bà được giữ lại trường làm giảng viên và sự nghiệp khoa học của bà đã bước sang một trang mới.

Từ năm 1975-1979, Lê Viết Kim Ba được cử sang Đức làm nghiên cứu sinh và bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu màng lọc polyacrylnitril. Trong 4 năm, bà và thầy giáo đã có 3 sáng chế liên quan đến màng lọc. Những bằng sáng chế này vừa là kết quả của một quá trình cố gắng không biết mệt mỏi trong quá trình làm nghiên cứu sinh, nhưng nó cũng là động lực để bà tiếp tục những đam mê, tâm huyết của mình cho nền khoa học nước nhà. 

Nhà khoa học có 'duyên nợ' với màng lọc

Về nước công tác, bà tiếp tục phát huy sở trường nghiên cứu của mình trong lĩnh vực màng lọc. Năm 1980, TS Lê Viết Kim Ba đã mạnh dạn chủ trì đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo màng thẩm thấu ngược để làm ngọt nước biển” nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho chiến sĩ ở đảo Trường Sa.

PGS.TS Lê Viết Kim Ba

 PGS.TS Lê Viết Kim Ba

Thời kỳ đó, đất nước còn đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế-xã hội, nhiều cơ quan nghiên cứu chỉ lo đời sống cho cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học không được chú ý nhiều. Đề tài được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, sản phẩm nghiên cứu đạt chất lượng không thua kém gì sản phẩm của Liên Xô vào thời điểm đó. Thành công bước đầu giúp bà vững tin hơn để tiến hành những đề tài có ý nghĩa thực tiễn trong cuộc sống thường ngày.

Tiến thêm một bước, năm 1985, TS Lê Viết Kim Ba nhận chủ trì đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu” để điều trị cho các bệnh nhân suy thận. “Khi tôi đến Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ nói màng siêu lọc máu rất cần cho người suy thận nặng nhưng việc nhập khẩu rất khó khăn. Hình ảnh những bệnh nhân đứng giữa sự sống và cái chết ám ảnh tôi, dẫn đến quyết định nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu” – bà chia sẻ.

Thời điểm năm 1985, ngay trước thềm đổi mới, khó khăn về kinh tế ở mức đỉnh điểm, do vậy kinh phí để nghiên cứu cho đề tài cũng không được nhiều tuy nhiên sự thành công của đề tài đã gây được tiếng vang lớn.

Trong hồ sơ nghiệm thu cấp nhà nước diễn ra ngày 25/9/1990 do Bộ trưởng Bộ Y tế – GS Phạm Song chủ trì, ở phần tóm tắt các ý kiến của hội nghị có ghi rõ: “Hướng nghiên cứu của đề tài rất đúng, phù hợp với yêu cầu của ta hiện nay và cả trong tương lai, có tính khoa học hiện đại, có ý nghĩa thực tiễn và nhân đạo. Siêu lọc máu là một phương pháp mới, lý thú, có nhiều hứa hẹn, có thể chữa nhiều bệnh vượt ra khỏi phạm vi bệnh thận. Đây là việc làm đúng hướng để đuổi kịp các nước tiên tiến bằng con đường ngắn nhất. Đề tài đã thành công khả quan. Màng do ta nghiên cứu được đã đạt các chỉ tiêu chất lượng tương đương với màng của nước ngoài. Màng chế tạo đã được 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội (Bạch Mai, Việt Đức, Thanh Nhàn và Viện Quân y 103) kiểm tra chất lượng, lọc máu trên súc vật và 1 lần trên bệnh nhân. Kết quả thu được đều khả quan…”[1]

Sau khi nghiên cứu kỹ kết quả đề tài này, GS Nguyễn Thụ – Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, đã gửi đến hội đồng nghiệm thu một bản nhận xét, đánh giá cao tính thực tiễn của đề tài này. Ông cũng đề xuất: “Tôi đề nghị cho nghiệm thu đề tài, bắt đầu đem ra thử nghiệm trên một số bệnh nhân suy thận mãn có phù nặng mà chưa dùng thận nhân tạo kinh điển hay dùng nhưng kết quả kém. Vừa làm vừa theo dõi, đồng thời xúc tiến: thử hòa hợp sinh học; tiếp tục tạo điều kiện hoàn chỉnh quy tình công nghệ sản xuất màng ổn định; tiếp tục cải tiến tốt hơn các bộ lắp một cách đơn giản hơn để dễ dàng phổ cập”[2] . 

Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) sau đó đã ký hợp đồng khoa học kỹ thuật với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để chế tạo dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu công suất 1.500 cặp/năm.

Sau đó, PTS Lê Viết Kim Ba đã viết luận chứng kinh tế kỹ thuật gửi lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và đầu tư) xin cấp vốn để xây dựng một cơ sở nghiên cứu và sản xuất màng siêu lọc máu. Bản luận chứng trên thông qua ngày 19-12-1990 và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Năm 1991, công trình này được Nhà nước cấp 250 triệu đồng. Khi xây gần xong phần thô thì hết kinh phí, nhà trường không có khả năng cấp kinh phí nên dự án phải dừng lại. Năm 1993, dự án được Nhà nước cấp thêm 100 triệu đồng cho xây lắp nhưng với số tiền này cũng mới chỉ đủ xây xong phần thô. Sau đó, PTS Lê Viết Kim Ba và đồng nghiệp đã liên hệ xin thêm được 50000 DM (318 triệu đồng) của tổ chức Relief organization Misereor (MISEREOR), CHLB Đức. Từ hai nguồn vốn trên, dự án đã xây dựng xong cơ sở nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm màng lọc gồm một nhà hai tầng với tổng diện tích 600m2 mặt sàn. Kể từ đó trở đi, dự án bắt đầu đi vào thực hiện các bước nghiên cứu, sản xuất thử màng siêu lọc máu.

Đánh giá dự án “Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu lọc máu", Hội đồng khoa học cấp Bộ gồm 9 thành viên do GS.TS Lê Vũ Khôi (Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm Chủ tịch, nhận xét: “Về tính khoa học và công nghệ: Đã nghiên cứu chế tạo thành công máy sản xuất màng siêu lọc theo nguyên lý mới do các tác giả đưa ra, cho phép đưa việc sản xuất các loại màng siêu lọc máu từ thủ công lên cơ giới; Màng siêu lọc máu đã được 4 bệnh viện lớn ở Hà Nội kiểm tra và đánh giá đạt chất lượng tốt; Gần đây đã tìm được quy trình công nghệ chế tạo màng có năng suất lọc cao và màng bất đối xứng bảo quản khô. Nhờ các kết quả nghiên cứu trên mà màng của ta đã có bước tiến bộ nhảy vọt về chất lượng. ”[3].

Với những thành công này, bà đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 1990 – giải thưởng thường niên dành tặng cho những nhà khoa học nữ xuất sắc. Đó vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là động lực, trách nhiệm mới để bà tiếp tục trên con đường nghiên cứu khoa học.

Chưa dừng lại tại đó, vào cuối những năm 90, nhận thấy màng lọc dịch tiêm, truyền phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá rất cao, trong khi mỗi năm cả nước cần khoảng 10 triệu lít dịch truyền, TS Kim Ba và đồng nghiệp đã thực hiện dự án nghiên cứu chế tạo các loại màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi trùng và màng tiền lọc. Dự án do bà làm chủ nhiệm, được thực hiện trong 3 năm (1999-2002), đem lại kết quả tốt. 

Sản phẩm được Hội đồng Khoa học cấp nhà nước đánh giá là sản phẩm công nghệ tiên tiến, chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương với màng của các nước phát triển như Anh, Đức… nhưng giá thấp hơn nhiều. “Sản phẩm được thị trường chấp nhận, có sức sống thực sự, cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Ngoài ra, sản phẩm này có tính thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu của ngành y, dược với giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam"[4].

Khi sản xuất hàng loạt, màng lọc này được mang nhãn hiệu DIAMOND. Tính đến năm 2005, màng lọc đã được ứng dụng ở nhiều cơ sở sản xuất, trong đó có Bệnh viện 108, Xí nghiệp Dược phẩm trung ương I, II… PGS.TS Lê Viết Kim Ba và nhóm nghiên cứu của mình đã được tặng Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) từ việc chế tạo thành công màng lọc này.

Hiện tóc đã bạc, mắt đã kém đi nhiều nhưng trên gương mặt bà luôn thường trực nụ cười lạc quan lạ thường. Các nhà khoa học trẻ và thế hệ kế tiếp sẽ còn nhắc đến bà như một tấm gương tự học và tự vươn lên không biết mệt mỏi trong khoa học.

——————————–

[1] Hồ sơ nghiệm thu đề tài cấp nhà nước Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu, ngày 25-9-1990, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Hồ sơ nghiệm thu đề tài cấp nhà nước Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu, ngày 25-9-1990, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Hồ sơ nghiệm thu dự án cấp nhà nước Dây chuyền công nghệ sản xuất màng siêu máu, 1998, tài liệu lưu trữ Trung tâm Di sản các nhà khoa học VN.

[4] Hồ sơ nghiệm thu dự án sản xuất sản xuất thử – thử nghiệm cấp nhà nước Hoàn thiện công nghệ sản xuất màng lọc thuốc tiêm, dịch truyền, màng lọc vi trùng và màng tiền lọc, 2002, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Hà Nam

khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/pgsts-le-viet-kim-ba-nha-khoa-hoc-danh-ca-doi-de-nghien-cuu-mang-loc-c7a739693.html

(Bài viết đã in trong: Di sản ký ức nhà khoa học, NXB Thế giới)