Tâm sự của Dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng dường như là suy nghĩ chung của rất nhiều phụ nữ có chồng con vào chiến trường những năm kháng chiến chống Mỹ. Lời bộc bạch mộc mạc đó đã có sức lan tỏa, thấu cảm và sưởi ấm trái tim của bất kỳ ai. Những ký ức yêu thương của Dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng dẫn chúng tôi về những năm tháng khó khăn của đất nước. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ thấy được hình ảnh của những phụ nữ can trường, sẵn sàng hi sinh vì chồng con, vì gia đình, vì những điều thiêng liêng của Tổ quốc.
Dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một thiếu nữ đẹp có tiếng của trường Nữ sinh Trưng Vương. Bà theo học ngành Dược, sau này bà có nhiều năm là chuyên viên cao cấp của Vụ Khoa học của Bộ Y tế. Bà là vợ của PGS Lê Sỹ Toàn (nguyên Chủ nhiệm khoa Tiết niệu, Viện Quân y 103). Cuộc đời bà cũng giống như của nhiều phụ nữ Việt Nam khác, dành trọn yêu thương cho gia đình, là hậu phương để chồng yên tâm chiến đấu, làm khoa học.
Mối duyên tình cờ
Những năm đầu sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiều anh bộ đội tiếp quản khuyên nhau chẳng nên kết duyên cùng thiếu nữ Hà thành, vì khó lòng chiều được các tiểu thư đài các đó. Nhưng với chàng sinh viên y khoa Lê Sỹ Toàn lại quyết tâm chinh phục bằng được nàng sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Y Dược khoa – Nguyễn Kỳ Minh Phượng. Cũng trái với suy nghĩ của nhiều thiếu nữ Hà Nội lúc đó, Nguyễn Kỳ Minh Phượng rất thích bộ đội bởi lối sống nghiêm túc, chỉn chu. Bà công khai tuyên bố sẽ yêu một anh bộ đội. Duyên số tìm đến nhau, sau này người bạn đời bà lựa chọn chính là anh chàng sinh viên Quân y Lê Sỹ Toàn – người đã tham luận tại Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ hai vào đầu tháng 5-1958, mthường cô là thư ký Đại hội. Hội nghị kết thúc, Lê Sỹ Toàn đứng đợi Nguyễn Kỳ Minh Phượng ở ngoài cổng. Thấy có người lấp ló ở cửa, Minh Phượng vô tư hỏi: “Anh quên mũ phải không?”. Bất ngờ với câu hỏi, chàng sinh viên y khoa bối rối: “Không, tôi đứng chờ Phượng”. Lúc ấy, cô như hiểu được điều gì đó, mặt đỏ bừng vì ngại ngùng. Đúng là “sự vô tình bao giờ cũng mang một sắc thái số phận”, lần gặp mặt tình cờ ấy và món quà là cuốn sách “Người khách lạ” với dòng chữ “Thân tặng người bạn mới quen để ghi nhớ những ngày gặp nhau ở Đại hội” mà chàng sinh viên Lê Sỹ Toàn tặng cho Minh Phượng đã là sự khởi đầu cho một mối quan hệ lâu dài và bền đẹp.
Kể từ đó, họ thường hẹn nhau vào tối thứ năm hàng tuần với biết bao chia sẻ, quan tâm và động viên nhau trong chuyện học hành, công tác đoàn thể. Nhiều buổi, chàng đưa nàng về nhà, rồi nàng lại tiễn chàng ra phố, quay đi quay lại, quyến luyến không rời. Rồi sau 355 ngày quen biết, tìm hiểu, hai người đã nên duyên vợ chồng.
10 năm ở Tây Bắc
“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hoá những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu…”. Những vần thơ của Chế Lan Viên cho đến nay vẫn làm xao xuyến nhiều thế hệ khi nghĩ về Tây Bắc, đặc biệt với những người sống trong những tháng ngày lịch sử của những năm 60 thế kỷ trước, những vần thơ như lời hiệu triệu, thôi thúc họ tiến về những miền xa xôi của Tổ quốc để lao động cống hiến.
Kết hôn chưa được bao lâu, bác sĩ Lê Sỹ Toàn nhận nhiệm vụ lên Tây Bắc làm Chủ nhiệm Quân y Phân khu quân sự Lai Châu, khi người vợ trẻ Minh Phượng mới mang thai con đầu lòng được 3 tháng. Thời điểm ấy, việc học của bà vẫn còn dang dở lại vừa mang trên vai trách nhiệm làm chị cả trong gia đình, người con dâu hiền và người vợ đảm. “Anh cứ yên tâm đi công tác. Em sẽ ở lại Hà Nội với mẹ, các em và đi học. Khi tốt nghiệp em sẵn sàng đi với anh đến cùng trời cuối đất”. Đó là lời bà động viên chồng trước lúc lên đường cũng như lời hứa một lòng thủy chung của người phụ nữ.
Những tháng ngày ở Hà Nội khi chồng đã công tác, Nguyễn Kỳ Minh Phượng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, lo toan. Sinh con gái đầu lòng Phương Lan khi còn là sinh viên năm 3, lại không có chồng bên cạnh chăm sóc, đỡ đần, bà xác định phải độc lập tác chiến, khó khăn cũng phải tự khắc phục vượt qua. Năm 1960, con gái Phương Lan phải nằm điều trị tại Viện quân y 108 tới ba tháng, đó cũng là thời gian bà phải thi cuối kỳ. Không có người thân giúp đỡ vì mẹ bà vẫn đang công tác ở Bệnh viện C, còn em gái thì đang đi học, bà phải nhờ các bạn trong lớp ghi chép bài giảng rồi tranh thủ tự ôn thi trong bệnh viện. Khi đã có hai con, Minh Phượng cũng một mình phải lo toan vì chồng đã lên đường sang chiến trường Lào. Bà không thể quên đợt phải chăm con trai Hồng Quang được 7-8 tháng tuối phải điều trị chàm đỏ trên mặt. Rồi có khi nửa đêm bà phải chùm chăn che gió cõng con chạy vượt qua cánh đồng vài cây số để vào viện cấp cứu. Nỗi vất vả của người mẹ này kể sao cho hết khi phải chăm lo cho con, lại phải lo hoàn thành nhiệm vụ xã hội.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Hà Nội năm 1961, theo lời khuyên của chồng, Nguyễn Kỳ Minh Phượng xin lên công tác ở Sơn La và được chấp thuận. Thời gian đầu mới đến Thuận Châu, bà thường bị những cơn đau đầu hành hạ và phải dùng đến thuốc ngủ – an thần để làm giảm những cơn đau. Nhân một lần về Hà Nội công tác, Minh Phượng đến Viện Tai Mũi Họng và được GS Trần Hữu Tước trực tiếp ghi kết luận trong giấy khám bệnh: “Viêm xoang do bị dị ứng thời tiết. Nếu có điều kiện đề nghị cơ quan bố trí cho chuyển vùng công tác”. Kết luận trong giấy khám bệnh của GS Trần Hữu Tước cộng thêm câu nói của ông Đặng Văn Lầu – Trưởng phòng tổ chức Sở Y tế Sơn La: “Chị Phượng thuộc loại qua cầu gió bay thế này, không biết có trụ nổi hay phải trả về Bộ thôi” khiến bà cảm thấy cảm động trước sự quan tâm của tập thể và quyết tâm phải khỏe để ở lại làm việc. Ở lại vì lời hứa cùng chồng Lê Sỹ Toàn đi tới cùng trời cuối đất, ở lại vì muốn mọi người hiểu và đánh giá đúng về con gái Hà Nội bằng những hành động cụ thể.
Vợ chồng PGS.TS Lê Sỹ Toàn và con gái Phương Lan tại Sơn La, 1967
Vốn là con gái Hà Nội nhưng Dược sỹ Nguyễn Kỳ Minh Phượng không ngại khó, ngại khổ nơi núi rừng Tây Bắc. Bà luôn cố gắng khắc phục những khó khăn và hăng hái tham gia vào các hoạt động tăng gia sản xuất. Vốn chẳng biết làm ruộng vườn nhưng sau này bà lại làm công việc này rất giỏi nhờ cảm hứng từ người chồng Lê Sỹ Toàn của mình. Mới đầu bà chỉ trồng hành và nuôi gà, vịt và ngỗng. Sau này bà nuôi thêm thỏ, chuột, chó, lợn,… và trồng thêm rau xanh, khoai lang, ngô, bí, củ đậu… Hàng ngày bà tranh thủ gánh nước tưới rau và tận dụng mọi nguồn thức ăn để phục vụ cho gia đình, gia súc, gia cầm và bán ra ngoài để tăng thêm thu nhập.
Ba lần nghe tin dữ
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bác sĩ Lê Sỹ Toàn ba lần tham gia chiến trường Lào, phụ trách đội phẫu thuật, điều trị tiền phương ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào. Ông cũng là người tổ chức xây dựng bệnh viện trong hang đá, một bệnh viện dã chiến, thu dung và cứu chữa cho nhiều thương binh ở ngoài mặt trận. Có thời điểm số thương bệnh binh đưa về bệnh viện lên tới hàng ngàn người. Đó là một trường hợp điển hình của sự sáng tạo Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn. Không có một nơi nào trên thế giới lại có thể khắc phục hoàn cảnh và xây dựng được một bệnh viện dã chiến lớn như thế.
Những tháng ngày chồng ở ngoài mặt trận, Dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng vẫn một lòng thủy chung, chăm lo cho gia đình và hoàn thành xuất sắc công tác của bản thân. Bà được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Cán bộ y tế Sơn La, đồng thời trực tiếp giảng dạy, đào tạo nhiều lớp dược tá, cung cấp cán bộ phục vụ cho nhân dân.
Những bức thư từ Lào gửi về là nguồn động viên tinh thần lớn lao, để bà cố gắng, phấn đấu hơn nữa. Ấy vậy, nhiều lần bà phải khóc hết nước mắt vì nhận được tin chồng hy sinh. Đó chính là lý do bà sợ mỗi lần các anh bộ đội đến thăm nhà, vì biết đâu họ sẽ thông báo chồng mình đã hi sinh ngoài mặt trận. Sau 3 lần nghe tin chồng đã hi sinh ngoài mặt trận, bà càng cố gắng tránh mặt bộ đội. Lần ấy, một anh bộ đội khoác ba lô bước vào sân cất lời chào nhưng bà không trả lời, vì bà sợ lại nghe thấy tin báo tử. Bà không ngờ đó là người chồng thân yêu, khi ông cất tiếng hỏi: “Ơ kìa, em không nhận ra anh à”. Ngước mắt lên, hình ảnh một anh bộ đội với thân hình gầy guộc, da sạm đen, chỉ có nụ cười tươi là tỏa sáng. Bà chợt nhận ra giọng nói thân thương và chạy đến ôm thật chặt, khóc nức nở. Bà tưởng rằng chồng sẽ không bao giờ trở về nữa.
Sau Hiệp định Paris (1973), bác sĩ Lê Sỹ Toàn được phân công sang CHDC Đức để học tập. Trước khi sang Đức, người vợ thân yêu của ông đã dành thời gian để động viên, hỗ trợ chồng học tiếng Đức. Hai năm ở Đức (1974-1976), chỉ cần chồng viết thư về yêu cầu tài liệu nào là bà lại lục tìm ở mọi nơi, đánh máy và gửi sang cho chồng.
Năm 1976, gia đình bà được phân một căn nhà tập thể ở phố Thọ Lão và ở đó cho mãi đến năm 2013. Những năm kinh tế đất nước khó khăn, bà vẫn gồng mình để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, để chồng yên tâm công tác và nghiên cứu khoa học. Còn trong công việc của mình, bà được biết đến là một phụ nữ thông minh, nhiệt thành ở Bộ Y tế. Nhiều đời Bộ trưởng Y tế đều dành tình cảm quý mến với nữ chuyên viên Nguyễn Kỳ Minh Phượng luôn công tư rõ ràng, minh bạch, làm việc nghiêm cẩn. Bà đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, thi đua lao động sáng tạo của Bộ Y tế.
Phụ nữ Việt Nam ở mọi thời kỳ lịch sử đều vậy, đảm đang, thầm lặng hi sinh cho chồng, cho con. Dược sỹ Nguyễn Kỳ Minh Phượng là một trong những người phụ nữ điển hình ấy. Bà chẳng phải một nhà chính trị, không phải một nhà khoa học nổi danh. Nhưng bức tranh phụ nữ Việt Nam sẽ chẳng thể đầy đủ nếu thiếu đi những cuộc đời như của Nguyễn Kỳ Minh Phượng. Ký ức của bà cũng mang hình dáng của nhiều người phụ nữ Việt Nam khác. Đó là ký ức của yêu thương, ký ức của lịch sử.
Vũ Thị Thùy
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam