1-Từ câu chuyện dân tộc học – nhân học…
Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội được tách ra khỏi khoa Văn Sử từ năm 1956 thì đến năm 1960 mới có Tổ dân tộc học. Đến năm 1967 thì Tổ được nâng cấp lên thành Bộ môn. Mãi đến năm 2004 Bộ môn Dân tộc học (DTH) mới đổi tên thành Bộ môn Nhân học, năm 2010 thành lập Bộ môn Nhân học trực thuộc trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nôi, và năm 2015 trở thành Khoa Nhân học. Đây là một bước ngoặt trong nghiên cứu DTH-nhân học. Nói như vậy bởi vì theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN (BTDTHVN), thì trong nhiều năm, việc nghiên cứu DTH ở Việt Nam vẫn chủ yếu theo lối cũ, tức là nghiên cứu từng dân tộc/tộc người, tìm ra bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc như tập trung xác định thành phần dân tộc, thậm chí tìm ra được đúng tên gọi dân tộc đó, tất cả chỉ nhằm trả lời câu hỏi: Việt Nam có bao nhiêu dân tộc. Và con số này được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc điều tra dân số năm 1979, cho đến nay vẫn giữ nguyên, cho dù một số dân tộc được xác định chưa thật sự có đầy đủ cơ sở khoa học. Nhưng dù sao, đó cũng là thành quả của cả một quá trình nghiên cứu rất công phu của các nhà DTH thời đó. Họ “ba cùng” với bà con vùng cao có khi cả mấy tháng trời trong một chuyến điền dã, không về nhà ăn Tết với gia đình được; có khi đi bộ 3 ngày trời mới tới được vùng đồng bào sinh sống. Ông Huy cũng thừa nhận, hồi đó nghiên cứu DTH như là ảnh chụp, nó tĩnh, nó chỉ nghiên cứu những gì đã có trong truyền thống, nó thiên về lịch sử, về quá khứ, không chú trọng đến chiều cạnh thời gian; nó tiếp cận với con người nhưng lại bỏ qua yếu tố cá nhân/con người.
Cho đến khi nghiên cứu DTH chuyển sang hướng nhân học như xu thế chung của thế giới đương đại, thì mọi chuyện đã khác hẳn. Nhà Nhân học khi nghiên cứu đối tượng của mình là con người đã phải nâng thêm một tầm mới. Chẳng hạn bằng những lý giải về sự thay đổi tập tục của mỗi dân tộc, về quá trình biến đổi sắc thái văn hóa của dân tộc đó và giải thích cho được tại sao chủ thể lại mong muốn và thực hành sự biến đổi đó. Điều quan trọng là, những lý giải này không phải từ sự duy ý chí của nhà nghiên cứu, mà phải bằng chính tư duy của chủ thể văn hóa. Như vậy, nghiên cứu nhân học là nghiên cứu thiên về hiện tại, cũng như dự báo cả tương lai. Ví dụ TS Trương Huyền Chi nghiên cứu về giáo dục hiện tại ở Tây Nguyên thông qua cái nhìn của chính thày cô giáo và học sinh để chỉ ra những mâu thuẫn trong vùng đa dân tộc và khẳng định tính chủ động của thanh niên Mnông trong việc xác lập vị trí xã hội của mình; TS Nguyễn Công Thảo ở Viện Dân tộc học viết cuốn sách khảo cứuTìm phố trong làng, nghiên cứu sự thay đổi không gian làng, xem xét chính những người già ở đó hoài niệm cái cũ, tiếp nhận cái mới như thế nào. Hay như công trìnhCộng đồng kiến tạo, tộc người với quốc gia dân tộc trên thế giới và Việt Namcủa PGS.TS Vương Xuân Tình vừa mới xuất bản, tổng quan những vấn đề cơ bản về tộc người, dân tộc Việt Nam với rất nhiều vấn đề mới về nhân học được đặt ra.
2-Đến góc nhìn mới với những sự việc cũ
Nói đến “bảo tàng” là người ta đã hình dung ngay đến một không gian của quá khứ, của những sự việc cũ, mang tính truyền thống, cần bảo tồn. PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định: Một bảo tàng chỉ có bảo tồn là một bảo tàng chết. Cũng như nghiên cứu DTH mà chỉ nghĩ đến tìm hiểu những giá trị truyền thống tĩnh tại/bất biến thì sẽ không thể tiệm cận được với sự thực lịch sử và tính cách của văn hóa.
Ông Huy kể câu chuyện của chính mình:
“Năm 1974-1975, tôi được cử đi học tại Liên Xô về cách áp dụng nghiên cứu xã hội học trong DTH. Bản chất của nó chính là vấn đề điều tra khảo sát những suy nghĩ, những mong muốn của con người trong xã hội; nó giống nhân học hiên nay ở chỗ đó nhưng khác là xử lý những tư liệu theo đám đông, còn nhân học thì bám vào những con người cụ thể trong bối cảnh của mình. Về nước, tôi rất quan tâm đến việc ứng dụng chúng trong các nghiên cứu của mình ở Viện Dân tộc học. Ngay từ năm 1980, Viện có chủ trương xây dựng một bảo tàng DTH ở nước ta. Viện trưởng Bế Viết Đẳng giao cho Viện phó Đặng Nghiêm Vạn phụ trách vấn đề này cùng với trưởng phòng bảo tàng là bà Lê Thị Nhâm Tuyết. Sau GS Vạn được cấp trên giao nhiệm vụ thành lập Viện Nghiên cứu Tôn giáo thì tôi là Viện phó Viện DTH được nhận bàn giao công việc này từ năm 1983. Mãi đến năm 1995 thì mới có quyết định của Chính phủ thành lập BTDTHVN. Tôi đã nghĩ đến một BTDTH dưới cách tiếp cận con người, trong một xã hội luôn biến chuyển. Đó là cách tiếp cận đời sống đương đại của các dân tộc. Bằng cách tiếp cận này chỉ trong vòng 2 năm Bảo tàng đã hoàn thành việc tìm kiếm, sưu tầm tư liệu hiện vật và ghi được những câu chuyện liên quan – 2 yếu tố rất quan trọng để làm nên các trưng bày và hoạt động của bảo tàng. Và năm 1997 thì BTDTHVN khánh thành, mở cửa cho khách tham quan.
Thành công của BTDTHVN chính là ở góc nhìn mới với các sự việc cũ. Bản sắc của mỗi dân tộc được chính chủ thể văn hóa của dân tộc đó thể hiện; cuộc sống hiện tại của họ được hiện diện tươi mới ngay trong khuôn viên bảo tàng. Truyền thống đã được tiếp nối, hòa quyện ngay trong đời sống đương đại.
Cũng với sự thay đổi tư duy trong cách tiếp cận lịch sử, trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc lập” diễn ra ngay tại khuôn viên Dinh Độc lập (TP HCM) cách đây hơn 2 năm (3/2018) nhân kỷ niệm Dinh 150 năm tuổi, đã thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Người ta thấy một Sài Gòn năng động, một tổng thống Việt Nam Cộng hòa dưới một dáng vẻ khác với cái ta quen gặp trên truyền thông, đĩnh đạc và bặt thiệp nhưng cũng đầy quyền uy trong một chế độ gia đình trị. Lịch sử đã được diễn giải một cách khách quan, không một chiều, không “định hướng”. Ông Nguyễn Văn Huy – người tham gia tư vấn thiết kế nội dung trưng bày này nhớ lại: Khi chờ đợi khai trương, tất cả chúng tôi đều “nín thở”, bởi nếu quan điểm tiếp cận ấy không được xã hội chấp nhận, thì bao nhiêu công sức của nhóm công tác trong suốt 4 năm trời trải dài từ Việt Nam đến Mỹ sẽ xuống sông xuống biển. Rất may, khách tham quan đủ mọi giai tầng, xu hướng đều chia sẻ, cảm nhận với những câu chuyện được kể rất thực bởi những giọng nói khác nhau của chính người trong cuộc. Chúng tôi nghĩ một trưng bày như thế là đã thành công.
Được hỏi về những tiếp cận nhân học trong các bảo tàng Việt Nam hiện nay, ông Huy cũng thừa nhận một thực tế là rất thiếu chủ thể, thiếu tiếng nói của con người trong trưng bày. Chính vì vậy, nơi đây trở nên buồn tẻ, không thu hút được khách, nhất là thế hệ trẻ, bởi người ta không tìm thấy mình trong đó, hay nói cách khác là bảo tàng không lột tả được hơi thở thời đại, nó khái quát quá thành khô cứng, mất tính cụ thể, sống động-con người. Bài học của Bảo tàng Hà Nội vẫn còn đó, rất may là sai lầm trong cách tiếp cận lịch sử khi thiết kế trưng bày mấy năm trước đã được dừng lại và nay đang thay đổi tích cực.
Biết PGS.TS Nguyễn Văn Huy đang cùng Bảo tàng Sơn La tìm kiếm nội dung cho phòng trưng bày tương lai ở di tích lịch sử nổi tiếng Ngã Ba Cò Nòi, tôi hỏi ông:
-Các cán bộBảo tàng Sơn Lanói rằng thông qua việc này, họ có nhận thức mới trong trưng bày lịch sử để làm sao “ra” được sắc thái sự kiện Cò Nòi, đặc biệt yếu tố con người được nhấn mạnh ở đó?
Lặng im một lúc khá lâu như để nén xúc động, rồi ông Huy lại nói như “rút ruột”:
-Chúng tôi đã tìm gặp những nhân chứng lịch sử của Cò Nòi bảy chục năm trước: những bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến ở cái rốn bom đạn này, nơi có con đường 41 (nay là đường 6) độc đạo đi lên chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là lính văn nghệ (như ông GS chèo Trần Bảng, ông Phạm Như Khôi); họ là anh hùng phá bom bươm bướm nổ chậm như ông Nguyễn Tiến Thụ; đội trưởng, đội phó các đội TNXP như ông Nguyễn Tiến Năng – sau là thư ký suốt đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng; họ là những chiến sĩ TNXP như ông Trần Khắc Lộng – sau này là cha đẻ của ngành BHYT, Nguyễn Đình Thiềng sau lại tái ngũ vào chiến trường B, ông Hoàng Ngọc Đức sau là kỹ sư cán thép. Mỗi người một chuyện. Họ kể lại về cuộc sống và chiến đấu trện tọa độ lửa này, kể về mình, về đồng đội, về những người đã hy sinh để mình được sống đến tận bây giờ…Câu chuyện của họ hòa quyện trong nước mắt
Những câu chuyện xưa của những con người nay, chưa bao giờ được kể ở Bảo tàng Sơn La. Rất đáng tiếc. Và nó sắp được kể…
-Tôi có nghe nói Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sắp khai trương một trưng bày về Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học tại Cao Phong (Hòa Bình) mà ông cũng tham gia tư vấn? Liệu những vấn đề khoa học khô khan ấy có “chạm đến trái tim” công chúng?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy và cộng sự kiểm tra trưng bày Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học
-Đó là những câu chuyện rất hay, như GS Nguyễn Anh Trí nói là “rất đời và rất người”, chứ không chỉ là những công thức dài ngoằng, những thuật ngữ khoa học cao siêu và khó hiểu. Trưng bày sẽ không chỉ nói về các giá trị của công trình hay nhóm công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà chính là lao động sáng tạo của các nhà khoa học dẫn đến giải thưởng cao quý đó, những câu chuyện làm khoa học của họ; cả những suy tư rất đời thường mà họ đã tâm sự một cách chân thành nhất.
Hẳn rằng, những trưng bày được tiếp cận nhân học, chan chứa yếu tố con người ấy sẽ “chạm đến trái tim” công chúng nhiều thế hệ, bởi, nó được làm ra từ tâm huyết và trí tuệ của những con người như ông Huy.
Nhà báo Nguyễn ThịTrâm
* Bài đã được đăng trên chuyên mụcTinh hoa Việt, báo Đại đoàn kết, số 130, ra ngày 25-8-2020.