PGS.TS Thái Quý sinh năm 1934 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1950, khi tròn 16 tuổi ông gia nhập Quân đội và tham gia kháng chiến, qua một lớp sơ cấp Y tế ông trở thành một y tá phục vụ trong Quân đội. Năm 1960, ông được cử đi học ở Đại học Y Hà Nội để nâng cao trình độ chuyên môn, do kết quả học tập tốt nên sau khi tốt nghiệp ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Năm 1970, ông được cử về Khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (tiền thân của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) làm việc cùng GS Bạch Quốc Tuyên – một chuyên gia về Huyết học lúc đó – từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Huyết học – Truyền máu.
Năm 1979-1980, ông được cử đi thực tập khoa học tại Pháp, đây là cơ hội để ông được tiếp cận, học tập những kỹ thuật hiện đại của ngành Y. Ngoài việc học tập nghiên cứu, ông còn được tham gia các phong trào vận động hiến máu nhân đạo trên đất Pháp và nhận thấy: “Pháp đã tổ chức được một hệ thống tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo có hiệu quả. Sớm nhận thức được ý nghĩa của phong trào nên tôi cố gắng tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm từ khâu tổ chức, vận động hiến máu nhân đạo cho đến cách bảo quản tốt nhất nguồn máu sau khi tiếp nhận… để về vận dụng ở Việt Nam”[1].
Trước năm 1980, ở Bệnh viện Bạch Mai, nguồn máu cung cấp cho các bệnh nhân chủ yếu huy động từ người thân của bệnh nhân, hoặc tiếp nhận máu từ những người tự nguyện có trả một khoản bồi dưỡng và lượng máu được viện trợ từ nước ngoài… Lượng máu dự trữ ở các bệnh viện hầu như rất kham hiếm do nhận thức của người dân hạn chế, nhiều người lo hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Bạn đồng hành" của PGS.TS Thái Quý từ những ngày đầu
gây dựng phong trào hiến máu nhân đạo
Cuối năm 1980, Bác sĩ Thái Quý về nước và trao đổi với GS Bạch Quốc Tuyên về vấn đề này, lúc đó, Khoa Huyết học Truyền máu của Bệnh viện Bạch Mai cũng đang gặp khó khăn trong tổ chức hiến máu do thiếu cán bộ có kinh nghiệm. Vì thế, bác sĩ Thái Quý được lãnh đạo Khoa giao trách nhiệm cùng đồng nghiệp lên kế hoạch, tổ chức và vận động phong trào hiến máu trong cộng đồng. Ban đầu, ông và các đồng nghiệp lấy giấy giới thiệu của Khoa đến các trường đại học, các cơ quan, xí nghiệp nhà nước để vận động sinh viên, công nhân và cán bộ tham gia hiến máu. Trường Đại học Y Hà Nội là điểm đến đầu tiên để ông và đồng nghiệp thực hiện việc vận động hiến máu, vì theo ông hơn ai hết sinh viên ngành Y luôn hiểu rõ về tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người. Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Thái Quý nhận thấy rằng: “Để có sự đồng thuận của mọi người tham gia hiến máu thì trước hết chúng tôi phải vận động để thủ trưởng cơ quan hiểu và ủng hộ. Chỉ cần thủ trưởng ra tham gia thì những người khác sẽ nhiệt tình ủng hộ…”[2]. Tuy nhiên khâu quan trọng nhất trong vận động hiến máu chính là tuyên truyền, thuyết phục để mọi người hiểu rằng: Hiến máu không chỉ để cứu giúp người bệnh mà sức khỏe bản thân người cho máu không hề bị ảnh hưởng.
Điều kiện vật chất và phương tiện đi lại lúc bấy giờ rất khó khăn, hàng ngày để đến các cơ quan vận động bác sĩ Thái Quý cùng các đồng nghiệp thường đi bộ, may mắn lắm thì mượn được xe đạp để cùng đi. Thời kỳ đó, xe đạp cũng hiếm, cán bộ nhân viên trong cơ quan nhà nước được mua một chiếc xe đạp phải qua bình chọn rất khó khăn. Dịp may đến với bác sĩ Thái Quý, khi Trường Đại học Y Hà Nội được phân bổ một số xe đạp để bán cho cán bộ trong ngành. Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều nên ông được giới thiệu đến về Đại học Y để mua một chiếc xe phục vụ cho kế hoạch vận động, gây dựng phong trào hiến máu. Đó là một chiếc xe đạp nữ mang nhãn hiệu Peugeot của Pháp và như ông chia sẻ: “Có được chiếc xe đạp lúc đó là rất may mắn, có nó tôi đi đến các cơ quan nhanh hơn, đỡ vất vả hơn và tất nhiên công việc cũng tốt hơn… Hơn nữa, chiếc xe không chỉ là một phương tiện tốt cho việc đi lại mà dần trở thành một người bạn”. Từ đó, chiếc xe đạp luôn cùng ông rong ruổi khắp nội thành đến vùng ngoại thành, dù mùa hè nắng nóng hay mùa đông giá lạnh để liên hệ, phát động, tổ chức phong trào hiến máu. Sau này, khi trở thành lãnh đạo Viện chiếc xe đạp cũng vẫn là phương tiện đi lại yêu thích của ông.
Năm 2000, sau khi PGS.TS Thái Quý nghỉ hưu, ông được mời về phụ trách chuyên môn của Công ty công nghệ xét nghiệm Y học MEDLATEC và chiếc xe đạp lại tiếp tục là người bạn "song hành" cùng ông trong quá trình xây dựng và phát triển Công ty thành một bệnh viện đa khoa. Sau nhiều năm sử dụng, chiếc xe đạp đã phải thay thế nhiều bộ phận, màu sơn ban đầu cũng đã biến đổi theo thời gian. Trao tặng Trung tâm chiếc xe, PGS Thái Quý chia sẻ: “Đối với tôi, chiếc xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà nó đã gắn bó và thân thiết như “người bạn” đồng hành, mỗi khi nhìn thấy nó, bao nhiêu kỷ niệm của cuộc đời tôi lại sống lại một cách đẹp đẽ”[3].
Bùi Minh Hào – Giang Thị Nhung
______________________
[1]Phỏng vấn PGS.TS Thái Quý ngày 15-4-2013. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Như trên.
[3]Như trên.