“Vệ sĩ của đôi mắt”- kỷ vật gợi nhớ về một vị Bộ trưởng

Ba năm, một thời gian không còn là ngắn ngủi, nhưng cũng chưa đủ để bà Trần Thị Quế có thể nguôi ngoai nỗi đau về sự ra đi đột ngột của GS.TS Bùi Danh Lưu. Nỗi nhớ ông vẫn ăm ắp trong lòng bà, chực có cơ hội là trào dâng… Bởi với bà, mỗi khi nhìn cặp kính bà như gặp lại hình ảnh ông – GS.TS Bùi Danh Lưu trong những ngày còn sung sức, bôn ba trên những con đường, khi thì chìm trong bụi mù lúc lại trên những cung đường gập ghềnh hiểm trở… Trong dòng ký ức ùa về, bà kể: “Từ thời phổ thông ông đã thích ký tên và rất thích đeo kính, nhiều khi ông đeo kính mắt không số, vì muốn mình là trí thức,... Thế là cuối đời ông cũng được toại nguyện, có nhiều loại kính để đeo và phải ký rất nhiều khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải”[1]

GS.TS Bùi Danh Lưu sinh năm 1938 ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Năm 1976, sau khi bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ ở Tiệp Khắc, về nước ông được giao trọng trách Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Giao thông Vận tải, rồi Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật, Bộ Giao thông Vận tải. Tháng 11-1982, ông được bầu làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và với những cống hiến và kinh nghiệm của mình, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vào tháng 6-1986.

Người ta thường nói “phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”, sau sự thành công trên con đường công danh, sự nghiệp của Bùi Danh Lưu – nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải luôn có bóng dáng bà Trần Thị Quế – người bạn đời đã gắn bó, đồng hành cùng ông từ năm 1956, ân cần chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho ông và chu toàn gia đình để ông an tâm công tác.

Thấy chồng thường xuyên phải đi thị sát trên các cung đường đầy bụi bặm trong thời tiết nắng gió, đôi mắt rất cần được bảo vệ, mặc dù ông cũng có một chiếc kính râm nhưng mắt kính nhỏ không đủ để che bụi. Khoảng năm 1988, biết ông muốn chọn mua loại kính râm mắt to vừa để đỡ chói mắt và tránh bụi khi đi xuống kiểm tra các công trình giao thông, sẵn dịp được nghỉ cả hai ông bà “dắt nhau” lên Hàng Gai chọn mua một cặp kính râm. Cặp kính được hai ông bà chọn mua có gọng bằng kim loại màu vàng nhạt, gọng trái có chữ “Arsenal”, mắt kính thủy tinh màu nâu nhạt to bản rất phù hợp với "yêu cầu" của hai ông bà. Từ đó, “mỗi khi đi công tác, bước xuống xe, bao giờ việc đầu tiên của ông là đeo ngay chiếc kính này vì mắt kém và để tránh bụi[2]– bà Trần Thị Quế chia sẻ.

“Vệ sĩ của đôi mắt” gắn bó hơn hai chục năm với GS.TS Bùi Danh Lưu

Hơn hai chục năm cặp kính hai ông bà chọn mua gắn bó với Bộ trưởng Bùi Danh Lưu cũng là từng ấy năm cặp kính "vệ sĩ" đặc biệt ấy song hành cùng ông trên những con đường, qua những chuyến công tác khi ông ở cương vị cao nhất trong ngành Giao thông. Những năm vừa được bổ nhiệm vị trí mới, ông phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi trở thành “thuyền trưởng” của một trong những ngành trụ cột, có ảnh hưởng lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước. Trong cuốn hồi ký viết cho vợ con vào khoảng năm 2008 ông đã viết: “Có người ví: Anh đã tiếp quản một gia tài sau nạn đói năm 1945 hoặc là sau trận B52 hủy diệt[3]. Với bản lĩnh của một người trưởng thành trong ngành từ cán bộ bình thường, sự tâm huyết và tình yêu nghề, GS.TS Bùi Danh Lưu đã từng bước tìm những giải pháp phù hợp để đưa ngành giao thông vượt lên khó khăn. Ông quan niệm muốn làm gì cũng phải nhìn tận nơi, cảm thấy thực sự hiện trạng của sự vật, nên từ Hà Giang địa đầu Tổ quốc đến đất mũi Cà Mau, hay những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, kể cả vùng hải đảo, ông cũng đặt chân đến thị sát và nghiên cứu kỹ càng để tìm hướng khắc phục tình trạng giao thông. Những cây cầu, bến phà, con đường như cầu Sài Gòn, cầu Việt Trì, cầu Phú Lương, cầu sông Gianh, quốc lộ 1A, QL5, QL6… đều được ông “bám lại” trực tiếp chỉ đạo xây dựng và cải tạo sát với tình hình thực tế trong suốt hơn chục năm làm Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bùi Danh Lưu (thứ 3 từ trái) cùng đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi trên đường khảo sát Vịnh Dung Quất, khoảng đầu những năm 90

Trên những con đường mà GS.TS Bùi Danh Lưu đã đặt chân, cặp kính râm hai ông bà cùng nhau đi mua ngày nào – trở thành bạn đồng hành thân thiết với ông, như “vệ sĩ của đôi mắt”. Hình ảnh vị Bộ trưởng với cách ăn mặc giản dị và cặp kính râm to bản thường trực trên khuôn mặt đã trở nên quen thuộc đối với cán bộ ngành Giao thông trong mỗi lần ông tới kiểm tra, giám sát các công trình.

Sau mỗi chuyến đi, khi ông về nhà cặp kính lại được bà Trần Thị Quế cẩn thận lau chùi sạch sẽ và cất vào trong hộp. Sau khi ông mất, "báu vật" đó vẫn được bà trân trọng lưu giữ cẩn thận, nhờ đó, dù đã 26 năm nhưng cặp kính vẫn vẹn nguyên. Qua câu chuyện về chiếc kính râm bà kể, chúng tôi những thế hệ sau chưa được một lần gặp ông nhưng cũng hiểu phần nào về vị Bộ trưởng – một con người giản dị, tích kiệm trong lối sống và lớn lao về trí tuệ trong những đóng góp cho ngành Giao thông Vận tải nói riêng và cho đất nước nói chung.

Hoài Thu – Bích Hạnh

_________________

[1] Ghi âm bà Trần Thị Quế, ngày 18-1-2014

[2] Như trên

[3] Trích hồi ký của GS.TS Bùi Danh Lưu, hiện đang lưu giữ bản scan tại Trung tâm