Hai cái Tết đặc biệt

Năm 1958, Trần Huy Oánh là học viên năm thứ 2 hệ trung cấp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Như những năm trước, gần đến Tết ông thường tranh thủ giờ giải lao hoặc ngày nghỉ ra khu triển lãm Vân Hồ (Hà Nội) viết chữ thuê để kiếm tiền mua vé tàu về quê. Năm ấy, ông chuẩn bị về trong tâm trạng buồn chán vì nghĩ đến gia cảnh, ngôi nhà vách đất mái  lợp bằng lá mía dột nát đã lâu mà không có tiền để sửa và mua sắm quà Tết cho gia đình.

Cách đó vài tháng, Trần Huy Oánh có gửi một bức tranh đến Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, nhưng không hy vọng sẽ được chọn trưng bày và càng không hi vọng có giải, vì ông mới chỉ là sinh viên. Bỗng một hôm, ông được người bạn báo tin: Trong danh sách hình như cậu được giải thưởng tại Triển lãm tranh toàn quốc[1]. Ông không tin, chỉ nghĩ rằng bạn đang trêu đùa hoặc nhìn nhầm tên. Nhưng ngay sau đó, ông nhận được giấy mời tham dự buổi tổng kết và trao giải thưởng của Triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Ông đến dự do được mời, không hề biết bức tranh cổ động “Quyết tâm tăng năng suất” về chủ điểm tăng năng suất lao động của mình được chọn trưng bày. Rồi, ông càng bất ngờ và mừng rỡ khi được Ban tổ chức xướng tên ông lên nhận giải Ba, với phần thưởng 30 vạn đồng, trong khi học bổng toàn phần mỗi tháng chỉ có 22 đồng.

Trần Huy Oánh sáng tác bức tranh "Quyết tâm tăng năng suất” dựa trên những tư liệu ghi chép khi đi thực tập tại Nhà máy xi măng Hải Phòng. Nhân vật trong bức tranh là một anh công nhân đang làm việc rất tích cực, hăng say. Theo ông, bức tranh đạt giải là nhờ nội dung chủ đề và bút pháp thể hiện của ông khá tốt.

Ông ngây ngất, vui sướng vì đó là tác phẩm đầu tiên trong đời sinh viên đã giành giải thưởng trong một triển lãm toàn quốc. Hơn nữa, đối với ông đó là tín hiệu tốt đẹp trong sự nghiệp hội họa của ông, đồng thời giúp gia đình ông qua được những khó khăn thời ấy. Trong niềm vui và hạnh phúc, Trần Huy Oánh định mở phong bì phần thưởng, nhưng nghĩ đến mẹ một mình vất vả nuôi con khôn lớn, nên ông cầm nguyên phong bì vẫn còn buộc nơ đỏ về tặng mẹ. Nhìn thấy mẹ vui mừng, tự hào, lòng ông cũng vui lây. Tết năm ấy, trong lòng ông ngập tràn sung sướng, vì đã có tiền cho mẹ sửa sang nhà cửa và sắm đồ đón Tết. Đi đến đâu mẹ ông cũng khoe về giải thưởng con trai đạt được. Phần thưởng này, không chỉ là nguồn động viên về vật chất đúng dịp Tết cổ truyền, mà còn là điểm tựa giúp ông tự tin hơn trong quá trình làm nghề.

Ngoài niềm vui gia đình, ông nhớ xiết bao không khí Tết nhộn nhịp của làng quê ngày đó. Nhà nhà lo dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường sá, xin đào, hoa lá về cắm trên bàn thờ. Người đi làm xa về đoàn tụ với gia đình râm ran tiếng cười nói. Tết đến mỗi gia đình chỉ có hộp mứt thập cẩm, vài lạng thịt, đậu xanh để gói bánh chưng, vài gói kẹo, một bánh pháo tép… nhưng ai nấy đều háo hức, đi xếp hàng từ 3 giờ sáng để mua. Cảnh chen lấn, xô đẩy, cười đùa, chí chóe khiến ông nhớ đến nao lòng.

Không khí vui tươi, háo hức khắp làng quê, nhà nhà đi mua gạo, đãi đỗ, rửa lá dong… chuẩn bị gói bánh. Rồi cùng nhau quây quần trông nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng. Trẻ con háo hức đến Tết để được đi chơi, mua bộ quần áo mới, rồng rắn kéo nhau đi chúc Tết và nhận tiền mừng tuổi. Ngày đó, vùng nông thôn chưa có điện, ngày thường không nhà ai thắp đèn, nhưng nhất định phải để dành dầu thắp đèn sáng vào ba ngày Tết.

Tết nào cũng vậy, ông Trần Huy Oánh giúp mẹ làm hai việc là gói bánh chưng và nấu chè kho. Gia đình ông thường gói bánh vào đêm ngày 28 hoặc 29 Tết, ông rửa lá, lau khô lá, đồ đỗ, giã đỗ, thái thịt, rồi gói bánh. Ông vẫn nhớ cảm giác vui sướng khi xếp bánh vào nồi và ngồi trông chờ đến khi bánh chín. Đến nay, dù đã sống ở Hà Nội nhiều năm nhưng gia đình ông vẫn giữ nếp nấu chè kho vào dịp Tết.

Ông bảo, thủa ấy ai cũng mong đến Tết, vì chỉ có Tết mới đầy đủ, được ăn ngon hơn ngày thường. Vì quanh năm nhà giàu cũng chỉ có cà muối mặn để ăn, còn nhà nghèo có gì ăn nấy trong cảnh “nước lọ, cơm niêu”. Nhưng Tết về, nhà ai cũng vui, nhà ai cũng phải có đủ tết, chẳng ai “nhòm ngó” ai.

PGS, Họa sĩ Trần Huy Oánh, 2019

Giai đoạn này, ông đã lập gia đình riêng và đón đứa con đầu lòng mới chào đời, nhưng Tết đang đến gần mà ông cũng chưa có gì để sắm sửa đón Tết. Sáng 30 Tết, ông vay được của một người bạn cũ làm nhiếp ảnh ở thành phố Nam Định 5 đồng, nhưng cũng chỉ đủ mua thức ăn cho vợ con. Về đến nhà, ông nhận được thư của bạn Đỗ Hữu Huề báo tin Bảo tàng Mỹ thuật đã mua bức tranh “Công nhân lò đọc tin vùng mỏ” với giá 500 đồng và gửi trước cho ông 100 đồng để tiêu Tết. Đúng là "chết đuối vớ được cọc". Thế là ông có tiền mua sắm đồ cho gia đình và mua quà Tết về quê biếu mẹ, họ hàng. Vậy là gia đình ông có một cái Tết ấm no, vui vầy.Năm 1961, ông học năm thứ ba hệ cao đẳng, mỗi học viên phải làm bài tập chuyên khoa, vẽ một bức tranh theo chủ đề tự chọn. Dựa vào những tư liệu, trải nghiệm có được trong chuyến đi thực tập ở Quảng Ninh, Trần Huy Oánh vẽ tác phẩm “Công nhân lò đọc tin vùng mỏ”.

Mỗi khi nhớ về hai cái Tết đó, tâm trí PGS Trần Huy Oánh luôn hòa trộn niềm vui và sự xúc động. Những bức tranh do ông sáng tác thật sự là cứu cánh trong những hoàn cảnh của một thời khó khăn. Gia đình ông không chỉ có cái Tết ấm no, phấn khởi, mà vui hơn là sự nghiệp hội họa của ông đang dần được đón nhận và có quyền hi vọng vị trí của ông trong giới làm nghề sẽ được khẳng định.

Đến nay, PGS Trần Huy Oánh đã trải qua nhiều cái Tết trong cuộc đời, nhưng hình ảnh Tết xưa vẫn luôn sống mãi trong tâm trí, gợi nhớ thương cho ông mỗi dịp chuẩn bị đón Tết. Với ông, Tết xưa dù đơn sơ, thiếu thốn nhưng có những nét thi vị riêng, trở thành một phần ký ức đẹp không bao giờ quên.

Tạ Anh